Sự ra đời của Phật giáo Ấn Độ cổ đại và vương quốc Magadha
Sự ra đời của Phật giáo Ấn Độ cổ đại do Gautama Buddha (Phật Thích ca Mâu ni), giữa lúc mâu thuẫn giai cấp ở vương quốc Magadha ngày càng sâu sắc.
Vương quốc Magadha thống nhất miền Bắc Ấn Độ
Dựa vào bộ luật Manu và một số sử liệu khác, người ta biết rằng vào khoảng nửa đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên, tại miền Bắc Ấn Độ đã xuất hiện rất nhiều vương quốc nhỏ. Lịch sử của đa số vương quốc này chúng ta chưa hiểu biết được mấy, nhưng có một điều có thể khẳng định được là: giữa các vương quốc đó, chiến tranh thôn tính rất tàn khốc thường xuyên xảy ra. Mãi đến giữa thiên niên kỷ I trước Công nguyên, miền Bắc Ấn Độ vẫn chưa phải là một quốc gia thống nhất.
Đầu thế kỷ VI trước Công nguyên, ở đây còn tới chừng mười sáu quốc gia chiếm hữu nô lệ, trong số đó có hai vương quốc hùng mạnh hơn cả là Magadha và Kosala. Vương quốc Magadha nằm trên lưu vực trung du và hạ du sông Hằng (nay thuộc Bihar, Ấn Độ). Vương quốc Magadha chiếm một khu vực rất trọng yếu ở Ấn Độ, nằm trên vùng đất đai phì nhiêu nhất của xứ Bengal ở hai bên bờ sông Hằng. Khí hậu vùng này nồng nực và ẩm thấp, rất thích hợp cho việc trồng trọt.
Vương quốc Magadha ở hạ du sông Hằng. Điều đó rất thuận tiện cho sự phát triển mậu dịch trên mặt biển. Danh từ “người Magadha” ngay trong thời kỳ cổ đại, đã có hàm ý là người thương nhân hàng hải.
Khoảng đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên là thời kỳ thống trị của đạo Bà La Môn. Thế kỷ VII – VI trước Công nguyên, ở Magadha cũng như ở đa số các vương quốc Ấn Độ cổ đại khác, chủng tính Kshatriya đã giành được chính quyền. Chúng ta không có tài liệu cụ thể nói về cuộc đấu tranh chính trị giữa chủng tính Bà La Môn và chủng tính Kshatriya đã diễn ra như thế nào, nhưng chắc chắn là cuộc đấu tranh đó không tác động gì đến cơ sở đời sống xã hội.
Ở phía Tây Bắc vương quốc Magadha là vương quốc Kosala (trung tâm ở bang Uttar Pradesh, Ấn Độ ngày nay). Vương quốc Kosala, dưới thời thống trị của vua Kamsa cũng đã mở rộng bờ cõi của mình bằng cách thôn tính công quốc Kashi (bây giờ là vùng Varanasi). Tất nhiên giữa hai vương quốc lớn nhất là Kosala và Magadha, chiến tranh thường xuyên nổ ra nhằm tranh giành bá quyền trên toàn bộ lưu vực rộng lớn của sông Hằng, nhưng không bên nào giành được quyền thắng lợi quyết định.
Về sau, Magadha nhanh chóng phát triển thành một quốc gia cường thịnh. Sau một cuộc chiến tranh lâu dài đã đánh bại nước Kosala, mở rộng vương quốc Magadha và chinh phục cả nước Vajji, đồng minh của Kosala. Thủ đô của Magadha lúc đó đóng ở Pataliputra (Patna ngày nay) tại một địa điểm rất có lợi cho việc thuyền bè đi lại trên sông Hằng, dó đó phát triển rất nhanh chóng.
