Những thành tựu khoa học của người Ai Cập cổ đại
Những thành tựu khoa học của người Ai Cập cổ đại được hình thành do nhu của đời sống sản xuất thực tế mà ra, bất chấp sự thống trị của tín ngưỡng tôn giáo.
1. Thiên văn học
Sự thống trị của tín ngưỡng tôn giáo đã gây trở ngại nhiều cho sự phát triển của những tri thức khoa học ở Ai Cập, nhưng nó không thể làm tê liệt hoàn toàn tư duy của con người muốn tìm hiểu thế giới bên ngoài. Nhu cầu của đời sống kinh tế đã làm nảy sinh ra những mầm mống của khoa học.
Vì muốn biết thời tiết và mực nước của sông Nile để sắp xếp công việc đồng áng, nên người Ai Cập cổ đại đã sớm chú ý quan sát thiên văn. Các nhà thiên văn Ai Cập đã phát hiện các chòm sao và đã soạn ra bản đồ thiên thể. Loại bản đồ thiên thể này được vẽ trên các trần nhà của đền đài cổ. Bản đồ 12 cung hoàng đạo là từ thời kỳ vương triều XIV còn truyền lại tới chúng ta ngày nay. Họ đã vẽ chòm sao Bắc cực thành đầu một con bò. Họ cũng biết sao Thủy, sao Kim, sao Hỏa, sao Mộc, sao Thổ và các hành tinh khác.
Người Ai Cập cũng đã phát minh được rất sớm chiếc đồng hồ đo bóng mặt trời để tính thời gian trong một ngày. Họ chia một ngày làm 24 giờ, rồi chiếu theo vị trí của bóng mặt trời trên đồng hồ đó mà đọc giờ, phút. Ngày nay người ta còn giữ lại tại Viện bảo tàng Berlin một chiếc đồng hồ Ai Cập, làm ra cách đây chừng ba nghìn rưỡi năm về trước. Đó là chiếc đồng hồ xưa nhất thế giới.
Nhờ quan sát thiên văn mà người Ai Cập đã phát minh ra phép làm lịch từ rất sớm. Việc quan sát mực nước sông Nile lên xuống được tiến hành cùng một lúc với việc quan sát các chòm sao chuyển động trên bầu trời. Họ quan sát thấy: đến một ngày nào đó, lúc sáng sớm mà có sao Lang (Sirius) mọc đúng ở đường chân trời thì đúng là lúc nước sông Nile bắt đầu dâng lên, và thời gian giữa hai kỳ sao Lang mọc là 365 ngày. Người Ai Cập dùng khoảng thời gian này làm thời gian một năm, so với thời gian quả đất vận chuyển xung quanh mặt trời đủ một vòng thì thiếu 5 giờ 46 phút 46 giây (tức 1/4 ngày), và như vậy thì cứ 4 năm lại thiếu mất 1 ngày 1 đêm.
2. Toán học
Số học phát triển ở Ai Cập cũng do nhu cầu của thực tế sản xuất mà ra. Từ sau khi người Ai Cập dùng văn tự để ghi chép lịch sử, thì họ cũng đã bắt đầu xây dựng một nền toán pháp và hình học khá hoàn bị. Sử gia Hy Lạp Herodotos đã từng giải thích sự xuất hiên của môn hình học Ai Cập là do nhu cầu phải đo đạc lại ruộng đất hàng năm bị nước lụt của sông Nile đem phù sa vào xóa lấp bờ ruộng. Việc xây dựng các Kim tự tháp tất nhiên là phải dùng đến số học phát triển đến trình độ khá cao.
Về mặt toán pháp, người Ai Cập đã sáng tạo ra phương pháp “thập tiến vị” tức là cứ 10 số là thêm một chục: 10, 20, 30, … nhưng cách viết chữ số thì rất phức tạp vì họ không có số 0; họ vẽ một đoạn dây thừng để chỉ hàng mười, vẽ một cây để chỉ hàng nghìn, vẽ một ngón tay để chỉ hàng vạn, … Trong bốn phép tính, thật ra người Ai Cập chỉ biết phép cộng và phép trừ, còn phép nhân chỉ là phép cộng làm nhiều lần, phép chia thì chỉ là phép trừ làm nhiều lần.
Toán học thời Tân vương quốc có phát triển thêm một bước. Nhiều tài liệu papyrus trong đó có giải đáp những đề toán học đã chứng minh điều đó. Người Ai Cập đã biết cách tính diện tích hình tam giác, thể tích hình tháp, đáy vuông, diện tích hình tròn, thể tích hình cầu, … Họ đã tính ra được độ dài của vòng tròn bằng 3,16 lần đường kính, tức là tính ra trị số của π = 3,16, gần đúng với con số chính xác π = 3,1416…..
3. Y học
Y học ở Ai Cập cũng được phát triển rất sớm. Herodotos cho biết rằng người Ai Cập không những đã biết y học, mà còn biết cả các chuyên khoa trong y học: nội khoa, ngoại khoa, mắt, răng, dạ dày, … Trong nhiều tài liệu papyrus viết về y học, có nêu lên lý luận về y học, nêu nguyên nhân của các loại bệnh tật, có mô tả tỉ mỉ cơ thể bên ngoài và bên trong của con người, kể cả bộ não, có chép những kinh nghiệm và phương pháp điều trị. Thầy thuốc Ai Cập chưa biết được sự tuần hoàn của máu, nhưng đã biết nhiệt độ trong người có liên quan đến nhịp đập của trái tim. Thuật giải phẫu cũng khá tiến bộ.
Hóa học cũng bắt đầu xuất hiện ở Ai Cập do nhu cầu chế tạo dược phẩm và kỹ thuật đúc đồ kim loại. Người Ai Cập đã biết hợp kim vàng và bạc mà họ thường gặp trong tự nhiên. Từ hợp kim đó, họ đã luyện ra vàng và bạc. Để chế tạo những hợp kim khác nhau, họ đã dùng đồng, thiếc, chì, thạch tín, … Họ đã biết chế biến các màu sắc và các thứ thuốc nhuộm giữ rất lâu bền không bị phai màu.
Kỹ thuật Ai Cập cổ đại cũng phát triển ở một trình độ nhất định. Người Ai Cập đã biết một số định luật về vật lý, nhất là định luật về lực học; họ biết cách sử dụng cầu trục, con lăn, bơm nước, … Về sau, họ cũng biết cách đóng thuyền to để cải tiến kỹ thuật hàng hải, biết chế tạo ra các loại vũ khí và chiến xa để nâng cao kỹ thuật quân sự.
Có thể nói, nhờ sự cần cù tìm hiểu và học hỏi cùng với nhu cầu bức thiết của cuộc sống đã giúp cho người Ai Cập cổ đại đạt được những thành tựu to lớn về khoa học góp phần thúc đẩy sự phát triển của khoa học nhân loại ngày nay.
Những thành tựu khoa học của người Ai Cập cổ đại
– LichSu.Org –