Sự phát triển sản xuất của Ai Cập thời Tân vương quốc

Sự phát triển sản xuất của Ai Cập thời Tân vương quốc

Sự phát triển sản xuất của Ai Cập thời Tân vương quốc đã được thúc đẩy mạnh mẽ kể từ khi Ai Cập giành được tự chủ, thoát khỏi sự thống trị của người Hyksos.

1. Thời kỳ Tân vương quốc bắt đầu (1560 – 941 trước công nguyên)

Sự giải phóng Ai Cập khỏi ách ngoại tộc cùng với sự thống nhất Ai Cập dưới chính quyền của vương triều Thebes và sự khôi phục lại bộ máy nhà nước trung ương tập quyền, độc lập và tự chủ đã tạo điều kiện cho các Pharaon thuộc vương triều XVIII không những có thể tiếp tục theo đuổi chính sách xâm lược của các Pharaon thời Trung vương quốc, mà còn có thể mở rộng chiến tranh xâm lược trên quy mô to lớn hơn.

Chính sách xâm lược đó được tiến hành dưới thời vua Ahmose I là người có công đánh đuối quân Hyksosra khỏi đất nước Ai Cập, và phát động những cuộc viễn chinh đánh chiếm lại các vùng ở Tiền Á (Syria, Phoenicia, Palestine), và vùng Nubia, trước đây đã từng thần phục Ai Cập. Những vua kế ngôi Ahmose I vẫn theo đuổi chính sách vũ lực này và không ngừng mở rộng bản đồ của Ai Cập, khiến cho ở thời kỳ Tân vương quốc, Ai Cập trở thành một đế vương rộng lớn hơn bao giờ hết.

2. Sự phát triển của sức sản xuất thời Tân vương quốc

Sự thống nhất Ai Cập đã thúc đẩy sức sản xuất phát triển lên một bước. Những bức họa và điêu khắc còn giữ lại trong các lăng tẩm và đền đài thời Tân vương quốc đều có mô tả những cảnh hoạt động sản xuất của Ai Cập thời ấy. Qua đó, người ta thấy sự tiến bộ của kỹ thuật canh tác nông nghiệp, cũng như trong các ngành thủ công nghiệp, nơi mà sự sản xuất đã bắt đầu chuyên môn hóa và được phân công tỉ mỉ.

Dưới Pharaon là Vidia (tương đương với Thừa tướng). Vidia nắm quyền lãnh đạo mọi công tác sản xuất nông nghiệp trong cả nước. Trong nhiều công văn của triều đình Ai Cập hồi bấy giờ có nói tới tỷ lệ quy định cứ 4 tháng một lần, quý tộc các châu phải gửi báo cáo tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương lên Vidia theo dõi.

Có tài liệu ghi: “Công văn các châu gửi về triều đình được giữ trong dinh Vidia; Vidia xét mọi đơn kiện tụng về ruộng đất. Ông quy định ranh giới của mỗi châu, mỗi trang viên của quý tộc và của tăng lữ, giữ sổ sách, địa hạ. Công tác thủy lợi cũng do ông điều khiển. Ngày đầu của mỗi tuần, ông nghiên cứu tình hình mức nước các lạch, các sông ngòi (các nơi phải báo cáo tình hình đó hàng tuần lên Vidia), cử quan lại chuyên trách theo dõi địa phương, do đó nắm vững được tình hình mùa màng trong cả nước. Ông theo dõi quan sát sao Lang (sao Sirius) xuất hiện và mực nước sông Nile lên xuống”. Điều đó chứng tỏ chính quyền trung ương ra sức tập trung quyền lãnh đạo sản xuất nông nghiệp trong cả nước một cách chặt chẽ, đồng thời nói lên rằng nông nghiệp là nghành sản xuất kinh tế chủ yếu của Ai Cập cổ đại, nên được nhà nước hết sức quan tâm.

Mậu dịch đối ngoại của Ai Cập chủ yếu là xuất cảng thóc lúa, cho nên việc nâng cao sản lượng thóc lúa có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển của mậu dịch đối ngoại.

Sự phát triển sản xuất của Ai Cập cổ đại thời Tân vương quốc
Sự phát triển sản xuất của Ai Cập cổ đại thời Tân vương quốc

Sự phát triển sản xuất của Ai Cập thời Tân vương quốc còn thể hiện ở việc các ngành nghề thủ công nghiệp có nhiều tiến bộ nhanh hơn so với nông nghiệp. Điển hình như ngành chế tạo vũ khí và ngành đóng thuyền do nhà nước hay quý tộc tăng lữ trực tiếp kinh doanh. Thợ thủ công làm việc ở các nơi đó thường có tới trăm người, có nơi có nhiều hơn nữa, như trong các xưởng thủ công của khu vực đền thờ thần Amun có tới hàng trăm thợ làm việc. Trong những xưởng thủ công này, những việc nặng nhọc đều do nô lệ làm, còn những công việc đòi hỏi kỹ thuật cao thì do các thợ lành nghề là dân tự do làm.

Do tín ngưỡng tôn giáo của người Ai Cập và tục ướp xác chết của họ, nên nghề chế tạo các đồ mai táng chiếm một địa vị quan trọng trong các ngành thủ công. Nhưng có tác dụng lớn nhất đối với sự phát triển của sức sản xuất nói chung là ngành nấu quặng và chế tạo đồ đồng.

Trên cơ sở sản xuất nông nghiệp và thủ công nghiệp phát triển, thương nghiệp, nhất là ngành mậu dịch đối ngoại cũng phát đạt. Ai Cập bán rất nhiều nông sản phẩm và hàng thủ công sang Syria, Phoenicia, Palestine. Họ cũng xuất cảng vàng, đồ mỹ nghệ bằng đá hay bằng ngà voi. Ai Cập mua gỗ của Liban đem về dùng trong kiến trúc, sắt của người Hitti, đồng của đảo Cyprus và nhiều loại hàng khác nhau của khu vực Lưỡng Hà hay của các đảo trên biển Aegea như Crete, Rhodes.

Mậu dịch giữa Ai Cập và Nubia cũng rất phát đạt. Trên nhiều bức họa và tác phẩm nghệ thuật điêu khắc tìm thấy trong ngôi đền nguy nga tráng lệ thờ thần Amun (gần thành Thebes), người ta thấy có miêu tả tỉ mỉ hình các đội thương thuyền Ai Cập chở hàng hóa qua lại buôn bán với xứ Pong (có lẽ miền Somalia ngày nay) bằng đường thủy từ sông Nile thông ra biển Đỏ. Rõ ràng từ đời ấy, người Ai Cập đã khai thác con sông đào đi từ sông Nile ra thẳng biển, nhằm mục đích tăng cường khống chế các nước phương Nam và phát triển quan hệ mậu dịch có tính chất cướp đoạt với các nước này.

Tuy nhiên, mặc dầu quan hệ mậu dịch của Ai Cập có phát đạt nhanh, nền kinh tế Ai Cập nói chung căn bản vẫn giữ tính chất của một nền kinh tế tự nhiên, và việc buôn bán chủ yếu còn tiến hành bằng cách trao đổi hàng hóa, hiện vật; việc sử dụng tiền tệ bằng kim loại (vàng, bạc, đồng) đã bắt đầu có, nhưng còn mang nặng hình thái nguyên thủy của nó và chưa được phổ biến ở thời kỳ này.

Sự phát triển sản xuất của Ai Cập thời Tân vương quốc
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.