Thầy giáo Chu Văn An [Câu chuyện về người thầy mẫu mực]

Câu chuyện về thầy giáo Chu Văn An

Chu Văn An là một người thầy giáo đáng kính đời nhà Trần, ông đã dành cả cuộc đời mình cho sự nghiệp dạy học với rất nhiều môn sinh đỗ đạt cao trong triều.

1. Người thầy đáng kính và chàng học trò Thủy thần

Chu Văn An đã sống trải qua các triều vua Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dụ Tông và Nghệ Tông nhà Trần.

Vào những năm sau của nửa sau triều đại nhà Trần, trong lúc chùa chiền mọc lên khắp nơi, từ vua quan đại thần cho đến thường dân, nhiều người rủ nhau đi tu, trong lúc kho tàng của nhà nước đổ ra như thác, tiền tài sức lực của nhân dân bị phung phí không hạn độ cho việc dựng chùa tô tượng, thì con người hằng lưu tâm đến nhân tình thế thái, đến tấm thân hữu dụng của kẻ sĩ đối với dân với nước như Chu Văn An, không thể không ngày đêm băn khoăn suy nghĩ. Bởi vậy cho nên tuy đậu Thái học sinh [1] nhưng Chu Văn An không ra làm quan, lại lấy việc hàng ngày được quây quần với bầy học trò dưới mái trường ấm cúng làm lẽ sống. Ông dựng một ngôi trường tại quê nhà để dạy học.

Từ đó, bên trường Quốc Tử Giám, ngôi trường của Chu Văn An xuất hiện ở làng Cung Hoàng trên bờ sông Tô Lịch ngay gần kinh thành.

Đã nổi tiếng là một nhà nho có học vấn sâu rộng, có đạo đức mẫu mực, với nghề dạy học, Chu Văn An còn nổi tiếng là một bậc thầy giáo tận tụy với nghề và thương yêu học trò hết lòng. Đối với học trò, từ những người cao tuổi đã trải qua nhiều năm đèn sách, cho đến những lớp thiếu niên măng trẻ, Chu Văn An đều hết lòng dạy dỗ. Ông uốn nắn từng nét chữ, sửa đổi từng câu văn, trau dồi từng nhận thức của họ.  Ngay cả những kẻ đã đậu đạt, nhiều người vẫn thường lui tới trường để được nghe Chu Văn An bình văn giảng sách. Ở trường học cũng như trong khi tiếp xúc ở ngoài, học trò của ông không kể trình độ nào, nếu có điều sai trái, nói năng không phải lẽ, ông đều trách quở, có khi còn quát mắng, đuổi ra khỏi trường hay không tiếp.

Trong nghề dạy học, bên cạnh việc trau dồi kiến thức, Chu Văn An đặc biệt chú ý đến rèn luyện đạo đức cho học trò.

Chăm chút vun trồng, nâng niu đào tạo từng người, thương yêu học trò như con đẻ là điều vốn có của Chu Văn An. Mặt khác, ông cũng rất nghiêm khắc với họ như ông đã nghiêm khắc với chính mình vậy.

Học trò của ông rất đông, có tới trên ba ngàn người. Đường vào làng Cung Hoàng ngày càng đông vui tấp nập. Học trò bốn phương kéo về, từ kinh sư cho đến các lộ đều có người đến học. Được làm học trò của Chu Văn An là điều vinh hạnh đối với họ. Do công phu rèn luyện của Chu Văn An, học trò của ông rất nhiều người đậu đạt; có người giữ chức vụ quan trọng trong triều đình. Phạm Sư Mạnh, người Giáp Sơn, Hải Dương, làm quan đến chức nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự [2]; Lê Quát người Đông Sơn, Thanh Hóa, làm quan đến chức bộc xạ [3] đều là học trò của ông cả. Hai người đều do văn học mà được làm quan, và nổi tiếng là người có tài năng đức độ trong một thời.

Cuộc đời dạy học tuyệt đẹp của Chu Văn An được phản ánh trong câu chuyện có tính chất thần thoại chép lại trong sách xưa và còn truyền tụng đến bây giờ. Tương truyền rằng khi Chu Văn An dạy học ở Cung Hoàng, hàng ngày có một thanh niên khôi ngô tuấn tú đến nghe giảng kinh sách rất chăm chú. Chàng học hành thông minh, có đạo đức gương mẫu, rất được thầy thương bạn mến. Điều khó hiểu ở chàng là người ta không rõ tông tích quê quán chàng ở đâu. Chu Văn An cho người đi dò la, biết rằng cứ đến đầm Cung Hoàng là chàng biến mất. Nhờ vậy Chu Văn An biết người học trò đó là Thủy thần.

