Xã hội Ai Cập cổ đại cuối thời Trung vương quốc
Ai Cập cổ đại cuối thời Trung vương quốc đã nổ ra nhiều cuộc khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo đã tạo cơ hội cho người Hyksos chinh phục và cai trị Ai Cập.
1. Phong trào khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo thời Trung vương quốc
Cuối thời Trung vương quốc, chính sách mậu dịch và chính sách vũ trang xâm lược càng mở rộng thì quý tộc và thương nhân càng vơ vét thêm nhiều của cải và nô lệ. Mọi của cải đều tập trung trong tay giai cấp thống trị. Nô lệ, dân nghèo và ngay cả một bộ phận lớn trong tầng lớp trung gian đều bị bóc lột tàn khốc. Mâu thuẫn không thể điều hòa giữa chủ nô và nô lệ, giữa người giàu và kẻ nghèo đã làm nổ ra nhiều cuộc bạo động và khởi nghĩa lớn. Phong trào khởi nghĩa kéo dài liên tục khoảng 40 năm. Rất tiếc là sử liệu về thời Trung vương quốc này còn quá ít, nhưng qua một số tài liệu ít ỏi đó, người ta cũng đoán biết được tầng lớp nông dân Ai Cập bị áp bức đã nhiều lần nổi dậy khởi nghĩa, quy mô rất lớn.
Nửa đầu thế kỷ XVIII trước công nguyên, nhiều cuộc bạo động lẻ tẻ đã nổ ra khắp nơi. Đến khoảng năm 1750 trước công nguyên, các cuộc bạo động đó đã hợp lại thành một phong trào khởi nghĩa to lớn chưa từng thấy, kéo dài trong suốt 40 năm. Giữa thế kỷ XVIII trước công nguyên, các cuộc khởi nghĩa nô lệ và dân nghèo ở Ai Cập chính là cuộc khởi nghĩa như vậy. Đáng tiếc là những sử liệu rời rạc còn giữ lại không thể cho chúng ta biết một cách tường tận nguyên nhân, diễn biến và hậu quả của các cuộc khởi nghĩa: vì sao khởi nghĩa nổ ra, ai lãnh đạo khởi nghĩa, chính quyền mới được tổ chức như thế nào, thực hành những biện pháp gì, khởi nghĩa cuối cùng bị trấn áp ra sao?… những vấn đề đó, người ta chưa được biết. Tuy vậy, có thể nói nguyên nhân thất bại chủ yếu của các cuộc khởi nghĩa đó là tính tự phát của phong trào, là sự thiếu thống nhất hành động giữa nô lệ và dân nghèo. Điều này trước hết là do trong xã hội cổ đại đã có sự phân biệt thân phận giữa nông dân tự do và nô lệ, mà nhất là do ý thức của quần chúng khởi nghĩa lúc bấy giờ chưa nhận thấy sự cần thiết phải thủ tiêu chế độ xã hội đương thời, chưa biết cách làm thế nào để giữ lấy chính quyền.
Tình hình về các cuộc khởi nghĩa ở thế kỷ XVIII trước công nguyên được ghi chép trong hai tài liệu còn lưu lại đến ngày nay là: Lời khuyên răn của Ipuxe (Viết trên giấy papyrus, hiện cất giữ ở Viện bảo tàng Leiden, Hà Lan) và Lời tiên đoán của Nephecti (Cũng viết trên giấy papyrus và hiện cất giữ ở Viện bảo tàng Ermitazh ở Saint Petersburg). Tài liệu thứ nhất tìm thấy ở một ngôi mộ vùng Sahara, gần Memphis, là nguyên bản, tuy đã mất đi phần mở đầu và phần kết luận, nhưng phần chính yếu thì còn giữ lại được; phần này gồm có 9 chương, viết theo thể thơ. Qua nội dung của hai tài liệu này; lời lẽ đầy hẳn học và phỉ báng quần chúng khởi nghĩa, người ta có thể đoán được rằng tác giả của nó là thuộc tầng lớp quý tộc chủ nô giàu có đương thời.
