Người Hatti và thời đại đồ sắt [Lịch sử Trung Đông]

Người Hatti và thời đại đồ sắt

Người Hatti với việc phát minh ra đồ sắt đã giúp họ thôn tính các nước xung quanh, trở thành một đế quốc hùng mạnh ở Tiểu Á, tồn tại khoảng chừng 250 năm.

1. Sự hình hành vương quốc của người Hatti

Thời cổ đại, trên khu vực rộng lớn ở Tây bộ châu Á, phía đông bắt đầu từ cao nguyên Iran, phía tây đến miền Tiểu Á, có rất nhiều bộ tộc nguyên thủy sống chung đụng với nhau. Lúc mà người Ai Cập và cư dân lưu vực Lưỡng Hà đã tiến tới một đời sống văn hóa khá cao thì những bộ tộc đó vẫn còn sống dưới chế độ thị tộc và bộ lạc. Nhưng rồi trước sau, ở các bộ tộc dó đã lần lượt xuất hiện những quốc gia chiếm hữu nô lệ, trong đó quốc gia xuất hiện sớm nhất và có lãnh thổ rộng lớn hơn hết là đế quốc Hatti.

Về nguồn gốc của người Hatti, nhiều nhà sử học cho rằng họ từ miền Trung Á đến; họ không phải một giống người Aryan thuần túy, mà là do nhiều bộ tộc hỗn hợp lại mà thành. Người Hatti tụ họp ở lưu vực sông Halys ở miền Bắc Tiểu Á. Họ đã lập nên ở đây quốc gia chiếm hữu nô lệ vào khoảng đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên và đã phát triển về phía nam đến tận biên giới Babylon và Syria.

2. Thời đại đồ sắt của người Hatti

Thành tựu lớn nhất của Người Hatti trong lịch sử cổ đại phương Đông là việc sáng chế đồ sắt. Miền Bắc Tiểu Á và suốt dải đất miền Syria đều chứa nhiều mỏ sắt quan trọng. Trước Người Hatti, đã có một số đồ sắt rải rác xuất hiện ở lưu vực Lưỡng Hà. Song Người Hatti là bộ tộc đã chế tạo nhiều đồ sắt sớm nhất trên thế giới.

Trong lịch sử loài người, việc chế tạo đồ sắt có một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu nói rằng việc dùng lửa và việc chế tạo công cụ đã tách hẳn con người ra khỏi thế giới động vật thông thường, thì việc dùng đồ sắt đã đẩy con người tiến lên hẳn lên giai đoạn văn minh. Nhà học giả người Mỹ H. Morgan, tác giả quyển Xã hội cổ đại, đã nói: “Phát minh ra đồ sắt, đó là một việc quan trọng nhất trong lịch sử loài người. Hết thảy mọi phát minh và sáng chế khác so với nó đều sẽ bị tê liệt vào hàng thứ yếu hoặc sẽ không đáng kể”. Cố nhiên Morgan nói như vậy là nhìn vào tình hình trước khi phát minh ra máy hơi nước ở thời cận đại.

Vì người Hatti là giống người đầu tiên đã chế tạo được rất nhiều đồ sắt nên họ đã trở thành một bộ tộc hùng mạnh ở Tiểu Á. Giữa thế kỷ XV trước Công nguyên, vương quốc Hatti dần dần thôn tính các bộ lạc láng giềng, thu gồm hầu hết đất đai ở Tiểu Á để lập nên một đế quốc rộng lớn. Lúc đó, thủ đô của họ là Hatti, một thành trì kiên cố, phía trong có cung điện và miếu vũ nguy nga. Binh sĩ người Hatti, vũ trang với giáo mác bằng sắt, hùng dũng cưới chiến xa rong ruỗi khắp nơi, gây chiến tranh cướp bóc. Từ nửa sau thế kỷ XV đến đầu thế kỷ XIII trước Công nguyên. Người Hatti đánh nhau liên miên với người Ai Cập. Họ đã giành lấy quyền thống trị Syria và Palestine từ tay người Ai Cập.

