Nhà Tây Chu và chế độ tông pháp
Nhà Tây Chu và chế độ tông pháp trong lịch sử Trung Quốc cổ đại là một chế độ thống trị được hình thành dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống của một dòng họ.
1. Sự lớn mạnh của bộ tộc Chu
Ở phía Tây bình nguyên Hoa Bắc rộng lớn, thời bấy giờ tại lưu vực sông Kinh và sông Vị thuộc tỉnh Thiểm Tây ngày nay, có bộ tộc Chu đã sinh sống lâu đời ở đây. Đó là một vùng cao nguyên có chất đất vàng phì nhiêu, rất thuận lợi cho người Chu phát triển nghề nông của mình.
Trên cao nguyên đất vàng, còn có nhiều bộ lạc chăn nuôi. Các bộ lạc này thường tập kích người Chu, làm cho người Chu phải dời đi nhiều nơi khác. Về sau họ dời đến Chu Nguyên ở phía Nam của Kỳ Sơn (Thiểm Tây), một vùng bình nguyên rộng lớn, màu mỡ, rồi xây đắp thành lũy phòng vệ, định cư hẳn ở đấy. Từ đó, thế lực của bộ tộc Chu ngày càng lớn mạnh, thường gây chiến với các bộ lạc xung quanh để mở rộng đất đai.
2. Nhà Ân Thương dưới thời Trụ Vương
Trong lúc bộ tộc Chu đang lớn mạnh không ngừng thì mâu thuẫn trong nội bộ nhà Ân Thương càng ngày càng sâu sắc. Giai cấp quý tộc nhà Ân Thương có thế lực và tiền của tha hồ đục khoét nhân dân, sống một cuộc đời rất xa hoa, đồi trụy.
Vua cuối cùng của nhà Ân Thương là Trụ Vương, một bạo quân nổi tiếng bóc lột nhân dân rất tàn khốc, xây dựng nhiều cung điện và kho tàng chứa chất vô số của cải và lương thực cướp trong dân gian, làm những vườn hoa có nuôi đủ các thứ chim muông và cầm thú, ngày đêm chỉ hăng say trong rượu chè và dâm đãng bất chấp những lời khuyên can của một số lão thành trong hoàng tộc (như Tỷ Can, Cơ Tử,…), thậm chí còn hãm hại họ khiến cho không một ai dám hé môi.
Người dân trong nước thường nổi dậy phản kháng. Trụ Vương dùng những hình phạt hết sức tàn bạo để đàn áp họ. Hơn nữa, để bắt được nhiều nô lệ, Trụ Vương còn đem quân đi đánh người Đông Di ở lưu vực sông Hoài. Sau hơn một năm chiến tranh, Trụ Vương bắt được rất nhiều tù binh về làm nô lệ.
Đời sống xa hoa và chiến tranh liên miên đã làm tiêu hao rất nhiều tiền của. Vì thế, vua Trụ và tầng lớp quý tộc càng ra sức bóc lột nhân dân. Nội bộ trong quý tộc thường xung đột và tranh giành lẫn nhau, tình hình rất hỗn loạn, đúng như lời của quý tộc người Chu thường nói: “Nội bộ người Ân cãi nhau như nồi nước sôi, như tiếng côn trùng mùa thu”.
Vi Tử – một quý tộc lúc bấy giờ đã nói: “Người Thương như đang chơi vơi giữa một dòng sông, không thấy bờ bến, những đợt sóng to sắp dìm họ xuống đáy…”.
3. Nhà Ân Thương diệt vong và nhà Tây Chu thành lập
Chính lúc này (thế kỷ XI trước Công nguyên), người Chu đang hưng khởi, mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ người Chu chưa gay gắt lắm. Thủ lĩnh người Chu là Chu Văn Vương được sự ủng hộ của bộ tộc mình, thừa cơ nhà Thương suy yếu, phát triển thế lực về phía Đông đánh chiếm nhiều đất đai của nhà Thương.
Con của Chu Văn Vương là Chu Vũ Vương mang theo 3000 quân liên minh với lực lượng vũ trang của hàng trăm thị tộc và bộ lạc có thù hiềm với vua Trụ, tấn công kinh đô nhà Thương.
Quân Trụ rất đông, nhưng phần lớn là nô lệ bị cưỡng bức ra trận, cho nên lâm trận, họ đều trở giáo đánh bại nhà Trụ. Binh tướng người Chu tiến vào kinh thành, vua Trụ cùng đường phải tự thiêu. Quân Chu phá ngục, phóng thích tù phạm, mở cửa kho tàng, phát lương cho những người nghèo khổ.
Diệt xong nhà Thương, Chu Vũ Vương đóng đô ở Hạo Kinh (phía Tây thành phố Tây An ngày nay), và dựng lên nhà Chu, trong lịch sử gọi là nhà Tây Chu.
Tuy đã diệt vua Trụ, nhưng Vũ Văn Vương không hoàn toàn khống chế được bộ tộc nhà Ân. Do đó, Vũ Văn Vương đã giải phóng con vua Trụ là Vũ Canh làm chư hầu để tiếp tục thống trị người Ân, chỉ phái ba người anh em của mình là Quản Thúc, Thái Thúc, và Hoắc Thúc giám thị Vũ Canh, gọi là “tam giám”. Vũ Vương còn xây dựng thành quách ở Lạc Dương để khống chế hai bờ Nam – Bắc cùa sông Hoàng Hà.
