Câu chuyện Archimedes giữ thành Syracuse

Archimedes giữ thành Syracuse

Archimedes giữ thành Syracuse là câu chuyện kể lại cuộc đọ sức giữa một đội chiến thuyền hùng mạnh của quân La Mã với thành Syracuse do Archimedes chỉ huy.

Archimedes đã chỉ đạo cách làm vũ khí và tổ chức cuộc phòng ngự khoa học, nhờ đó thành Syracuse đã đứng vững và đẩy lùi được cuộc tiến công đầu tiên của quân đội La Mã của thống tướng Marcellus.

Thành Syracuse chuẩn bị cho cho trận chiến với quân La Mã

Vào khoảng đầu thế kỉ thứ III trước công nguyên [1] thành Syracuse, quê hương của nhà bác học thiên tài Archimedes bị quân La Mã [2] lăm le xâm lược. Hạm đội La Mã với đầy đủ vũ khí, lương thực, dưới sự chỉ huy của danh tướng Marcus Claudius Marcellus đang ráo riết chuẩn bị một cuộc chiến tranh nhằm đánh bại quân Hy Lạp trên đảo Sicily [3].

Vua Hiero trẻ tuổi của Syracuse hiểu rõ nếu so lực lượng quân sự của Syracuse với quân xâm lược La Mã thì chẳng khác gì trứng chọi đá). Giờ chỉ còn cách duy nhất là kết hợp được sức mạnh trí tuệ với tinh thần yêu nước mới có thể chống chọi nổi với những binh đoàn thiện chiến La Mã. Vậy là hoàng đế lập tức cho triệu Archimedes vào cùng bàn kế đánh giặc.

Từ hôm đó, nhà bác học phải tạm dừng tất cả công việc nghiên cứu tìm tòi khoa học để tập trung vào việc thiết kế chế tạo vũ khí.

Chẳng bao lâu, từ công binh xưởng [4] của Archimedes ùn ùn trở ra những vũ khí kỳ lạ với đủ mọi hình thù khác nhau. Khi các chiến thuyền của Marcellus vừa rời cảng La Mã thì các loại vũ khí tinh xảo đều được Archimedes cho đưa vào các vị trí đã được tính toán chính xác trên mặt thành.

Màn sương dần tan. Những chiến thuyền La Mã đầu tiên đã xuất hiện trên vùng biển Hy Lạp. Đi đầu là chiến thuyền sáu tầng chèo [5] cao lênh khênh đang nhằm thẳng hướng đảo Sicily lao tới. Thống tướng [6] Marcellus đứng trên mũi thuyền, đầu đội mũ có chỏm lông, mình mặc giáp sắt, miệng lớn tiếng chỉ huy. Tù khổ sai [8] trên các tầng bị xích vào với mái chèo càng mải miết chèo. Chiếc thuyền chỉ huy dẫn cả hạm thuyền tiến nhanh về phía Syracuse.

Trên mặt thành, quân lính Syracuse yên lặng chờ đợi. Archimedes đứng trên chòi cao chăm chú quan sát. Thuyền tới cách bờ chừng trăm sải, lính La Mã đã bắt đầu tuốt gươm sửa soạn nhảy lên bờ.

Truyện Archimedes giữ thành Syracuse
Truyện Archimedes giữ thành Syracuse

Archimedes giữ thành Syracuse

Bỗng hiệu lệnh chiến đấu trong thành vang lên giòn giã. Lập tức hàng trăm mũi lao sắc nhọn từ những máy phóng lao vút lên không. Nhìn những ngọn lao xé không khí như sắp giáng xuống đầu những đòn sấm sét, quân lính La Mã rú lên vô cùng khiếp sợ. Một ngọn lao cắm phập vào giữa ngực tên lính cao lớn; hắn không kịp kêu một tiếng, đổ vật xuống sàn thuyền. Ngọn lao thứ hai cắm vào cánh tay gân guốc một tên cầm chèo, ghì chặt luôn hắn vào ván thuyền. Ngọn lao thứ ba nhằm đúng cái mũ có chỏm lông của Marcellus mà phóng tới. Thống tướng La Mã vội hoa gươm lên đỡ gạt; ngọn lao văng mạnh sang bên, quật vào vai một viên phó tướng hất văng ngã xuống biển. Marcellus kinh hoàng, vội nép vào trong khoang thuyền để tránh trận mưa lao. Quân lính La Mã trên soái thuyền [7] nhốn nháo tìm nơi trú ẩn.

