Kim tự tháp ở Ai Cập – lăng mộ hùng vĩ của các Pharaon

Công trình xây dựng Kim tự tháp ở Ai Cập

Kim tự tháp ở Ai Cập là những lăng mộ của Pharaon được xây dựng thời kỳ cổ đại bởi lối kiến trúc cực kỳ kiên cố và hùng vĩ làm kinh ngạc cả thế giới cổ kim.

“Hợp tác giản đơn cũng có thể sinh ra những kết quả vĩ đại”
– Danh ngôn của Karl Marx –

Xây dựng Kim tự tháp
Xây dựng Kim tự tháp

1. Kim tự tháp ở Ai Cập

Với ước vọng lưu lại đời đời tiếng tăm lừng lẫy và quyền uy bất diệt của mình, các Pharaon thuộc các vương triều Memphis – gọi như vậy vì các vương triều thời cổ vương quốc đóng đô ở Memphis – ngay từ khi còn sống, đã lo xây dựng cho mình những lăng mộ cực kỳ kiên cố và hùng vĩ. Đó là những Kim tự tháp làm kinh ngạc thế giới cổ kim.

Kim thự tháp là dịch từ chữ Pyramid, theo tiếng cổ Ai Cập, có nghĩa là cao vút. Đây là một khối đá khổng lồ hình tháp, đáy vuông, bốn mặt phẳng của tháp là hình tam giác cân. Các kim tự tháp thuộc vương triều IV là những Kim tự tháp lớn nhất của Ai Cập cổ đại và đều xây dựng tại vùng Giza, nơi cao nguyên sa mạc Libya tiếp giáp với miền đồng bằng châu thổ. Ba ngọn lớn nhất trong số Kim tự tháp đó là Kim tự tháp vĩ đại của vua Kheops (cạnh đáy dài 230m, cao 146m, ngày nay chóp đã bị mòn chỉ cò 137m), Kim tự tháp  của vua Khafre (cạnh đáy dài 215m, cao 143m), Kim tự tháp của vua Menkaure, bé và thấp hơn. Về sau này, các vương triều V và VI đều có xây dựng Kim tự tháp, nhưng quy mô và kích thước đều nhỏ bé hơn nhiều.

Kiểu Kim tự tháp ở Ai Cập uy nghiêm và hùng vĩ đó là do nhà kiến trúc thiên tài thời ấy là Imhotep sáng tạo ra, nhằm thể hiện quyền uy vô hạn của nhà vua chuyên chế Pharaon, đồng thời cũng phản ánh địa vị hết sức thấp kém và đời sống vô vùng cơ cực của người dân cổ Ai Cập đã phải hi sinh không biết bao nhiêu xương máu để bảo tồn cho được cái xác chết của chính kẻ lúc sống đã áp bức và bóc lột họ một cách tàn nhẫn.

Theo sử gia Herodotos kể lại, thì tình hình xây dựng một Kim tự tháp ở Ai Cập, như Kim tự tháp Kheops là như sau: nhà vua ra lệnh cho thần dân phải tạm thời đình chỉ hoặc giảm bớt nhiều công việc trong nước, thậm chí đóng cửa cả các đền đài không cho tế thần, để tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực vào việc xây dựng lăng mộ của nhà vua. Cứ ba tháng là có một kíp gồm chừng mười vạn người thay phiên nhau làm việc không ngừng trên các công trường. Riêng chỉ việc đắp một con đường để chở đá từ công trường lấy đá đến công trường xây dựng đi qua con sông Nile cũng đã tốn mất hai mươi năm trời. Việc xây dựng chính ngôi Kim tự tháp cũng phải mất thêm hai mưới năm nữa. Kim tự tháp dùng hơn hai trăm tảng đá sắp chồng lên nhau, theo tính toán thì cần tới 230 vạn tảng đá, mỗi tảng đá trên 2 tấn, tức hết thảy có tới 2.408.000m3 đá. Trong Kim tự tháp có rất nhiều phòng, hầm và hành lang kiến trúc một cách kín đáo để đề phòng kẻ gian.

Trước đây, người ta không hề nghĩ đến việc tìm hiểu trong lòng các Kim tự tháp ở Ai Cập có những gì. Người ta yên trí rằng, lăng mộ Pharaon chỉ vẻn vẹn có ngọn Kim tự tháp mà thôi. Đến đầu thế kỷ XX, nhờ các công trình khai quật khảo cổ, người ta mới biết rằng Kim tự tháp chỉ là một bộ phận trong cả một hệ thống kiến trúc kì diệu và đồ sộ hơn nhiều, gồm có ba bộ phận chủ yếu, nối liền nhau bằng những con đường hành lang cột đá: một giáo đường dùng để lễ bái, một cái đền thờ các tượng nhà vua, và bản thân ngọn Kim tự tháp trong lòng nó có một cái huyệt chứa đựng quan tài cùng các đồ dùng, của cải, châu báu chôn theo nhà vua quá cố. Xung quanh hệ thống lăng mộ đó là những ngôi mộ thường của những người thân thích trong hoàng gia và của đại quý tộc quan lại đã từng phục vụ cho nhà vua lúc còn sống.

Kim tự tháp ở Ai Cập không những làm cho người đời xưa cũng như người đời nay phải kinh ngạc về quy mô kiến trúc hùng vĩ và uy nghiêm của nó, mà còn làm cho mọi người thán phục về nghệ thuật đẽo, lắp đá, khắc tượng cực kỳ điêu luyện cũng như về trình độ kiến thức toán học khá cao của người cổ Ai Cập cổ đại. Họ tìm cách đưa những tảng đá lớn lên tầng cao vót bằng cách lấy đá và đắp thành những sườn núi thoai thoải để kéo đá lên. Kỹ thuật đẽo đá và lắp đá của họ đòi hỏi mức độ tinh vi không kém kỹ thuật làm đồ kim cương và đồ thủy tinh của thợ mỹ nghệ ngày nay. Các tảng đá được lắp dính khít với nhau đến nỗi mới nhìn không thể nhận rõ chỗ giáp nhau. Việc thiết kế các phòng và hầm bên trong được tính toán một cách khoa học và tinh vi để đảm bảo tránh sức ép của các khối núi đè nặng lên bên trên; đã năm nghìn năm nay, các phòng và hầm đó vẫn không bị nao núng. Nội việc nhằm cho đúng hướng để xây các mặt của Kim tự tháp và việc san bằng cả một vùng đất đá để xây Kim tự tháp lên bên trên cũng đòi hỏi một trình độ chính xác đến mức mà độ cao trên mặt biển của các góc nam và bắc của đáy Kim tự tháp chỉ chênh lệch nhau từ 8 đến 15 mm thôi. Còn các tượng của Khafre và Menkaure tìm thấy trong các Kim tự tháp thì đều có thể xem là những tuyệt tác của các nhà nghệ thuật và điêu khắc tài hoa thời bấy giờ.

Thời cổ đại, Kim tự tháp ở Ai Cập đã được liệt vào một trong các kỳ quan của thế giới. Người Ai Cập thường nói: “Bất cứ cái gì cũng đều sợ thời gian, nhưng bản thân thời gian thì lại sợ Kim tự tháp”. Đó là vì Kim tự tháp là cái kết tinh của không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt, xương máu của hàng triệu, hàng chục triệu nô lệ và dân nghèo đã phải nai lưng ra làm việc trong hàng bao thế kỷ dưới sự áp bức của chính quyền chuyên chế Pharaon tập trung cao độ và dưới sức mạnh của những tín ngưỡng tôn giáo đã làm cho cái chính quyền thế lực đó kiêm thêm tính chất thần quyền.

Tượng nhân sư Sphinx
Tượng nhân sư Sphinx

2. Tượng nhân sư Sphinx

Giữa các Kim tự tháp, trên cánh đồng Giza, gần Memphis, có một cái tượng khổng lồ, đầu người, mình sư tử, gọi là tượng Sphinx dài 57m, cao 20m (mỗi cái tai ở đầu tượng dài tới 2m). Tượng này có lẽ muốn tạo hình của Pharaon Khafre và muốn nói lên rằng nhà vua có sức mạnh của sư tư và trí tuệ của con người.

Trong lòng tượng Sphinx có cái gì? Từ lâu đã có rất nhiều truyền thuyết và ức đoán khác nhau. Có người đoán trong lòng tượng người sư tử có giáo đường, có đền thờ, có phòng hầm, hành lang, đường ngầm,… giống như trong lòng các Kim tự tháp ở Ai Cập. Khi Napoleon viễn chính sang Ai Cập, ông ta đã cho pháo binh bắn đại bác vào bức tượng đó, hòng mở một lối vào bên trong cái tượng. Do đó mặt của tượng bị sứt mẻ như chúng ta thấy ngày nay. Sau này mới rõ tượng đó là một khối đá khổng lồ tạc thành đầu người mình sư tử và để tượng trưng cho quyền lực Pharaon oai hùng và bất diệt.

Những công trình xây dựng lăng mộ, đền đài dưới thời hai vương triều III và IV đã làm cho nhân lực và vật lực trong nước bị khánh kiệt; thuế má và sưu dịch ngày càng đè nặng lên đầu nhân dân, làm cho nhân dân vô cùng cực khổ và oán thán. Nhiều cuộc bạo động và khởi nghĩa đã nổ ra, nhưng rất tiếc rằng ngoài một số ghi chép của các sử gia Hi Lạp Herodotos và Thucydides, chúng ta không nắm thêm tài liệu nào khác nữa.

Truyền thuyết do Herodotos thuật lại rằng Khafre là một ông vua rất tàn bạo, bị người dân hết sức oán ghét. Sau khi chết đi, dân chúng đã thừa cơ nổi dậy, lôi thi hài của nhà vua ra khỏi Kim tự tháp để hủy hoại. Truyền thuyết cũng nói rằng trước đây người dân cũng đã từng làm như vậy đối với vua Kheops – cha của Khafre, vì vậy hiện nay người ta không còn thấy di hài của hai vua đó nằm trong huyện Kim tự tháp nữa.

Về sau, vương triều IV bị lật đổ, nguyên nhân vì sao cũng chưa ai biết rõ. Nhưng theo nhiều sử gia thì cũng có thể là do phong trào nổi dậy của người dân cuối thời vương triều đó. Tập đoàn thống trị tăng lữ đã lợi dụng phong trào này để lật đổ vương triều cũ và xây dựng vương triều mới, vương triều V.

Kim tự tháp ở Ai Cập – LichSu.Org

2 thoughts on “Kim tự tháp ở Ai Cập – lăng mộ hùng vĩ của các Pharaon”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.