Chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại
Chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại có đặc điểm riêng biệt so với các quốc gia khác, mang nhiều tính chất gia trưởng, đa số đều là người thuộc chủng tính thấp nhất.
Chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại cũng phát triển khá rộng rãi nhưng chế độ nô lệ đó có những đặc điểm riêng biệt, khiến cho nhiều học giả chủ trương rằng không có nô lệ thật sự trong xã hội phong kiến Ấn Độ cổ đại. Trong cổ ngữ Ấn Độ, khái niệm “nô lệ” được gọi bằng từ “dasa”; từ này không những có nghĩa là nô lệ, mà còn có nghĩa là tôi tớ nữa. Không có một danh từ riêng để chỉ nô lệ, mà chỉ có danh từ “dasa” là dùng để chỉ những hạng người mà thân phận bị lệ thuộc hoặc ít hoặc nhiều vào kẻ khác, kể cả nô lệ bị lệ thuộc hoàn toàn vào chủ nô.
Theo tập Arthashastra, vào thời bấy giờ, có lẽ có tới 15 loại “dasa” hay nô lệ:
- Nô lệ do cha mẹ là nô lệ sinh ra
- Nô lệ mua về
- Nô lệ người khác đem cho
- Nô lệ do kế thừa di sản mà có
- Do đói khát mà đi làm nô lệ
- Do phạm tội mà bị xử phạt làm nô lệ
- Người làm con tin bị xem như nô lệ
- Nô lệ chiến tù
- Nô lệ được thưởng trong các kỳ thi đấu
- Nô lệ tự nguyện
- Vì bội ước mà phải làm nô lệ
- Nô lệ tạm thời
- Vì được kẻ khác nuôi nấng cho mà xin làm nô lệ
- Vì lấy nữ nô mà thành nô lệ
- Bán mình làm nô lệ
Theo đó thì người tự do có thể chuyển thành nô lệ (nô lệ ở đây nên hiểu với một nghĩa rộng), nhưng bất cứ ai cũng không thể đem người thuộc các chủng tính trên làm nô lệ được (Xem thêm Chế độ đẳng cấp Varna và bộ luật Manu để hiểu rõ hơn về 4 chủng tính trong xã hội Ấn Độ cổ đại). Nếu vì lý do gì đó mà người Aryan bị bắt làm nô lệ thì họ cũng chỉ làm nô lệ tạm thời trong một thời hạn nhất định nào đó. Vì đa số người Aryan là thuộc về các chủng tính trên cho nên nói chung thì đại đa nô lệ đều là người thuộc chủng tính thấp nhất, và đa số chủ nô đều là người thuộc các chủng tính trên. Nhà nước chiếm hữu nô lệ thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế những người thuộc các chủng tính trên trở thành nô lệ, hoặc để tạo điều kiện dễ dàng cho họ giải phòng khỏi ách nô lệ.
Ngoài tư nô (tức là nô lệ thuộc quyền sở hữu của cá nhân chủ nô), còn có công nô thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Lao động của nô lệ được sử dụng trong các trang trại, trong các xưởng thủ công, hoặc trên hầm mỏ của giới quý tộc chủ nô. Trong thủ công nghiệp, ngoài một số xưởng thủ công của nhà nước (sản xuất vũ khí, vải, lụa,…) dùng tương đối nhiều lao động của nô lệ, còn lại đa số là xưởng thủ công của tư nhân sử dụng ít nô lệ. Đại bộ phận nô lệ đều là nô lệ làm việc trong gia đình chủ nô khá giả. Số nô lệ đàn bà thường thường là đông hơn số nô lệ đàn ông.
