Người Iran và những bộ tộc ngữ hệ Ấn-Âu
Người Iran là một nhánh bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu, thiên di từ bờ Đông Bắc biển Caspian đến cao nguyên Iran, chinh phục các bộ lạc bản địa và định cư ở đó.
1. Cuộc thiên di của những bộ lạc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu
Trong lịch sử các nước cổ đại phương Đông, tộc Hamites và tộc Semit là hai chủng tộc có sức ảnh hưởng rất lớn. Người Ai Cập thuộc về tộc Hamites; người Akkad, người Amorite, người Phoenicia, người Hebrew (tức là người Do Thái), người Assyria và người Chaldea đều thuộc tộc người Semit. Tuy nhiên, cùng với sự diệt vong của vương quốc Chaldea, ưu thế chính trị của tộc Semit ở các nước cổ đại phương Đông cũng mất đi. Các bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu (người Aryan) lại nổi lên.
Lúc đầu, các bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu sống đông đảo trên miền thảo nguyên phía bắc biển Caspian và biển Aral. Họ chia ra làm nhiều bộ lạc và bộ tộc, sống cuộc đời của du mục theo chế độ công xã thị tộc nguyên thủy. Họ chăn nuôi các loại gia súc, chủ yếu là bò, cừu và ngựa. Việc nuôi ngựa và dùng ngựa là do họ có sáng kiến đầu tiên. Khoảng 2500 năm trước Công nguyên, các bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu đã từ thời đại đồ đá tiến lên thời đại đồ đồng. Song lúc đó họ chưa có chữ viết, chưa có tổ chức nhà nước. So với người ở lưu vực Lưỡng Hà và người Ai Cập thì lúc đó họ còn ở trình độ phát triển văn hóa thấp kém hơn nhiều.
Khoảng 2000 năm trước Công nguyên, các bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu phân làm hai chi nhánh lớn, lần lượt từ bờ Đông Bắc biển Caspian tỏa đi các nơi.
- Một chi nhánh đi xuống phương Nam đến cao nguyên Iran và Ấn Độ, chinh phục các bộ lạc thổ dân bản địa, rồi định cư ở đó, sau trở thành người Iran và người Ấn Độ.
- Một chi nhánh khác sang châu Âu, về sau chia thành các bộ tộc người La Mã, người Hy Lạp, người Gallia, người German và người Slav.
2. Người Iran và tín ngưỡng tôn giáo thờ thần Lửa
Cao nguyên Iran là một miền vừa có nhiều rừng núi, vừa có những sa mạc mênh mông rộng lớn, phía Tây giáp lưu vực Lưỡng Hà, phía Nam giáp vịnh Ba Tư, phía Bắc giáp biển Caspian và biển Aral, phía Đông đến sông Ấn, có nhiều núi cao. Giữa các dãy núi, đâu đâu cũng có những cánh đồng rộng thích hợp với nghề chăn nuôi và trồng trọt.
Ở thời xa xưa, trên cao nguyên Iran đã có một số bộ tộc sinh sống ở đây: có bộ tộc du mục sống về nghề chăn nuôi nay đây mai đó, không có chỗ ở nhất định; có bộ tộc thì đã định cư, chuyên sống về nghề nông, và đã bắt đầu xây dựng thành thị. Người Elam sống tở Tây bộ cao nguyên Iran có nền văn hóa xuất hiện sớm nhất, vào khoảng 3000 năm trước Công nguyên; về thời gian, so với văn hóa người Sumer và người Ai Cập, không chậm hơn là bao nhiêu.
Người Guti, người Elam và người Kassites là những chủng người đã từ cao nguyên Iran xâm nhập lưu vực Lưỡng Hà cổ đại. Nhưng khi các bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu chia nhau thiên di xuống phương Nam thì những bộ tộc thổ dân trên cao nguyên Iran dần dần bị chinh phục. Về sau, người Ấn-Âu sinh sống đông đảo trên cao nguyên Iran trở thành chủ nhân của vùng đó. Các bộ tộc thuộc ngữ hệ Ấn-Âu định cư ở miền Đông còn gọi là người Aryans. Iran là do từ Aryans mà ra. Đầu tiên người Iran chia làm nhiều bộ tộc, trong đó mạnh hơn hết là người Medes và người Ba Tư.
Sau khi định cư, người Iran vẫn giữ lại truyền thống và tín ngưỡng tôn giáo của thời đại du mục. Vì lửa đối với người nguyên thủy trong hang động vô cùng quan trọng, nên từ lâu họ đã tin thờ thần Lửa. Tăng lữ cao cấp của người Iran gọi là mage.
Theo truyền thuyết, vào giữa thế kỷ VII trước Công nguyên, một nhà tiên tri người Iran tên là Zarathustra đã sáng lập ra một tôn giáo mới. Ông nói: trên thế giới có hai thế lực lớn: “thiện” và “ác” luôn luôn đấu tranh với nhau. Tốt xấu, phúc họa, may rủi ở trên đời đều là do kết quả đấu tranh giữa hai thế lực đó. Nhưng cuối cùng “thiện” nhất định sẽ thắng “ác”. Ông nhân hóa “thiện” và “ác”, cho rằng thần thiện Ahura Mazda hay Ormuzd tượng trưng cho sự quang minh, chính đại, trí tuệ và hạnh phúc; còn thần Ahriman tượng trưng cho đen tối, gian trá, ngu muội và tội lỗi. Ông kêu gọi mọi người tin thờ thần thiện, hết sức làm việc thiện, để sau khi chết linh hồn vẫn sống mãi.
Tôn giáo này do nguyện vọng cầu phúc, trừ tai mà sinh ra, nhưng về sau, nó dần biến thành công cụ thần quyền mị dân của tầng lớp thống trị.
Zarathustra thừa nhận tập quán tôn giáo của người Iran, coi lửa là tượng trưng cho quang minh, nên trong các nhà thờ thường xuyên người ta đốt một ngọn “lửa thánh”, lễ bái không ngớt. Tôn giáo mới của Zarathustra về sau dần dần trở thành tín ngưỡng chính của người Iran. Từ khi người Ba Tư có chữ viết, họ lần lượt chép lại các câu kinh cầu nguyện của Zarathustra, đó chính là kinh thánh Avesta của người Ba Tư. Đời nhà Đường, tôn giáo này đang truyền sang Trung Quốc, gọi là Bái hỏa giáo.
Trong các bộ tộc người Iran thì người Medes là bộ tộc đã dựng nước đầu tiên. Người Medes ở miền Tây Bắc cao nguyên Iran, giáp lưu vực Lưỡng Hà. Trong thời kỳ đế quốc Assyria cực thịnh, họ đã nhiều lần bị người Assyria xâm lược. Song ngay trong những lần bị đô hộ đó, họ đã được ở người Assyria cách tổ chức quân đội và chiến thuật ra trận. Về sau, lực lượng quân sự của người Medes ngày càng lớn mạnh. Năm 612 trước Công nguyên, họ hợp lực với người Chaldea lật đổ đế quốc Assyria. Người Medes lập ra một vương quốc ở vùng phía Đông sông Tigris, lãnh thổ gồm phần lớn cao nguyên Iran, phía Bắc lên đến tận Armenia. Vương quốc của người Medes bao lấy phía Đông và phía Bắc vương quốc Chaldea, nhìn trên bản đồ, trông tựa hồ như con sư tử ôm lấy một con cừu.
Tuy vậy, vương quốc Medes chỉ là tiền thân của đế quốc do người Ba Tư được thành lập sau này. Người Ba tư phát triển ngày càng đông đúc ở Nam Bộ cao nguyên Iran. Năm 550 trước Công nguyên, vua Ba Tư là Cyrus lật đổ vương quốc Medes, hợp nhất với người Ba Tư thành một bộ tộc duy nhất, kết thúc triều đại của người Medes. Xem thêm bài viết về Đế quốc Ba Tư cổ đại để hiểu rõ hơn.
Đến năm 330 trước Công nguyên, đế quốc Ba Tư bị Alexandros – vua nước Hy Lạp và Macedonia tiêu diệt.
Người Iran và cuộc thiên di của những bộ lạc ngữ hệ Ấn-Âu – Lịch sử Trung Đông
– LichSu.Org –
Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông
Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.