Ai Cập thời kỳ cổ vương quốc [3000 – 2400 trước công nguyên]

Ai Cập thời kỳ cổ vương quốc

Ai Cập thời kỳ cổ vương quốc là thời kỳ hình thành quốc gia chiếm hữu nô lệ trung ương tập quyền với sự phát triển mạnh về chính trị, quân sự và văn hóa.

Đây là thời kỳ thống trị của các vua thuộc bốn vương triều, từ vương triều thứ III đến vương triều thứ VI, tức là vào khoảng từ năm 3000 đến năm 2400 trước công nguyên.

1. Đặc điểm kinh tế – xã hội

Sự thống nhất đất nước Ai Cập đã tạo điều kiện cho nhà nước Ai Cập tiến hành việc cải tiến và mở rộng hệ thống thủy lợi trên quy mô toàn quốc, như đào sông ngòi, ao hồ, tu bổ và đắp thêm đê điều mới. Nhà nước còn đặt ra các chức nông quan có nhiệm vụ trông nom các công trình thủy lợi trong nước. Sức sản xuất nông nghiệp do đó được nâng cao thêm một bước. Qua những điều ghi chép trên các bia đá, có thể biết được ở Ai Cập lúc này đã có trồng nhiều loại ngũ cốc và cây nông nghiệp. Người Ai Cập cổ đại đang còn dùng cuốc bằng đá hoặc bằng gỗ để trồng trọt, còn loại cuốc có lưỡi sắt thì chỉ đến thời Tân vương quốc mới có. Gặt lúa cũng dùng liềm bằng đá. Đập lúa thì dùng trâu bò.

Thủ công nghiệp đã phát triển bước đầu. Khoáng sản ở Ai Cập và ở các vùng lân cận phong phú: vàng ở Nubia, đồng ở Sinai, chì và thiếc ở Aswan (biên giới phía Nam) và ở ven biển Hồng Hải, đá quý như đá hoa cương, các loại đá vân mẫu, mica đỏ, bích ngọc, … thì nhiều nơi có. Người Ai Cập cổ đại đã biết cách nấu quặng và chế biến kim loại. Trong thủ công nghiệp, gỗ được dùng một cách rộng rãi. Gỗ ở Ai Cập ít. Từ lâu, người Ai Cập đã phải chở gỗ từ nước ngoài vào, đặc biệt là các loại gỗ quý ở xứ Liban dùng làm vật liệu kiến trúc. Nghề làm đồ gốm là một trong những ngành thủ công phát triển nhất. Nghề làm đồ thủy tinh cũng đã bắt đầu có. Về nghề dệt, nghề thuộc da, nghề xây dựng, người Ai Cập cũng đã có những tiến bộ nhất định.

Do nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, sản phẩm thừa đã bắt đầu có nhiều: quan hệ trao đổi được đẩy mạnh. Việc buôn bán ở trong nước và buôn bán ở nước ngoài chủ yếu còn dùng hình thức lấy vật đổi vật. Tuy nhiên, thời Cổ vương quốc, tiền tệ cũng đã bắt đầu xuất hiện dưới hình thức những mảnh kim loại. Trong nhiều sử liệu, thường có nói tới việc buôn bán với nước ngoài. Trong nước thì việc buôn bán giữa hai miền Nam – Bắc được thực hiện bằng đường thủy trên sông Nile.

Tình hình đời sống của nông dân công xã và nô lệ Ai Cập cổ đại
Tình hình đời sống của nông dân công xã và nô lệ Ai Cập cổ đại

2. Tình hình đời sống của nông dân công xã và nô lệ Ai Cập cổ đại

Ở Ai Cập cổ đại, quyền sở hữu tối cao về ruộng đất trong cả nước thuộc về quốc vương gọi là Pharaon. Pharaon trực tiếp nắm trong tay rất nhiều ruộng đất, lập thành những hoàng trang. Một số lớn ruộng đất thì tập trung về các đền chùa hoặc về tay lớp đại quý tộc quan liêu.