Người Hatti cổ đại
Người Hatti cổ đại

Người Hatti có chữ tượng hình của họ, lại học được của người Babylon thứ chữ hình góc nhọn. Họ dùng cả hai thứ chữ viết đó. Văn tự của Người Hatti đã được một nhà học giả người Séc là giáo sư Hrosny, dịch giải ra, nhờ đó lịch sử của Người Hatti ngày nay cũng có thể biết được. Trong số những di tích văn hóa Người Hatti phát hiện được ở di chỉ thành Hattusa, có một bộ luật là tài liệu quan trọng nhất. Bộ luật này có lẽ được soạn vào thế kỷ XV trước Công nguyên. Đọc nó chúng ta có thể thấy được tình hình xã hội của vương quốc Hatti thời đó: Giai cấp quý tộc quân sự có nhiều đặc quyền, chế độ nô lệ đã khá thịnh hành; chăn nuôi, nông nghiệp và thủ công nghiệp đều phát đạt; tiền tệ cũng bắt đầu lưu thông rộng rãi.

Lãnh thổ đế quốc Hatti, phía đông giáp lưu vực Lưỡng Hà, phía tây đến tận bờ biển Aegea. Bởi vậy, nó đã trở thành như một cái cầu đưa nền văn hóa cổ ở lưu vực Lưỡng Hà sang khu vực biển Aegea.

3. Sự diệt vong của người Hatti cổ đại

Trong lịch sử, đế quốc Hatti chỉ tồn tại chừng hai trăm năm mươi năm. Vào khoảng năm 1200 trước Công nguyên, khi người Phrygie và người Armenia thuộc các bộ tộc Ấn Âu từ bán đảo Kalkan vượt qua eo biển Bosphore xâm nhập Tiểu Á thì đế quốc Hatti lập tức tan rã.

Sau khi đế quốc Hatti diệt vong thì vương quốc Phoenicia xuất hiện. Song những bộ tộc Người Hatti vẫn ở rải rác khắp nơi trên miền Tiểu Á. Mãi đến khi đế quốc Assyria hùng mạnh lên thì người Hatti mới bị người Assyria chinh phục.

Ở đây, chúng ta cũng cần phải nói vài nét về vương quốc Urartu. Những năm đầu của thế kỷ IX trước Công nguyên, một số bộ lạc ở khu hồ Van, phía bắc xứ Assyria, đã liên minh với nhau, phát triển thành một vương quốc chiếm hữu nô lệ, đặt thủ đô tại Tushpa. Vì họ ở miền núi Ararat nên người Assyria gọi nước họ là Urartu.

Văn hóa của người Urartu chịu ảnh hưởng của văn hóa người Assyria. Họ cũng dùng thứ chữ hình góc và đã để lại nhiều bia khắc. Đầu thế kỷ VIII trước Công nguyên, vương quốc Urartu đã đạt đến mức phát triển cao nhất, có những thành trì kiên cố, kinh tế phát triển. Lúc giai cấp quý tộc quân sự Assyria mở rộng đất đai ra ngoài, vương quốc Urartu đã từng bị xâm lấn. Vì khu vực hồ Van bị người Assyria cướp phá nên họ phát triển về phía Ngoại Kavkaz, chinh phục và chiếm được đất đai của một số bộ tộc thổ dân. Về sau, do sự xâm nhập của người Cimmer và người Seythes, Urartu suy yếu dần. Năm 612 trước Công nguyên, người Cimmer chiếm vùng ngoại Kavkaz, vương quốc Urartu cũng bị diệt vong một lần với đế quốc Assyria. Lịch sử của vương quốc Urartu có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với nhân dân Liên Xô. Ngày nay, người Armenia sống trên đất đai cũ của vương quốc Urartu.

Người Hatti và thời đại đồ sắt – Lịch sử Trung Đông
– LichSu.Org –

Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.