Chế độ chính trị thời vương triều Maurya [Ấn Độ cổ đại]

Chế độ chính trị thời vương triều Maurya

Chế độ chính trị thời vương triều Maurya trong lịch sử Ấn Độ cổ đại dựa trên nền quân chủ chuyên chế với bộ máy quan liêu và quân đội nặng nề.

Ngay từ trước khi các quốc gia chiếm hữu nô lệ ở lưu vực sông Hằng thống nhất lại thành quốc gia Magadha rộng lớn dưới vương triều Maurya, đại đa số các quốc gia đó đã thực hành nền quân chủ chuyên chế theo kiểu phương Đông. Dưới thời đế quốc Maurya, chế độ chuyên chế đó lại càng phát triển cao hơn. Các đời vua đều được các truyền thuyết cổ đại gắn cho một nguồn gốc thần bí. Nhà vua được tôn sùng như một vị thần sống và được coi là kẻ đại diện cho thần. Tuy nhiên, việc thần thánh hóa nhà vua đó vẫn không ngăn ngừa được những cuộc chính biến trong cung đình, những hoạt động lật đổ, những vụ tiếm ngôi, những cuộc đấu tranh nội bộ tương tàn thường xuyên xảy ra ở Ấn Độ cổ đại. Qua một số văn kiện viết về thời ấy, người ta biết rằng có nhà vua Magadha đêm nào cũng phải thay đổi phòng ngủ của mình, sợ bị gian thần mưu sát.

Dưới nhà vua là Hội đồng cơ mật Parishad, gồm có đại biểu của những đại gia đình quý tộc chủ nô hiển hách nhất. Những hội đồng cơ mật đó chỉ có quyền tư vấn. Để cai trị một quốc gia rộng lớn như vậy, người ta đã tổ chức một bộ máy quan liêu rất cồng kềnh và phức tạp, đứng đầu có chức thừa tướng cùng nhiều chức thượng thư trông coi các bộ, trong đó có bộ binh và bộ tài chính là quan trọng hơn cả. Ngoài ra còn những thám báo được nhà vua mật phái đi các nơi dò la tình hinh trong dân gian, xem xét hành động của quan lại địa phương để về báo cáo lại với nhà vua. Quan lại của triều đình đều được cấp bổng lộc, hoặc tiền, hoặc bằng hiện vật.

Ở địa phương đều có tổ chức các cấp hành chính của địa phương. Đơn vị hành chính cơ sở là làng. Đứng đầu các cấp hành chính địa phương đều có các quan lại to nhỏ, được hưởng bổng lộc của triều đình.Toàn bộ lãnh thổ vương quốc Magadha thời đế quốc Maurya chia làm nhiều khu vực hành chính, đứng đầu các khu vực ấy là những người trong hoàng tộc hay những cận thần được nhà vua tin cậy nhất. Họ không phải là những kẻ cai trị trực tiếp, mà là những viên khâm sai đặt bên cạnh những vương công và tù trưởng bộ lạc, vì đế quốc Maurya thực tế là một tổ chức liên hiệp nhiều công quốc và nhiều bộ lạc bị lệ thuộc. Các công quốc và bộ lạc bị lệ thuộc này được hưởng quyền tự trị.

Quân đội của Ấn Độ trong thời kỳ chiến tranh gồm quân đội của nhà vua, quân đội của các công quốc địa phương, binh lính của các bộ lạc bị chinh phục. Sử liệu có nhắc đến việc Chandragupta trong thời kỳ kháng chiến chống người Hy Lạp đã tập hợp được một lực lượng vũ trang có đến 80 vạn bộ binh, 3 vạn kỵ binh, 7 nghìn voi trận. Quân số của vương quốc Magadha về sau này ít hơn và nhất là trong thời bình thì chỉ gồm có những đội quân thường trực được trả lương bằng tiền hoặc hiện vật. Quân đội Magadha gồm có bốn binh chủng chính: bộ binh, kỵ binh, chiến xa và voi trận. Voi trận là lực lượng xung kích rất lợi hại ở tiền tuyến. Ngoài ra, vương quốc Magadha còn tổ chức hạm đội của mình, thời bình, hạm đội đó biến thành những đội thương thuyền chuyên đi buôn bán trên mặt biển.

Để duy trì được bộ máy quan liêu nặng nề và tổ chức quân đội đó, nhà nước chủ yếu dựa vào những khoản thu nhập về thuế má. Nông dân công xã phải nộp cho nhà nước thuế hoa lợi bằng chừng 1/6 thu hoạch mùa màng. Ngoài ra, hàng năm, nông dân công xã phải đi làm phu phen, tạp dịch cho nhà nước trong nhiều ngày. Thợ thủ công phải nộp cho nhà nước một phần nhất định của số sản phẩm thủ công mình làm ra, và nhiều khi bị trưng tập đến làm việc trong các xưởng thủ công của nhà nước. Thợ thủ công trong một số ngành đặc biệt (ví dụ như ngành sản xuất vũ khí) phải giao toàn bộ sản phẩm của mình làm ra cho nhà nước. Nguồn thu nhập lớn của công quỹ nhà nước là những thuế gián thu như thuế chợ, thuế môn bài, thuế hàng xuất nhập khẩu,…

Thời bấy giờ cũng đã có quy định luật lệ thành văn bản. Những bộ luật Dharmputra và Dharmachakra không hẳn là những bộ luật theo nghĩa ngày nay, đó chẳng qua là những lời giáo huấn rút từ các kinh kệ do các tăng lữ Bà La Môn tập hợp, đúc kết lại. Nội dung của những bộ luật đó không nhất thiết chỉ gồm có những lời răn dạy có tính chất như là những điều luật, mà còn gồm cả những tri thức về thiên văn học, về quân sự, về quản lý nhà nước,… Theo Megasthenes và Chanakya thì những hình phạt lúc bấy giờ rất nghiêm khắc, nhất là đối với những người nộp thuế không đúng kỳ hạn. Người thuộc các chủng tính trên mà lui tới gần gũi với người Pariah thì bị thích dấy vào mặt, bị đuổi đi nơi khác và chuyển thành Pariah. Nếu người Pariah thông gian với đàn bà người Aryan thì phải chịu tử hình, còn người đàn bà đó thì bị cắt mũi và xẻo tai. Người Pariah chỉ được cư trú ở gần các nghĩa địa ngoài làng. Nếu họ tiếp xúc với người Aryan, nhất là tiếp xúc với người Bà La Môn được coi là những người “trong sạch” nhất, thì họ sẽ bị trừng phạt rất nặng.

Chế độ chính trị thời vương triều Maurya – Lịch sử Ấn Độ cổ đại
– LichSu.Org –

Lịch sử Ấn Độ cổ đại
Lịch sử Ấn Độ cổ đại

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.