Cuộc sống của bầy người nguyên thủy ở thời đại đồ đá

Thế nào là bầy người nguyên thủy?

Bầy người nguyên thủy là hình thái tổ chức xã hội xưa nhất của loài người, chiếm một thời gian rất dài và phát triển chậm chạm trong tiến trình lịch sử.

Các thời kỳ của xã hội nguyên thủy

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người, xã hội nguyên thủy chiếm một thời gian hết sức lâu dài. Nếu chúng ta giả định rằng từ khi loài người xuất hiện cho đến ngày nay là chừng một triệu năm, thì xã hội nguyên thủy phải chiếm một thời gian gần tương đương, vì từ khi xã hội có giai cấp hình thành đến bây giờ chỉ mới có năm, sáu nghìn năm thôi. Những quốc gia tối cổ trong lịch sử thế giới chỉ xuất hiện vào khoảng trên dưới bốn nghìn năm trước công nguyên.

Trong thời kỳ xã hội nguyên thủy, loài người đã tiến triển một cách rất chậm chạp nhưng vững chắc trong cuộc đấu tranh để sinh tồn. Về mặt sinh hoạt kinh tế cũng như về mọi mặt tổ chức xã hội, đều có sự tiến bộ lớn lao không ngừng. Việc chế tạo những công cụ lao động nguyên thủy, trong đó có những công cụ dùng làm vũ khí, việc tìm ra lửa, việc thuần dưỡng động vật, việc trồng trọt ngũ cốc và cây có quả, việc chế tạo ra đồ gốm, sự hình thành của ngôn ngữ, văn tự, sự nảy nở của tri thức khoa học kỹ thuật, sự phôi thai của văn học, nghệ thuật đều là những thành tựu lớn lao mà loài người đã đạt được trong thời kỳ xã hội nguyên thủy.

Vì thời kỳ xã hội nguyên thủy tồn tại hết sức lâu dài và phát triển hết sức chậm chạp, mà trong thời gian dài đằng đẵng đó, sinh hoạt kinh tế và tổ chức xã hội trước sau có khác nhau rõ rệt, cho nên người ta có thể phân chia lịch sử xã hội nguyên thủy thành những giai đoạn phát triển cao thấp khác nhau.

Từ đầu thế kỷ XIX, các nhà khảo cổ học bằng cứ vào những vật liệu người nguyên thủy đã dùng để chế tác công cụ lao động mà chia lịch sử phát triển của xã hội nguyên thủy ra làm ba giai đoạn: thời đại đồ đá, thời đại đồ đồng (chủ yếu là đồ đồng thau) và thời đại đồ sắt. Vì thời đại đồ đá tồn tại trong một thời gian rất lâu dài (trên thế giới đồ bằng kim loại xuất hiện sớm nhất vào khoảng bốn nghìn năm trước công nguyên, từ đó trở về trước là thời đaị đồ đá), cho nên các học giả trên lại còn bằng cứ vào trình độ kỹ thuật chế tạo đồ đá và công dụng của nó để chia thời đại đồ đá ra làm ba thời kỳ: thời kỳ đồ đá cũ, thời kỳ đồ đá giữa, thời kỳ đồ đá mới. Mỗi một thời kỳ đó lại được chia ra làm ba thời kỳ nhỏ hơn: sơ kỳ, trung kỳ, hậu kỳ thời đại đồ đá cũ hay đồ đá mới.

Phương pháp căn cứ vào vật liệu chế tạo và kỹ thuật chế tác công cụ lao động để phân chia các thời kỳ lịch sử như vậy tất nhiên là có những ưu điểm nhất định của nó. Song phương pháp phân kỳ theo khảo cổ học đó không đủ để biểu hiện những mối liên hệ tất yếu giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, giữa sự phát triển của kỹ thuật sản xuất với sự phát triển của tổ chức xã hội.