Nô lệ là tài sản tư hữu của chủ nô, cũng như mọi thứ tài sản khác. Nô lệ ở Ấn Độ được gọi là “tài sản có hai chân” (dvipada) có thể đem bán, cầm cố, hay trao đổi, cũng như gia súc được gọi là “tài sản bốn chân” (satuchpada). Nhưng trong lao động sản xuất, nô lệ rất gần gũi với những tôi tớ, và cả với những thành viên thường của gia đình chủ nô có tính chất gia trưởng. Do đó, trong thái độ đối xử hàng ngày, người gia trưởng chủ nô không phân biệt lắm giữa nô lệ và những người thành viên thường khác trong gia đình. Theo quy định của pháp luật Ấn Độ cổ đại, địa vị xã hội của nô lệ, đặc biệt là của nữ nô cũng tương tự như địa vị của người đàn bà đã đi lấy chồng.
Quan hệ có tính chất gia trưởng, giữa chủ nô và nô lệ không làm giảm bớt một tí nào quyền lực vô hạn của chủ nô, và chính ngay cả đối với những người khác trong gia đình. Quyền lực của người gia trưởng hầu như là vô hạn, ví như quyền đem bán vợ và con của mình cho người khác, quyền hình phạt, thậm chí đánh đập đến chết vợ con của mình. Bởi vậy cho nên trong bất cứ trường hợp nào, nô lệ lại càng phải phục tùng chủ nô một cách tuyệt đối và làm việc không dám than phiền. Những hình phạt nặng nề, tàn ác đối với nô lệ như đánh đập, cùm kẹp, xiềng xích, thích dấu vào mặt,… đều là những việc làm thông thường.
Một đặc điểm nữa không kém phần quan trọng của chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại là một số khá đông nô lệ đều là người đồng tộc (người Aryan) với chủ nô. Nô lệ tại nhiều vùng ở Ấn Độ vẫn được quyền có một ít tài sản riêng (hoặc là của họ làm ra được, hoặc là của người khác cho, hoặc là của di sản).
Nô lệ thường cũng có gia đình. Chủ nô khi biến người tự do làm nô lệ, cũng phải đếm xỉa đến hoàn cảnh gia đình và thành phần xuất thân của họ.
Sự tồn tại của rất nhiều loại nô lệ khác nhau, tình hình nô lệ sống phân tán trong các gia đình chủ nô riêng rẽ, tính chất gia trưởng trong quan hệ giữa chủ nô và nô lệ, số lượng của nữ nô khá lớn so với số lượng nô lệ đàn ông,… tất cả tình huống đó ảnh hưởng không tốt đến cuộc đấu tranh giai cấp của tầng lớp nô lệ chống chủ nô, cụ thể là có gây nhiều trở ngại cho cuộc đấu tranh đó phát triển lên những hình thức cao hơn, như bạo động và khởi nghĩa bằng vũ trang chẳng hạn. Bởi vậy cuộc đấu tranh của nô lệ chống chủ nô ở Ấn Độ thời bấy giờ mang nhiều tính chất tiêu cực và những hình thức đấu tranh thông thường vẫn là lãn công, bỏ trốn, cướp phá,… Cũng có thể là đôi khi nô lệ có đấu tranh mạnh hơn nhưng sử liệu không hề ghi lại một câu nào về những phong trào đó cả.
Tuy rằng chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại không phát triển lắm, thậm chí còn mang nhiều tính chất gia trưởng, nhưng chính là những quan hệ chiếm hữu nô lệ đó đã thật sự chi phối cơ cấu xã hội Ấn Độ cổ đại.
Sự chiếm hữu nô lệ đã tạo điều kiện cho giai cấp quý tộc tách rời khỏi tầng lớp nông dân tự do công xã, chiếm giữ ưu thế trong lĩnh vực sinh hoạt kinh tế và chính trị, chi phối các cơ quan quản lý của bộ lạc, biến dần những cơ quan đó thành ra bộ máy nhà nước chủ nô, một công cụ dùng để áp bức, bóc lột nô lệ và nông dân. Đến khi bộ máy nhà nước chủ nô đã ra đời, thì sự bóc lột lao động của nô lệ là nguồn sinh sống chính của quý tộc chủ nô, là nguồn thu thập quan trọng của nhà nước chiếm hữu nô lệ.
Chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại – Lịch sử Ấn Độ
– LichSu.Org –
Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại
Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.
Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.