Đại bộ phận nhân dân lao động Ai Cập lúc đó là những nông dân công xã. Nghề chính của họ là làm ruộng và chăn nuôi gia súc, nhưng họ cũng bị nhà nước thường xuyên bắt đi phu phen giống như nô lệ để xây dựng các công trình thủy nông và công trình kiến trúc như đền đài, miếu vũ, cung điện, chủ yếu là lăng mộ của các Pharaon – gọi là những kim thự tháp. Tất cả mọi thứ sưu dịch nặng nề đó đều dồn lên đầu quần chúng nhân dân công xã. Nhưng trong công trình xây dựng kim tự tháp, như các kim tự tháp của Kheops và của Khafre chẳng hạn, thì nhà nước dùng chủ yếu lao động của nô lệ.

Thời cổ vương quốc, nhà nước bắt đầu đánh thuế vào nông dân công xã. Nông dân cày cấy ruộng đất của công xã phải nộp thuế nặng cho nhà nước. Để tiến hành thu thuế, nhà nước đã đặt ra sổ địa bạ, cứ 2 năm một lần điều tra tình hình ruộng đất để ấn định mức thuế cho thích hợp.

Ngoài nông dân công xã chiếm đại bộ phận dân số, còn có dân số nô lệ mà số lượng ngày càng đông đảo, do yêu cầu của sự phát triển nông nghiệp, thủ công nghiệp, mậu dịch và yêu cầu xây dựng các công trình kiến trúc. Nô lệ là những nông dân công xã bị phá sản, mắc nợ nần không trả được phải bán mình cho chủ nô. Nhưng đại bộ phận nô lệ đều là tù binh bắt được trong các cuộc chiến tranh xâm lược, đa số là tù binh người Nubia, người Libya, và người thuộc các tộc miền Tiền Á.

Người Ai Cập thời cổ đại gọi tù binh là “kẻ bị giết còn sống”. Qua đó, chúng ta có thể thấy rằng có một thời kỳ trước đây do sức sản xuất còn thấp kém, tù binh bắt được đem giết đi vì giữ lại không có ích gì. Nhưng nay thì tù binh có thể dùng để sản xuất ra sản phẩm thặng dư và làm mọi công tác lao dịch nên được giữ lại, không bị đem giết đi. Chủ nô đối đãi với nô lệ như súc vật. Người AI Cập thời cổ gọi nô lệ là djet – có nghĩa là con vật. Trên tường đá của các cung điện, đền đại, lăng mộ, có khắc nhiều cảnh nô lệ cày cuốc, trồng trọt, gặt hái, hoặc làm các nghề thủ công khác nhau. Người ta cũng tìm thấy nhiều bản đá khắc những cảnh hành hạ, đánh đập, xiềng xích nô lệ.

Nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền Ai Cập thời kỳ cổ vương quốc
Nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền Ai Cập thời kỳ cổ vương quốc

3. Nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền Ai Cập thời kỳ cổ vương quốc

Thời cổ vương quốc ở Ai Cập, các Pharaon đều dùng chính sách vũ trang xâm lược các nước láng giềng để cướp đoạt của cải và nô lệ. Pharaon thứ nhất của vương triều III là Djoser hầu như trong suốt thời thống trị của mình không lúc nào là không gây chiến tranh cướp bóc. Pharaon cuối cùng của vương triều này là Huni cũng vậy. Mục tiêu xâm lược chính của các Pharaon thuộc vương triều III là Nubia và Sinai. Chính sách xâm lược của các Pharaon một mặt đã gây nhiều nỗi thống khổ cho nhân dân vì họ buộc phải rời xa đồng ruộng, quê hương để đi đánh nhau xa xôi, mặt khác làm tăng thêm của cải và nô lệ cho giới quý tộc chủ nô giàu có và tăng cường quyền lực của các Pharaon. Trên cơ sở quyền lực đó, đặc biệt là quyền sở hữu tối cao của các Pharaon đối với toàn bộ đất đai trong cả nước mà đã hình thành nhà nước chuyên chế Ai Cập thời kỳ cổ vương quốc.