Marcellus cho lùi soái thuyền xuống phía sau và đốc thúc hạm thuyền liều chết tiến lên. Từ trên chòi cao, Archimedes quan sát thấy quân địch dùng mộc che đỡ và cố sống chết tiến vào bờ. Vị “Tổng công trình sư” tài giỏi liền ra hiệu cho đơn vị sử dụng máy bắn đá hoạt động. Loạt đạn đá đầu tiên từ các vị trí chiến đấu phóng ra vẽ thành hình cánh cung trên không rồi thi nhau rơi xuống các chiến thuyền La Mã đang xếp thành đội hình ken nhau san sát. Những tảng đá khổng lồ to bằng cái hòm nhấn chìm các thuyền nhỏ, làm nghiêng ngả các thuyền nhỡ, đập vỡ từng mảng ván trên các thuyền lớn. Binh lính La Mã kêu la váng trời, tìm đường rúc vào trong khoang để tránh bị đá nghiền nát. Đội hình của hạm thuyền La Mã bị phá vỡ rối loạn.

Một chiếc thuyền bốn tầng chèo bị vỡ cả mũi vẫn cố tiến sát vào gần bờ, Archimedes thấy đã đến lúc cho sử dụng một loại vũ khí mới. Quân La Mã đang hò hét mong áp đảp tinh thần đối phương bỗng thấy một vật kì lạ nom như con sếu khổng lồ vươn dài cái cổ ghé xuống sát mũi thuyền. Lính La Mã trên thuyền chưa kịp hiểu ra sao thì đã thấy “con sếu” há mỏ cặp chặt lấy thuyền, rồi từ từ nâng bổng lên. Mấy tên lính đứng gần đó vội vung gươm chém tới tấp. Nhưng lưỡi kiếm thì mẻ quằn mà cái mỏ bằng sắt vẫn nhấc bổng cả chiếc thuyền lớn lên cao. Quân lính bị xô dồn vào một góc đè lên nhau kêu oai oái, những tên không kịp bấu víu vào đâu đều bị rơi tõm xuống nước… Thế rồi chiếc mỏ đang cặp thuyền bất thần há rộng vừa lúc có một chiếc thuyền khác xông tới. Chiếc thuyền từ trên độ cao gần chục sải [8] lao thẳng xuống với một tốc độ khủng khiếp. “Rầm!”. Hai chiếc thuyền va vào nhau vỡ tan ra từng mảnh, rồi chìm xuống biển sâu với tất cả quân lính trên đó.

