Sự phát triển của công cụ lao động cùng nghề chăn nuôi và trồng trọt

Sự phát triển của công cụ lao động và nghề nông nguyên thủy

Công cụ lao động phát triển cùng với sự xuất hiện nghề chăn nuôi trồng trọt đã đem lại cho con người ở thời kỳ đồ đá giữa và mới thức nguồn ăn dồi dào hơn.

1. Sự phát triển của công cụ lao động

Trong tiến trình lịch sử của nhân loại, thời đại đồ đá cũ kéo dài đến hàng chục vạn năm. Từ khi thời đại đồ đá cũ kết thúc cho đến khi công cụ đồ đá mới xuất hiện (khoảng chừng 12.000 năm đến 6.000 năm trước công nguyên), thời gian đó trong lịch sử loài người được gọi là thời đại đồ đá giữa. So với thời gian tồn tại của thời đại đồ đá cũ thì thời đại đồ đá giữa ngắn ngủi hơn nhiều. Công cụ lao động tiêu biểu của thời đại này là đồ đá nhỏ, được chế tạo tinh vi hơn (dài chừng 1 hoặc 2 cm) như những lưỡi dao, những mũi giáo, những cái nạo gọt,…

Gắn liền với sự chế tạo đồ đá nhỏ là sự xuất hiện cung và tên, một thứ vũ khí mới, bắn xa, rất lợi hại, làm cho nghề săn bắn phát triển mạnh mẽ. Cung tên xuất hiện đánh dấu một bước tiến lớn của trình độ nhận thức của con người. Engels cho rằng: “Cung, dây cung, và tên là một công cụ rất phức tạp, phát minh ra được thứ công cụ đó đòi hỏi phải tích lũy kinh nghiệm lâu ngày và phải có một trí thông minh sắc sảo, và do đó đồng thời cũng đòi hỏi phải biết đến cả những phát minh khác”. Săn bắn bằng cung tên đã đem lại thức ăn cho con người một cách thường xuyên và phong phú hơn. Người ta có thể săn bắn được cả những động vật nhỏ, chạy nhanh, những loại chim muông. Việc săn bắn thú vật trở nên quan trọng hơn trước nhiều, song nó cũng không loại trừ kinh tế lượm hái; công việc lượm hái và săn bắn vẫn được tiến hành song song.

2. Sự xuất hiện nghề chăn nuôi và nghề nông nguyên thủy

Sang thời kỳ đồ đá mới (khoảng 6.000 năm trước công nguyên) con người hoàn toàn sống trong những điều kiện khí hậu, động vật và thực vật của thời hiện đại. Bên cạnh các công cụ đồ đá ghè, công cụ lao động tiêu biểu cho thời kỳ này là công cụ đồ đá mài. Ngoài ra, kỹ thuật khoan lỗ và cưa cũng đã có. Thời kỳ đồ đá mới cũng được đánh dấu bằng sự xuất hiện hai ngành công nghệ đầu tiên của loài người là nghề làm đồ gốm và nghề dệt vải. Bên cạnh các nghề săn bắn, đánh cá và hái lượm, người thời đại đồ đá mới bắt đầu biết chăn nuôi nguyên thủy và nông nghiệp dùng cuốc. Điều này càng củng cố thêm sự phân công tự nhiên giữa nam và nữ đã có từ thời đại đồ đá cũ. Săn bắn và chăn nuôi là công việc của người đàn ông. Người đàn bà lo việc hái lượm, trồng trọt, chăm nom công việc gia đình trong đó có việc làm đồ gốm và dệt vải.

Nhờ có những tiến bộ mới trong công cụ lao động và đời sống kinh tế như vậy, cho nên con người không còn chỉ biết tiếp thu những cái gì sẵn có trong giới tự nhiên, mà bắt đầu biết cải biến tự nhiên, làm cho đời sống của mình mỗi ngày một phong phú hơn lên; con người bắt đầu tập làm chủ thiên nhiên.

Ở thời kỳ đồ đá mới, nền kinh tế chăn nuôi xuất hiện dưới hình thức sơ khai, nguyên thủy của nó. Một số động vật được thuần dưỡng như: chó, dê, cừu và bò,… biến thành súc vật chăn nuôi. Công việc thuần dưỡng và chăn nuôi càng đem lại cho con người thức ăn dồi dào hơn nhiều so với kinh tế săn bắn.

Cùng với việc chăn nuôi là việc phát triển trồng trọt ở thời kỳ đồ đá mới, trước hết là trồng trọt các loại ngũ cốc. Việc trồng trọt xuất hiện đã đánh dấu một bước tiến quan trọng trong đời sống con người: con người bước đầu hiểu được quy luật phát triển của tự nhiên và bước đầu chinh phục tự nhiên. Tuy vậy, kinh tế chăn nuôi và trồng trọt chỉ phát triển mạnh và có ý nghĩa quyết định đối với đời sống con người ở thời đại kim loại sau này mà thôi. Lúc này, kinh tế săn bắn còn giữ vai trò quan trọng, mặc dù kinh tế chăn nuôi đã xuất hiện và phát triển bước đầu.

Sự phát triển của công cụ lao động cùng nghề chăn nuôi và trồng trọt
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.