Nhà Tần thống nhất Trung Quốc [Lịch sử Trung Quốc cổ đại]

Nhà Tần thống nhất Trung Quốc

Nhà Tần thống nhất Trung Quốc đã chấm dứt được tình trạng hỗn chiến lâu dài giữa các nước thời Chiến quốc, mở ra một thời kỳ mới trong lịch sử Trung Quốc.

Sau cuộc cải cách của Thương Ưởng, nước Tần trở nên giàu mạnh một cách nhanh chóng. Sự cường thịnh của nước Tần ngày càng uy hiếp dữ dội sáu nước miền Đông.

Ban đầu, trong giai đoạn thứ nhất của cuộc hỗn chiến thời Chiến quốc nước Tần còn non yếu và lạc hậu, nước Ngụy mạnh nhất, cướp rất nhiều đất đai của các nước láng giềng, nhưng sau bị các nước liên minh lại với nhau đánh bại.

Bước sang giai đoạn thứ hai của cuộc hỗn chiến thời Chiến quốc thì nước Tần cùng với nước Tề trở thành hai cường quốc lớn, nước ở phía Tây và nước ở phía Đông. Các nước khác bị uy hiếp. Tần đã tiêu diệt 45 vạn quân của nước Triệu trong trận Trường Bình nổi tiếng. Tần còn giúp các nước khác đánh bại Tề.

Giai đoạn thứ ba, giai đoạn cuối cùng thì Tần và Sở là hai nước lớn đối địch cuối cùng, Tần đánh bại Sở. Thế là cuối thời Chiến quốc, Tần trở thành nước mạnh nhất trong “Thất hùng”.

Tình hình đó đã đề ra chiến thuật “hợp tung”, “liên hoành” là những thủ đoạn ngoại giao và quân sự mà các nước lúc bấy giờ thường dùng đề đối phó lẫn nhau. Trước sự lớn mạnh của Tần, lúc đầu sáu nước miền Đông liên minh lại với nhau để đối phó với nước Tần ở phía Tây, gọi là “hợp tung”, vì như hồi cuối thế kỷ IV trước Công nguyên, du sĩ Tô Tần bày mưu tổ chức lực lượng liên hợp sáu nước miền Đông chống lại sự xâm lược của nước Tần, đó là lần “hợp tung” có quy mô lớn nhất. Sau đó Tần cử du sĩ Trương Nghi đi phá sự liên minh của sáu nước miền Đông, dụ dỗ sáu nước đó phục tùng Tần, xúi giục họ đánh nhau hoặc lôi kéo một số nước ở xa về phe mình để đánh lại một số nước ở gần. Đó là chiến thuật “liên hoành”. Hợp tung và liên hoành tuy có duy trì được tạm thời thế cân bằng giữa các nước nhưng trong điều kiện lực lượng quân sự của các nước đều còn đang mạnh thì chiến tranh vẫn không tránh khỏi.

Chiến tranh liên miên và tàn khốc thời Chiến quốc đã phá hoại rất nặng nề sức sản xuất xã hội thời đó. Nhân dân phải chịu tai họa nặng nề, khao khát sống hòa bình, yên ổn. Hơn nữa, lúc bấy giờ các bộ lạc du mục phía Bắc là người Hung Nô đã tự cường, thường xuyên tiến vào đánh phá, cướp bóc miền biên giới phía Bắc Trung Quốc càng làm cho nguy cơ xã hội thêm nghiêm trọng. Ba nước Yên, Triệu, Tần ở biên giới phía Bắc phải xây đắp trường thành, tổ chức phòng thủ, nhưng lực lượng bị phân tán nên nguy cơ ngoại xâm vẫn tồn tại.

Nhân lúc tiềm lực quân sự và kinh tế đang lúc hưng thịnh nhất, nhà Tần đã phát động chiến tranh thôn tính sáu nước còn lại. Vì thế khi quân Tần mở cuộc Đông chinh nhằm thống nhất Trung Quốc thì “Sơn Đông lục quốc” không thể chống đỡ được, tan rã nhanh chóng.

Năm 246 trước Công nguyên, vua Tần là Doanh Chính lên ngôi. Bấy giờ lãnh thổ của nước Tần đã rộng lớn, bao gồm các miền Thiểm Tây, Tứ Xuyên, miền Tây Nam Hà Nam và miền Bắc Hà Bắc. Tần tự thấy đã có đầy đủ lực lượng để thực hiện âm mưu chinh phục sáu nước. Chỉ trong vòng mười năm, từ năm 230 đến năm 221 trước Công nguyên, nước Tần đã lần lượt tiêu diệt sáu nước: Hàn (năm 230), Triệu (năm 228), Ngụy (năm 225), Sở (năm 223), Yên (năm 222) và Tề (năm 221), thống nhất lãnh thổ Trung Quốc, chấm dứt tình trạng hỗn chiến lâu dài thời Xuân thu – Chiến quốc, lập ra đế quốc Tần, đế quốc thống nhất đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Trung Quốc.

Việc nhà Tần thống nhất Trung Quốc là một việc phù hợp với yêu cầu phát triền của xã hội thời bấy giờ, bởi vì chỉ có thống nhất đất nước mới có thể chấm dứt được tình trạng hỗn chiến lâu dài, mới có đủ sức mạnh để chống ngoại xâm, mới tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở mang và thống nhất quản lý công trình thủy lợi nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp và công thương nghiệp trên quy mô toàn quốc, đem lại đời sống hòa bình, yên vui cho nhân dân lao động.

Nhà Tần thống nhất Trung Quốc
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.