Năm ấy đại hạn, khắp vùng đều khô cạn, cây cối màu mỡ úa vàng, dân tình nhôn nhao đói khổ. Vốn giàu lòng nhân đạo, Chu Văn An ngày đêm lo lắng cho nhân dân. Ông nghĩ đến chàng học sinh khôi ngô ham học của mình, hi vọng chàng có thể cứu vớt được nhân dân.

Chu Văn An gọi người học trò ấy đến và bảo rằng:

– Năm nay trời làm hạn hán, nhân dân khắp vùng khổ cực. Cảnh nghèo đói diễn ra rất thương tâm, ta vẫn băn khoăn tìm phương cứu vớt, nhưng chưa có cách nào. Con có thể cùng thầy bàn mưu cứu trăm họ được không?

Vốn là Thủy thần vì mộ đạo học của Chu Văn An mà hiện thân thành người học trò đến theo học, hàng ngày chàng vẫn được nghe thầy giảng đạo đức nhân nghĩa của thánh hiền; nay chàng lại được chính thầy sai tìm cách cứu vớt muôn dân thì còn nhân nghĩa đạo đức nào bằng. Nhưng, khó nghĩ làm sao! Tuân lệnh thiên đình hay nghe lời dạy của thầy? Chàng xin cho được suy nghĩ. Sau một đêm trằn trọc, sáng hôm sau chàng tìm đến Chu Văn An vái chào và hứa sẽ làm theo lời dạy đúng đắn của thầy, xin vì thầy sẵn sàng chịu đựng mọi hình phạt.

Chàng bèn lấy nước lã mài mực, dùng bút dúng mực vẩy lên trời rồi tung nghiên bút mỗi thứ đi một phía. Lập tức mây đen nổi lên, trời mưa như trút, nước đen màu mực chảy ngập ruộng đồng. Bút của chàng rơi xuống là Tả Thanh Oai, còn nghiên thì rơi xuống cánh đồng làng Quỳnh Đô và biến thành khu đầm nước màu đen nên gọi là đầm Mực.

Thấy trời mưa to, nhân dân khắp nơi đều vui mừng. Chu Văn An vô cùng sung sướng. Nhưng chàng học sinh trẻ tuổi từ ngày đó không thấy có mặt ở trường học nữa. Chu Văn An lo lắng, cho người đi tìm thì thấy một con thuồng luồng chết nổi lên ở giữa đầm Cung Hoàng. Chu Văn An biết đó là hiện thân của anh học trò vô cùng yêu quý của ông đã bị trừng phạt vì chống lại lệnh của thiên đình. Chu Văn An buồn rầu đau xót, tiếc thương người đã bỏ mình vì việc nghĩa. Tình nghĩa thầy trò lại càng làm cho nỗi xót thương ấy tăng lên vô hạn. Chu Văn An sai học trò vớt xác con thuồng luồng đó lên và đem chôn cất tử tế…

Cùng với nhiều năm tháng trôi qua, cùng với nhiều thế hệ học trò đào tạo qua nhà trường, tên tuổi của Chu Văn An ngày càng rạng rỡ.

Biết Chu Văn An là một nhà giáo có tài đức hơn người, vua Trần Minh Tông hạ chiếu vời ông vào triều và giao cho ông chức Quốc Tử tư nghiệp [4]. Không thể trái mệnh vua, vả chăng dạy học để truyền bá học vấn, đào tạo những con người có ích cho xã hội là sở trường và cũng là nguyện vọng của mình, Chu Văn An đành đóng cửa trường, giã từ đám học sinh yêu quý để vào kinh nhận chức.

2. Chu Văn An làm quan Quốc tử tư nghiệp

Làng Văn, xã Quang Liệt [5] ở ngay gần kinh thành Thăng Long, Chu Văn An thường hay đi về quê nhà. Mỗi khi có chiếc võng ba đòn khiêng về đến đầu làng, mọi người lại thấy từ trên võng, quan Quốc tử tư nghiệp bước xuống, khoan thai đi bộ trên con đường làng quen thuộc.

Tuy không to lớn đẹp đẽ như trường Quốc Tử Giám, nhưng Chu Văn An không thể nào quên được ngôi trường cũ của mình. Nhìn trường cũ nền mốc sân rêu, Chu Văn An nhớ lại quãng đời tự do phóng khoáng đã qua.

Cái chức Quốc tử tư nghiệp, được nhà vua ủy thác cho trông nom một trường học lớn chuyên dạy dỗ vương tôn công tử không làm cho Chu Văn An vui lòng lắm, áo mũ, tàn quạt, võng lọng vua ban đã là sang, nhưng đối với Chu Văn An không lấy làm vinh, làm trọng. Là một học quan cao cấp, được tiếp xúc nhiều với những bậc vương hầu công khanh, Chu Văn An càng thêm đau lòng cho thế đạo. Bên trong cái vỏ từ bi của đạo phật, cả kinh thành đang chìm trong lạc thú xa hoa, tội ác dơ bẩn. Các bậc vương hầu công khanh lại chính là những người đầu trò trong tấn bi hài kịch này. Thảng có lúc Chu Văn An muốn quay về trường cũ vui với cuộc sống nghèo để giữ mình được trong sạch. Nhưng, với hoài bão đem đạo lý của thánh hiền để dạy dỗ mọi người, thì cái xã hội vương hầu công khanh lại không phải là nơi hoạt động của mình hay sao? Tạm xếp mọi lo phiền, Chu Văn An đem hết tâm lực cùng các bạn đồng liêu làm việc. Qua những kỳ binh văn giảng sách hàng tháng, qua cách cư xử của Chu Văn An với mọi người, tài đức của ông ngày càng thêm sáng tỏ.

Bốn bức tường của nhà Quốc Tử Giám, cùng với sinh hoạt phong lưu của quan Tư nghiệp không thể ngăn cách con người như Chu Văn An với cuộc sống bên ngoài được.

Người ta thường thấy quan Quốc tử tư nghiệp đi dạo chơi dưới rặng liễu bên Văn Hồ [6]. Đó là những lúc Chu Văn An hòa mình trong cảnh thiên nhiên cho tâm hồn được thư thái sau những ngày vùi đầu vào kinh sử hoặc sau những lúc buồn phiền vì thế đạo.

Một cảnh tượng đã từng làm cho Chu Văn An suy nghĩ là mỗi lần đi dạo chơi, ông lại thấy từ khu hoàng thành phía Tây Bắc trường Quốc Tử Giám, từng tốp thường dân gầy gò rách rưới tấp nập đi về. Cảnh tượng ấy đã diễn ra quá nhiều ngày, nhiều tháng.

Một hôm trên con đường về trường Quốc tử Giám, Chu Văn An dừng lại, sai gọi người cao tuổi nhất trong đoàn dân phu đến hỏi chuyện. Thấy có đại quan tìm hỏi, mọi người sợ sệt. Một người trạc ngoài 50 tuổi tách ra khỏi đám đông, theo người hầu, đến trước Chu Văn An lạy chào.

Chu Văn An vờ hỏi như một người xa lạ với sinh hoạt của kinh thành:

– Ta muốn biết trong hoàng thành có việc gì mà các người kéo nhau đi làm lụng đông thế.

Người đó đáp:

– Kính thưa đại quan, ngài chẳng biết trong hoàng thành đang xây vườn ngự, đào hồ, đắp núi đó hay sao?

Câu trả lời có đôi phần ngạo mạn ấy đã làm cho mọi người lo sợ, họ chờ đợi cơn thịnh nộ của viên đại quan. Nhưng không, nhìn nét mặt gân guốc khắc khổ, quần áo rách rưới và đôi mắt đỏ ngầu vì hơi men của người dân thường này, Chu Văn An vẫn điềm đạm mỉm cười tiếp:

– Ta có biết, nhưng nghe nói công việc này khởi công đã mấy năm nay, vẫn chưa xong ư?

– Thưa ngài, còn lâu, lâu lắm. Khu vườn ngự ở hậu cung chưa xong, lại nghe nói nhà vua còn xây điện Lạc Thanh, đào ao Lạc Thanh, lập hồ Thanh Ngư chứa nước mặn nuôi đồi mồi, cá biển, còn nhiều, nhiều lắm…

– Các ngươi là dân phu miền nào đến đây?

Người đó như không chú ý đến câu hỏi của Chu Văn An, vẫn nói tiếp:

– Kính thưa ngài, khu hoàng thành ngày càng đẹp đẽ, nhà vua và các quan tha hồ vui chơi.

Đến đây, vùng trán cao rộng của Chu Văn An thoáng hiện vài nếp nhăn, nhưng lại tan biến đi ngay. Chu Văn An cười, người dân phu say rượu lại nhập với đoàn người, rồi lũ lượt đi về phía nam kinh thành.

Trên đường về, Chu Văn An thầm nhắc lại nhiều lần câu nói của dân phu say rượu: “Nhà vua và các quan tha hồ vui chơi”.

