Chế độ tỉnh điền và đời sống của nông dân và nô lệ
Chế độ tỉnh điền và đời sống của nông dân và nô lệ thời Tây Chu cho thấy sự mâu thuẫn gay gắt giữa các tầng lớp giai cấp trong xã hội Trung Quốc cổ đại.
1. Chế độ tỉnh điền thời Tây Chu
Căn cứ theo các sách Thượng thư, Kinh Thi, Chu Lễ, Mạnh Tử, người ta có thể biết được tình hình kinh tế và xã hội thời Tây Chu một cách khá đầy đủ. Ruộng đất trong toàn quốc trên danh nghĩa là thuộc về thiên tử, nhưng thực tế thì do các thôn xã chiếm hữu. Ruộng đất cày cấy tùy theo tốt xấu mà phân phối cho nông dân thôn xã theo thời hạn nhất định. Nông dân cày cấy một phần ruộng đất, phần khác thì để đất nghỉ.
Cứ vài năm là ruộng đất được phân phối lại một lần. Giữa đồng ruộng, người ta đào nhiều mương tưới nước dọc ngang, hai bên đường đi, chia cắt đồng ruộng thành nhiều mảnh ruộng vuông như hình chữ “tỉnh” (井) nên gọi là mương là tỉnh điền (井田). Rừng núi, sông ngòi, ao hồ là tài sản chung của thôn xã, mọi người đều có thề đi kiếm củi, bắt cá và đi săn trong phạm vi thôn xã.
Nhà cửa, vườn tược là tài sản tư hữu của nông dân thôn xã. Nông dân thôn xã phải nộp chừng 1/10 thu hoạch cho nhà nước gọi là “thuế thập nhất”. Họ còn phải đi sưu dịch cho quý tộc như xây thành lũy, làm đường sá, đào mương ngòi, v.v…
Chế độ tỉnh điền là chế độ chiếm hữu và sử dụng ruộng đất có từ trước, đến thời Tây Chu mới được mở rộng. Đồng thời đó cũng là một chế độ nghĩa vụ quân sự. Theo quy định của nhà nước thì cứ sáu mươi bốn “tỉnh” thì phải góp một chiến xa, bốn con ngựa, mười hai con bò, bảy mươi hai lính có trang bị vũ khí và lương thực. Khi ra trận, quân đội do quý tộc chỉ huy.
2. Đời sống của nông dân và nô lệ thời Tây Chu
Trong Kinh thi có miêu tả cụ thể tình hình sinh hoạt của nông dân thôn xã trong suốt một năm:
Đầu năm, nông dân phải tham gia săn bắn lúc khi trời còn rét buốt. Săn được cáo phải mang da cáo nộp cho quý tộc, săn được lợn rừng phải mang con to nộp cho quý tộc.
Tiếp đó là đào băng và tích băng. Nông dân phải vào nơi thâm sơn cùng cốc đề đào băng, bởi vì ở nơi đó băng đóng rắn chắc hơn. Tảng băng đào được mang về phải giữ làm sao đến mùa hè vẫn còn để quý tộc dùng.
Vào vụ cày mùa xuân bắt đầu, nông dân phải sửa chữa nông cụ trước rồi mới xuống đồng cày ruộng. Phụ nữ và trẻ em mang cơm ra đồng cho người nhà. Khi trời ấm áp, phụ nữ phải lo việc hái dâu nuôi tằm. Sau vụ thu hoạch về, nồng dân đi hái các thứ hoa quả và đậu.
Đến mùa dế kêu, đàn ông bận gặt vụ thu, làm sân đập lúa, cắt lúa, nộp một phần thóc cho quý tộc, lại còn phải đi hái rau và kiếm củi, cắt cói đan chiếu chuần bị qua vụ đông. Phụ nữ dệt vải, dệt gai, nhuộm, may quần áo, đem những quần áo đẹp nhất nộp cho quý tộc.
Trên sân đập lúa đã thu dọn xong, nông dân phải đi sửa chữa cung điện cho quý tộc, sau rồi mới đi cắt cỏ tranh về lợp nhà mình.
Cuối năm, rượu ngâm đã chín, nông dân giết dê, mang rượu, thịt đến nhà quý tộc mừng thọ.
Quý tộc thời Tây Chu có đủ các đặc quyền, đặc lợi. Lập được chiến công hay có công lao gì khác thường được vua nhà Chu hay chư hầu ban thưởng ruộng đất và nô lệ. Nô lệ phải cày cấy ruộng đất, chăn súc vật của quý tộc và làm mọi thứ việc trong nhà quý tộc, có khi bị quý tộc đem bán như hàng hóa. Còn có loại công nô của nhà nước làm việc tập trung trong các xưởng thủ công. Quý tộc bóc lột nông dân thôn xã và nô lệ rất nặng nề nên tích lũy được rất nhiều của cải.
Trong Kinh Thi có những bài thơ miêu tả cảnh bất công trong xã hội và lòng oán ghét của nhân dân đối với tầng lớp quý tộc thống trị như sau:
“Có kẻ thì nghỉ ngơi an nhàn; có kẻ thì suốt ngày vất vả…
“Có kẻ thì không hề nghe những lời than vãn bên ngoài; có kẻ khó nhọc thở không ra hơi;
“Có kẻ thì nằm mát thảnh thơi; có kẻ thì việc vua bề bộn;
“Có kể thì chè chén vui chơi; có kẻ thì hằng buồn rầu, lo sợ… “
(Tiểu Nhã – Bắc Sơn)
Một bải thơ khác nói:
“Chẳng cày, chẳng gặt, lấy đâu ra thóc trên ba trăm triền?” (ám chỉ tầng lớp quý tộc)
“Chẳng săn, chẳng bắn, lấy đâu có thịt thú rừng treo ở sân nhà? “
“Nguời quân tử kia ơi, không được ngồi ăn sẵn!”
(Ngụy phong Phật đàn)
Những bài thơ trên đây đã phản ánh khá rõ tính chất sâu sắc của mối mâu thuẫn giai cấp trong xã hội thời Tây Chu.
Chế độ tỉnh điền và đời sống của nông dân và nô lệ
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –
1 thought on “Chế độ tỉnh điền và đời sống của nông nô thời Tây Chu”