Pharaon được coi là một vị thần sống. Quyền lực của Pharaon là vô hạn: bất cứ là thường dân hay quý tộc, mọi người đều phải quỳ lạy trước nhà vua. Quý tộc muốn tâu với nhà vua điều gì thì phải cúi đầu, úp mặt sát đất bên cạnh chân vua, chứ không được phép hôn chân vua. Về sau quyền lực của Pharaon bị suy yếu, đã có một quý tộc sai người khắc trên một bản đá, nói một cách tự hào rằng: khi yết kiến nhà vua, y đã được phép hôn chân vua! Tên vua cũng như tên thần là húy kị không được gọi tới, cho nên phải gọi vua và “Pharaon”, có nghĩa là “kẻ ngự trong cung điện”. Người ta cũng gọi Pharaon là “con thần Ra” (thần Mặt Trời). Những tên gọi đó một mặt phản ánh bản chất giai cấp của tôn giáo Ai Cập thời cổ đại, mặt khác phản ánh quyền lực vô hạn của nhà nước chuyên chế và của nhà vua đã được người cổ Ai Cập thần thánh hóa.

Mệnh lệnh của Pharaon tuyên bố tại Hội đồng vương quốc hay trước Tòa án tối cao của nhà vua. Lúc này chưa có pháp luật hoàn chỉnh, hằng ngày nhà vua tùy tiện định ra luật lệ. Cái gì vua yêu là hợp pháp, cái gì vua ghét là bất hợp pháp. Những kẻ phạm pháp đều bị câu thúc thân thể. Họ thường là những người không nộp đủ thuế cho nhà nước. Ngoài chức năng cai trị tối cao, thẩm phán tối cao và lãnh tụ quân sự, Pharaon sống trong cung điện lộng lẫy, giữa đông đảo những người thân nhân trong hoàng tộc và đám đình thần thân tín nhất. Cuộc sống trong cung đình cực kỳ xa hoa. Nhà nước Ai Cập thời Cổ vương quốc đáng được xem là nhà nước chuyên chế điển hình trong các quốc gia cổ đại phương Đông.

Giúp việc cho Pharaon ở trung ương có một chức thừa tướng gọi là Vizier – vị đại thần thân tín nhất của nhà vua. Dưới Vizier là một bộ máy quan liêu cồng kềnh gồm các quan lại cao cấp và đông đảo các thư lại Scribe là tầng lớp người có học vấn thời bấy giờ. Chưa có sự phân công, phân nhiệm rành mạch giữa các bộ phận của nhà nước, nhưng đại khái dưới vương triều nào cũng có ba loại quan viên sau đây: quan phụ trách tài chính, lo việc coi sóc kho tàng, giữa quốc khố, trưng thu thuế má, giữa sổ sách địa bạ,… ; quan phụ trách các vấn đề kinh tế xã hội, trông nom công tác sản xuất, đắp đường sá, đê điều, xây dựng các công trình,… ; và quan chăm lo việc binh bị.

Ở địa phương thì chính quyền nằm trong tay các Nomarch – tức là chúa châu, thay mặt Pharaon để cai trị các “nôm”, do đó chúa châu, cũng là tăng lữ, thẩm phán và người chỉ huy quân sự cao nhất của địa phương. Chúa châu cũng có thể không phải là quý tộc địa phương, mà là quan lại ở trung ương hoặc là người trong hoàng tộc được nhà vua trực tiếp bổ nhiệm đến cai trị các “nôm”. Quân đội thường trực thời kỳ này chưa có. Chỉ khi có chiến tranh mới động viên người dân các châu nhập ngũ tòng quân. Lúc đó, các châu đều có nhiệm vụ cung cấp binh sĩ và cả dân công cùng lừa ngựa để vận chuyển vũ khí và lương thực. Bình thường thì chỉ có một đạo quân xạ thủ gồm người Libya và Nubia đi đánh thuê mà thôi. Riêng nhà vua thì có một đội cận vệ thường trực theo hầu.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.