Sự tồn tại của người vượn cổ ở Việt Nam
Người vượn cổ ở Việt Nam đã được nhiều nhà khảo cổ học cho rằng từng sinh sống tại trong các hang Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn) và núi Đọ (Thanh Hóa).
Trong các hang Thẩm Khuyên và Thẩm Hai tỉnh Lạng Sơn đã tìm thấy những chiếc răng người nằm trong lớp trầm tích màu đỏ, chứa xương cốt các loài động vật thời Cánh Tân. Những chiếc răng này vừa có đặc điểm của răng người vừa có đặc điểm của răng vượn.
Không nghi ngờ gì nữa, đó là những chiếc răng của người vượn. Trong nhiều kích thước, những chiếc răng này gần với răng người vượn Bắc Kinh. Những chiếc răng nhỏ bé này là chứng cứ chắc chắn về sự tồn tại của người vượn ở Việt Nam.
Răng và xương động vật cùng lớp với các răng người vượn cổ cho chúng ta biết rõ về các con thú đã sống đồng thời với người vượn cổ. Bên cạnh những động vật vẫn sống đến ngày nay như hổ, báo sao, lợn rừng, khỉ, nhím… có những động vật đã bị tiêu diệt. Trong số đó có loài gấu tre to lớn (Ailuropoda melanoleuca), loài voi có mặt răng lởm chởm, gọi là voi răng kiếm (Stegodon orientalis), loài đười ươi lùn (Pongo pygmaeus).
Cùng sống đồng thời với người vượn bấy giờ còn có một giống vượn hình người có tên là vượn khổng lồ (Gigantopithecus) vì có thân thể to lớn, có thể nặng đến 300kg.
Một số động vật nói trên có thể là đối tượng săn bắt của người vượn cổ. Nhưng ở trong các hang động Lạng Sơn, chỉ mới tìm thấy răng người vượn cổ chứ chưa tìm được công cụ lao động của họ.
Núi Đọ – Di chỉ chế tác công cụ bằng đá của người vượn cổ
Công cụ bằng đá của người vượn cổ tìm thấy trên đất Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1960, ở núi Đọ, tỉnh Thanh Hóa.
Núi Đọ là một hòn núi thấp, cao 158m, ở bên bờ sông Chu. Đá núi là đá bazan. Người vượn cổ đã đến đây, ghè vỡ đá núi để chế tác công cụ. Hàng vạn mảnh ghè – mà các nhà khảo cổ học quen gọi là mảnh tước – cho đến nay vẫn còn nằm trên sườn núi Đọ. Những mảnh tước đó thô, nặng, nói lên một kỹ thuật ghè đẽo vụng về, thô sơ. Bấy giờ, mảnh tước không phải là thứ bị vứt bỏ mà có thể dùng để cắt hay để nạo.
Bên cạnh những mảnh tước là những hạch đá – những hòn đá mà từ đó người ta ghè các mảnh tước – không có hình dạng nhất định. Trên núi Đọ, còn có khá nhiều những hòn đá được ghè đẽo qua loa, có một phần lưỡi dầy và uốn sóng, đó là những công cụ chặt thô sơ của người vượn cổ mà các nhà khảo cổ học quen gọi là những trốp-pơ (phiên âm tiếng anh Chopper).
Hiếm hơn là những chiếc rìu tay – hiện nay mới tìm được có 8 chiếc – có hình dạng cân xứng hơn, được ghè đẽo nhiều nhát hơn trên cả hai mặt, một đầu gần nhọn, một đầu tròn làm đốc cầm, lưỡi chạy xung quanh. Rìu tay là một loại công cụ được chế tác cẩn thận nhất của người vượn cổ. Rùi tay cũng dùng để cắt chặt.
