Cơ sở tư liệu nghiên cứu lịch sử thời Hùng Vương
Cơ sở tư liệu nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời Hùng Vương và nước Văn Lang dựa trên một số truyền thuyết, các thư tịch cổ và khảo cổ học.
1. Cơ sở tư liệu lịch sử Việt Nam thời Hùng Vương dựa trên truyền thuyết dân tộc
Từ rất lâu, trước khi những bộ lịch sử dân tộc đầu tiên được biên soạn, trong nhân dân ta đã lưu truyền những huyền thoại, những truyền thuyết về thuở khai thiên lập địa và buổi đầu dựng nước đời Hùng Vương. Đó là những câu chuyện về họ Hồng Bàng và sự tích con Rồng cháu Tiên, bọc trăm trứng, chuyện mười tám đời Hùng Vương, chuyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, chuyện Thánh Gióng phá giặc Ân, chuyện trầu cau, bánh chưng, dưa hấu,… Có thể coi tập hợp những truyền thuyết đó như một bộ sử dân gian vừa đượm màu sắc huyền thoại, vừa chứa đựng những cốt lõi lịch sử trong ký ức hồi cố và truyền khẩu qua nhiều đời của nhân dân. Lịch sử mở nước của mọi dân tộc trên thế giới, dù có hay chưa có chữ viết, đều ít nhiều đắm chìm trong một kho tàng truyền thuyết như vậy.
Vào thời Trần (1226 – 1400) vời thời Lê (1428 – 1527), những truyền thuyết lịch sử đó bước đầu được thu thập và biên soạn lại theo quan điểm của các tác giả đương thời. Hai công trình tiêu biểu về phương diện này là cuốn “Việt điện u linh tập” của Lý Tế Xuyên với lời tựa viết năm 1329 và cuốn “Lĩnh Nam chích quái” do Trần Thế Pháp soạn vào khoảng cuối đời Trần, về sau được Vũ Quỳnh và Kiều Phú hiệu chính vào đời Lê với lời tựa viết năm 1492 – 1493.
Cũng trong thời kỳ này, một số nhà sử học đã dựa vào truyền thuyết dân gian, đưa thời Hùng Vương dựng nước Văn Lang vào những bộ lịch sử dân tộc đầu tiên.
“Việt sử lược” là tác phẩm đời Trần, lần đầu tiên ghi chép về sự ra đời của nước Văn Lang đời Hùng Vương trong chương mở đầu bộ sử dưới tiêu đề: “Những thay đổi trong buổi đầu của đất nước” (quốc sơ diên cách).
Sang thế kỷ XV, Nguyễn Trãi khẳng định vị trí của đất nước Văn Lang đời Hùng Vương trong cuốn “Dư địa chí”, tác phẩm địa lý học lịch sử đầu tiên của nước ta và đặc biệt, Ngô Sĩ Liên mạnh dạn đưa thời Hùng Vương vào chính sử, đặt trong “Kỷ họ Hồng Bàng”: thuộc phần “Ngoại kỷ” của bộ “Đại Việt sử ký toàn thư”.
Đó là những việc làm có ý nghĩa nêu cao lịch sử lâu đời của đất nước, biểu hiện niềm tự tôn dân tộc, đáp ứng yêu cầu nhận thức và tình cảm của một dân tộc đã trưởng thành. Nhưng mặt khác, tính chất huyền thoại của tư liệu lại làm cho những nhà viết sử thời bấy giờ không khỏi băn khoăn, nghi ngờ. Ngô Sĩ Liên vừa công nhận sự tồn tại của một thời Hùng Vương trong lịch sử, vừa tỏ ra hết sức dè dặt khi viết trong bộ sử “Đại Việt sử ký toàn thư”: “Hãy tạm thuật lại chuyện cũ để truyền lại sự nghi ngờ thôi”.
