Đế quốc Ba Tư cổ đại [Lịch sử Trung Đông]

Đế quốc Ba Tư cổ đại

Đế quốc Ba Tư cổ đại là một trong những đế quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử Trung Đông, không ngừng chinh phục các nước xung quanh để mở rộng lãnh thổ.

Sự hình thành đế quốc Ba Tư cổ đại

Trong những bộ tộc sử dụng ngữ hệ Ấn-Âu chinh phục miền cao nguyên Iran, người Medes là bộ tộc đã dựng nước đầu tiên. Tuy vậy, vương quốc Medes chỉ là tiền thân của đế quốc hùng mạnh do người Ba Tư thành lập sau này. Người Ba tư phát triển ngày càng đông đúc ở Nam Bộ cao nguyên Iran. Khi vương quốc Medes nổi lên, họ đã từng bị người Medes thống trị. Đầu thế kỷ VI trước Công nguyên, tộc Anshan thuộc người Ba Tư đã lập lên vương quốc Ba Tư của họ. Vương quốc này dần dần thống nhất các bộ tộc Ba Tư khác rồi tự cường lên rất nhanh chóng, trở thành kẻ địch thủ của vương quốc Medes.

Năm 550 trước Công nguyên, vua Ba Tư là Cyrus lật đổ vương quốc Medes. Giai cấp quý tộc quân sự đã xây dựng đế quốc mới; vương quốc Medes trở thành một bộ phận của đế quốc Ba Tư, và người Medes được hợp nhất với người Ba Tư thành một bộ tộc duy nhất.

Lúc này người Ba Tư mới từ chế độ công xã thị tộc tiến lên xây dựng nhà nước của mình. Cuộc sống gian khổ trên cao nguyên đã tôi luyện người Ba Tư trở thành những chiến binh dẻo dai và dũng cảm, khiến cho đế quốc Ba Tư có thể bành trướng thế lực nhanh chóng.

Vua Cyrus hiếu chiến, tiếp tục theo đuổi chính sách của tầng lớp quý tộc quân sự Assyria trước kia, thành lập một đạo quân thường trực. Đạo quân này đa số là những những đội xạ thủ chuyên nghiệp và những đội kỵ binh thiện chiến, có thể phối hợp tác chiến rất khéo để tiêu diệt địch. Lúc ra trận, thường đầu tiên là đội xạ thủ bắn thật nhiều làm rối loạn hàng ngũ địch, sau đến bộ binh vác giáo xông lên, kỵ binh tỏa ra hai bên vòng ra phía đằng sau bao vây lại. Nhờ có đội quân thiện chiến như vậy, Cyrus đã không ngừng mở rộng xâm lược nước ngoài.

Khi vương quốc Ba Tư mới trỗi dậy, tình hình ở các nước ở phía Đông Địa Trung Hải như sau: vương quốc Chaldea chiếm lưu vực Lưỡng Hà, Syria, và Palestine; vương quốc Lydia khống chế phần lớn Tiểu Á; Ai Cập lúc này đã khôi phục lại nền độc lập của mình; còn các thành bang Hy Lạp cũng đã trỗi dậy ở vùng biển Aegea. Những nước này thấy vương quốc Ba Tư ngày một cường thịnh và hiếu chiến, liền liên minh lại với nhau để tự vệ. Quốc vương Lydia là Kroisos (còn gọi Croesus), một ông vua nổi tiếng giàu có và kiêu ngạo nhất thời đó, đứng lên tổ chức một đồng minh quân sự, trong đó có Lydia, Chaldea, Ai Cập và Xpac (thành bang mạnh nhất trong các thành bang Hy Lạp bấy giờ). Nhưng liên quân các nước đồng minh này chưa kịp tập hợp lại với nhau thì quân đội Ba Tư như hổ đói nhảy sang vồ phía Tây, nuốt chửng cả các nước nhược tiểu.

Năm 546 trước Công nguyên, vua Cyrus đem quân công hãm thủ đô Lydia là Sardis (hay còn gọi Sardes), bắt sống vua Kroisos. Tiếp dó, quân đội Ba Tư lại chiếm các thành bang Hy Lạp ở vùng bờ biển Tiểu Á và suốt dải đất Syria.

