Nền văn minh của người Sumer ở lưu vực Lưỡng Hà
Nền văn minh của người Sumer ở lưu vực Lưỡng Hà thời cổ đại xuất hiện vào khoảng nửa sau thế kỷ IV trước Công nguyên, cùng thời với nền văn minh cổ Ai Cập.
1. Quốc gia cổ đại Sumer
Vào khoảng nửa sau thiên niên kỷ IV trước Công nguyên, cùng thời kỳ mà người Ai Cập bắt đầu xây dựng nhà nước, cư dân ở lưu vực Lưỡng Hà cũng đã sớm thoát ly khỏi chế độ cộng sản nguyên thủy, bắt đầu xây dựng nhà nước của mình trên cơ sở chế độ nô lệ.
Người Sumer là bộ tộc đã đặt nền móng đầu tiên cho nền văn hóa cổ đại ở lưu vực Lưỡng Hà. Nhưng người Sumer cũng không phải là người dân bản xứ đã sống từ trước ở đấy. Vào khoảng năm 4500 (trang 139) trước Công nguyên, họ mới đến định cư ở vùng Nam Bộ của Lưỡng Hà. Người Sumer thuộc chủng tộc nào cho đến ngày nay, các nhà nhân loại học và khảo cổ học chưa thể xác định một cách chính xác. Chỉ có thể nói rằng: Người Sumer khác hẳn với giống người Semit sống ở Tây Bộ Châu Á; họ thiên di từ miền núi rừng Altai ở Trung Á xuống. Người Sumer đầu tròn, cổ ngắn, hình vóc gần giống với người Mông Cổ.
Sau khi người Sumer đã thiên di đến lưu vực Lưỡng Hà, ban đầu họ còn sống tập trung với nhau để chăn nuôi và làm ruộng theo chế độ công xã thị tộc. Họ đã phát minh được đồ đồng từ rất sớm, đã bước từ thời đại đồ đá sang thời đại đồ kim loại. Họ đã có thể chế tạo được những đồ gốm tinh xảo, dệt được các thứ vải. Họ đã xây đắp được nhiều công trình thủy lợi khá hoàn bị và đã biết dùng trâu, bò để cày ruộng. Người Sumer còn biết dùng xe cộ và dùng bàn quay làm đồ gốm sớm hơn cả người Ai Cập.
Trong lịch sử thế giới, những bộ tộc đã xây dựng thành thị sớm nhất cũng là người Sumer. Sự xuất hiện thành thị đã đánh dấu thời kỳ chế độ thị tộc tan rã và thời đại văn minh bắt đầu. Đại để, cách đây 6000 năm về trước, trên vùng đồng bằng Sumer đã mọc lên nhiều thành thị, mà quan trọng nhất là các thành thị Ur, Eridu, Lagash, Kish, Surrupak, Uruk và Nippur. Những thành thị ấy kết hợp cùng với đất đai vùng phụ cận, trở thành những quốc gia – thành thị hay thành bang độc lập. Mỗi thành thị cùng với vùng nông thôn phụ cận hợp thành một quốc gia nhỏ, rộng khoảng 3000 km2, gần bằng một tỉnh nhỏ của nước ta ngày nay.
Đứng đầu mỗi quốc gia là nhà vua gọi là Patesi. Patesi là đại biểu quý tộc thị tộc, ban đầu thì do quý tộc bầu ra, nhưng về sau thì trở thành cha truyền con nối. Lúc đầu Patesi là người đại diện tối cao của tầng lớp tăng lữ, người đại diện của nhà nước trước thần, người chỉ huy binh lính, người quản lý kinh tế, coi sóc chung các công trinh xây dựng và thủy lợi. Từ giữa thiên nhiên kỷ III trước Công nguyên, về danh nghĩa, Patesi còn là người sở hữu tối cao đối với tất cả đất đai trong nước.
Trong các quốc gia – thành thị ở Sumer, ngoài vua còn có các hội nghị nhân dân và hội đồng bô lão. Các hội nghị và hội đồng này bầu ra các quan chức của tòa án và của bộ máy hành chính, quyết định các vấn đề chính trị quan trọng như tuyên chiến, nghị hòa. Tình trạng chiến tranh liên miên giải thích vì sao ở Lưỡng Hà tổ chức chế độ dân chủ quân sự vẫn tồn tại cho đến giữa thiên niên kỷ III trước Công nguyên. Tuy nhiên, do xã hội đã phân hóa rõ rệt, nên Patesi có quyền lực rất lớn. Đồng thời do công tác quản lý hành chính và quản lý kinh tế đã trở nên phức tạp nên bộ máy nhà nước quan liêu đã sớm ra đời.
Các quốc gia – thành thị lại có nhu cầu sử dụng hệ thống thủy lợi, tăng cường mối quan hệ kinh tế giữa các khu vực khác nhau, có nhu cầu củng cố nền thống trị của giai cấp quý tộc đối với nô lệ và dân nghèo, nên đã nảy sinh yêu cầu thống nhất về chính trị, khuynh hướng tập trung quyền lực về tay các Patesi. Trong quá trình đấu tranh giành quyền bá chủ ở Lưỡng Hà, lần lượt một số quốc gia – thành thị tương đối mạnh nắm quyền lãnh đạo, như Lagash, Surrupak, Kish, Ur, … Lagash là quốc gia mạnh nhất, thường nắm bá quyền ở Sumer. Trong trường hợp đó, Patesi của Lagash đồng thời là vua của các quốc gia – thành thị khác. Patesi của các quốc gia – thành thị này là đại diện cho nhà vua ở địa phương mình. Tuy nhiên, suốt thiên niên kỷ III và đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên, chế độ trung ương tập quyền ở Sumer vẫn chưa thật vững chắc lắm.
Trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại, công xã nông thôn còn tồn tại khá lâu dài. Đó là vì trong xã hội, sức sản xuất còn thấp kém, người ta phải hợp tác lao động trong canh tác nông nghiệp cũng như trong công tác thủy lợi. Ruộng đất của công xã chắc rằng đã được chia ra và giao cho mỗi gia đình canh tác theo định kỳ. Nông dân công xã là một bộ phận rất đông đảo trong xã hội. Họ là những người tự do về danh nghĩa, song thực tế họ phải chịu sự áp bức bóc lột nặng nề của tầng lớp quý tộc. Ngoài công việc sản xuất, họ còn có nghĩa vụ đi lính, đóng thuế, cày cấy ruộng đất của quý tộc hay của đền đài.
Nông dân công xã là chỗ dựa của nhà nước cổ đại ở Lưỡng Hà. Nhưng những người nông dân này lại sống gắn bó chặt chẽ với công xã của mình, đời sống của họ bị bó hẹp trong phạm vi công xã có tính chất đóng kín. Bởi vậy, ở Lưỡng Hà tuy luôn xảy ra những cuộc chiến tranh tàn khốc, những cuộc biến động chính trị lớn, song tất cả những cái đó cũng không làm cho bộ mặt xã hội đó thay đổi nhiều.
Phần ruộng đất được chia theo định kỳ cho mỗi thành viên công xã thường là nhỏ. Phần ruộng đất của quý tộc thì lớn hơn. Quý tộc hay đền đài không ngừng dùng uy thế của mình để cướp đoạt, hay nửa mua nửa cướp đoạt ruộng đất của nông dân công xã. Do đó, trong nền kinh tế nông nghiệp thời kỳ này, có hiện tượng nông dân công xã không ngừng bị mất đất, ngược lại, quý tộc và đền đài tập trung nhiều ruộng đất, lập thành những trang trại lớn. Những người lao động sản xuất trong các trang trại đó, hoặc là nô lệ hoặc là những nông dân công xã làm công nhật trong một thời gian và được hưởng một phần hoa lợi. Ngoài những nông dân còn gắn bó với công xã của mình tức là những người còn có ít nhiều tư liệu sản xuất, một bộ phận khá đông khác đã bị mất hết tư liệu sản xuất, phải làm công suốt năm cho quý tộc hay đền đài. Thực chất thân phận của họ không khác gì nô lệ mấy.
Nô lệ dĩ nhiên là phải làm việc nhọc nhằn suốt năm. Nô lệ đều là những tù binh bị bắt trong chiến tranh hay mua ở nước ngoài đem về. Phần lớn nô lệ là thuộc về nhà nước hay đền đài. Một số gia đình quý tộc giàu có cũng có thể có nô lệ. Nô lệ chủ yếu làm việc trong gia đình, xây đắp các công trình thủy lợi, canh giữ đồng ruộng, chăn nuôi súc vật… Nô lệ thường không được lao động cùng với dân tự do. Nông dân công xã đảm nhiệm chủ yếu việc sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp. Trong số nô lệ, nữ nô chiếm một tỷ lệ khá cao. Nhưng chế độ nô lệ ở các quốc gia cổ đại Lưỡng Hà mang nặng tính chất gia trưởng. Nô lệ không được sử dụng rộng rãi trong lao động sản xuất và họ có thể có gia đình riêng.
2. Nền văn minh Sumer
Trong các quốc gia nhỏ ở vùng Sumer, tín ngưỡng tôn giáo mỗi nơi một khác, nhưng tất cả đều theo tín ngưỡng đa thần giáo. Người Sumer còn đặt ra những câu chuyện thần thoại để giải thích nguồn gốc của vạn vật trong vũ trụ. Lưu vực Lưỡng Hà ngày xưa đã từng trải qua nạn hồng thủy ghê gớm cho nên người Sumer có nhiều truyền thuyết về nạn hồng thủy đó. Những truyền thuyết đó về sau được thêu dệt, cải biến đi, đã ảnh hưởng sâu sắc đến quan niệm tôn giáo của người Hebrew.
Khoảng năm 3500 trước Công nguyên, ước chừng đồng thời với người Ai Cập cổ đại, người Sumer cũng đã phát minh ra chữ viết của mình. Vì thứ chữ đó hình giống như các góc nhọn hay các đỉnh nhọn chắp nối lại với nhau, nên người ta gọi là chữ “tiết hình” hay chữ hình góc (cuneiform). Người Sumer dùng thân một loại cây sậy vót nhọn làm bút, viết chữ lên trên tấm đất sét còn mềm rồi đem phơi nắng hay nung lửa cho khô cứng lại để có thể giữ nét chữ được lâu.
Một số bộ tộc ở Tây Á thời cổ đại, chịu ảnh hưởng của văn hóa người Sumer, nói chung đều đã dùng thứ chữ viết này. Do đó thứ chữ do người Sumer phát minh ra có thể coi là thứ chữ mẹ đẻ của nhiều thứ chữ cổ đại khác như chữ Ai Cập, chữ Babylon, chữ Hatti, chữ Assyria, chữ Ba Tư. Nhưng cũng giống như chữ tượng hình của người Ai Cập cổ đại, chữ tiết hình của các bộ tộc cổ ở Tây Á mặc dù đã được dùng qua một thời gian rất lâu, nhưng rồi cũng đã trở thành một thứ chữ chết, không ai dùng đến nữa. Mãi đến nửa đầu thế kỷ XIX, nhờ có công trình nghiên cứu ngôn ngữ học của nhà học giả Đức Grotefend và nhà học giả Anh Henry Rawlinson, người ta mới tìm ra được, qua cổ văn Ba Tư, cách đọc thứ chữ tiết hình đó của các bộ tộc ở Tây Á thời cổ. Ngày nay các nhà ngôn ngữ học đã có thể căn cứ vào những bản cổ văn của người Sumer để lại để nghiên cứu lịch sử của khu vực Lưỡng Hà thời cổ đại.
Lịch pháp của người Sumer làm theo nguyên tắc Âm lịch: 29 ngày hoặc 30 ngày là một tháng, 12 tháng là một năm; đương nhiên lịch đó không thật khớp với thời gian Trái Đất vận chuyển một vòng xung quanh Mặt Trời, cho nên họ mới đặt ra tháng Nhuận. Âm lịch của người Sumer rất gần với nông lịch của Trung Quốc; nó được các bộ tộc khác ở Tây Á sử dụng một cách rộng rãi. Đến ngày nay, người Hồi giáo và người Do Thái ở Tây Á vẫn sử dụng lịch pháp ấy.
Toán pháp của người Sumer lấy số 60 làm đơn vị, nhưng cũng bổ sung thêm bằng phương pháp thập tiến vị. Ngày nay người ta phân vòng tròn làm 360 độ, phân một giờ làm 60 phút, một phút làm 60 giây, đó là thừa hưởng phát minh của người Sumer để lại.
Khu vực Lưỡng Hà không có đá và gỗ, nên về mặt kiến trúc quy mô, người Sumer kém xa người Ai Cập. Mặc dù người Sumer không lưu lại cho hậu thế những công trình kiến trúc nguy nga có tính chất trường cửu như những Kim tự tháp của Ai Cập, nhưng miếu vũ đền đài mà họ xây dựng lên bằng đất và đá gạch cũng rất đồ sộ. Người Sumer đắp nhiều ngọn tháp rất cao làm nơi tế thần và quan sát thiên văn. Những ngọn tháp và đền đài đó không chịu nổi được với thời gian nên lâu ngày đã bị đổ nát.
Nền văn minh của người Sumer – Lịch sử Lưỡng Hà cổ đại
– LichSu.Org –
Khám phá lịch sử Lưỡng Hà cổ đại
Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.