Sự phát triển kinh tế thời Chiến quốc

Tình hình kinh tế thời Chiến quốc

Sự phát triển kinh tế thời Chiến quốc đã tạo ra các thành thị lớn. Nhiều thương nhân còn dựa vào thế lực tiền tài đề củng cố quyền lực chính trị của mình.

Trong thời Xuân thu, ngoài cuộc đấu tranh thường xuyên xảy ra giữa các nước, trong từng nước cũng luôn luôn xảy ra những cuộc đấu tranh giữa tầng lớp quý tộc với nhau đề tranh giành đất đai và quyền thống trị dân chúng. Ở nước Tấn, năm 403 trước Công nguyên có ba họ lớn là Hàn, Triệu, Ngụy chia nhau đất nước, rồi không bao lâu phế truất vua Tấn. Thời gian này, Trung Quốc đã bước vào thời đại Chiến quốc. Bấy giờ chỉ còn lại bảy nước lớn và một số ít nước nhỏ. Trong số bảy nước lớn, thì Tề, Sở, Yên, Tần, đã có từ thời Tây Chu; Hàn, Triệu, Ngụy là những nuớc mới tách ra từ nước Tấn. Bảy nước đó tạo thành cục diện Thất hùng thời Chiến quốc. Tần ở phía Tây Hàm cốc quan, sáu nước khác đều ở phía Đông quan ải đó, nên thường gọi chung là “Sơn Đông lục quốc”. Giữa bảy nước đó, chiến tranh theo quy mô lớn diễn ra không ngớt, biên giới giữa các nước thường thay đổi tùy theo thắng bại trong chiến tranh.

Thời Chiến quốc, Trung Quốc có những biến đồi lớn lao hơn về mặt kinh tế. Đặc biệt, nghề luyện sắt và kỹ thuật luyện sắt phát triển cao hơn, và đồ dùng bằng sắt được phổ biến rộng rãi hơn so với thời Xuân thu. Các nước đều có những trung tâm luyện sắt. Hàm Đan nước Triệu, Uyển nước Sở, Đường Khê nước Hàn, Lâm Truy nước Tề,… đều là những nơi sản xuất đồ sắt nổi tiếng.

Do nghề luyện sắt phát triển, một số nước đặt ra chức “thiết quan” chuyên môn quản lý kinh doanh ngành luyện sắt và thu thuế hàng sắt. Lúc bấy giờ không những phần lớn nông cụ như lưỡi cày, cuốc, liềm, xẻng, mai, rìu, dao, v.v… là bằng sắt, mà phần lớn đồ binh khí cũng đều bằng sắt. Những nơi luyện sắt quy mô lớn có tới mấy trăm công nô làm việc. Nhiều chủ lò luyện sắt nhờ bóc lột lao động của nô lệ mà trở nên giàu sang, thường hay giao du với tầng lớp chư hầu, khanh tướng. Quách Tung và Trác Thị nước Trịnh đều nhờ nghề luyện sắt mà trở nên giàu sang.

Sự tiến bộ trong ngành luyện sắt cũng thúc đẩy sự phát triển của thủ công nghiệp. Đồ chạm vàng bạc và dát vàng bạc, hàng dệt lụa và đồ sơn là những sản phầm thủ công tinh xảo nhất của thời Chiến quốc. Nổi tiếng nhất có hàng tơ lụa màu của nước Tề, đồ sơn có tranh vẽ màu của nước Sở. Sự trao đồi hàng hóa trong một nước cũng như giữa các nước được mở rộng và tăng cường. Đô thành ở các nước và một số thành ấp trên những đường giao thông trọng yếu phát triển thành những thành thị lớn, như Lâm Truy nước Tề, Hàm Đan nước Triệu, Thọ Xuân nước Sở, Hàm Dương nước Tần, Khai Phong nước Ngụy, Lạc Dương, An Huy, v.v… Tô Tần, chính khách của nước Tề, nói về Lâm Truy như sau: “Ấp Lâm Truy có bảy vạn hộ… Đường Lâm Truy dập dìu xe cộ, người đi sát cánh, tà áo nối nhau như bức màn, tay áo giơ lên như một bức trướng, mồ hôi rơi như mưa, nhà nhiều, người đông, khí sắc bừng bừng thịnh vượng”. Trên thị trường các nước có bày đủ đặc sản của các nơi, như cá miền Đông, trân châu, ngà voi miền Nam, da tê ngưu miền Tây, ngựa miền Bắc.

Để đáp ứng nhu cầu phát triền thương nghiệp, các thành thị lớn đều tự chế ra tiền. Tiền tệ kim loại đã xuất hiện thời Xuân thu, đến thời Chiến quốc thì dã thịnh hành. Tiền thường đúc bằng đồng, cũng có loại bằng vàng, có mang tên thành thị hoặc tên nước; hình thức, trọng lượng và giá trị tiền tệ các nước rất khác nhau. Thương nhân lớn ở các thành thị còn làm nghề cho vay nặng lãi, tích trữ đầu cơ, nuôi rất nhiều nô lệ để vận chuyển hàng hóa đi các nơi buôn bán. Quý tộc cũng noi gương thương nhân kinh doanh buôn bán và cho vay nặng lãi. Những thương nhân lớn có thế lực về kinh tế thường có nhiều tham vọng chính trị, ví như nhà buôn lớn Lã Bất Vi đã tung của cải ra đề thao túng chính quyền nước Tần, hay vị như Mạnh Thường Quân, quý tộc nước Tề, làm nghề cho vay nặng lãi, đã dựa vào thế lực tiền tài đề củng cố quyền lực chính trị của mình.

Thời Chiến quốc, tuy sản xuất nông nghiệp bị chiến tranh phá hoại rất nghiêm trọng, nhưng nhờ việc sử dụng phổ biến nông cụ bằng sắt mà nói chung, công cuộc thủy lợi và canh tác nông nghiệp ở các nước đều có phát triển trong chừng mực nhất định. Người dân ở hạ lưu Hoàng Hà đắp hàng nghìn dặm đê dọc theo sông. Nước Tần đã đắp đập Đô Giang nổi tiếng, tưới cho cả một vùng đồng bằng Thành Đô rộng lớn. Ở Quan Trung có khơi con mương nước Trịnh, tưới cho cả một vùng đất đai ở phía bắc sông Vị. Người dân các nước Tề, Ngụy, Sở đều đào mương ngòi thông với các sông Hoàng Hà, Tế, Nhữ, Tứ, Trường Giang; hệ thống mương máng đó gọi là “Hồng câu”, rất thuận tiện cho việc tưới ruộng và vận chuyền bằng đường thủy. Người dân Giang Nam cũng xây dựng một hệ thống sông đào trên lưu vực Thái Hồ. Người dân nước Sở đào mương tưới nước ở lưu vực sông Hán.

Tóm lại, công trình thủy lợi được xây dựng khắp nơi từ lưu vực Hoàng Hà tới lưu vực Trường Giang, từ bờ biển phía Đông đến Tứ Xuyên. Nhưng vì tình trạng phân tranh giữa các nước, người ta không thể nào thực hiện được việc thống nhất quản lý công tác thủy lợi. Thậm chí, có nhiều lần, để đối phó với nước thù địch, nhiều nước thường dùng biện pháp ngăn sông hoặc phá đê, đập, để gây hạn hán hoặc lụt ngập cho đối phương. Do đó công cuộc thủy lợi chưa có thể phát huy đầy đủ tác dụng của nó trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ.

Sự phát triển kinh tế thời Chiến quốc
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.