Từ sau “Đại Việt sử ký toàn thư”, thời dựng nước đời Hùng Vương đã xác định được vị trí của nó trong lịch sử dân tộc, nhưng vẫn luôn luôn nằm trong trạng thái nửa tin nửa ngờ, vừa khẳng định vừa băn khoăn. Trình độ và phương pháp nghiên cứu của sử học thời trung cổ không cho phép các nhà sử học đương thời chứng minh được sự tồn tại của một thời kỳ lịch sử xa xưa, chưa tìm thấy tài liệu chữ viết như thời Hùng Vương. Tình hình đó kéo dài hàng trăm năm từ đầu đời Lê đến đời Nguyễn.
Dưới thời Pháp thuộc, quan điểm truyền thống về thời Hùng Vương vẫn tiếp tục tồn tại. Trong cuốn “Việt Nam sử lược”, Trần Trọng Kim đã dành một chương cho “Họ Hồng Bàng”, nhưng rồi lại nhận xét: “Chẳng qua nhà làm sử cũng nhặt nhạnh những chuyện hoang đường tục truyền lại, cho nên những chuyện ấy toàn là chuyện có thần tiên quỷ quái, trái với lẽ tự nhiên cả”, và “chuyện đời Hồng Bàng không chắc là chuyện xác thực”.
2. Nghiên cứu của các học giả phương Tây
Bên cạnh những cuốn sử viết theo quan điểm truyền thống như vậy, trong thời kỳ này còn xuất hiện một số công trình nghiên cứu của các học giả phương Tây, chủ yếu là người Pháp.
Một số nhà Hán học phương Tây như Henri Maspero, L. Aurousseau,… đi sâu vào các nguồn tư liệu thư tịch cổ Việt Nam và Trung Quốc.
Henri Maspero thừa nhận có một vương quốc cổ đại ở miền bắc Việt Nam trước khi người Hán tràn xuống, nhưng lại dựa vào thư tịch cổ của Trung Quốc để chứng minh rằng, sử sách của người Việt đã chép nhầm tên nước là Dạ Lang thành ra Văn Lang, hiệu vua là Lạc Vương thành Hùng Vương (1).
Aurousseau cũng ghi nhận sự tồn tại của một vương quốc cổ của người Việt ở miền Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Quảng Tây, Tây Nam Quảng Đông vào thời gian trước cuộc xâm lược của quân Tần, nhưng chỉ nói đến nước Tây Âu mà không công nhận nước Văn Lang, và giải thích nguồn gốc của người Việt là từ lưu vực sông Dương Tử di cư xuống vào khoảng thế kỷ IV tr.CN (2).
Trong khi đó, nhiều nhà khảo cổ học phương Tây đã phát hiện được ở nước ta di tích của một nền văn hóa đồng thau rực rỡ được đặt tên là văn hóa Đông Sơn. Nhưng họ không thấy được mối quan hệ giữa di tích văn hóa vật chất đó với thời Hùng Vương trong lịch sử Việt Nam và đều có xu hướng giải thích nguồn gốc của nền văn hóa đó như là sự du nhập từ bên ngoài vào.
Victor Goloubew nhấn mạnh ảnh hưởng của văn hóa Hán và coi văn hóa Đông Sơn là nền văn hóa của người Indonesia tiếp thu thuật luyện kim của người Hán vào khoảng đầu Công nguyên (3). Bernhard Karlgren đẩy ảnh hưởng đó lên một thời điểm sớm hơn, cho rằng văn hóa Đông Sơn thể hiện rõ sự vay mượn của nghệ thuật sông Hoài vào những thế kỷ III, IV, tr.CN (4).