Tình hình xã hội Ai Cập cổ đại cuối thời Trung vương quốc, qua hai tài liệu đó đại để như sau:
Người ngoại tộc tràn vào Ai Cập, các châu bị cướp phá. Miền trung châu bị bỏ ngỏ; các bộ lạc du mục ở ngoài vào như nạn ôn dịch, đốt sạch và giết sạch. Tiếp theo đó là cuộc trỗi dậy của đám dân nghèo. Tại các thành phố, mọi người đều hô lớn: “Hãy tiêu diệt bọn quyền quý trong xã hội chúng ta”. Cả nước bị đảo lộn như một bánh xe đang quay tít. Bọn ăn cắp trở thành chủ nhân; người ta tước đoạt và lăng nhục những người có của; những thị dân mặc đồ lanh mịn đều bị đè ra đánh đập. Trong nước đâu đâu cũng đầy cả những kẻ phiến loạn; đường sá không nơi nào an toàn, người đi ra đồng cày ruộng cũng mang theo giáo mác; các đàn súc vật bị thả lỏng không có người chăn; đồng ruộng bị bỏ phế; mùa màng không ai gặt hái; nạn đói xảy ra khắp nơi. Các kho tàng bị cướp phá, đốt cháy; những người giữ kho cũng bị giết chết. Mậu dịch với nước ngoài bị đình chỉ; người ta không thể sang Liban mua gỗ thông và dầu thông về ướp xác chết được nữa. Vàng và các tài nguyên khác bị vơ vét sạch. Không có một thợ thủ công nào làm việc nữa; bọn thù địch đã cướp sạch đồ đạc trong nhà xưởng. Đói kém, chết chóc, tàn phá hoành hành khắp mọi nơi. Biết bao nhiêu người không còn nhà cửa, đi lang thang, sống dưới những túp lều. Thất vọng bao trùm, đến nỗi người ta không muốn sinh con đẻ cái nữa. Sông Nile dù có đem lại nước lũ đầy chặt phù sa màu mỡ, người ta cũng không buồn cày cấy nữa vì ai cũng tự hỏi: “Không biết rồi sẽ ra sao đây?”.
Nói đến các cơ quan trong bộ máy nhà nước lúc bấy giờ, tài liệu viết: “Không còn trật tự, kỷ luật gì nữa: người ta phá phách các cung điện nhà vua, người ta xục xạo vào các nơi bí mật để thiêu hủy những hồ sơ, sổ sách của cơ quan tư pháp, tài chính, đạc điền. Trong pháp đình tráng lệ và uy nghiêm, mọi giấy tờ đều bị đánh cướp, những việc bí mật đều bị tiết lộ. Các công sở đều bị mở toang. Những khế ước đều bị cướp sạch, bây giờ những kẻ tôi tớ trở thành những người chủ nhà. Các viên chức đều bị giết chết, tài liệu của họ bị tịch thu. Các bộ luật của pháp đình bị vứt ra hành lang và bị người ta dẫm đạp lên. Dân nghèo đi lại tự do trong các cung điện…”.
Ipuxe và Nephecti tỏ ra căm thù những người khởi nghĩa khi hai ông miêu tả cuộc tấn công của họ vào quyền uy của nhà vua như sau: “Tính thiêng liêng của nhà vua Ai Cập đã bị xúc phạm; bọn người không biết có trời, có đất kia dám chống lại nhà vua. Những người bạo động thậm chí còn bắt trói nhà vua đem đi. Di hài của tổ tiên nhà vua, người ta cũng không tha thứ; những thứ chôn giấu trong các Kim tự tháp bây giờ cũng bị cướp sạch; bí mật quốc gia và bị mật thần thánh đều bị tiết lộ; trong nước không còn vương quyền nữa, mà thần quyền cũng sụp đổ. Triều đình đã bị lật đổ chỉ trong một giờ; cung điện của nhà vua bị đốt cháy thành than. Kho tàng nhà vua bị cướp phá và trở thành tài sản của mọi người; quốc khố không còn khoản thu nhập nào nữa. Không một viên quan nào của nhà vua còn tại chức. Tất cả như một đàn súc vật không có người chăn. Các quan lại trong nước đều bỏ trốn; những người trong hoàng gia đều bị đuổi ra khỏi chốn hoàng cung…”.
Tài liệu của Ipuxe viết: “Hãy xem: đám người thậm chí không có lấy một con gia súc trong tay mà lại trở thành chủ nhân của hàng đàn gia súc. Hãy xem: đám người vốn không thể tìm ra được một con trâu để cày ruộng mà nay lại trở thành chủ nhân của hàng chục đàn súc vật lớn. Hãy xem: những người không thể tự dựng cho mình được một túp lều tranh, thế mà nay họ đã trở thành chủ nhân của các ngôi nhà to lớn. Hãy xem: Những người giàu có thì nhịn đói mà ngủ, còn bọn đi ăn mày, ăn xin thì lại được ăn các thứ cao lương, mỹ vị. Hãy xem những người thường ăn mặc đẹp thì nay quần áo rách rưới, còn những người trước đây không có tấm vải che thân thì nay lại mặc đủ các thứ gấm vóc xinh đẹp…”.
Trong tài liệu của Nephecti cũng có những đoạn tường thuận tương tự: “Ăn cướp tài sản của nhà giàu đem cho người nghèo. Những kẻ giàu có bị tổn thất, còn bọn dân nghèo thì rất vui mừng…”.
Trong Lời khuyên răn của Ipuxe cũng có rất nhiều đoạn nói đến việc nô lệ tham gia khởi nghĩa của dân nghèo hồi thế kỷ XVIII trước công nguyên. “Người dã man ở đâu đâu cũng trở thành người Ai Cập”, “Nhà nước dã man đã lan rộng ra toàn Ai Cập”. Số đông nô lệ ở Ai Cập là chiến tù nước ngoài, mà người nước ngoài thì bị quý tộc Ai Cập coi khinh, cho là kẻ dã man. Do đó chữ “dã man” dẫn trong tài liệu là chỉ nô lệ khởi nghĩa đã được giải phóng. Tài liệu còn nói đến việc dân nghèo khởi nghĩa đã kéo đến những nơi nô lệ bị giam giữ, mở toang nhà giam để họ cùng ra tham gia khởi nghĩa: “Bọn người vốn không hề biết ánh sáng mặt trời, bây giờ đã xuất hiện một cách tự do”. Qua những sự việc dẫn ra tên đây, chúng ta có thể khẳng định rằng những cuộc khởi nghĩa nổ ra ở Ai Cập cuối thời Trung vương quốc thực sự là những cuộc khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo.
2. Người Hyksos chinh phục và cai trị Ai Cập cổ đại cuối thời Trung vương quốc
Những cuộc khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo đã tạo cơ hội cho người Hyksos tuy cuối cùng cũng bị thất bại, nhưng đã làm lay chuyển cơ cấu của nhà nước chiếm hữu nô lệ Ai Cập. Đây chính là cơ hội rất tốt cho người Hyksos, thuộc các bộ lạc du mục sống ở vùng Syria và Palestine, lợi dụng để xâm lược Ai Cập. Cuối thời Trung vương quốc, khoảng năm 1710 trước công nguyên, nhân tình hình loạn lạc ở Ai Cập, người Hyksos đã tràn vào, dần dần chinh phục đại bộ phận đất đai của Ai Cập và cuối cùng đặt nền thống trị của họ ở đây ngót một trăm năm mươi năm (1710-1560 trước công nguyên), ở giữa hai thời kỳ Trung vương quốc và Tân vương quốc.
Nền thống trị của người Hyksos ở miền Bắc Ai Cập chặt chẽ hơn vững chắc hơn so với ở miền Nam xa hơn và khó kiểm soát hơn. Thủ đô của họ là Avaris ở phía đông tam giác châu sông Nile. Theo sử gia Manetho, thì cuộc xâm lược của người Hyksos rất tàn bạo; đi đến đâu họ cũng đốt phá thành thị, hủy hoại lăng miếu, đền đài, giết chóc thường dân và bắt người làm nô lệ. Một số tài liệu viết ở thời Tân vương quốc còn lưu lại, cũng có nói đến chính sách thống trị tàn bạo của người Hyksos và gọi họ là những người “đáng nguyển rủa”.
Trong hơn một trăm năm bị đô hộ, người Ai Cập luôn luôn nổi dậy chống lại, cuối cùng đã đánh đuổi được người Hyksos xâm lược, giành lại tự do và độc lập cho đất nước mình. Lãnh đạo phong trào đấu tranh giải phóng Ai Cập lúc ấy là một người quý tộc tên là Ahmose ở thành Thebes, thuộc miền Nam Ai Cập, nơi mà nền thống trị của người Hyksos không được vững chắc lắm. Khi sự nghiệp giải phóng toàn bộ Ai Cập đã hoàn thành (năm 1560 trước công nguyên), Ahmose trở thành người sáng lập vương triều XVIII, mở đầu một thời kỳ mới trong lịch sử Ai Cập: Thời kỳ Tân vương quốc.
Ai Cập cổ đại cuối thời Trung vương quốc
– LichSu.Org –
2 thoughts on “Ai Cập cổ đại cuối thời Trung vương quốc”