Cuộc chinh phục Ấn Độ cổ đại của người Ba Tư và Hy Lạp-Macedonia

Cuộc chinh phục Ấn Độ cổ đại của người Ba Tư và Hy Lạp-Macedonia

Cuộc chinh phục Ấn Độ cổ đại của người Ba Tư và Hy Lạp-Macedonia khiến cho các nền văn hóa của mỗi khu vực có sự giao thoa và ảnh hưởng mật thiết với nhau.

Cuộc chinh phục Ấn Độ của người Ba Tư
Cuộc chinh phục Ấn Độ của người Ba Tư

1. Cuộc chinh phục Ấn Độ của người Ba Tư

Từ cuối thế kỷ VI trước Công nguyên, vùng đất đai ở phía Tây con sông Ấn đã bị người Ba Tư chinh phục. Vua Ba Tư là Darius thuộc vương triều Achaemenid, đã từng phái một đạo quân đặc biệt do tướng Scylax chỉ huy đến thám hiểm các vùng biên giới phía đông của Ba Tư và tiến sang tận phía tây lưu vực sông Ấn đến vùng cửa biển.

Cuộc chinh thám của Scylax đã phát hiện ra con đường biển đi từ bán đảo A Rập đến Ấn Độ, khiến cho người Ba Tư và người Ấn Độ bắt đầu tiếp xúc mật thiết với nhau. Do đó, việc giao lưu kinh tế và văn hóa bắt đầu kiến lập giữa hai nước. Sau đó, người Ba Tư tiến hành chiến tranh xâm lược, chinh phục nhiều vùng rộng lớn ở miền Tây bắc Ấn Độ, từ vùng Gandhara (thuộc Punjab) ở phía bắc đến cửa biển sông Ấn ở phía Nam.

Tại những vùng đã chinh phục được, người Ba Tư xâm lược đã tổ chức ra những tỉnh mới của họ, gọi là những Satrapies. Hàng năm, các tỉnh này phải nộp cống cho vua Ba Tư đến 360 Talent vàng (đơn vị trọng lượng tiền tệ ở Lưỡng Hà thời cổ đại). Ngoài ra còn phải mộ dân đi lính cho quân đội Ba Tư.

Do sự xâm nhập của người Ba Tư ở miền Tây Bắc Ấn Độ, mà văn hóa Ba Tư và văn hóa Ấn Độ càng chịu ảnh hưởng lẫn nhau rõ rệt hơn, nhất là trong lĩnh vực tôn giáo và nghệ thuật tạo hình. Điều đó có thể chứng minh được khi nghiên cứu nền nghệ thuật và những tín ngưỡng tôn giáo thời bấy giờ của người Ấn Độ và người Ba Tư (đạo Zoroaster). Qua nghiên cứu, người ta thấy có rất nhiều điểm giống nhau giữa hai nền văn hóa đó.

Cuối thế kỷ IV trước Công nguyên, vương quốc Magadha có nổi loạn, vương triều Shaishunaga bị lật đổ, vương triều Nanda lên thay. Vua Nanda hoàn thành việc thống nhất toàn bộ đất đai ở lưu vực sông Hằng và mở rộng vương quốc Magadha xuống phía Nam bằng cách chinh phục các vương quốc nhỏ ở miền Trung Ấn Độ.

Người Hy Lạp-Macedonia xâm lược Ấn Độ cổ đại
Người Hy Lạp-Macedonia xâm lược Ấn Độ cổ đại

2. Người Hy Lạp-Macedonia xâm lược Ấn Độ cổ đại

Cuối thời vương triều Nanda, tình hình chính trị rất rối ren; Ấn Độ đang bước vào một thời kỳ rất gian nguy vì cuộc chiến tranh xâm lược của người Hy Lạp – Macedonia. Từ giữa thế kỷ IV trước Công nguyên trở đi, nước Macedonia ở bán đảo Hy Lạp đã trở thành một quốc gia hùng mạnh nhất ở phương Tây, không những đã làm chủ được cả bán đảo Balkan, mà còn có tham vọng chinh phục cả thế giới nữa.