Năm 538 trước Công nguyên, Cyrus thừa thắng không đánh mà chiếm được thủ đô vương quốc Chaldea là Babylon. Chỉ không đến mười hai năm ngắn ngủi, đế quốc Ba Tư đã thống nhất được cả miền Tây bộ châu Á rộng lớn.

Năm 525 trước Công nguyên, con của Cyrus là Cambyse đem quân chinh phục Ai Cập, cả lưu vực sông Nile cũng bị thu vào bản đồ của đế quốc Ba Tư.

Năm 513 trước Công nguyên, vua Ba Tư là Darius lại chinh phục xứ Thrace, tức Bắc bộ bán đảo Hy Lạp.

Dưới đời Darius, đế quốc Ba Tư cổ đại phát triển cực thịnh với đường biên giới trải dài: phía Đông giáp sông Ấn; phía Tây đến tận bờ biển Aegea; phía Bắc lên đến biển Aral, Caspi, Biển Đen; phía Nam giáp vịnh Ba Tư và bao gồm cả Ai Cập, hợp tất cả mấy trung tâm văn minh cổ đại phương Đông vào làm một mối.

Đế quốc Ba Tư
Đế quốc Ba Tư

Đặc điểm của đế quốc Ba Tư cổ đại

Để thống trị đế quốc Ba Tư cổ đại với một vùng lãnh thổ rộng lớn, vua Darius đặt ra một chế độ hành chính địa phương rất chặt chẽ. Ngoài lưu vực Lưỡng Hà và Ai Cập trực tiếp lệ thuộc nhà vua, còn tất cả những đất đai khác đều đem chia thành vài ba chục khu (Satrapies), mỗi khu cử một tổng đốc (Satrape) đến cai trị; bên cạnh tổng đốc trông coi việc hành chính và tư pháp, nhà vua còn cử thêm một viên lãnh binh trông coi việc binh bị, với mục đích để cho hai bên kiềm chế và giám sát lẫn nhau. Đó chính là nguồn gốc của chế độ hàng tỉnh đời sau.

Darius lo ngại rằng những viên tổng đốc này lâu ngày có thể thay lòng đổi dạ nên mới thường xuyên phái những viên ngự sử làm tai mắt đi các nơi với nhiệm vụ duy nhất đó là dò la tình hình và phát hiện những âm mưu phiến loạn để kịp thời trấn áp. Đế quốc Ba Tư được xây dựng bằng vũ lực và được duy trì trên cơ sở áp bức bộ tộc; trên lãnh thổ đế quốc, những kẻ ở vào địa vị thống trị đều thuộc giai cấp quý tộc người Ba Tư.

Kinh đô của đế quốc Ba Tư là Susa, đô thành cũ của người Elam. Ngoài ra, người Ba Tư còn xây dựng thêm đông đô gọi là Persepolis. Darius ra sức huy động nhân lực, vật lực trong nhân dân để mở mang đường sá đi từ thủ đô Susa về các tỉnh. Trên các con đường đó có đặt nhiều trạm. Ở trạm nào cũng có lính trạm cưỡi ngựa đem mệnh lệnh hỏa tốc của nhà vua truyền đạt về nơi hoặc đem báo cáo của các nơi về trình lên nhà vua. Từ kinh đô Susa đến Ephesus (một thành bang Hy Lạp nằm trên bờ biển Tiểu Á) có đắp con đường dài khoảng 2400 km gọi là đường “hoàng đạo”, những các trạm thay nhau cắt người cưỡi ngựa chạy suốt ngày đêm để đưa tin, chỉ trong bảy ngày là có thể đến nơi. Như vậy, chúng ta có thể biết rằng đường sá đối với sự củng cố nền thống trị của đế quốc Ba Tư có ý nghĩa quan trọng như thế nào.

Darius đã làm cho đế quốc Ba Tư trở thành một nước có lực lượng hải quân hùng mạnh. Ông lợi dụng người Phoenicia để tổ chức một hạm đội gồm mấy trăm chiến thuyền, tranh bá quyền trên mặt biển ở phía Đông Địa Trung Hải với người Hy Lạp. Trước kia, hồi thế kỷ XIX trước Công nguyên, một vị vua ở Ai Cập đã đào một con sông đào ở eo đất Suez. Nhưng về sau, lâu ngày không được sử dụng và sửa chữa, sông đào đó đã tắc lại. Lúc đó Darius lại tập trung dân công vét sông, mở thông đường thủy giữa Địa Trung Hải với Hồng Hải và Ấn Độ Dương. Thương mại mậu dịch trên mặt biển giữa Ấn Độ và khu vực Địa Trung Hải dần dần trở lại phồn thịnh.