Hôm đó Chu Văn An thức trắng đêm. Đã hai lần rót thêm dầu vào cây đèn ở góc bàn, người hầu cận vẫn chưa thấy quan Tư nghiệp hạ bút. Tiếng trống cầm canh từ cửa Đại Hưng [7] phía bắc nhà trường vọng lại, báo hiệu đã sang canh ba. Chu Văn An quay lại nói với người hầu:

– Đã bảo cứ để mặc ta, sao người chưa chịu đi ngủ?

Trên án thư, tập bản thảo Tứ thư thuyết ước [8] của Chu Văn An xếp gọn ở một góc. Trước mắt ông là tập văn bài của giám sinh. Nghiên son đã khô cạn, cây bút cầm trong tay đã se ngọn thỏ, Chu Văn An hạ bút, đứng dậy đi lại trong phòng. Bốn bề vắng lặng.

“Nhà vua và các quan tha hồ vui chơi”, câu nói của người dân thường ban chiều đã khơi bùng lên trong lòng quan Tư nghiệp những điều băn khoăn ấp ủ lâu nay.

Vụ án Thượng tể Huệ Vũ vương Quốc Trấn năm xưa dưới triều vua Minh Tông, âm mưu đen tối của Văn Hiến Hầu, với những lời lẽ xúc xiểm của Thiếu bảo Trần Khắc Chung tuy đã qua lâu rồi nhưng còn để lại khá đậm nét trong tâm tư của Chu Văn An [9]. Trong lúc đó tình hình loạn lạc ở các lộ, tin tức đánh dẹp liên miên ở nhiều nơi lại hàng ngày dồn dập truyền về kinh thành. Hết hạn hán đến lụt ngập, dân tình cơ cực, lòng người ly tán. Còn ở kinh thành Thăng Long thì nhà vua cùng các vương hầu chỉ biết xây dựng đài tạ, rủ nhau bày ra nhiều trò chơi xa xỉ, lấy cờ bạc, rượu chè, dâm dật làm sở thích. Không mấy đêm ở cung đình không có yến tiệc nhã nhạc.

Nhà vua đã biếng nhác việc triều đình, lại chỉ nghe lời bọn gian thần làm nhiều điều trái đạo. Chu Văn An đau lòng vì tình hình đó vẫn ngày càng trầm trọng mặc dù ông đã nhiều lần can ngăn nhà vua.

Ôi! Sách vở của thánh hiền đối với ông sẽ trở thành vô hiệu một khi giữa chốn kinh thành hàng ngày vẫn xảy ra biết bao nhiêu điều ngang trái! Mầm loạn đã mọc ra từ đây, cơ đồ có phen nghiên ngửa.

Muốn giữ vững được mối rường, muốn làm tròn trách nhiệm của một bầy tôi trung thành, Chu Văn An thấy trước hết là làm cho triều đình trong sạch, tẩy rửa mọi nhơ nhớp rác rưởi đang làm cho đạo lý vẩn đục, việc nước đảo điên. Lũ gian thần hiện ra trước mắt Chu Văn An như một bầy nghịch tặc.

Chu Văn An về án thư, ngồi viết sở “thất trảm”, đòi chém bảy tên nịnh thần [10].

Trống cầm canh báo hiệu đã sang canh năm. Tiếng gà gáy sáng lần thứ hai rộn rã, quan Quốc tử tư nghiệp cũng viết đến chữ cuối cùng của sớ “thất trảm”.

Một tháng sau khi dâng sớ, Chu Văn An được lệnh nhà vua vời vào cung bệ kiến.

Khi Chu Văn An đến sân Thị Triều [11] cũng là lúc nhà vua và triều thần đã tụ họp đông đủ.

Chu Văn An vừa ngồi trên võng bước xuống, trong hàng quan văn ngồi phía bên hữu nhà vua có rất nhiều người đứng dậy xuống thềm lạy chào thầy, trong số đó có quan Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh và quan Bộc xạ Lê Quát.

Vua Trần Dụ Tông rời bệ rồng, thân ra thềm điện dắt Chu Văn An vào ngồi ở ngôi cao trong hàng văn, gần kề nhà vua. Chu Văn An ung dung bước vào dưới con mắt kính phục của nhiều người.

Nhà vua mở triều hội để khánh thành khu vườn thượng uyển. Sau vài tuần rượu vua ban, qua nhiều câu chúc tụng theo thường lệ, vua Dụ Tông trỏ vào Chu Văn An và nói với quần thần:

– Chư lão sư thật xứng đáng là bề tôi lương đống của triều đình. Thiên hạ đồn về tài đứa của lão sư quả không sai. Đạo đức khuôn mẫu và tính tình cương trực của lão sư đáng làm gương cho quần thần. Chu lão sư hãy hết lòng làm trọn phận sư của quan Quốc tử tư nghiệp, mọi việc khác không cần bận tâm đến làm gì, đã có trời định đoạt.