Sau khi Chu Vũ Vương chết, con là Thành Vương còn nhỏ tuổi, quý tộc Chu Công Đán nhiếp chính. Để tranh đoạt quyền thừa kế của cháu, ba người chú giữ chức lại đồng mưu với Vũ Canh gây biến loạn. Bộ tộc Ân và các bộ lạc liên minh cũng thừa cơ nổi lên phản đối nền thống trị mới của bộ tộc Chu.
Chu Công Đán, một nhà chính trị có tài của nhà Chu, một mặt tuyên bố Thành Vương Chinh kế ngôi để ổn định nội bộ, mặt khác kiên quyết trấn áp các lực lượng đối lập. Ông lập tức xuất quân Đông chinh, đánh nhau trong 3 năm, dẹp yên được nổi loạn, giết được Vũ Canh và Quản Thúc, đuổi Thái Thúc và Hoắc Thúc, chinh phục được 17 bộ lạc ở lưu vực sông Hoài, mở rộng thế lực của nhà Chu ở phía Đông đến tận miền hạ lưu Hoàng Hà, phía Bắc đến lưu vực Liêu Hà và phía Nam đến hạ lưu Trường Giang.
4. Chế độ tông pháp dưới thời nhà Tây Chu
Sau khi Đông chinh thắng lợi, vua nhà Chu đã thực hành một số biện pháp nhằm tăng cường nền thống trị của mình ở miền Đông. Trước hết, vua nhà Chu quyết định xây nhiều thành quách ở miền Đông để tăng cường sức khống chế đối với người Ân. Nhà Chu cho xây dựng Lạc Áp (thuộc Hà Nam ngày nay) theo quy mô lớn, cử đại thần và tướng giỏi đến trấn thủ, cho di những người Ân nổi loạn đến đó, phân cấp cho họ ruộng đất và nhà cửa, bắt họ phải yên phận làm ăn. Người có công có thể được thưởng, có người còn được cho làm quan.
Để củng cố nền thống trị của mình, hòa hoãn mâu thuẫn nội bộ, vua nhà Chu đã phân phong cho anh em, họ hàng và công thần làm chư hầu đề họ dựng nước và trị dân ở các nơi, đồng thời cũng cho họ đem theo lực lượng vũ trang và dân của những miền bị chinh phục, chủ yếu là người Ân, đến những miền đã được ban phong để khẩn hoang và giữ gìn bờ cõi.
Tuân Tử có nói: “Con cháu nhà Chu, nếu không điên hay ngốc, thì đều làm chư hầu nổi tiếng trong thiên hạ”. Như Bá Cầm, con Chu Công, được phong ở đất Lỗ (Thượng Sơn Đông), thống trị sáu tộc người Ân; Khang Thúc, em Vũ Vương, được phong ở đất Vệ (đất Ân cũ), thống trị bảy tộc người Ân; Đường Thúc, em Thành Vương, được phong ở đất Đường (thuộc Sơn Tây) sau đổi là nước Tấn, thống trị chín tộc họ Hoài. Ngoài ra còn có nước Tề (thuộc Sơn Đông), nước Yên (thuộc Hà Bắc và lưu vực Liêu Hà), nước Tống (thuộc Hà Nam) và rất nhiều nước nhỏ ở lưu vực Hán Thủy và Trường Giang. Con cháu các đời sau của Hoàng Đế, Nghiêu, Thuấn và Hạ cũng được phong đất đai.
Theo thư tịch, bấy giờ nhà Chu có trên bảy mươi nước chư hầu. Chư hầu các nơi đều gọi vua nhà Chu là tông chủ. Giữa các nước chư hầu với nhau đều xưng là tông quốc. Tông là tổ tông, chứng tỏ họ cùng có tổ tiên chung. Đó là một chế độ thống trị dựa trên cơ sở quan hệ huyết thống của một dòng họ, gọi là chế độ tông pháp.
Trong nước Chu, người thống trị cao nhất là “thiên tử”, tức là vua Chu. Vua và quý tộc lập ra triều đình, đặt các chức tư đồ, tư mã, tư không, tư khấu, phân công phụ trách các công việc tài chính, các công trình xây dựng, việc hình pháp. Các chức khanh, đại phu là quý tộc cao cấp, sĩ là quý tộc nhỏ. Vua và quý tộc đều cha truyền con nối. Đất đai và thần dân trong nước đều thuộc quyền sở hữu và thống trị tối cao của “thiên tử”, như sử sách xưa đã từng nói : “Dưới bầu trời rộng, không nơi nào là không phải đất của nhà vua; trong phạm vi lãnh thổ, không người nào là không phải thần dân của nhà vua”.
Các nước chư hầu, cũng dựng lên chính quyền độc lập. Triều chính các nước chư hầu đại thể cũng tổ chức phong theo cách thức của triều đình nhà Chu. Các chức như khanh, đại phu, sĩ ở các nước chư hầu cũng cha truyền con nối.
Nước chư hầu cũng có tổ chức quân đội riêng. Quân đội của chư hầu có thể bị “thiên tử điều động đi đánh giặc. Chư hầu có bổn phận triều kiến theo định kỳ và cống nạp của cải, sản vật quý cho “thiên tử”.
Tùy theo tước vị của chư hầu cao hay thấp mà lãnh thổ các nước chư hầu rộng hẹp khác nhau. Nhưng nước nào cũng xây đắp thành lũy và kiến lập thái ấp. Trong thành có cung thất, tôn miếu, dinh thự, trường học, các kho tàng trữ vũ khí và lương thực. Thái ấp là đất đai mà vua Chu hoặc chư hầu ban cấp cho quý tộc. Thái ấp rộng hay hẹp cũng tùy theo chức tước của quý tộc cao hay thấp.
Nhà Tây Chu và chế độ tông pháp
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –