Nền văn hóa Bắc Sơn
Nền văn hóa Bắc Sơn ở một trình độ cao hơn văn hóa Hòa Bình, địa bàn được phân bổ chủ yếu trên các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn và Thái Nguyên.
Rìu mài lưỡi Bắc Sơn
Cũng như các bộ lạc Hòa Bình, các bộ lạc Bắc Sơn sống chủ yếu trong các hang động và mái đá vùng núi đá vôi. Họ vẫn giữ nguyên truyền thống chế tác công cụ bằng đá cuội đã phát triển từ văn hóa Sơn Vi qua văn hóa Hòa Bình. Trong các hang động Bắc Sơn, vẫn còn gặp nhiều công cụ đá kiểu Hòa Bình. Đó là những hòn đá cuội ghè đẽo một mặt. Nhưng chủ nhân văn hóa Bắc Sơn đã đạt được một thành tựu lớn trong kỹ thuật chế tác công cụ, đó là họ đã biết cách mài đá.
Người nguyên thủy lấy một hòn cuội ghè đẽo qua loa ở xung quanh cho có hình chữ nhật, có khi công cần ghè đẽo gì, hòn cuội cũng đã có hình dạng thích hợp. Sau đó, người ta mài một đầu làm thành lưỡi. Vết mài rất hẹp, chỉ hạn chế ở rìa lưỡi, nhưng như vậy cũng đủ để tạo nên một chiếc rìu sắc, có hiệu suất lao động hơn hẳn các công cụ ghè đẽo trước kia. Các nhà khảo cổ học thường gọi chiếc rìu mài lưỡi như vậy là rìu Bắc Sơn (hoặc rìu lưỡi mài Bắc Sơn).
Rìu mài lưỡi rất phổ biến trong các hang động Bắc Sơn. Chúng đã xuất hiện trong lớp trên ở một số hang động có di tích văn hóa Hòa Bình. Điều này cho thấy văn hóa Bắc Sơn phát triển lên từ văn hóa Hòa Bình. Sự phát triển đó là liên tục, không gián đoạn. Đã tìm thấy nhiều bàn mài, tức những hòn đá mài, bằng sa thạch, dùng để mài rìu trong các địa điểm văn hóa Bắc Sơn.
Rìu Bắc Sơn đã có mặt trong lớp đất có niên đại carbon phóng xạ (C14) trước đây các nhà khảo cổ tìm được là khoảng một vạn năm cách ngày nay (như ở hang Bó Lúm thuộc Lạng Sơn: 9.990 ± 200 năm và 10.295 ± 200 năm). Đó là một sáng tạo có ý nghĩa quan trọng của cư dân nguyên thủy nước ta. Với chiếc rìu mài lưỡi, các bộ lạc Bắc Sơn không những chế tác dễ dàng hơn mà còn có thể chặt cây phát rừng, phát triển nghề nông đã ra đời trong văn hóa Hòa Bình lên một bước, bởi rìu là một công cụ không thể thiếu được của nông nghiệp nương rẫy vùng núi.
Đời sống người nguyên thủy trong nền văn hóa Bắc Sơn
1. Nông nghiệp và săn bắn
Cũng giống như trong văn hóa Hòa Bình, nguồn lương thực do nông nghiệp đưa lại chưa phải có vị trí chủ yếu trong kinh tế cơ bản của các bộ lạc Bắc Sơn. Trong các hang động có người nguyên thủy ở, vỏ ốc vẫn chất thành lớp dày. Ở hang Làng Cườm (thuộc Lạng Sơn), lớp vỏ ốc dày đến 3m. Giữa lớp vỏ ốc trong các hang, người ta đã tìm thấy nhiều xương thú, phần lớn là xương hươu, hoẵng, lợn rừng. Trong một số hang còn tìm thấy xương của gấu, cầy, cáo, nhím và khỉ. Cũng có nơi tìm thấy xương và răng tê giác. Nghề săn rõ ràng vẫn tiếp tục phát triển.