Chu Văn An đứng dậy, chắp tay lậy tạ, nét mặt thản nhiên. Hơi men trong chén rượu của nhà vua trẻ tuổi [12] ban cho chưa đủ làm thay đổi sắc mặt của quan Quốc tử tư nghiệp.

Nửa năm trôi qua, kể từ ngày dâng sớ “thất trảm”, mọi việc ở triều đình vẫn không có gì thay đổi. Chu Văn An dâng sớ xin từ quan vì cớ mình đã già yếu, e không đủ sức làm tròn trách nhiệm của nhà vua ủy thác.

Vua Dụ Tông nhiều lần hạ chiếu khuyên nhủ, cố giữ Chu Văn An, nhưng ông một mực xin cho được về nhà dưỡng bệnh. Vua Dụ Tông buộc lòng phải chiều, cho ông về nghỉ. Trường Quốc Tử Giám từ đó vắng bóng quan Tư nghiệp Chu Văn An.

Con chim phượng hoàng đã cất cánh bay về núi.

3. Chu Văn An và quan Nhập nội hành khiển Phạm Sư Mạnh

Núi Phượng Hoàng [13] nằm nghiêng nghiêng, hai sườn mở rộng như hình chim phượng múa. Ba người khách đi ngựa dừng lại ở chân núi. Người đi đầu mũ cao áo dài, vẻ đường bộ, ra dáng một viên đại quan của triều đình. Đi sau là hai viên quan tùy tòng.

Ba người đi từ Thăng Long tới. Men theo sườn núi, qua suối Miết Trì, họ tiến vào một rặng tùng xanh biếc. Lá tùng nhọn sắc, mơn mởn, mới nảy lộc trong những ngày giá lạnh vừa qua. Sau dăm gốc mai vàng, một ngôi nhà núi xuất hiện. Nhà mái lá đơn sơ, cửa trúc che nghiêng. Những cánh hoa mai cuối mùa theo gió rơi rụng đầy sân và lấm tấm điểm vàng trên mái nhà lá đã bạc màu.

Khách dừng ngựa trước cổng, sửa sang lại mũ áo, thong thả bước vào nhà. Vốn quen thuộc với sinh hoạt phồn hoa tấp nập nơi kinh thành, khách không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh đơn sơ tĩnh mịch của căn nhà người ẩn dật.

Chủ nhà, một ông già dáng người thanh tú, nét mặt hiền từ, phong thái ung dung nho nhã, ngồi trên sập, tựa mình bên gối xếp đang đọc sách.

Chợt thấy chủ nhà, viên đại quan sụp xuống:

– Kính chào sư phụ.

Trong khi đó hai viên tùy tòng, một người bưng chiếc hòm sơn son, một người nâng gói nhỏ bọc gấm buộc kim tuyến, đứng thẳng như pho tượng. Chủ nhà vội vã buông tập Tiều Ẩn thi tập [14] bước xuống, xỏ chân vào đôi hài cỏ, đến nâng khách dậy và nói:

– Quan Nhập nội hành khiển, người quá khách sáo.

Chủ nhà đưa tay phân ngôi chủ khách và gọi tiểu đồng pha nước.

Chủ niềm nở ung dung, khách kính cẩn và dè dặt. Chủ nhà đã ngồi mà khách còn chắp tay đứng đợi. Sau nhiều lần mời mọc, khách mới dám ngồi tránh sang một bên.

Cạn chén chè lão mai, chủ hỏi:

– Chẳng hay quan Nhập nội hành khiển cùng hai vị có việc gì cần đến kẻ tiều ẩn này.

Viên đại quan chắp tay đáp:

– Kính thưa sư phụ, con tuân lệnh nhà vua chuyển đến sư phụ phong sắc thư và một chút tặng phẩm. Con mừng được dịp trở về đây thăm sức khỏe của sư phụ.

Tiếp lời viên đại quan, hai viên tùy tòng tiến lên dâng hộp son và bọc gấm. Chủ đứng dậy kính cẩn đỡ lấy, đặt lên hương án ở giữa nhà. Khói trầm từ lư hương bốc lên nghi ngut. Chủ nhân sửa sang lại áo mũ, đứng trước hương án mở phong sắc thư ra đọc rồi gập lại như cũ, đặt vào trong hộp. Chủ tiếp tục rót nước mời khách.