Nhìn chung, mảnh tước, hạch đá cũng như công cụ ở Núi Đọ đều biểu hiện một trình độ chế tác thấp, ở vào sơ kỳ thời đại đá cũ. Tuy nhiên, người vượn cổ ở núi Đọ cũng đã đạt được một số tiến bộ trong việc chế tác công cụ. Loại hình công cụ của họ đã bắt đầu ổn định. Đã có một số loại công cụ nhất định. Các loại hình công cụ cũng đã được chế tác theo những tiêu chuẩn và quy định nào đó mà người – vượn cho là thích hợp.
Núi Đọ là một di chỉ – xưởng, vừa là nơi cu trú của con người, vừa là nơi chế tác công cụ.
Bên cạnh di chỉ núi Đọ, ở núi Quan Yên (cách núi Đọ khoảng 3km) và núi Nuông ( cách núi Đọ khoảng 3,5km) các nhà khảo cổ học đã tìm thấy các công cụ đá giống như ở Núi Đọ, có thể là cùng niên đại.
Ở các địa điểm Hàng Gòn và Dầu Giây trong vùng Xuân Lộc tỉnh Đồng Nai, cũng đã tìm thấy công cụ đá của người vượn cổ. Số lượng công cụ ở đây rất ít, gồm một số rìu tay và trốp-pơ nằm rải rác trên mặt đất.
Những dấu vết của người vượn cổ trên đất Việt Nam, dù tìm được còn ít, cũng đã cho chúng ta thấy rằng, vào thời Cánh tân, con người đã sinh sống ở nhiều nơi, từ miền Nam lên miền Bắc.
Cuộc sống của người vượn cổ ở núi Đọ
Người vượn cổ sống thành bầy người nguyên thủy. Hiện nay chưa đủ cứ liệu để nhận thức đầy đủ về cuộc sống của những bầy người nguyên thủy ở núi Đọ, ở Lạng Sơn hay ở Xuân Lộc. Qua các chiếc răng và công cụ đá, có thể biết rằng người vượn cổ ở các địa điểm này đã ở vào giai đoạn Homo erectus (người vượn đi thẳng) khá phát triển. Do đó, có thể nghĩ rằng kết cấu bầy người của họ đã có những bước tiến bộ, gần với những nhóm địa phương (groupe locale) ở một số cư dân săn bắt hái lượm.
Do chỗ những ngôi nhà nhỏ, vừa đủ chỗ một đôi vợ chồng và con nhỏ, đã thấy xuất hiện trong gian đoạn Homo habilis sớm hơn nhiều, ta có thể nghĩ rằng trong các bầy người Homo erectus, như ở núi Đọ và Xuân Lộc, đã có các gia đình. Mỗi bầy khoảng 20-30 người, có từ 5 đến 7 gia đình. Có thể đây là những gia đình mẫu quyền.
Ngay từ trình độ vượn hình người, quan hệ tinh giao giữa các thế hệ trên dưới đã rất hạn chế, như vậy hẳn rằng trong các bầy Homo erectus phát triển, không còn hiện tượng tạp hôn nữa. Phải chăng hình thức tiền thị tộc đã xuất hiện ở núi Đọ?
Dẫu sao, chúng ta cũng có thể biết rằng người vượn cổ ở núi Đọ sống trong tập đoàn săn bắt và hái lượm. Có thể họ đã săn cả loại voi lớn như voi răng kiếm, voi na-ma (Paleo – loxodon namadicus)… Để săn được những thú lớn như thế, phải có tổ chức đông người, phối hợp hành động chặt chẽ. Đồng thời, hẳn đã phải có những quy tắc phân phối vật săn công bằng, hợp lý, để đảm bảo sự bền vững của tập đoàn.
Rõ ràng người vượn cổ ở núi Đọ, Lạng Sơn và Xuân Lộc, chưa phải là những con người xưa nhất ở Việt Nam. Hiện nay, chúng ta hoàn toàn có khả năng tìm ra dấu vết của những con người cổ xưa hơn trên đất nước ta.
1 thought on “Người vượn cổ ở Việt Nam”