Đời sống của người nguyên thủy trên đất nước ta
Đời sống của người nguyên thủy trên đất nước ta được tìm thấy thông qua những dấu tích lưu lại trong các hang động của nền văn hóa Hòa Bình.
Đời sống tinh thần của người nguyên thủy trong nền văn hóa Hòa Bình
Đời sống của người nguyên thủy trên đất nước ta đã được các nhà khảo cổ học nghiên cứu qua các chứng tích được tìm thấy ở nền văn hóa Hòa Bình
Trong quá trình sinh sống, người nguyên thủy trên đất nước ta thường sống thành từng nhóm, ở những vùng thuận tiện, xung quanh các hang động, sông suối. Hàng ngàn năm trôi qua, nhiều thị tộc có quan hệ với nhau và sống hòa hợp trên cùng một vùng đất.
Trong nhiều hang động Hòa Bình, tầng văn hóa khá dày. Chẳng hạn như mái đá Làng Bon (Thanh Hóa) có tầng văn hóa dày đến 3,7m. Cuộc khai quật ở đây trước kia từng thu được 2.378 hiện vật. Điều đó chứng tỏ rằng cư dân Hòa Bình đã sống định cư tương đối lâu dài. Cuộc sống định cư tương đối đó cũng là một điều kiện cho sự nảy sinh nông nghiệp. Nhưng cũng có những nơi dấu vết con người mờ nhạt, di vật tìm được nghèo nàn. Đó là những chỗ ở tạm thời, người nguyên thủy dừng lại không lâu. Có thể trong mùa nóng nực, họ đã sống trong những chiếc lều đơn giản ngoài hang động. Ở những nơi có tầng văn hóa ngoài trời như Sập Việt (Sơn La) thì hẳn là con người đã có những ngôi nhà chắc chắn hơn.
Cư dân Hòa Bình thường chôn người chết ngay trong nơi cư trú. Tại khu vực rừng quốc gia Cúc Phương, từng phát hiện được 3 ngôi mộ trong hang Đắng và 5 ngôi mộ trong mái đá Mộc Long. Người chết được bôi thổ hoàng đỏ và chôn nằm co. Trong mộ, có chôn theo công cụ đá. Người nguyên thủy nghĩ rằng người chết ở thế giới bên kia vẫn tiếp tục lao động. Xung quanh mộ, họ xếp những hòn đá. Ở hang Chùa (Tân Kỳ, Nghệ Tĩnh) cũng tìm thấy một ngôi mộ có xếp đá xung quanh. Người chết cũng được chôn nằm co và trong mộ cũng có công cụ đá.
Trong lớp văn hóa Hòa Bình ở mái đá Ngườm (thuộc Võ Nhai, Thái Nguyên), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy hai bộ xương, xung quanh có kè đá. Có lẽ đây là một ngôi mộ song táng. Một người là một người đàn ông trạc 75 – 80 tuổi, nằm ngửa, hai tay duỗi bên mình, đùi gập lại. Một người là phụ nữ khoảng 35 – 40 tuổi, nằm nghiêng, tay trái duỗi, đùi cũng gập lại. Nhưng cách thức mai táng và nghi lễ mai táng không hoàn toàn giống nhau giữa bộ lạc Hòa Bình.
Trong hang Làng Gạo (Hòa Bình), người ta tìm được 20 sọ người lành hoặc vỡ, của người lớn và trẻ em, nằm trong một khoảng đất 25 mét vuông, kèm theo những công cụ đá. Trong số đó có 4 sọ đặt dựa bên cạnh một tảng đá to hơn chiếc sọ một chút. Cạnh các sọ, không thấy có đốt xương sống, chỉ thấy vài mảnh xương hông và xương dài. Ngay trong toàn hang, xương chi cũng không thấy có nhiều. Phải chăng ở đây có tục táng một bộ phận xương cốt (đầu và xương dài) sau khi đã làm rữa hết thịt bằng một cách nào đó. Theo tài liệu dân tộc học, ở một số bộ lạc, xác chết được giữ lại ở một nơi nào đó trong nhà, trong rừng, hoặc trên cây, cho đến khi rữa hết thịt mới đem chôn. Cũng có thế chôn xuống đất rồi sau đó cải táng.