Chuyện trò hồi lâu, từ thìn đến ngọ, qua bữa cơm trưa, đên hết giờ mùi [15], câu chuyện vẫn xoay quanh những việc trong triều đình, chuyện dân tình ở các hạt, chuyện Ngô Bệ nổi dậy ở Hải Dương vừa qua với cờ hiệu “chẩn cứu bần dân” [16]. Khách muốn tạ từ nhưng lòng còn băn khoăn vì chưa thấy chủ đả động gì đến chuyện phong sắc thư. Như đoán trước được ý của khách, chủ nhân đứng dậy kính cẩn nâng phong thư, nhìn thẳng về hướng Thăng Long rồi quay lại nói với khách:

– Cách đây vài tháng, trong dịp về kinh triều hội, nhà vua đã phán bảo về chuyện này, nhưng ta còn phân vân xin cho ta suy nghĩ. Đến nay nhà vua lại cho quan đại thần mang thư đến nhà nhắc lại chuyện đó còn ban cho gấm lụa.

Nghe đến đây khách rụt rè chắp tay kính cẩn:

– Kính thưa sư phụ, đây là điều ngày đêm mong mỏi của nhà vua và triều đình. Lúc này được sư phụ trông nom việc triều đình thật là phúc lành cho muôn dân.

– Lời nói của ngươi, ta chưa cho là phải. – Chủ xua tay ngắt lời khách, giọng nghiêm nghị tiếp:

– Phúc lành cho muôn dân là ở chỗ vua sáng suốt, tôi hiền tài, trên thể theo ý trời, dưới thuận lòng người, vua tôi cùng đem đạo lý mà chăn dắt muôn dân, khiến cho ai ai cũng được ấm no bình yên. Còn như nay triều đình rối nát, nhà vua chỉ biết xây cung điện, đắp đài tạ, nghe bọn gian thần, muôn dân cơ cực, giặc giã nổi lên như ong. Ta tài hèn đức mỏng, sao có thể đem phúc lành lại cho dân được. Người hãy về tâu với nhà vua xin để cho ta được sớm hôm vui cùng cỏ núi, bầu bạn với người xưa.

Ngồi nghe, khách chỉ cúi đầu suy nghĩ, không dám tiếp lời.

Khách nhớ tới năm xưa trên đất Cung Hoàng gần Thăng Long, chính con người này đã hàng ngày dạy dỗ mình. Cũng như hàng ngàn học sinh khác, lúc đó khách còn là một thư sinh tinh nghịch nhưng rất được thầy yêu mến. Khách còn nhớ mãi những buổi giảng bài, cả trường ngồi im phăng phắc, chỉ còn tiếng gió thổi vào lá cây rì rào bên ngoài và tiếng thầy giảng bài sang sảng. Mỗi lời dạy của thầy còn in trong lòng khách như những nét son chói lọi không thể phai mờ, mặc dù thời gian hàng mấy chục năm đã trôi qua. Giờ đây trước mặt khách cũng con người ấy, con người rất mẫu mực, thẳng thắn và nghiêm khắc, chỉ khác là nay thầy đã già yếu đi nhiều.

Câu chuyện về phong sắc thư cũng chấm dứt ở đó, khách không dám nhắc lại nữa.

Cho đến cuối giờ thân, khách xin từ giã để trở lại hành dinh lộ Nam Sách cho kịp công việc.

Chủ tiễn khách đến cuối rặng tùng. Ba lần vái chào, khách vẫn chưa nỡ chia tay. Dắt ngựa xuống núi, khách còn ngoái đầu nhìn lại và chủ vẫn trông theo. Cho đến khi bóng khách đã khuất hẳn, chủ mới lững thững quay về và gọi tiểu đồng ra căn dặn:

– Gấm lụa vua ban, con hãy cất đi để dành cho những người còn thiếu thốn, ta đã đủ quần áo mặc rồi.

Cuộc gặp gỡ giữa thầy Chu Văn An cũ và trò Phạm Sư Mạnh xưa đã diễn ra ở núi Phượng Hoàng, xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh. Đó cũng là cuộc gặp gỡ giữa quan Quốc tử tư nghiệp đã rủ áo từ quan sau khi dâng sớ “thất trảm” không được vua Trần Dụ Tông nghe theo và quan Nhập nội hành khiển, người được chính vua Dụ Tông phái đi vời Chu Văn An về để trông nom việc triều đình.

4. Những năm tháng cuối đời

Chu Văn An không thích sống gần triều đình Dụ Tông nữa mặc dù ông rất mực trung thành với nhà Trần. Yêu mến non sông, ông đã trở về với thắng cảnh của đất nước.

Nhiệt tình với cuộc đời chưa phải đã tàn nguội trong con người Chu Văn An, tuy ông đã từ quan về cất nhà trên núi để ở. Người ta tưởng chừng như Chu Văn An tìm cách xa lánh cuộc đời, nhưng không, ông vẫn hàng ngày theo dõi mọi biến động ở triều đình và nghe ngóng dân tình ở các lộ.

Một mực kiên quyết khước từ chức vụ nhà vua giao cho, Chu Văn An vẫn về kinh dự các cuộc triều hội. Cho đến những năm cuối của đời mình, khi nghe tin Nhật Lễ chiếm ngôi vua nhà Trần, Chu Văn An ngao ngán thở dài; đến khi Cung Định Vương trừ được Nhật Lễ, giành lại ngôi vua, từ Chí Linh, Chu Văn An vội về kính chúc mừng nhà Trần đã nối lại ngôi chính thống [17].

Cung Định Vương, con vợ cả Trần Minh Tông chạy lên miền Đà Giang, từ đấy kéo về phủ Kiến Hưng, lên ngôi hoàng đế tức là Trần Nghệ Tông (tháng 10 Canh Tuất – 1370). Nghệ Tông tiến về lấy kinh thành, bắt Dương Nhật Lễ giết chết.

Hoài bão một xã hội tốt đẹp với những con người hành động theo đạo lý thánh hiền đã dần dần tan vỡ trong lòng Chu Văn An cùng với sự suy vong từng bước của nhà Trần. Chu Văn An chọn cuộc sống thanh bần, giữ tâm hồn trong sạch, bình thản, như ông từng viết trong bài “Ngày xuân” khi ông đã lui về núi:

“Tịch mịch sơn gia tận nhật nhàn
Trúc phỉ tà ủng hộ khinh hàn
Bích mê thảo sắc thiên như túy
Hồng trạc hoa sao lộ vị can.
Thân diệc cô vân trường luyến tụ
Tâm đồng cổ tỉnh bất sinh lan.
Bách huân bán lãnh trà yên yết,
Khê điểu nhất thanh xuân mộng tàn”.

(Nhà núi tịch mịch suốt ngày nhàn,
Cửa trúc che nghiêng đỡ rét nhẹ.
Biếc lẫn sắc cỏ trời như say,
Hồng thắm ngọn hoa sương chưa ráo.
Thân mình cùng mây cỏ quấn quýt núi hang,
Tâm mình giống giếng cổ, không hề gợn sóng.
Hơi xông gỗ bách gần nguội, khói trà hết
Một tiếng chim khe mộng xuân tàn) [18].

Tháng 11 năm Thiệu Khánh thứ nhất triều Trần Nghệ Tông (1370), Chu Văn An qua đời.

Để tỏ lòng kính phục, được tin ông mất, nhà vua cho quan dụ tế, ban cho tên thụy là Văn Trinh công và sau đó cho thờ trong Văn Miếu cùng hàng với các bậc hiền triết.