Robert von Heine-Geldern và Olov Janse còn đi xa hơn, truy tìm nguồn gốc của văn hóa Đông Sơn, không những từ văn hóa Trung Quốc, mà đến tận các nền văn hóa châu Âu xa xôi. Olov Janse cho rằng văn hóa Đông Sơn chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc thời chiến Quốc, mà văn hóa Trung Quốc thời kỳ này lại bắt nguồn từ văn hóa Hallstatt ở Châu Âu truyền qua vùng thảo nguyên Âu – Á (5). Robert von Heine-Geldern còn cường điệu hơn nữa nguồn gốc Tây phương của văn hóa Đông Sơn. Tác giả dựng lên một hành trình rất xa xôi về không gian và thời gian: văn hóa phương Tây từ nguồn gốc của nó là văn hóa Mycenae của Hy Lạp, qua một loạt trung gian của văn hóa châu Âu, truyền qua Trung Á rồi chia làm hai ngả, một ngả qua Tứ Xuyên, Vân Nam xuống Việt Nam sinh ra văn hóa Đông Sơn, một ngả vào Hoa Nam đẻ ra văn hóa Trung Quốc thời cuối Chu (6).
Như vậy là các học giả phương Tây, với phương pháp nghiên cứu mới và với sự hỗ trợ của nhiều ngành khoa học mới thời kỳ bấy giờ, đã đạt được một số kết quả nghiên cứu cụ thể, nhất là về khảo cổ học. Nhưng do ảnh hưởng của quan điểm thực dân, của thuyết “Trung tâm châu Âu”, họ không thể nào hình dung và nhìn nhận được một đất nước Việt Nam thuộc địa lại có thể có một lịch sử dựng nước lâu đời và một nền văn hóa cổ xưa, rực rỡ. Họ không tin các nguồn sử liệu Việt Nam và cắt nghĩa các di tích văn hóa tìm thấy ở Việt Nam bằng sự vay mượn, du nhập của nước ngoài.
3. Quá trình nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời đại Hùng Vương
Sau cách mạng tháng tám năm 1945, cùng với quá trình hình thành và phát triển của nền sử học Marxist, lịch sử Việt Nam dần dần được nghiên cứu và viết lại, trong đó thời kỳ dựng nước đời Hùng Vương chiếm một vị trí quan trọng.
“Các vua Hùng đã có công dựng nước,
Bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”.
Câu nói của Hồ Chủ tịch ở đền Hùng năm 1954 trở thành phương hướng suy nghĩ, tìm tòi của các nhà nghiên cứu về quá khứ xa xưa này của dân tộc.
Trước hết, từ những năm 1950 và đầu 1960, những luận điểm của các học giả phương Tây về văn hóa Đông Sơn, về nguồn gốc dân tộc Việt Nam,… hoàn toàn bị phủ định (7). Nhưng lúc bấy giờ, trong giới sử học vẫn tồn tại nhiều quan niệm khác nhau về thời Hùng Vương và chưa có cơ sở khoa học để xây dựng một nhận thức mới về thời kỳ lịch sử này.
Từ cuối những năm 1960, thời đại Hùng Vương trở thành đề tài nghiên cứu và thảo luận càng ngày càng thu hút được sự quan tâm và hứng thú của giới sử học và nhiều ngành khoa học có liên quan. Trên cơ sở đó, Viện khảo cổ học đã đề ra và chủ trì một kế hoạch ba năm (1968 – 1970) tập trung lực lượng nghiên cứu thời đại Hùng Vương. Tham gia kế hoạch đó có nhiều cơ quan khoa học và nhiều các bộ nghiên cứu thuộc các ngành sử học, khảo cổ học, dân tộc học, ngôn ngữ học lịch sử, cổ nhân học, địa chất học, sinh vật học,… Những kết quả nghiên cứu được báo cáo và thảo luận trong 4 hội nghị khoa học, được công bố trên 4 tập kỷ yếu của hội nghị mang đầu đề chung là “Hùng Vương dựng nước” (8) và trên các tạp chí khoa học Nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học, Dân tộc học, Ngôn ngữ,…
Bằng sự hợp tác khoa học và bằng những phương pháp nghiên cứu liên ngành, kế hoạch ba năm nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã đạt được một số thành tựu cho phép bước đầu xác nhận:
- Đó là một thời kỳ có thật trong lịch sử dân tộc vì không những nó phản ánh trong truyền thuyết, trong thư tịch cổ, mà còn được chứng thực qua hàng loạt di tích khảo cổ học tạo thành một diễn biến văn hóa vật chất liên tục của thời kỳ ấy.
