Người Phoenicia cổ đại [Lịch sử Trung Đông]

Người Phoenicia thời cổ đại

Người Phoenicia không chỉ nổi tiếng về những hoạt động thương mại và đóng tàu, họ còn phát minh ra hệ thống chữ cái Alphabet sớm nhất trong thế giới cổ đại.

1. Sự hình thành vương quốc của người Phoenicia cổ đại

Phoenicia là một dải đất nằm dọc bờ biển phía đông của Địa Trung Hải, phía bắc có thành Ugarit giáp với Syria, phía nam có thành Tyre giáp với Palestine trước mặt là biển, sau lưng là núi rừng Liban trùng điệp. Đất đai trồng trọt ở Phoenicia thì hẹp, nhưng rất phì nhiêu. Miền đồi núi đều có trồng các giống cây ăn quả, rừng có nhiều gỗ thông quý, biển lắm cá.

Người Phoenicia là một chi nhánh của chủng tộc Semit. Từ thiên niên kỷ III trước Công nguyên, họ thiên di dần đến miền Tây Syria và miền Liban ngày nay. Ở đây, họ chuyên nghề đánh cá biển, chăn nuôi súc vật và trồng trọt các loại ngũ cốc. Họ cũng sản xuất các hàng thủ công và buôn bán rộng rãi với nước ngoài. Chúng ta không được biết nhiều lắm về quá trình hình thành nhà nước chiếm hữu nô lệ ở đây. Chỉ biết rằng vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ III trước Công nguyên, xã hội có giai cấp dần dần hình thành và lần lượt nhiều thành thị được dựng lên ở ven biển. Mỗi thành thị về sau kết hợp với vùng nông thôn phụ cận hợp thành một quốc gia – thành thị hay thành bang có nền kinh tế và chính trị độc lập của mình. Có chừng trên 10 thành bang tất cả, trong đó quan trọng nhất là các thành Ugarit, Byblos, Sidon, Tyre, …

Các thành bang Phoenicia không ngừng mở rộng buôn bán với nước ngoài, đồng thời cũng ra sức thôn tính lẫn nhau nhằm thống nhất dải đất Phoenicia. Nhưng trước sau việc thống nhất đó không thực hiện được vì không có một thành bang nào có thế lực trội hẳn, mặt khác Phoenicia luôn luôn bị các nước láng giềng lớn mạnh hơn uy hiếp và chia rẽ.

Giữa thiên niên kỷ II trước Công nguyên, Phoenicia bị người Ai Cập và người Hatti đô hộ suốt 300 năm. Cuối thế kỷ XIII trước Công nguyên, do thế lự của người Ai Cập và người Hatti suy yếu đi, Phoenicia mới khôi phục được nền độc lập chính trị của mình. Trong thời gian này, thành bang Tyre phát triển mạnh mẽ nhất, vì nó nằm trên một hòn đảo ít bị chiến tranh và ngoại xâm tàn phá. Các thành bang khác cũng có điều kiện phát triển kinh tế, mở rộng quan hệ mậu dịch với bên ngoài, tăng cường lực lượng phòng thủ, nhất là lực lượng hải quân. Thời kỳ độc lập tự chủ đó kéo dài cho đến thế kỷ VIII trước Công nguyên, khi Phoenicia bị người Assyria đến chinh phục.

Người Phoenicia thời cổ đại
Người Phoenicia thời cổ đại

2. Các hoạt động mậu dịch hàng hải

Người Phoenicia nổi tiếng về hoạt động thương mại trong thế giới cổ đại, nhưng đa số dân Phoenicia vẫn sống bằng nghề nông và nghề đánh cá. Về nông nghiệp, ngoài các loại ngũ cốc, người ta còn trồng rất nhiều nho và ô liu. Công việc chăn nuôi cũng được chú ý thích đáng. Về ngư nghiệp, họ là một dân tộc chài lưới có tiếng. Phần lớn cá đánh được đều đem ướp khô để bán ra nước ngoài. Thủ công nghiệp của họ cũng phát đạt, nhất là nghề làm rượu vang và dầu ô liu, nghề làm đồ sứ, đồ thủy tinh, và đặc biệt là nghề đóng tàu của họ rất nổi tiếng trong thế giới cổ đại, nhờ có loại gỗ thông rất quý của rừng Liban .

