Cuộc chinh phục của người Aryan và thời kỳ Vedic [Ấn Độ cổ đại]

Cuộc chinh phục của người Aryan và thời kỳ Vedic

Cuộc chinh phục của người Aryan và thời kỳ Vedic trong lịch sử Ấn Độ cổ đại dần kéo theo sự dịch chuyển trung tâm văn minh sông Ấn sang lưu vực sông Hằng.

1. Cuộc chinh phục miền Bắc Ấn Độ của người Arya

Vào khoảng trên dưới 2000 năm trước Công nguyên, một số bộ lạc thuộc chủng người Aryan từ miền núi Hindu Kush và cao nguyên Pamir bắt đầu xâm lược miền Tây Bắc Ấn Độ. Người Aryan lúc này đang sống dưới chế độ công xã thị tộc mạt kỳ, gồm nhiều bộ lạc du mục. Các bộ lạc đó liên kết với nhau thành liên minh bộ lạc, đứng đầu có “vua” (Raja) – thực chất là tù trưởng hay thủ lĩnh quân sự. Nhưng quyền lực chủ yếu vẫn thuộc về đại hội các thành viên nam giới của bộ lạc. Trong tập kinh Rigveda (hay còn gọi Rig Veda) có gọi các bộ lạc thổ dân sống ở phía Bắc của Ấn Độ là :”Dasa” – có nghĩa là kẻ thù. Về sau, chữ “Dasa” dùng để chỉ nô lệ. Điều đó chứng tỏ rằng người Aryan đi chinh phục đã biến đại bộ phận người thổ dân bị chinh phục ở miền Bắc Ấn Độ thành nô lệ.

Trong hai tập thơ lịch sử Mahabharata và Ramayana có thuật lại nhiều xung đột đổ máu xảy ra giữa thổ dân và kẻ đến xâm lược. Trong bộ kinh Veda cũng có nói tới những khu vực ở miền Bắc Ấn Độ bị ngoại tộc xâm chiếm: đó là vùng Aryavarta (có nghĩa là đất nước của người Aryan) theo tên gọi của những người mới đến chinh phục. Đầu tiên, người Aryan mới xâm nhập vùng Punjab ở phía Tây Bắc Ấn Độ. Về sau họ tiến dần sang vùng Đông Bắc và làm chủ cả lưu vực sông Hằng. Cuộc xâm nhập của người Aryan chắc chắn là kéo dài trong một thời kỳ khá lâu, cho đến khi họ đã lập xong đất nước Aryavarta của họ.

Lúc đầu, có lẽ cuộc xâm nhập của người Aryan chỉ có tính chất một cuộc thiên di hòa bình của những bộ lạc đi tìm đất đai rộng lớn hơn và tốt hơn để sinh sống. Họ mang theo nhiều đàn gia súc và đủ các loại đồ dùng cần thiết cho cuộc sống. Về sau họ đã đi đến chỗ xung đột vũ trang với người thổ dân ở miền Bắc Ấn Độ. Điều đó đã được phản ánh trong hai tập thơ lịch sử nói trên cũng như trong kinh Rigveda. Trong tập kinh này có nói tới chín bộ lạc người Aryan chiếm cứ các vùng khác nhau ở miền Bắc Ấn Độ. Sự thật thì con số đó còn nhiều hơn.

Trong một thời gian rất dài, các bộ lạc người Aryan đi chinh phục vẫn tiếp tục đời sống du mục của họ. Trong công xã thị tộc của họ, tàn tích của chế độ mẫu quyền vẫn còn nặng. Một số nhân vật trong Rigveda được gọi tên theo dòng mẹ. Nhưng nhìn toàn bộ thì quan hệ phụ quyền đã chiếm địa vị thống trị: tiếng gọi “cha” trong ngôn ngữ Ấn Độ cổ đại lúc đầu có nghĩa là người chủ, người thống trị. Nghề chính của họ trong thời kỳ này là nghề chăn nuôi.

2. Thời kỳ Vedic trong lịch sử Ấn Độ cổ đại

Đời sống kinh tế và xã hội của các bộ lạc Aryan sống ở miền Bắc Ấn Độ được phản ánh trong kinh Veda, so với trình độ văn hóa của người Dravidian, biểu hiện qua các di vật khảo cổ học ở Harappa và Mohenjo-daro, thì còn thấp kém xa. Quả là lúc các người Aryan mới bắt đầu định cư ở Bắc Ấn Độ, văn hóa của họ còn kém xa người Dravidian, mặc dù lúc ấy xã hội của người Dravidian đã bắt đầu suy tàn.

Trước sự xâm lăng của người Aryan, một bộ phận người Dravidian đã phải lánh đến vùng rừng núi phía Nam để sống, một bộ phận khác ở lại thì hầu hết đều bị người Aryan biến thành nô lệ. Sau một thời kỳ chung sống lâu dài, người chinh phục và kẻ bị chinh phục đã đồng hóa với nhau.

Do tiếp thu nền xã hội cũ của người Dravidian, do học tập được kỹ thuật canh tác của họ, do chiếm cứ được những vùng đất đai màu mỡ, người Aryan bắt đầu chuyển từ đời sống chăn nuôi du mục sang đời sống nông nghiệp định cư. Chế độ công xã nông thôn xuất hiện. Cùng với sự thiên di của người Aryan sang phía đông, trung tâm văn minh Ấn Độ cổ đại di chuyển từ lưu vực sông Ấn sang tới lưu vực sông Hằng. Lúc ấy sức sản xuất đã tiến lên một bước mới: đồ sắt đã bước đầu được sử dụng, nông nghiệp đã chiếm hẳn ưu thế so với chăn nuôi.

Thủ công nghiệp và việc trao đổi cũng phát đạt hơn trước. Trong các ngành thủ công, ngành quan trọng nhất là nghề luyện kim và nghề dệt vải.

Quan hệ xã hội lúc này cũng đã khác trước. công xã thị tộc đã bị công xã nông thôn thay thế hẳn. Trong công xã nông thôn, cũng có cả người Dravidian bị chinh phục biến thành nô lệ. Vì cần phải tu bổ đê điều, đường sá, đền miếu và đề phòng ngoại xâm, nên một số công xã nông thôn thấy cần liên kết lại thành liên minh công xã. Về sau do sự tích lũy tài sản tư hữu và sự phân hóa ngày càng sâu sắc giữa giàu và nghèo mà nhà nước chiếm hữu nô lệ bắt đầu xuất hiện trên cơ sở những liên minh công xã đó.

Lúc này trên lưu vực sông Hằng đã xuất hiện rất nhiều nước nhỏ của người Aryan, đứng đầu mỗi nước có một Raja cai trị nước với một hội nghị gồm đại biểu quý tộc. Những nước nhỏ này thường gây chiến với các bộ tộc thổ dân ở xung quanh để cướp đất đai và cướp nô lệ. Giữa các vương quốc của người Aryan cũng luôn luôn xảy ra chiến tranh thôn tính đất đai của nhau.

Trong xã hội chiếm hữu nô lệ của người Aryan, những tàn tích của chế độ thị tộc vẫn tồn tại một cách dai dẳng. Chế độ công hữu về ruộng đất vẫn còn chiếm ưu thế trong một thời gian dài. Ruộng đất về danh nghĩa là tài sản của công xã nông thôn nhưng được chia cho các gia đình cá thể sử dụng để cày cấy riêng. Ngoài ra còn có một số ruộng đất do toàn thể thành viên công xã cùng cày cấy để làm quỹ chung của công xã.

Trong công xã, kinh tế tiểu nông kết hợp chặt chẽ với thủ công nghiệp gia đình. Mỗi công xã đều tự cung tự túc, quan hệ trao đổi giữa các công xã rất yếu ớt, lỏng lẻo. Đó là đặc điểm của nền kinh tế Ấn Độ, gây trở ngại lớn cho sự phát triển của xã hội Ấn Độ.

Giai đoạn này trong lịch sử Ấn Độ cổ đại gọi là thời kỳ Vedic. Ở thời kỳ Vedic, chế độ nô lệ chưa được phát triển lắm. Theo bộ luật Narada, có đến 15 hạng người nô lệ do năm nguồn gốc chính sau đây mà ra:

  1. Nô lệ tù binh
  2. Nô lệ vi phạm tội
  3. Nô lệ vì nợ
  4. Nô lệ xuất thân là dân tự do Aryan bị bần cùng hóa
  5. Nô lệ do cha mẹ là nô lệ đẻ ra

Nguồn cung cấp nô lệ chủ yếu là chiến tù. Một số người Aryan cũng trở thành nô lệ vì nợ hoặc vì phạm tội, nhưng theo luật lệ thì họ chỉ làm nô lệ tạm thời. Nhà nước có những biện pháp chống tình trạng nô dịch hóa người Aryan, nhưng không mấy có hiệu quả.

Giữa người dân tự do và nô lệ có thể kết hôn với nhau. Chủ nhà lấy nữ nô sinh ra con cái thì con cái và mẹ của chúng được tự do. Nô lệ được dùng trong công tác sản xuất nông nghiệp, thủ công nghiệp và trong các công trình công cộng. Số nô lệ không đông lắm so với số nông dân tự do trong các công xã và thường thường thì làm việc trong gia đình chủ nô. Nô lệ cũng có gia đình và có của riêng của mình, tuy rằng của riêng rất ít.

Nhìn chung, vào thời gian này chế độ nô lệ ở Ấn Độ cổ đại không phát triển lắm. Từ thế kỷ VI trước Công nguyên trở đi, đặc biệt dưới vương triều Maurya, chế độ nô lệ mới phát triển đôi chút. Các cuộc đấu tranh của nô lệ chống chủ nô vẫn thường xuyên xảy ra, tuy vậy, không có cuộc đấu tranh nào thật sự lớn xảy ra.

Cuộc chinh phục của người Aryan và thời kỳ Vedic – Lịch sử Ấn Độ cổ đại
– LichSu.Org –

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.