- Đó là một thời kỳ chuyển biến sâu sắc về nhiều mặt kinh tế, xã hội, chính trị, văn hóa, dẫn đến sự hình thành Nhà nước phôi thai đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
- Đó là thời kỳ ra đời và phát triển của một nền văn minh cổ xưa của người Việt.
Dĩ nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp chưa giải quyết được và những kết quả mới lại đặt ra những vấn đề mới cần tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy, kế hoạch ba năm nghiên cứu về thời đại Hùng Vương đã kết thúc, nhưng công việc nghiên cứu và thảo luận về thời kỳ lịch sử này vẫn tiếp tục và chắc chắn còn tiếp tục lâu dài. Hàng năm, những phát hiện về tư liệu, những kết quả nghiên cứu và thảo luận lại rọi chiếu thêm ánh sáng khoa học xua tan dần những lớp mây mù dày đặc của thời gian bao phủ quá khứ lịch sử này của dân tộc và từng bước nâng cao dần nhận thức hiện đại của chúng ta.
Trong những kết quả nghiên cứu về thời đại Hùng Vương, cần nhấn mạnh một thành quả có ý nghĩa cơ bản và lâu dài, đó là: xây dựng cơ sở tư liệu khoa học về thời đại Hùng Vương. Trên quan điểm của sử liệu học hiện đại, cơ sở tư liệu này được quan niệm là sự tổng hợp tất cả các nguồn sử liệu ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp chứa đựng những thông tin về đối tượng nghiên cứu. Nó bao gồm những tư liệu chữ viết khai thác trong thư tịch cổ của ta và Trung Quốc, những tư liệu truyền khẩu của văn hóa dân gian (folklore), những tư liệu về ngôn ngữ học, về dân tộc học về phong tục tập quán, tín ngưỡng cổ,… Nhưng cơ sở tư liệu chủ yếu và đáng tin cậy là tư liệu khảo cổ học. Về phương diện này, nền khảo cổ học trẻ tuổi của ta đã có nhiều đóng góp lớn.
Theo một số truyền thuyết và thư tịch cổ của ta thì địa bàn của “nước Văn Lang” rất rộng “Đông giáp Nam Hải, Tây đến Ba Thục, Bắc đến Động Đình, Nam giáp nước Hồ Tôn tức nước Chiêm Thành” (9). Rõ ràng đó không phải là lãnh thổ của nước Văn Lang đời Hùng Vương, mà là cương giới của một khu vực tương ứng với địa bàn cư dân của tộc người Việt nói chung mà thư tịch cổ Trung Quốc gọi là Bách Việt. Các sử gia thời cuối Lê đầu Nguyễn như Ngô Thì Sĩ trong “Việt sử tiêu án”, Phan Huy Chú trong “Lịch triều hiến chương loại chí”, Quốc sử quán triều Nguyễn trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”… đều tỏ ý nghi ngờ về cương giới quá rộng của nước Văn Lang và nêu lên nhiều lý do giải thích khác nhau. Nguyên nhân nhầm lẫn có thể xuất hiện từ nhiều động cơ khác nhau, nhưng ít nhiều phản ánh một thực tế lịch sử về mối quan hệ bà con gần gũi giữa những nhóm người Việt cấu thành cư dân Văn Lang – người Lạc Việt, Âu Việt – với các nhóm người Việt trong đại gia đình tộc Việt nói chung.
Căn cứ theo 15 bộ của nước Văn Lang và nhất là căn cứ vào quá trình chuyển hóa lịch sử từ nước Văn Lang đời Hùng Vương đến nước Âu Lạc đời An Dương Vương, rồi đến hai quận Giao Chỉ, Cửu Chân thời thuộc Triệu và thuộc Hán, có thể xác định: địa bàn của nước Văn Lang tương ứng với vùng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nước ta ngày nay và một phần phía nam Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc.
