Cải cách tôn giáo dưới đời Echnaton
Cải cách tôn giáo dưới đời Echnaton do vua Amenkhotep IV muốn chấn hưng lại vương quyền đã dẫn tới sự thành lập của vương triều XIX ở Ai Cập thời cổ đại.
1. Cuộc cải cách tôn giáo của Echnaton
Vì muốn duy trì địa vị của mình, các Pharaon thuộc vương triều Pharaon XVIII đã phải dựa vào thế lực của tầng lớp tăng lữ cao cấp thờ thần Amun, và đem rất nhiều vàng bạc, đất đai cúng cho các đền đài, khiến cho tầng lớp tăng lữ trở nên rất giàu có. Dựa vào thế lực kinh tế đó, tầng lớp tăng lữ ngày càng tăng cường can thiệp vào công việc nội chính và dần dần thao túng chính quyền trung ương, họ thường cử người của mình ra giữ chức Vidia và thường gây áp lực đối với các Pharaon.
Lực lượng quân sự của Ai Cập và quyền lực của Pharaon càng yếu đi thì thế lực của tập đoàn tăng lữ càng mạnh lên. Đến đời Amenhotep IV (1424 – 1388 trước Công nguyên), quyền lực của tập đoàn tăng lữ đã lấn áp nhiều quyền lực của Pharaon. Amenhotep IV muốn thoát khỏi sự khống chế đó, liền thực hành một cuộc cải cách tôn giáo lớn nhằm đánh đổ thế lực của tập đoàn tăng lữ thờ thần Amun để chấn hưng vương quyền (1400 trước Công nguyên). Ông quyết định đề xướng một tôn giáo khác, tôn giáo thờ thần Mặt trời Aten.
Ông ra lệnh xây dựng rất nhiều đền đài nguy nga và kiến trúc đồ sộ khác để thờ thần Aten ở khắp nơi và ngay cả ở Thebes, vùng trung tâm của tôn giáo thờ thần Amun. Tất nhiên là cải cách tôn giáo đó đã gây nên sự căm phẫn và sức chống đối rất mãnh liệt về phía tầng lớp tăng lữ và quý tộc cũ ở địa phương. Amenhotep IV quyết định đánh mạnh hơn nữa vào tầng lớp này để đè bẹp mọi sự phản kháng. Ông hạ lệnh cấm chỉ mọi việc thờ cúng, lễ bái các vị thần khác và chỉ cho phép người dân trong nước được thờ một vị thần Mặt trời Aten. Các đền đài cũ đều bắt buộc phải đóng cửa. Đa số tăng lữ đều buộc phải trở về đời sống trần tục.
Các thợ đá được phái đi khắp nơi để xóa tên các vị thần, kể cả thần Amun, đã được khắc trước đây trên các bia đá và tượng đá ở các đền đài, lăng tẩm, cung điện. Thậm chí, Amenhotep IV còn xóa bỏ cả tên hiệu của vua cha là Amenhotep III (vì trong tên hiệu đó có kềm chữ Amun) và thay đổi cả tên hiệu cũ của mình nữa để lấy tên hiệu mới là Echnaton (hay cũng gọi là Akhenaten – có nghĩa là “người được thần Aten ưa chuộng”).
Để xác lập tôn giáo chính thống, Echnaton quyết định rời bỏ thành Thebes, xây kinh đô mới là Akhenaten (có nghĩa là “chân trời của thần Aten), cách kinh đô cũ 300 km về phía bắc ở tại thành Amarna ngày nay.
Nhưng, như trên đây đã nói, địa vị của Ai Cập ở các miền Châu Á bị chinh phục đã bị lung lay mạnh. Trong lúc đó thì ở trong nước, Echnaton phải tiến hành đấu tranh với tập đoàn tăng lữ và quý tộc địa phương trong 15 năm ròng rã. Trong cuộc đấu tranh này, ông chỉ thu được những thắng lợi tạm thời, chứ không thể tiêu diệt hẳn thế lực của tập đoàn tăng lữ cũ và cũng không thể tiêu diệt được xu thế cát cử của quý tộc thống trị các châu, để thực hiện thống nhất quốc gia theo chế độ trung ương tập quyền chuyên chế.