Giống như một số đế quốc trước kia, đế quốc Ba Tư cũng xây dựng bằng vũ lực. Nó chỉ là một thứ liên minh quân sự và hành chính to lớn, không có một cơ sở kinh tế thống nhất vững chắc. Dưới nền thống trị của đế quốc Ba Tư, các bộ tộc và bộ lạc bị chinh phục đều giữ nguyên tổ chức kinh tế, ngôn ngữ, tôn giáo và phương thức sinh hoạt vốn có của mình. Ví dụ: trên cao nguyên Iran còn nhiều bộ tộc vẫn đình trệ ở giai đoạn kinh tế tự nhiên thuần túy, nhưng ở miền ven biển Tiểu Á và ở vùng Syria thì đã có thương nghiệp phồn thịnh và đã dùng tiền tệ rất phổ biến. Tầng lớp thống trị của đế quốc Ba Tư không cưỡng ép người dân những vùng bị chinh phục phải dùng tiếng nói của người Ba Tư hay phải tin ở “thần Lửa”, nhưng bắt họ phải cống nộp và phục dịch nặng nề. Ở phía Đông đế quốc chủ yếu trưng thu thóc lúa và súc vật, còn ở phía Tây thì lại thu tiền và những kim khí quý.

Sự thống nhất về chính trị và sự mở mang đường giao thông liên lạc của đế quốc Ba Tư đã thúc đẩy sự trao đổi kinh tế phát triển giữa các nước phương Đông cổ đại. Vì nhu cầu của thương nghiệp, vua Ba Tư Darius đã đúc một loại tiền vàng lưu hành trong toàn quốc gọi là đồng Daric. Ngoài ra, Darius còn cho phép tổng đốc các tỉnh đúc tiền bằng bạc và quy định giá trị tiền vàng bằng mười ba lần tiền bạc; so với tỷ lệ giá cả vàng và bạc ngày nay thì thấp hơn.

Việc thành lập đế quốc Ba Tư của dòng họ Achaemenes đã đánh dấu một giai đoạn mới trong lịch sử cổ đại phương Đông. Nó bao gồm cao nguyên Iran, lưu vực Lưỡng Hà, Tiểu Á, Syria, Palestine, Ai Cập và Thrace thành một tổ chức liên minh quân sự và hành chính rộng lớn. Tình hình thống nhất đó nhất thời đã đẩy mạnh sự phát triển của thương nghiệp và sự trao đổi văn hóa. Song đế quốc Ba Tư chỉ là một tổ chức hỗn hợp của các bộ tộc rất phức tạp, thiếu cơ sở kinh tế, văn hóa thống nhất.

Trong nội bộ đế quốc, một mặt có mâu thuẫn giữa các bộ tộc đi chinh phục và các bộ tộc bị chinh phục, mặt khác có mâu thuẫn giữa giai cấp quý tộc với nô lệ và nông dân công xã. Nền thống trị của đế quốc không được củng cố, nếu gặp phải sức tấn công ở bên ngoài vào thì dễ bị tan vỡ. Bởi vậy, đế quốc Ba Tư  cổ đại không duy trì được lâu.

Đầu thế kỷ V trước Công nguyên, ba lần đế quốc Ba Tư mang quân định chinh phục Hy Lạp, kết quả đều bị thất bại thảm hại. Từ đó về sau, tuy rằng đất còn rộng, người còn đông, nhưng đến năm 330 trước Công nguyên thì cuối cùng đế quốc Ba Tư bị Alexandros – vua nước Hy Lạp và Macedonia sang tiêu diệt, mở ra một thời kfy cho lịch sử Trung Đông.

Sự thành lập vương quốc Israel và Judea – Lịch sử Trung Đông
– LichSu.Org –

Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.

2 thoughts on “Đế quốc Ba Tư cổ đại [Lịch sử Trung Đông]”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.