Điều kiện thiên nhiên và cư dân ở Trung Quốc thời cổ đại
Điều kiện thiên nhiên và cư dân ở Trung Quốc thời cổ đại thích hợp cho việc phát triển nghề nông với sự xuất hiện của người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus).
1. Điều kiện tự nhiên của Trung Quốc cổ đại
Trung Quốc ngày nay là một nước đất rộng người đông. Tuy nhiên về thời thượng cổ, chỉ chiếm một dải đất tương đối hẹp, người thưa, nằm ở giữa hạ lưu hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang. Hai con sông này đã giữ một vai trò trọng yếu trong đời sống của người Trung Quốc từ thời xa xưa. Phát nguyên từ miền rừng núi Trung Á, hai con sông ấy có thủy lượng rất cao. Hằng năm về mùa hạ sang đầu thu, băng tuyết ở nguồn tan ra, nước lũ dâng lên nhanh chóng, đặc biệt là sông Hoàng Hà, nước lũ dâng lên nhiều lần làm thay đổi cả dòng sông, gây nên thủy tai khủng khiếp.
Nhưng mặt khác, chất đất phù sa do hai con sông ấy cuồn cuộn kéo từ nguồn về xuôi, qua bao nhiêu đời dần dần bồi đắp thành một miền đồng bằng rộng lớn, rất phì nhiêu và thuận lợi cho cuộc sống của người Trung Quốc. Không lạ gì từ thời đại viễn cổ người nguyên thủy ở Trung Quốc đã biết chọn miền đồng bằng rộng lớn này để định cư hẳn ở đây và theo đòi nghề nông từ rất sớm.
2. Người vượn Bắc Kinh (Sinanthropus)
Căn cứ vào kết quả các cuộc phát quật khảo cổ do đội khảo cổ Trung Quốc, đứng đầu là giáo sư Bùi Văn Trung tiến hành trong khoảng từ năm 1927 đến 1937, ở vùng Chu Khẩu Điếm, phía Tây Nam thủ đô Bắc Kinh, người ta cho rằng khoảng độ 60 vạn năm về trước, trên lãnh thổ Trung Quốc đã có loài người sinh sống và lao động. Đó là giống người vượn Trung Quốc (sinanthropus), còn gọi là người vượn Bắc Kinh (vì tìm thấy ở gần Bắc Kinh), mà các nhà khảo cổ học Trung Quốc đã phát hiện được xương hóa thạch cùng với những công cụ lao động rất thô sơ.
Người vượn Trung Quốc có đặc điểm hơi khác với người bây giờ, xương mày và xương hàm nhô lên, trán hất ra sau, khối óc chỉ bằng ba phần tư khối óc người bây giờ. Xương hóa thạch của giống người vượn Trung Quốc còn tìm thấy được ở các tỉnh Cát Lâm, Sơn Tây, Giang Tô, Tứ Xuyên, Quảng Tây,… Điều đỏ chứng tỏ rằng giống người vượn này sống rải rác trên một địa bàn rất rộng lớn thuộc đất đai Trung Quốc. Giống người vượn Trung Quốc đã biết chế tạo và sử dụng đồ đá và đồ xương cùng gậy gọc rất thô sơ. Ở những nơi họ đã từng cư trú, người ta tìm thấy những lớp tro mùn rất dày và một số xương hóa thạch của các loại động vật cổ đã bị nung đốt. Điều đó chứng tỏ rằng họ đã biết dùng lửa.
Người vượn Trung Quốc là một trong nhưng giống người vượn trung gian tiêu biểu giữa loài vượn nhân hình và giống vượn hiện đại (Homo-sapien), ra đời muộn hơn giống người vượn Java (Pithe canthropus) và sớm hơn giống người vượn Neanderthal (Homo neanderthalensis). Người vượn Trung Quốc đã phải đấu tranh vất vả với hoàn cảnh thiên nhiên để sinh sống. Họ dùng gậy gộc, đồ đá thô sơ để nhặt hái hoa quả hạt giống, đào rễ cây và săn bắt thú rừng làm thức ăn. Hươu , nai, bò, ngựa là những thú vật họ thường săn bắt. Nhưng vì công cụ quá thô sơ họ kiếm không đủ ăn nên thường bị nạn đói đe dọa ghê gớm. Họ chưa biết làm nhà, nên thường phải sống từng đoàn trong các hang động thiên nhiên. Như vậy là người vượn Trung Quốc sống trong tình trạng “bầy người nguyên thủy” ở vào sơ kỳ thời đại đồ đá cũ.
3. Người Hà Sáo và người Sơn Đỉnh Động
Xuất hiện muộn hơn giống người vượn Trung Quốc có giống người Hà Sáo, phát hiện ở vùng Hà Sáo (Nội Mông) vào khoảng năm 1922-1923, họ đã sống cách đây chừng 20 vạn năm. Họ đã biết đập vỡ những tảng đá, rồi tùy theo khía cạnh của miếng đá bị đập vỡ mà sửa sang thành những vật nhọn, những con dao đá để đẽo gọt, chạm khắc và có cái có hình dạng như cái búa rìa.
Người Hà Sáo ở vào thời kỳ trung kỳ đồ đá cũ (tương đương với người Neanderthal ở Âu Châu). Trải qua một quá trình lao động hết sức lâu dài và gian khổ, bản thân loài người cứ tiến triển không ngừng. Vào khoảng cách đây 5 vạn năm, lại xuất hiện giống người Sơn Đỉnh Động mà xương hóa thạch đã tìm thấy được ở động Sơn Đỉnh thuộc vùng Chu Khẩu Điếm hồi năm 1933-1934. Người Sơn Đỉnh Động không khác gì người bây giờ bao nhiêu. Họ đã biết mài xương thú thành kim để may da thú làm áo mặc. Họ còn chế tạo được những đồ trang sức có lỗ để đeo, làm bằng răng thú, vỏ hến và xương. Họ không ở mãi trong hang động mà còn di chuyển đi đây đó; địa bàn sinh sống của họ đã mở rộng ra nhiều. Họ chôn người chết trong hang động họ ở, cùng với những công cụ, đồ trang sức của người chết dùng lúc còn sống.
Nghệ thuật nguyên thủy và tôn giáo nguyên thủy đã bắt đầu nảy mầm. Người Sơn Đỉnh Động đã bước vào thời kỳ hậu kỳ đồ đá cũ (tương đương với người Cro-Magnon ở Châu Âu).
Những giống người trên đã sinh sống và phát triển như thế nào trong thời đại thượng cổ Trung Quốc? Ngoài tài liệu khảo cổ và dân tộc học, thần thoại cùng với những truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc cũng cung cấp cho chúng ta những tài liệu lịch sử phong phú và sinh động, vì những truyền thuyết hoang đường đó dù sao cũng phản ánh được một trong những chừng mực nhất định thực tế lịch sử của xã hội nguyên thủy Trung Quốc thời bấy giờ.
Tục truyền rằng họ Hữu Sào là giống người còn ăn lông ở lỗ, làm tổ trên cây, tức là đang sống ở trạng thái mông muội. Sau đó thì có họ Toại Nhân phát minh ra lửa để nướng chín thức ăn. Sau họ Toại Nhân có họ Phục Hy phát minh ra lưới để săn thú và đánh cá, đồng thời bắt đầu biết cách chăn nuôi gia súc. Đến lượt họ Thần Nông thì phát minh ra cách cày cấy, trồng ngũ cốc, chế lưỡi cây gỗ.
Những câu chuyện thần thoại này chứng tỏ xã hội nguyên thủy Trung Quốc đã từng phát triển tuần tự qua nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn được đánh dấu bằng những phát minh lớn, kết tinh thành quả lao động lâu đời của người Trung Quốc thời nguyên thủy.
Điều kiện thiên nhiên và cư dân ở Trung Quốc thời cổ đại
– LichSu.Org –