Về thời gian tồn tại của “nước Văn Lang” thì giới hạn sau có thể xác định vào khoảng thế kỷ III tr.CN khi nước Âu Lạc thành lập thay thế cho nước Văn Lang, nhưng giới hạn mở đầu thì rất mơ hồ. Truyền thuyết và thư tịch cổ đặt “nước Văn Lang” trong một thời đại truyền thuyết gọi là “kỷ họ Hồng Bàng” gồm các đời Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và Hùng Vương, mà đến thế kỷ XV, Ngô Sĩ Liên khi viết phần “Ngoại kỷ” của bộ “Đại Việt sử ký toàn thư” đặt cho một niên đại mở đầu là năm Nhâm Tuất tức năm 2879 tr.CN. Như trong phần “phàm lệ” Ngô Sĩ Liên đã nói: “Việc chép trong Ngoại kỷ là gốc ở dã sử”, và “Từ Hùng Vương trở về trước không có niên biểu”. Niên đại mở đầu “kỷ họ Hồng Bàng” là một niên đại do tác giả suy đoán: “Kinh Dương Vương… cùng với Đế Nghị đồng thời, cho nên chép năm đầu ngang với năm đầu của Đế Nghị” (10). Quan niệm dân gian phổ biến coi thời Hùng Vương đến nay khoảng 4.000 năm với cách nói quen thuộc như: “Bốn nghìn năm mở nước”, “Bốn nghìn năm dựng nước”, “Bốn nghìn năm văn hiến”,… Có thể coi đó là một niên đại truyền thuyết làm cơ sở cho việc giới hạn phạm vi thời gian cần nghiên cứu về thời đại Hùng Vương.
Trên phạm vi không gian và thời gian được truyền thuyết và thư tịch cổ gọi là “nước Văn Lang đời Hùng Vương” đó, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được hàng trăm di tích khảo cổ học và đã khai quật trên diện tích lớn rất nhiều địa điểm. Tất cả các di tích khảo cổ học ấy kết thành một diễn biến văn hóa vật chất liên tục từ sơ kỳ thời đại đồng thau đến sơ kỳ thời đại đồ sắt.
Chú thích
- H.Maspéro, Le royaume de Van Lang , BEFEO XVII, 1981.
- L.Aurousseau, La premiére conquête chinoise des pays annamites, Notes sur les origines du peuple annamite, BEFEO XXIII, 1923.
- V.Goloubew, L’Age du bronze au Tonkin et dans le Nord-Annam, BEFEO XXIX, 1929.
- B.Kalrgen, The date of the early Dong Son cullure, Stokholm, 1942.
- O.Jansé, Archaeological research in Indochina, Harvard University press, Vol I, 1947.
- R.H.Geldern, L’Art préboudhique de la Chine et de I’Asie du Sud-est et son influence en Océanie, Revue des Arts asiatiques, t-XI,1937.
- Đào Duy Anh, Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, Hà Nội 1957.
- Bốn hội nghị khoa học và 4 tập kỷ yếu về Hùng Vương dựng nước là:
- Hội nghị thứ nhất tổ chức tại Hà Nội ngày 16-12-1969 với tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước I, Hà Nội 1970.
- Hội nghị thứ hai tổ chức tại Vĩnh Phú tháng 4-1970 với tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước II, Hà Nội 1972.
- Hội nghị thứ ba tổ chức tại Hà Nội ngày 3-8-1970 với tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước III, Hà Nội 1973.
- Hội nghị thứ tư tổ chức tại Hà Nội ngày 19-21/4/1971 với tập kỷ yếu Hùng Vương dựng nước IV, Hà Nội 1974.
- Vũ Quỳnh, Kiều Phú, “Lĩnh Nam chích quái”, NXB Văn Hóa, Hà Nội 1960, tr.23.
Ngô Sĩ Liên và các sử thần triều Lê, Đại Việt sử ký toàn thư, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1967, t.I, tr.61. - Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, t.I, tr 21-22.