Năm 334, vua Macedonia là Alexandros mang đại quân sang đánh Ba Tư, chiếm được miền Tiểu Á, Phoenicia, và Ai Cập. Sau khi đã tiêu diệt hoàn toàn đội quân của vua Darius II, Alexandros chiếm cứ vùng Mesopotamia (Lưỡng Hà) và toàn bộ cao nguyên Iran rộng lớn.

Năm 327, quân đội của Alexandros vượt qua đèo Kabul, xâm nhập lưu vực sông Ấn và vùng Punjab. Nhiều bộ lạc trước kia bị người Ba Tư thống trị, nay đều bị Alexandros chinh phục. Sau đó, quân của Alexandros tiến đến vùng sông Hydaspes và kịch chiến với quân đội của vương quốc Porus là vương quốc lớn mạnh nhất ở miền Tây Bắc Ấn Độ. Quân đội Porus không chống cự nổi nên thất bại. Nhiều thành lũy của người Macedonia được xây dựng để duy trì chế độ chiếm đóng ở miền này.

Sau khi đánh bại quân đội Porus, quân xâm lược lại tiến đánh nhiều vương quốc khác ở phía đông và cuối cùng thì giao chiến với quân đội của vương quốc Magadha hùng cường. Magadha đã chuẩn bị một lực lượng vũ trang rất lớn để đối phó: 20 vạn bộ binh, 8 vạn kỵ binh, 8 nghìn chiến xa và 6 nghìn voi trận. Trận giao chiến giữa quân Macedonia và quân Magadha đã diễn ra vô cùng ác liệt. Quân của Alexandros không thể vượt qua sông tiến lên được, vì họ vấp phải sức chống cự mãnh liệt và kỹ thuật tác chiến cao của người Magadha.

Alexandros buộc phải lui quân về miền sông Hydaspes, giao lại việc cai trị các khu vực đã chinh phục được cho vương quốc Porus đã đầu hàng và lưu lại một bộ phận quân đội khá lớn để đóng giữ miền này. Ông hạ lệnh cho tướng Nearchos chỉ huy một đạo quân, thuận dòng sông Ấn xuôi ra cửa biển trở về Ba Tư theo đường biển, còn mình thì tự dẫn một đạo quân khác vượt qua những vùng sa mạc khô khan trở về Ba Tư bằng đường bộ (năm 325).

Ít lâu sau, Alexandros lâm bệnh, qua đời ở Babylon năm 323 trước Công nguyên sau một cuộc đông chinh trường kỳ và đầy gian khổ. Đế quốc do Alexandros mới thành lập lên trên những miền đất đai rộng lớn của miền Tây châu Á và Ai Cập cũng theo đó mà tan rã.

Cuộc đông chinh của Alexandros mang tính chất xâm lược rõ rệt và cuộc chinh phục của người Macedonia ở miền Tây Bắc Ấn Độ có một ý nghĩa lịch sử quan trọng. Từ đó, thế giới Hy Lạp tiếp xúc một cách mật thiết hơn với các bộ tộc miền Trung Cận Đông, và qua miền này mà đặt quan hệ với các bộ tộc và quốc gia ở miền Tây Bắc Ấn Độ. Văn hóa tiên tiến của người Hy Lạp được truyền bá sang Ấn Độ từ đấy. Tại miền Gandhara và Punjab, người ta tìm được nhiều  di vật như những pho tượng và những đồng tiền của người Ấn Độ thời bấy giời đúc theo kiểu Ấn Độ có châm chước theo kiểu Hy Lạp. Ngược lại, nền văn hóa độc đáo của Ấn Độ cổ đại cũng có ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển của nền văn hóa Hy Lạp từ đó, đặc biệt là trong hai ngành y học và triết học.

Cuộc chinh phục Ấn Độ cổ đại của người Ba Tư và Hy Lạp-Macedonia
– Lịch sử Ấn Độ cổ đại – LichSu.Org

Lịch sử Ấn Độ cổ đại
Lịch sử Ấn Độ cổ đại

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.