Đặc điểm kinh tế và xã hội thời Trung vương quốc
Đặc điểm kinh tế và xã hội Ai Cập thời Trung vương quốc là sự lớn mạnh của nền sản xuất nông nghiệp với nhiều cuộc viễn chinh xâm lược của các Pharaon.
Ai Cập dưới thời kỳ thống trị của vương triều XII đã trở thành một nhà nước trung ương tâp quyền lớn mạnh. Một trong những biện pháp quan trọng nhất mà nhà nước Ai Cập thống nhất dã thực hiện là khôi phục và mở rộng các công trình thủy lợi thành một hệ thống tưới nước hết sức rộng lớn đối với thời bấy giờ. Công trình sửa chữa hồ Moeris tại châu Faiyum thành một bể chứa nước nhân tạo là công trình có quy mô to lớn nhất. Hồ này ăn thông với sông Nile, có khả năng cung cấp nước quanh năm cho cả một vùng rộng lớn, khiến cho người ta có thể thu hoạch ở đây hai vụ trong một năm. Nhiều công trình thủy lợi khác như đắp đê giữ nước, xây cống dẫn nước và tháo nước, nhằm điều tiết thủy lượng, chống úng thủy, trừ hạn hán cho rất nhiều vùng đã làm cho diện tích đất đai trồng trọt tăng lên nhiều.
Nhiều tài liệu của thời kỳ này còn lưu lại đều chứng tỏ rằng người Ai Cập cổ đại đã hiểu một cách sâu sắc tác dụng của công trình thủy lợi và sự quan trọng của việc quan sát mực nước sông Nile đối với sản xuất nông nghiệp. Thường thường năm nào mực nước sông Nile lên tới trên 7m là năm ấy Ai Cập được mùa, khi mực nước sông Nile chỉ lên chừng 4m thì thường sinh ra hạn hán đói kém. Do đó nhà nước Ai Cập phải thường xuyên xây đê, đắp đập để giữ mực nước sông Nile cho cao.
Đi đôi với sự phát triển của sản xuất nông nghiệp, sản xuất thủ công nghiệp thời Trung vương quốc cũng có nhiều tiến bộ. Lúc này Ai Cập hoàn toàn bước vào thời đại đồ đồng thau. Đồng thau đã cải tiến công cụ sản xuất trong nông nghiệp cũng như trong các ngành thủ công. Sản xuất thủ công nghiệp phát triển lại đẩy mạnh hoạt động của thương nghiệp và mậu dịch đối ngoại. Lúc này, người Ai Cấp đã đặt quan hệ mậu dịch thường xuyên với Palestine và Syria, và cả với Babylon và vùng biển Aegea nữa. Quan hệ mậu dịch giữa Ai Cập và Nubia cũng khá phát đạt. Nhưng cũng cần thấy rằng những quan hệ mậu dịch này thường ít nhiều mang tính chất cướp đoạt. Mậu dịch thường phát đạt sau mỗi lần chiến tranh xâm lược.
Rất nhiều tài liệu của Ai Cập thời Trung vương quốc có nói đến nhiều cuộc viễn chinh sang Syria, Palestine và Nubia của quân đội Ai Cập dưới đời các Pharaon Amenemhat I, Senusret I và đặc biệt là Senusret III – người đã bốn lần thân chinh đánh Nubia và đã hoàn toàn chinh phục xứ này.
Để khống chế và khai thác các miền bị chinh phục, một mặt các Pharaon phái quân đội thường trú tới chiếm đóng và cử quan lại tới trực tiếp cai trị, mặt khác các Pharaon cũng rất chú trọng tới việc mở rộng các đường giao thông liên lạc thủy bộ, để tiện việc đi lại tuần tra kiểm soát. Đường giao thông quan trọng nhất là sông Nile, những con sông đào lớn dẫn nước và những con sông đào chuyên dùng cho thuyền bé đi lại. Sông đào lớn nhất là con sông nối liền sông Nile với Biển Đỏ, đi từ sông ra biển mất bốn ngày thuyền. Vì giao thông đường thủy quan trọng như vậy nên nghề đóng thuyền ở Ai Cập rất phát đạt. Ai Cập có rất nhiều kiểu thuyền, hạng thuyền to có rất nhiều mái chèo và buồm, trọng tải rất lớn. Những bức vẽ và mô hình thuyền Ai Cập cổ đại còn lưu lại ngày nay chứng minh cho điều đó. Cũng có nhiều bức vẽ khác cho chúng ta biết việc vận chuyển trên đường thủy và đường bộ đều dùng sức lao động của nô lệ và dân nghèo công xã.
Thời Trung vương quốc, xã hội Ai Cập càng phân hóa mạnh, mâu thuẫn giai cấp càng thêm sâu sắc. Nô lệ ngày càng đông thêm; chế độ nô lệ ngày càng phát triển. Bấy giờ không phải chỉ có tầng lớp đại quý tộc chủ nô mới chiếm hữu nô lệ, mà cả tầng lớp viên chức nhỏ hay dân thường cũng có nô lệ. Đa số nô lệ vẫn là người Syria, Palestine và Ethiopia bị bắt làm tù binh trong những cuộc chiến tranh xâm lược tiến hành dưới đời các Pharaon Senusret III và Amenemhat III.
Đa số người dân phải chịu hai tầng lớp áp bức và bóc lột của Pharaon và của các chúa châu. Đời sống khổ cực của họ được phản ánh trong nhiều tác phẩm văn học thời bấy giờ: “Thần đói lảng vảng xung quanh túp lều tranh của nông dân, lao động nhọc nhằn vẫn không đảm bảo cho họ đủ sống. Mọi người đều nhằm tước đoạt những sản vật của họ như thóc gạo, lừa ngựa. Người ta đánh đập họ không chút thương tiếc. Người ta cấm họ khóc la và nếu họ có đi thưa kiện thì họ cũng không tìm đâu ra công lý”.
Tầng lớp thợ thủ công cũng chịu một số phận tương tự. Do sự phát triển của thủ công nghiệp và của thương nghiệp ở thời kỳ này, nhiều đô thị đã mọc lên khắp nơi, tầng lớp thị dân ngày càng thêm đông đảo. Ngoài một thiểu số thị dân giàu có vì hoạt động công thương nghiệp, đa số là tầng lớp thợ thủ công nghèo khổ.
Đặc điểm kinh tế và xã hội Ai Cập thời Trung vương quốc
– LichSu.Org –