Truyện về thầy giáo Chu Văn An – LichSu.Org
Theo Nguyễn Anh

Chú thích trong truyện Thầy giáo Chu Văn An

  1. Thời nhà Trần, nhà Hồ, ở nước ta có mở các khoa khi Thái học sinh. Đậu thái học sinh tương đương với đậu tiến sĩ sau này.
  2. Nhập nội hành khiển tri khu mật viện sự, một chức quan to trong triều đình, đứng sau hàng tể tướng.
  3. Bộc xạ cũng như chức á tướng, đứng sau hàng tướng quốc.
  4. Quốc tử tư nghiệp, một chức quan như hiệu trưởng trường Quốc tử giám.
  5. Nay tại xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội.
  6. Văn Hồ, tên hồ lớn ở trước trường Quốc Tử Giám.
  7. Cửa Đại Hưng, một trong 4 cửa lớn của thành Thăng Long thời Lý – Trần: Cửa Quảng Phúc, cửa Diệu Đức, cửa Tường Phù, cửa Đại Hưng. Cửa Đại Hưng ở góc Đông Nam thành, gần phía Bắc trường Quốc Tử Giám.
  8. Tên tác phẩm triết học của Chu Văn An, đã thất truyền.
  9. Vụ án Huệ Vũ Vương Quốc Trấn xảy ra vào năm 1328 thời Trần Minh Tông, Quốc Trấn làm quốc phụ thượng tể, và là cha của hoàng hậu Hiến Từ, vợ Minh Tông. Vua Minh Tông đã nhiều tuổi, muốn lập thái tử. Hoàng hậu Hiến Từ chưa có con trai, vì sợ mất uy quyền, Quốc Trấn tau nhà vua hoãn hay lập thái tử. Văn Hiến hầu là con Trần Nhật Duật, lại muốn phế hoàng hậu, lập hoàng tử Vượng là con hoàng phi Minh Từ. Văn Hiến Hầu đút lót cho gia thần Quốc Trấn là Trần Phẩu 100 lạng vàng. Phẩu vu cho Quốc Trấn làm phản. Minh Tông bắt giam Quốc Trấn ở chùa Tư Phúc, rồi đem việc đó hỏi Thiếu Bảo Trần Khắc Chung. Khắc Chung cùng cảnh với Văn Hiến Hầu, cùng quê với Hoàng Phi Minh Từ, lại giữ chức sư phó dạy hoàng tử Vượng, Vượng lên ngôi sẽ có lợi cho Khắc Chung. Vì vậy Khắc Chung tâu với Minh Tông: “tróc hổ dị, phóng hổ nan” (bắt được hổ thì dễ, thả hổ ra thì nguy). Minh Tống bèn cấm không cho Quốc Trấn ăn uống. Quốc Trấn chết, số người bị bắt lây có đến hơn 100. Về sau việc phát giác, Trần Phẩu bị tội lăng trì, Văn HIến Hầu bị truất làm thứ nhân. Vượng lên ngôi vua tức là Hiến Tông.
  10. Sớ đòi chém 7 tên nịnh thần nên gọi là sớ “thất trảm”, hiện nay đã thất truyền.
  11. Thị Triều, một điện lớn ở trong hoàng thành, nơi tổ chức triều hội.
  12. Dụ Tông lên ngôi vua năm 6 tuổi (1341) và mất năm 1369, ở ngôi 28 năm, sống 34 tuổi.
  13. Núi Phượng Hoàng còn gọi là Lan Phụng. Theo Phan Huy Chú trong Lịch triều biến chương loạn chí, Dư địa chí, thuộc xã Kiệt Đặc, huyện Chí Linh, Hải Dương (trước thuộc huyện Phượng Nhỡn). Thời Trần, ở đấy có xây điện Tử Cực, điện Lưu Quang. Chân núi có suối Miết Tri, lưng núi có chúa Lệ Kỳ, có động Huyền Vân. Chu Văn An có bài thơ ngâm vịnh cảnh đẹp ở đây:“Vạn Điệp thanh sơn thốc họa bình
    Tà dương đảo quải bán khê minh
    Thúy la kinh lý vô nhân đảo
    Sơn hạc đề yên thới nhất thanh”.
    Dịch:
    Muôn lớp núi xanh bình phong vẽ
    Bóng chiều chiếu xế sáng nửa khe
    Lối xanh rì dây leo không ai đi đến,
    Hạc núi trong mây thỉnh thoảng một tiếng kêu.
  14. Tiều Ẩn, tên hiệu của Chu Văn An, Tiều Ẩn thi tập: tập thơ chữ Hán của Chu Văn An.
  15. Cách tính giờ của người xưa: một ngày đêm chia làm 12 giờ: Tý, sửu, dần, mão, thìn, tị, ngọ, mùi, thân, dậu, tuất, hợi. Giờ tý vào lúc nửa đêm, giờ ngọ vào lúc giữa trưa. Theo cách tính này, một giờ cũ bằng hai giờ hiện nay.
  16. Ngô Bệ là người Trà Hương, cầm đầu một phong trào nông dân khởi nghĩa lớn thời Trần. Năm 1344, Ngô Bệ tụ quân ở núi Yên Phụ, huyện Giáp Sơn, Hải Dương. 1345 thì bị quân triều đình đánh dẹp. 1358 Ngô Bệ lại nổi dậy ở núi Yên Phụ, dựng cờ nghĩa, yết bảng, nêu khẩu hiệu “chẩn cứu bần dân” người theo rất động. Nghĩa quân chiếm một giải đất từ xã Thiên Liêu đến huyện Chí Linh. Năm 1360 cuộc khởi nghĩa bị đàn áp. Ngô Bệ cùng 39 người khác bị bắt ở núi Yên Phụ, giải về kinh và bị chém.
  17. Nhật Lễ, con người phường trò Dương Khương. Cung Túc Vương Nguyên Dục cảm sắc đẹp của vợ Dương Khương lấy nàng làm vợ khi nàng đã có mang với Dương Khương, sau đó sinh ra Nhật Lễ, Nguyên Dục nhận làm con mình. Khi Dụ Tông mất (1369) không có con kế tự, để di chiếu cho Nhật Lễ lên ngôi. Làm vua, Nhật Lễ có ý muôn đổi họ, lấy theo họ Dương và ngầm trừ bỏ hết những người họ Trần có danh vọng.
  18. Thơ của Chu Văn An, trích theo Phan Huy Chú – Lịch triều hiến chương loại chỉ, Vân tịch chí. Bản dịch của Viện sử học.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.