Từ nửa đầu thiên niên kỷ II trước Công nguyên, ở các quốc gia thành thị Phoenicia, đã hình thành một tầng lớp đông đảo những thương nhân giàu có, ngoài việc buôn các nông, lâm, hải sản trong nước đem ra bán ở nước ngoài, còn chuyên môn buôn đi bán lại hàng hóa của nước này sang nước khác. Các ông vua Phoenicia đều là những nhà buôn lớn. Thương nhân Phoenicia nổi tiếng là những nhà kinh doanh tháo vát và lanh lợi nhất thế giới.

Thời cổ đại, người Phoenicia nổi tiếng là những nhà hàng hải và những thủy thủ giỏi nhất thế giới. Nghề hàng hải của họ phát triển rất sớm và rất mạnh, nhờ ở vị trí địa lý thuận lợi của các thành phố cảng Phoenicia được coi là những thành phố cảng của cả vùng Trung Cận Đông và Tiểu Á. Ngay từ thiên niên kỷ III trước Công nguyên, thuyền buồm và thuyền đánh cá của họ đã lui tới bờ biển Ai Cập, đảo Crete và vùng biển Aegea. Đến thiên niên kỷ II trước Công nguyên, họ đã đi khắp nơi trên mặt biển Địa Trung Hải, đổ bộ lên tận biển Numidia (Bắc Phi) và Tây Ban Nha. Họ đã đến eo biển Gibraltar lần đầu tiên và tưởng rằng thế giới tận cùng ở đó. Về sau, vào thiên niên kỷ I trước Công nguyên, họ đã vượt eo biển Gibraltar, ra khỏi Địa Trung Hải, đi ven theo bờ biển Tây Phi của Đại Tây Dương đến mũi Cameroon.

Qua những cuộc hành trình trên biển, người Phoenicia đã thành lập nên nhiều vùng thực dân địa và đặt quan hệ thương mại với nhiều nước, nhiều miền nằm dọc bờ biển Địa Trung Hải. Hoạt động thực dân và mậu dịch của họ thường kết hợp với hoạt động cướp biển, bắt nô lệ và đoạt của cải của các bộ lạc cư trú dọc bờ biển Châu Phi, Tây Ban Nha và Tiểu Á. Nhiều đất thực dân của họ về sau phát triển thành những quốc gia – thành thị quan trọng như đảo Cyprus, ở nhiều đảo trên biển Aegea, ở vùng eo biển Hắc Hải (Black Sea) và ở nhiều nơi khác, trong đó quan trọng bậc nhất là thành bang Carthage thành lập vào khoảng năm 814 trước Công nguyên, gần mũi Tunis trên bờ biển Bắc Phi (nay là Tunisia). Thành bang này về sau phát triển thành một cường quốc thương nghiệp ở Tây bộ Địa Trung Hải, một đối thủ nguy hiểm của đế quốc La Mã.

Ngành mậu dịch hàng hải của người Phoenicia đã giúp cho họ phát triển mạnh nghề đóng tàu buôn và tàu chiến. Họ đã từng xây dựng cả một hạm đội cho vua Assyria là Sennacherib để sang đánh Ai Cập. Họ đã đóng tàu chiến cho các vua Ba Tư, thậm chí đã buộc phải huy động toàn bộ  đội thương thuyền của mình cho người Ba Tư sử dụng để tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược Hy Lạp.

Chế độ nô lệ ở Phoenicia tuy có phát triển hơn nhưng cũng có ít nhiều tính chất gia trưởng như ở nhiều quốc gia cổ đại phương Đông khác. Tuy nhiên ở đây, nô lệ đa số không phải là chiến tù, vì người Phoenicia ít khi gây chiến tranh xâm lược để bắt tù binh, mà chủ yếu là nô lệ mua ở nước ngoài đem về, hoặc do hoạt động cướp biển mà có. Không những nhà vua, quý tộc mới có nô lệ, mà thương nhân giàu có cũng có nhiều nô lệ. Nô lệ được sử dụng vào các công việc trong gia đình chủ nô cũng như trong nhiều ngành sản xuất kinh tế như nông nghiệp, chăn nuôi, thủ công nghiệp và thương nghiệp hàng hải. Người Phoenicia là người đầu tiên dùng đông đảo nô lệ trong việc chèo thuyền vượt biển đi buôn bán khắp nơi.