2. Đồ gốm Bắc Sơn
Một thành tựu mới của cư dân Bắc Sơn là biết chế tác đồ gốm. Đồ gốm Bắc Sơn thường có miệng loe và đáy tròn. Độ nung của đồ gốm chưa cao. Người nguyên thủy đã biết nhào đất sét lẫn với cát để khi nung, đồ gốm không rạn nứt. Nhìn chung, đồ gốm Bắc Sơn còn rất thô. Số mảnh gốm tìm thấy trong các di tích Bắc Sơn cũng rất ít. Rõ ràng việc chế tạo đồ gốm chưa phát triển mạnh trong thời kỳ văn hóa Bắc Sơn. Bên cạnh đồ gốm, hẳn là các bộ lạc nguyên thủy của nền văn hóa Bắc Sơn vẫn dùng rộng rãi ống tre, vỏ bầu để đựng nước, thức ăn.
3. Đồ trang sức của cư dân văn hóa Bắc Sơn
Người Bắc Sơn đã có nhiều loại đồ trang sức hơn người Hòa Bình. Ngoài những vỏ ốc biển Cypraea xuyên lỗ – mà người ta đã gặp 28 vỏ như thế ở mái đá Phố Bình Gia (Lạng Sơn), người Bắc Sơn còn có đồ trang sức bằng đá phiến có lỗ đeo và những hạt chuỗi bằng đất nung, hình trụ hay hình thoi, giữa có xuyên lỗ.
Trong một số hang động Bắc Sơn, đã phát hiện được những mảnh đá phiến nhỏ, trên đó người nguyên thủy đã khắc lên những đường rẻ quạt, đường tròn hay hình vuông, hình chữ nhật gần nhau. Rõ ràng người nguyên thủy muốn biểu hiện một vật, một sự việc gì đó. Ngoài ra, còn tìm thấy những vật bằng đất sét hoặc bằng đá phiến mà ở rìa cạnh, người nguyên thủy đã vạch lên những đoạn thẳng song song làm thành từng nhóm. Phải chăng đây là những số đếm của họ?
Tổng kết
Các di tích văn hóa Bắc Sơn được phát hiện đầu tiên trong các hang động vùng núi đá vôi Bắc Sơn. Địa bàn phân bổ chủ yếu ở các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Kạn và Thái Nguyên. Các di tích của văn hóa này cũng tìm thấy trong vùng phân bố của văn hóa Hòa Bình như Hòa Bình, Hà Nội, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị.
Hang Làng Cườm (Lạng Sơn) là một khu mộ tập thể. Ở đây đã phát hiện được nhiều sọ người. Mặc dù văn hóa Bắc Sơn ở một trình độ cao hơn văn hóa Hòa Bình, đã là một văn hóa đá mới có gốm sơ kỳ, nhưng cấu trúc xã hội của cư dân Bắc Sơn vẫn nằm trong khuôn khổ công xã thị tộc mẫu hệ. Sự phát triển nông nghiệp thêm một bước đã củng cố hơn cấu trúc xã hội đó.
Ngoài niên đại carbon phóng xạ (C14) của hang Bó Lúm (Lạng Sơn) đã nói tới ở trên, các nhà khảo cổ học đã biết đến niên đại của một số di tích văn hóa Bắc Sơn khác trong vùng tỉnh Lạng Sơn. Chẳng hạn như hang Bó Nam (Kéo Phầy) có niên đại 7.960 ± 60 năm và 7.875 ± 60 năm, hang Thẩm Hai có niên đại 9.705 ± 80 năm và 9.645 ± 70 năm.
Như vậy, trong khu vực Lạng Sơn, văn hóa Bắc Sơn đã tồn tại cách ngày nay trong khoảng từ một vạn đến tám nghìn năm. Trong khoảng thời gian đó, ở một số nơi khác, văn hóa Hòa Bình vẫn đang tiếp tục tồn tại. Có thể kết luận rằng, ở khu vực Lạng Sơn, và có thể cả ở một số nơi nào đó nữa, cư dân nguyên thủy đã tiến từ văn hóa Hòa Bình lên văn hóa Bắc Sơn sớm hơn những nơi khác.