Các nhà sử học đã tiến lên một bước trong việc xác định phương pháp phân kỳ lịch sử xã hội nguyên thủy. Họ phân biệt hai giai đoạn: “bầy người nguyên thủy và công xã thị tộc”, coi như hai giai đoạn của quá trình phát triển lịch sử xã hội nguyên thủy. Họ lại đem giai đoạn công xã thị tộc nói trên chia ra làm hai thời kỳ: thời kỳ công xã thị tộc mẫu quyền và thời kỳ công xã thị tộc phụ quyền.

Bầy người nguyên thủy ở thời đại đồ đá cũ sơ kỳ

Việc tìm được những di cốt hóa thạch của người Pi-tê-can-tơ-rôp – cũng gọi là người vượn Gia-va – phát triển cao hơn loài vượn phương Nam là một thành tựu của nền khoa học cuối thế kỷ XIX. Người vượn Gia-va được coi là người nguyên thủy cổ nhất mà người ta được biết, là giống người trung gian xưa nhất giữa vượn và người do một bác sĩ người Hà Lan tên là Đuy-boa (E.Dubois) phát hiện được ở Tơ-rin-nin trên đảo Gia- va (Indonexia) vào những năm 1891-1894. Ông tìm ra hai cái sọ, một hàm răng dưới, ba cái răng, một cái xương, vai, sau đó lại tìm được bốn mảnh xương ống chân tay. Ở cùng một lớp đất, người ta cũng tìm thấy những công cụ lao động bằng đá chế tạo rất thô sơ mà người ta đoán là của người Pi-tê-can-tơ-rôp. Công cụ tiêu biểu nhất của giống người này là cái rìu tay kiểu Sen, thuộc thời kỳ văn hóa Sen, có hình dáng rõ rệt và có tác dụng vạn năng, có thể dùng để cắt, chặt, đào đất, làm vũ khí tự vệ hoặc tấn công trong khi săn bắt thú vật. Người vượn Gia-va trú dưới những lùm cây rậm, dưới các mái đá hoặc dưới những mái lều thô sơ làm bằng những cành cây. Họ không có quần áo, nhiều lắm họ chỉ biết lấy da thú che thân. Họ cũng chưa tìm ra lửa. Nguồn sống chính của họ là săn bắt các thú nhỏ và lượm hái hoa quả trong rừng đào bới củ cây, rễ cây để ăn.

Giống người vượn trung gian kế tiếp người Pi-tê-can-tơ-rôp là người Xi-nan-tơ-rôp – cũng gọi là người vượn Bắc Kinh do nhà khảo cổ học Trung Quốc Bùi Văn Trung phát hiện từ năm 1921 ở vùng Chu Khẩu Điếm, phía tây nam Bắc Kinh. Năm 1926, Sở điều tra địa chất Trung Quốc bắt đầu phát quật và tìm thấy nhiều cái xương sọ, xương hàm, xương sống, xương vai, xương mông, xương ống tay, xương đùi thuộc cơ thể của hơn 40 người Xi-nan-tơ-rôp khác nhau. Ngoài ra người ta còn tìm thấy những công cụ bằng đá rất thô sơ, di cốt các động vật dùng làm thức ăn của họ và dấu vết của việc dùng lửa. Công cụ tiêu biểu nhất của giống người Xi-nan-tơ-rôp là cái rìu tay kiểu A Sơn thuộc thời kỳ văn hóa A Sơn, được ghè tốt hơn, có hình dáng hạnh nhân, tam giác hoặc bầu dục. Nhiều vết tích của các bếp lửa tìm thẩy ở Chu Khẩu Điếm chứng tỏ người Xi-nan-tơ-rôp đã biết dùng lửa, có chỗ ở cố định trong hang, săn được những thú lớn như hươu, nai, ngựa rừng và tê giác. Có thể nói rằng người Xi-nan-tơ-rôp thuộc thời kỳ văn hóa A Sơn không những biết dùng lửa để sưởi ấm lúc rét và làm vũ khí đấu tranh với những thú dữ thường xuyên đe dọa họ, mà còn biết dùng lửa để nướng chín thức ăn, làm cho thức ăn thơm ngon và giữ được lâu hơn. Địa bàn cư trú của người Xi-nan-tơ-rôp được phân bổ trên một vùng rộng lớn gồm miền Nam châu Á, miền Nam châu Âu và toàn bộ Châu Phi.

Người Hây-đen-be phát hiện năm 1907 ở vùng Hây-đen-be (Đức) cũng là một giống người vượn gần gũi với người vượn Bắc Kinh và là giống người xưa nhất sống ở lục địa Châu Á.

Sau người Xi-nan-tơ-rôp và người Hây-đen-be là người Nê-an-đec-tan tìm thấy khoảng năm 1856 với chừng trên một trăm mảnh xương hóa thạch đủ các loại ở trong một hang núi vùng Nê-an-đec-tan (Đức). Sau đó ở nhiều nơi thuộc Châu Á, châu Âu và châu Phi, người ta cũng tìm thấy nhiều xương hóa thạch của giống người Nê-an-đec-tan. Ở Trung Quốc cũng tìm thấy giống người này, gọi là người Hà Sáo (Nội Mông).

Người Nê-an-đec-tan sống vào thời kỳ mà khảo cổ học gọi là thời kỳ văn hóa Mu-xti-ê, thuộc trung kỳ đồ đá cũ, trên một địa bàn cư trú rộng lớn hơn nhiều sơ với người Xi-nan-tơ-rôp ở thời kỳ văn hóa A Sơn. Đặc điểm những công cụ của người Nê-an-đec-tan là được chế tác bằng kỹ thuật tách đá khỏi hạch đá, đánh dấu một bước tiến mới trong kỹ thuật chế tác công cụ. Sinh hoạt kinh tế chủ yếu của người Nê-an-đec-tan thời văn hóa Mu-xti-ê là săn bắt. Việc hái lượm lúc này không còn là nguồn sống chính của họ nữa. Việc phát triển nghề săn bắt đã giúp họ cải thiện đời sống chung và kéo dài thời hạn định cư ở những nơi thuận lợi cho việc săn bắt và có nhiều thú rừng.

Bầy người nguyên thủy sống như thế nào
Bầy người nguyên thủy sống như thế nào

Bầy người nguyên thủy sống như thế nào?

Khi loài người mới tách khỏi giới động vật thì họ đang sống ở trạng thái mông muội. Họ ăn lông ở lỗ, cư trú trong hang động, không có sức để chống lại những lực lượng thiên nhiên. Do đó, đời sống của người nguyên thủy không khác loài động vật mấy, mà năng lực sản xuất của họ cũng không nhiều hơn động vật bao nhiêu. Con người đầu tiên tách khỏi giới động vật chưa được giải phóng hoàn toàn. Nhưng mỗi bước tiến trong hoạt động lao động của họ là một bước tiến đến giải phóng họ khỏi lệ thuộc hoàn toàn vào lực lượng thiên nhiên. Để tìm kiếm những tư liệu sinh hoạt và đấu tranh chống các thú dữ, người nguyên thủy không thể không tập hợp lại với nhau để cùng chung lao động và tự vệ. Ba bốn mươi người, có khi nhiều hơn, hợp lại thành bầy người nguyên thủy đi lang thang kiếm ăn tại một vùng nhất định, hái lượm hoa quả, đào bới củ cây hay săn thú, bắt cá. Việc tìm kiếm thức ăn đang còn có tính chất ngẫu nhiên. Vì thế bầy người nguyên thủy lúc ấy chưa có thể là một tập đoàn người tương đối vững chắc và gắn bó lâu dài. Tùy điều kiện sinh hoạt thay đổi, mà khi thì họ kết hợp lại tương đối đông, khi thì phân tán ra tương đối nhỏ. Giữa các bầy người nguyên thủy, cũng không có mối liên hệ gì lâu dài và bền vững cả. Quan hệ nam nữ lúc ấy còn là quan hệ tạp giao, nghĩa là giao hợp bừa bãi, không phân biệt già trẻ, trên dưới, không phân biệt thế hệ cha mẹ với con cái, giữa anh em với chị em. Lúc này chưa có hôn nhân và gia đình.

Mãi đến cuối thời kỳ bầy người nguyên thủy mới có lệ cấm cha mẹ và con cái lấy nhau. Nhưng anh em và chị em ruột, anh em và chị em họ đều có quyền và có nghĩa vụ kết hôn với nhau. Đó gọi là gia đình đồng huyết, hình thức hôn nhân và gia đình xuất hiện đầu tiên trong lịch sử.

Ở thời kỳ bầy nguyên thủy, công cụ lao động tiêu biểu là những hòn đá cuội được ghè qua loa, hình dáng rất thô kệch, những mảnh tước tách từ hạch đá, những chiếc rìu tay hình bầu dục hoặc hình hạnh nhân, những chiếc dùi, nạo, những lao, mác. Kỹ thuật chế tạo công cụ rất thô sơ. Năng suất lao động rất thấp kém. Nạn đói thường xuyên đe dọa.

Ở nước ta, công cụ lao động tìm thấy ở di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa) là thuộc thời địa đồ đá cũ sơ kỳ. Do đó, có thể nói Việt Nam cũng là một trong những nơi địa bàn sinh trưởng của loài người. (Xem thêm Người khôn ngoan và nền văn hóa Sơn Vi ở Việt Nam)

Một bước tiến lớn lao, trước đây chưa từng có, là cuối thời kỳ bầy người nguyên thủy, thuộc giai đoạn người Nê-an-đec-tan, con người đã biết cách tìm ra lửa. Lúc đầu, người nguyên thủy chỉ biết lấy lửa trong thiên nhiên: lửa bốc lên ở các núi lửa hoặc ở cây cối bị sét đánh cháy. Về sau họ tự làm ra lửa bằng cách cọ xát mạnh hai cành cây hay hai hòn đá lửa. Việc tìm ra lửa đã đánh dấu một bước nhảy vọt trong lịch sử loài người. So với việc phát minh máy hơi nước thời cận đại thì nó còn có ý nghĩa lớn lao hơn. Vì rằng khi loài người biết cách làm ra lửa thì họ cũng biết dùng lửa để nướng chín thức ăn, biết đốt lửa để sưởi ấm và xua đuổi thú dữ, biết đốt phá rừng để mở rộng phạm vi cư trú. Còn như về sau, việc chế tạo đồ gốm và đồ kim loại thì nhất định phải dùng lửa. Việc dùng lửa đánh dấu bước đầu loài người chinh phục giới tự nhiên. Nó làm cho loài người cuối cùng cũng tách khỏi giới động vật. Ăng-ghen viết: “Mặc dù máy hơi nước đã thực hiện trong xã hội một bước ngoặt giải phóng vĩ đại, nhưng điều chắc chắn là tác dụng giải phòng loài người của việc lấy lửa bằng cách cọ xát còn vượt xa máy hơi nước. Vì lấy lửa bằng cọ xát đã cho phép con người lần đầu tiên chi phối được một lực lượng thiên nhiên và do đó mà tách hẳn con người khỏi giới động vật”.

Bầy người nguyên thủy chưa có nghệ thuật, vì muốn có nghệ thuật thì óc quan sát và sự nhận thức về mối quan hệ giữa tự nhiên với hình tượng nghệ thuật phải đạt đến một mức độ phát triển nhất định, và bàn tay cũng phải đạt đến một mức độ thành thạo, khéo léo nhất định. Thời sơ kỳ đồ đá cũ, người nguyên thủy chưa đạt đến mức độ đó nên người ta không thấy có dấu vết của nghệ thuật.

Bầy người nguyên thủy chưa có tôn giáo, vì rằng tôn giáo chỉ nảy sinh trên cơ sở có sự thống trị trong tư tưởng con người của những lực lượng tự nhiên hay xã hội. Lúc này trong bước phát triển đầu tiên của mình, con người chưa nhận thức được một cách rõ rệt mối quan hệ giữa mình với giới tự nhiên ở quanh mình nên chưa thể có ngay những khái niệm tổng quát về một uy lực tự nhiên nào bên ngoài trong đầu óc của mình. Nhưng những mầm sống của nghệ thuật và tôn giáo đã có thể nảy sinh vào cuối thời kỳ này.

Cuộc sống của bầy người nguyên thủy – LichSu.Org
Theo Chiêm Tế

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.