Mâu thuẫn giai cấp trở nên rất sâu sắc. Những khó khăn về kinh tế và tài chính của chính quyền Echnaton ngày càng lớn. Lợi dụng tình hình đó, tập đoàn tăng lữ tăng cường hoạt động lật đổ Echnaton và phá hoại cải cách tôn giáo. Cuộc đấu tranh đang tiếp diễn thì Echnaton chết. Giai cấp tăng lữ cũ liền xóa bỏ cải cách của Echnaton, khôi phục lại hoàn toàn tôn giáo thờ thần Amun. Ruộng đất của các đền đài bị tịch thu được thu hồi lại. Thành Akhenaten bị phế bỏ. Thủ đô mới rời về Thebes. Cải cách tôn giáo hoàn toàn thất bại.
2. Vương triều XIX thành lập và sự kết thúc thời kỳ Tân vương quốc ở Ai Cập
Năm 1342 trước Công nguyên, một thủ lĩnh quý tộc Ai Cập là tướng Horemheb được sự giúp đỡ của tăng lữ thành Thebes, tổ chức cuộc binh biến, cướp ngôi báu về tay mình, sáng lập ra vương triều XIX.
Những ông vua đầu tiên của vương triều XIX ra sức củng cố chính quyền Pharaon trong nước và ở nước ngoài. Họ thực hành hàng loạt cải cách hành chính, giảm nhẹ chế độ thuế khóa để ngăn ngừa khởi nghĩa của nhân dân, tăng cường lực lượng quân đội để có thể khôi phục lại chính sách xâm lược, tranh giành quyển lực thống trị ở các miền châu Á lân cận với người Hat-Ti, một bộ tộc mới trỗi dậy ở miền Tiểu Á.
Dưới đời vua Ram-Set II (1317 – 1251 trước Công nguyên), thế nước được chấn hưng, chiến tranh quy mô chống người Hatti mới bùng nổ.
Sau hai chiến tranh giữa Ai Cập và Hatti, hai bên chịu nhiều tổn thất nặng nề nhưng không phân thắng bại. Cuối cùng hai bên ký kết hòa ước; đó là hòa ước quốc tế đầu tiên mà chúng ta được biết. Hòa ước đó thực chất là một hiệp ước liên minh quân sự, nhằm chống lại kẻ thù chung ở bên ngoài và giúp nhau đàn áp bạo động và khởi nghĩa của nhân dân trong nước và nhân dân các nước bị chinh phục. Hai nước chia nhau miền Syria để thống trị.
Thời Ramses II là thời kỳ thế lực Ai Cập hưng thịnh trở lại. Nhưng sau khi Ramses II chết đi, đế quốc Ai Cập lại lâm vào nguy cơ tan rã. Các bộ tộc người Libya và những “tộc sống ở mặt biển” đã xâm nhập Ai Cập. Cùng lúc đó tại các nước lệ thuộc Ai Cập ở Châu Á, phong trào đấu tranh giải phóng đã nổ ra và lan rộng ở khắp nơi.
Trong nước nhiều cuộc khởi nghĩa của dân nghèo và nô lệ, nhiều cuộc binh biến của quân đội đánh thuê, nhiều vụ phản loạn trong cung đình, đã làm cho đế quốc Ai Cập cũng như nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền của Pharaon lâm vào nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Sự thống nhất của quốc gia Ai Cập bị đe dọa nghiêm trọng; cục diện cát cứ phân quyền, chia cắt đất nước lại tái diễn. Thế cuộc vô cùng hỗn loạn đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội đánh thuê người ngoại tộc làm đảo chính, cướp chính quyền Pharaon, đặt nền thống trị lâu dài của họ trên đất nước Ai Cập. Thời Tân vương quốc chấm dứt từ đó.
Cải cách tôn giáo dưới đời Echnaton
– LichSu.Org –