Về chế độ chính trị, mỗi quốc gia – thành thị ở Phoenicia đều là một nhà nước nhỏ theo chủ nghĩa chuyên chế kiểu phương Đông. Các vua Phoenicia cũng nắm giữ vương quyền lẫn thần quyền, vì theo tín ngưỡng tôn giáo của người Phoenicia thì vua là người thuộc dòng dõi của thần hay là người đại diện cho thần (thần Baal), vua cũng là tăng lữ tối cao. Tuy nhiên, tính chất và mức độ của chủ nghĩa chuyên chế ở đây không rõ nét, không tập trung bằng ở Ai Cập hay ở Lưỡng Hà. Nhưng điều đó không có nghĩa là mâu thuẫn giai cấp và đấu tranh giai cấp cùng với những biến cố xã hội lớn lao không thường xuyên xảy ra, gây nên những cuộc khởi nghĩa của quần chúng và những cuộc thay đổi triều đại đột ngột. Tiếc rằng tài liệu còn lưu lại về mặt này quá ít ỏi, ngoài một số tài liệu nói về những cuộc khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo nổ ra ở thành Tyre hồi thế kỷ IX trước Công nguyên khi thành này bị người Ba Tư đến chiếm đóng.

Sự tiến hóa của bảng chữ cái Alphabet do người Phoenicia phát minh
Sự tiến hóa của bảng chữ cái Alphabet do người Phoenicia phát minh

3. Thành tựu văn hóa của người Phoenicia cổ đại

Những cuộc phát quật khảo cổ chứng minh rằng người Phoenicia đã từng sáng tạo ra một nền văn hóa rất độc đáo về mọi lĩnh vực.Người Phoenicia có nhiều sáng tác văn hóa dân gian. Các chủ đề sáng tác văn hóa thường lấy trong các câu chuyện thần thoại, các truyền thuyết, các tín ngưỡng tôn giáo của người Phoenicia. Một số tác phẩm văn hóa có nội dung lịch sử như những mẩu sử biên niên của thành Tyre ghi lại lịch sử của thành này từ đầu cho đến thiên niên kỷ I trước Công nguyên.

Người ta còn tìm được nhiều pho tượng, bích họa, đồ trang sức và đồ dùng bằng vàng, bạc, gỗ, chứng tỏ người Phoenicia có một nền nghệ thuật phát triển khá cao, tuy có chịu ảnh hưởng của nghệ thuật của người Ai Cập và người Hatti, nhưng vẫn mang phong cách rất độc đáo, gọi là “phong cách Phoenicia” hay “phong cách Syria”. Nghệ thuật của họ ảnh hưởng sâu sắc đến nghệ thuật của các dân tộc ở Syria và ở Palestine, nhất là nghệ thuật của người Do thái và người Israel.

Cống hiến to lớn nhất của người Phoenicia đối với nền văn hóa thế giới là việc phát minh ra hệ thống chữ cái A, B, C (Alphabet). Lúc đầu, người Phoenicia cũng đã từng dùng chữ tượng hình của người Ai Cập và chữ hình góc của người Lưỡng Hà. Nhưng về sau, do yêu cầu của việc giao dịch quốc tế, của sự phát triển ngành thương mại và hàng hải, họ đã cải tiến chữ viết cho được đơn giản và tiện lợi hơn. Hệ thống chữ cái A, B, C đã được hình thành, và được phát minh sớm nhất, có lẽ từ thế kỷ XIV trước Công nguyên. Nhưng điều chắc chắn là đến thế kỷ IX trước Công nguyên, người Phoenicia đã dùng đến 22 chữ cái rồi.

Do sự đi lại buôn bán, người Phoenicia đã đem hệ thống chữ cái đó sang truyền thụ cho người Hy Lạp, rồi qua người Hy Lạp truyền bá đến các dân tộc khác ở Châu Âu. Cho nên hệ thống chữ cái Phoenicia là nguồn gốc của các thứ chữ Hy Lạp, La Tinh, Nga,… Ngoài ra, cũng cần phải đánh giá cao vai trò làm môi giới tích cực của người Phoenicia trong việc đem những thành tựu xã hội rực rỡ của các quốc gia cổ đại phương Đông sang truyền bá tại các miền của phương Tây nằm xung quanh khu vực Địa Trung Hải.

Người Phoenicia cổ đại – Lịch sử Trung Đông
– LichSu.Org –

Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.