Hang Làng Gạo có thể là khu mộ táng tập thể của thị tộc. Một số hang động hay mái đá có di tích văn hóa Hòa Bình ở gần nhau trong một thung lũng có thể là nơi cư trú của các thị tộc khác nhau trong một bộ lạc. Những công xã thị tộc này, trong điều kiện định cư tương đối lâu dài, hái lượm phát triển và nông nghiệp manh nha, có khả năng là những công xã thị tộc mẫu hệ.
Các hoạt động nghệ thuật sơ khai của nền văn hóa Hòa Bình
Hoạt động nghệ thuật của chủ nhân văn hóa Hòa Bình đã khá phong phú. Trong hang Đồng Nội (Hòa Bình), trên vách đá có hình khắc mặt một con thú và ba con người. Con thú thuộc loài ăn cỏ. Trên đầu ba người đều có sừng. Những hình mặt người có sừng này cho phép suy đoán rằng người nguyên thủy ở đây có tín ngưỡng vật tổ. Vật tổ của họ là một loại động vật ăn cỏ, có thể là hươu. Trên một mũi nhọn bằng xương ở Lam Gan (Hòa Bình), có hình khắc một nhánh cây nhỏ có sáu lá. Trong các hang Làng Bon (Thanh Hóa), hang Yên Lạc (thuộc Kim Bảng, Quảng Bình), cũng tìm được những viên cuội có khắc hình cành cây hay lá cây. Trong các hang động có di tích văn hóa Hòa Bình cũng đã tìm thấy đồ trang sức, thường là vỏ ốc biển Cypraea được mài thủng lưng để xâu dây đeo. Trong hang Bưng (thuộc Tân Lạc, Hòa Bình) đã có đến 52 vỏ ốc như thế. Để có được những vỏ ốc biển đó, rõ ràng các bộ lạc Hòa Bình phải trao đổi với các vùng khác, có khi rất xa. Thường tìm thấy những cục thổ hoàng (son đỏ) trong các địa điểm Hòa Bình. Có những ngôi mộ có vết thổ hoàng trên xương. Hẳn người nguyên thủy đã dùng thổ hoàng để vẽ hay bôi lên thân mình.
Do đã có nông nghiệp nhưng chưa có đồ gốm, nên có thể coi nền văn hóa Hòa Bình là một văn hóa đá mới trước gốm. Theo một số nghiên cứu trước kia cho thấy, niên đại carbon phóng xạ (C14) sớm nhất của văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam mà chúng ta biết được là niên đại của hang Sũng Sàm (thuộc Mỹ Đức, Hà Nội) được xác định là 11.365 ± 80 năm. Hang Thẩm Hoi (thuộc Con Cuông, Nghệ An) cũng có niên đại vào loại sớm, niên đại C14 sớm nhất trước đây từng được xác định là 10.875 ± 175 năm, niên đại muộn nhất là 10.125 ± 175 năm. Hang Chùa (thuộc Tân Kỳ, Nghệ An) có niên đại muộn hơn 9.235 ± 120 năm và 9.075 ± 120 năm. Địa điểm Hòa Bình có niên đại muộn nhất mà ta biết hiện nay là hang Đắng trong khu vực rừng Cúc Phương có niên đại là 7.665 ± 65 năm 7.580 ± 80 năm.
Như vậy, thông qua bài viết này, chúng ta đã phần nào hiểu được đời sống của người nguyên thủy trên đất nước ta, cụ thể là đời sống của những cư dân trong nền văn hóa Hòa Bình.
Tìm hiểu về nền văn hóa Hòa Bình
Để hiểu kỹ hơn về nền văn hóa Hòa Bình trong lịch sử Việt Nam, các bạn có thể đọc thêm bài viết sau: