Điều kiện tự nhiên của người Ai Cập cổ đại
Điều kiện tự nhiên của người Ai Cập cổ đại gắn liền với sông Nile, hàng năm được bồi đắp bởi những lớp phù sa màu mỡ, rất thích hợp phát triển nghề nông.
1. Điều kiện tự nhiên của Ai Cập cổ đại
Ai Cập là quê hương của một trong những nền văn minh xuất hiện sớm nhất trong lịch sử xã hội loài người. Ai Cập ở Đông Bắc Bộ châu Phi, là một vùng thung lũng hẹp và dài nằm dọc theo hạ lưu sông Nile; hai bên thung lũng là những dãy núi đá nham thạch và đá hoa dựng thẳng như những bức tường. Bên kia những dãy núi đá là miền sa mạc khô khan, nóng nực.
Ai Cập phía đông giáp miền rừng núi trùng điệp Nubia thuộc Trung bộ châu Phi, phía tây giáp sa mạc Libya, phía bắc giáp Địa Trung Hải, bốn mặt đều có biên giới thiên nhiên cách trở, khiến cho Ai Cập thời cổ đại hầu như cô lập đối với thế giới bên ngoài, cách biệt với các quốc gia cổ đại khác ở phương Đông. Chỉ ở phía đông bắc mới có một vùng đất hẹp là eo đất Sinai nối liền Ai Cập với miền Tiểu Á. Khí hậu ở Ai Cập nóng nực lại khô khan, quanh năm trời nắng ráo, ngày mưa rất hiếm hoi. Hoàn cảnh địa lý và điều kiện tự nhiên của người Ai Cập cổ đại có liên quan đến tính chất trì trệ tương đối của xã hội và tính đặc thù của nền văn minh cổ Ai Cập.
Toàn bộ lịch sử Ai Cập gắn liền với sông Nile. Sử gia Hy Lạp cổ đại Herodote đã từng viết: “Ai Cập là tặng phẩm của sông Nile”, ý nói rằng sông Nile tạo nên đất nươc Ai Cập, lại có tác dụng rất lớn đối với sự phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa và lịch sử của người Ai Cập.
Hàng năm, cứ từ tháng sáu đến tháng mười, nước sông Nile dâng cao gây nên những trận lụt lớn, biến Ai Cập thành như một biển cả mênh mông. Thành quách, làng mạc lập trên những đồi cao, nổi lên nhấp nhô như những hòn đảo. Sang tháng mười một, nước sông rút đi, để lại cả một lớp cát phù sa màu mỡ dày đặc, rất thích hợp cho việc gieo trồng các loại ngũ cốc. Bởi vậy, dân cư sống từ thời viễn cổ hai bên bờ sông Nile đã biết nghề nông từ rất sớm.
Từ tháng mười một đến tháng hai là mùa gieo hạt và mùa lúa chín, đồng ruộng, hoa quả tốt tươi. Đến tháng ba là bắt đầu mùa gặt. Gặt xong là đến mùa khô khan, cát bụi. Người ta thường nói: “Ai Cập liên tiếp là một đồng cát bụi, một biển nước và một vườn hoa”. Hai bờ sông Nile và trong các hồ, đầm, mọc rất nhiều một loại cây sậy – cây papyrus – mà người Ai Cập cổ đại dùng để làm giấy viết. Ở những dãy núi phía đông và phía tây dọc theo thung lũng sông Nile, có nhiều loại đá: đá vôi, đá huyền vũ, đá hoa cương, đá văn mẫu… dùng làm vật liệu kiến trúc quan trọng nhất của người cổ Ai Cập.
Về khoáng sản, Ai Cập không có nhiều. Người Ai Cập lấy đồng ở miền Sinai, lấy vàng ở xứ Nubia. Những nguyên liệu quan trọng nhất như sắt và gỗ thì ngay từ thời xưa, người Ai Cập đã phải mua từ nước ngoài đem về.
2. Nguồn gốc của người Ai Cập cổ đại
Người Ai Cập thời viễn cổ từ ở đâu đến lưu vực sông Nile? Những tài liệu khoa học hiện đại đã xác minh rằng người Ai Cập thời cổ là những thổ dân của châu Phi, hình thành trên cơ sở hỗn hợp rất nhiều bộ lạc. Bằng cứ là ở Ai Cập, người ta đã từng phát hiện xương hóa thạch và công cụ lao động của người thời đại đồ đá cũ và thời đại đồ đá mới, và khảo cổ học đã chứng minh một cách dứt khoát rằng giống người hóa thạch đó chính là tổ tiên gần gũi nhất của người Ai Cập.
Từ thời viễn cổ, những thổ dân đó đi lại săn bắn trên lục địa. Khi đến vùng thung lũng sông Nile, họ định cư ở đấy và theo đòi nghề nông và nghề chăn nuôi từ rất sớm. Về sau, có một chi của bộ tộc người Hamites từ Tây bộ châu Á xâm nhập hạ du sông Nile, chinh phục thổ dân người Châu Phi ở đây. Trải qua một thời kỳ hỗn hợp lâu dài, người Hamites và thổ dân người châu Phi đã đồng hóa với nhau, hình thành ra một bộ tộc mới, tức là người Ai Cập.