Thống tướng Marcellus ra lệnh cho chiếc thuyền sáu tầng chèo lớn nhất hạm thuyền tiến lên trước. Ông ta tin rằng không một thứ máy móc nào của Archimedes có thể cắp nổi chiếc thuyền khổng lồ này mà đưa lên cao. Đợi cho chiếc thuyền vào đúng tầm, Archimedes liền ra hiệu cho các binh sĩ sử dụng vũ khí “nặng” bắt đầu hoạt động. Họ nhanh nhẹn quay những bàn tời [9] thả chùng các dây xích to bằng bắp tay, miệng hò hét thị uy. Quân La Mã lo lắng nhìn thứ vũ khí lạ nom giống như hai cánh tay khổng lồ từ trong chiến lũy cứ vươn mãi, vươn mãi tới sát mạn thuyền. Marcellus nhìn vũ khí mới của Archimedes vẫn cười khẩy, coi thường ra mặt. Cánh tay khổng lồ vừa nắm chặt vào mép thuyền mà lúc lắc, bọn lính trên thuyền đã rú lên sợ hãi, chúng vứt cả vũ khí và xô nhau chạy về phía cuối thuyền. Dây xích từ từ căng lên như dây đàn. Các chiến binh Syracuse cố dùng hết sức bàn quay tời. Trục tời rít lên từ từ chuyển động. Mũi thuyền dần dần bị khéo lên, Marcellus ra lệnh cho bọn lính phải dồn trở lại phía mũi thuyền để đè mạnh xuống. Cánh tay khổng lồ bất ngờ lật úp thuyền. Bọn lính trên thuyền chưa kịp kêu lên một tiếng đã bị dìm chết cùng với chiến thuyền lớn nhất của hạm đội La Mã.

Không nén nổi tức giận, viên thống tướng La Mã liền cho bốn chiếc thuyền loại sáu tầng nữa chèo vào, tiếp tục tiến lên. Bất nhờ từ trên chiến lũy lại vươn ta hàng loạt cánh tay khổng lồ nữa. Chỉ trong phút chốc, đội thuyền lớn của La Mã lại bị những vũ khí kì diệu của Archimedes lật sấp và nhấn chìm. Những chiếc thuyền còn lại không dám liều mạng xông lên nữa. Marcellus buộc phải hạ lệnh rút quân.

Cả hạm thuyền La Mã đành chịu thất bại mà lặng lẽ lùi dần ra ngoài khơi xa, để lại trên mặt biển những mảnh ván và bơi chèo dập dềnh theo sóng. Syracuse đã toàn thắng trận đầu, mà không một người bị thương.

Câu chuyện Archimedes giữ thành Syracuse – LichSu.Org
Theo Vũ Kim Dũng

Chú giải thích trong câu chuyện Archimedes giữ thành Syracuse

  1. Công nguyên: năm đầu tiên tính theo lịch của Thiên chúa giáo, thời gian tiếp theo đó là sau công nguyên, trước đó là trước công nguyên (Xem thêm Cách tính niên đại trong lịch sử để hiểu rõ hơn).
  2. La Mã: một dân tộc hùng mạnh trở thành đế quốc La Mã, ở vào khoảng nước Italia ngày nay.
  3. Đảo Sicily: hòn đảo lớn gần Italia bây giờ, thành Syracuse thời xưa ở đó.
  4. Công binh xưởng: nơi chế tạo ra các thứ vũ khí.
  5. Thuyển sáu tầng chèo: thuyền chiến ngày xưa ở La Mã do các tù khổ sai chèo. Họ bị xếp thành từng dãy, từng tầng một cách khéo léo để có thể ngồi được nhiều mà khi trèo không cản trở nhau, họ bị xích vào chỗ ngồi và vào mái chèo, chỉ còn biết chèo như cái máy.
  6. Thống tướng: tướng chỉ huy toàn bộ lực lượng quân lính ra trận.
  7. Soái thuyền: chiếc thuyền của vị chỉ huy cao nhất.
  8. Sải: đơn vị thơi xưa đo chiều dài, khoảng một sải tay người lớn, chừng hơn 2m.
  9. Bàn tời: bàn có ống gỗ tròn và tay quay, buộc dây vào đó rồi quay cuốn dây vào để tời kéo hoặc nâng vật nặng.

Những câu chuyện kể về danh nhân thế giới

Những câu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của các bậc danh nhân thế giới được LichSu.Org giới thiệu sẽ cung cấp cho bạn những thông tin về các nhân vật nổi tiếng ở mọi lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn học, khoa học, nghệ thuật, v.v… Những trí tuệ tầm vóc của họ đã vượt lên trên thời đại, cống hiến hết mình cho cuộc sống và văn minh của toàn nhân loại.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.