Sang thế kỷ IV trước Công nguyên, dưới đời vua Kalashoka (hay còn gọi Kakavarna) thì Magadha chinh phục cả một vùng nằm ở giữa dãy núi Himalaya và sông Hằng, rồi mở rộng cương giới phía Nam đến tận dãy núi Vindhya Range và phía Tây đến tận miền Punjab. Vương quốc Magadha trở thành một quốc gia thống nhất cả miền Bắc Ấn Độ, lãnh thổ bao gồm lưu vực của hai con sông Hằng và sông Ấn. Điều đó rất có lợi cho sự phát triển của mậu dịch với người Ba Tư.
Sự ra đời của Phật giáo Ấn Độ cổ đại
Từ thế kỷ VI trở đi, do kinh tế phát triển và sự áp bức, bóc lột, mâu thuẫn giai cấp trong xã hội Magadha ngày càng trở nên sâu sắc. Mâu thuẫn xã hội đó được phản ánh một phần nào đó qua phong trào đấu tranh rộng lớn chống chế độ Varna và đạo Bà La Môn. Lúc này ở Ấn Độ đã xuất hiện nhiều trường phái triết học đứng lên chống lại những giáo lý cơ bản của đạo Bà La Môn về thuyết luân hồi, thuyết nhân quả, thuyết đời sống cực lạc ở cái “thế giới bên kia”. Những học thuyết này là mầm mống của những quan điểm duy vật thuộc hệ thống tư tưởng triết học Charvaka, một danh từ triết học Ấn Độ có nghĩa là “duy vật”. Người sáng lập ra trường phái triết học Charvaka là Brihaspathi, xuất thân từ chủng tính Vaicya. Học thuyết của ông phản ánh lợi ích của nông dân, thợ thủ công và thương nhân, nên được tầng lớp nhân dân lao động thời bấy giờ ủng hộ và tiếp thu.
Cũng vào thời kỳ đó (khoảng thế kỷ VI trước Công nguyên) và cũng do những nguyên nhân xã hội như trên, đạo Phật đã ra đời ở Ấn Độ. Người sáng lập ra đạo Phật là Gautama Buddha (hay còn gọi Siddhattha Gotama), hiệu là Shakyamuni (tức Thích ca Mâu ni), con vua nước Kapilavastu ở miền rừng núi phía Nam dãy Himalaya, sinh vào khoảng năm 563, mất vào năm 483 trước Công nguyên.
Theo kinh Phật truyền lại thì Gautama năm 29 tuổi đã chán ghét cuộc đời đầy những cảnh “sinh, lão, bệnh, tử”, nên đã rời bỏ cung điện của vua cha ra đi tìm con đường giải thoát cho chính mình và cho cả “chúng sinh”. Sau nhiều năm tu hành khổ hạnh và sống ẩn dật, ông đã tìm ra con đường giải thoát và từ đó được gọi là Buddha (tức Phật), có nghĩa là “người đã được giác ngộ về chân lý”. Sau đó, ông đi khắp miền trung du sông Hằng trong hơn 40 năm trời để truyền bá giáo lý mới của ông, mà về sau người ta gọi là đạo Phật (Buddhism).
Ngay sau sự ra đời của Phật giáo Ấn Độ cổ đại, số người theo đạo tăng lên rất nhanh, đặc biệt là tầng lớp dân nghèo bị áp bức. Đạo Phật được hoan nghênh vì nó tuyên truyền sự “bình đẳng giữa các chúng sinh”, kỳ thật là sự bình đẳng về tinh thần giữa những người dân tự do mà thôi. Tầng lớp thị dân giàu có và một bộ phận quý tộc Kshatriya cũng ưa thích đạo Phật ở chỗ lễ nghi của nó đơn giản, không tốn kém, không đòi hỏi phải tế lễ, hy sinh gì. Mặc dầu đạo Phật không hề kêu gọi xóa bỏ chế độ chủng tính nhưng giáo lý của nó mở đường giải thoát về tinh thần cho tất cả mọi người bị đè nén, tức là gián tiếp phản đối đạo Bà La Môn chủ trương bạo lực và duy trì cách biệt chủng tính.
Điểm hạn chế của đạo Phật đó là có phần xa rời thực tế cuộc sống, phủ định đấu tranh giai cấp, do đó rất phù hợp với mong muốn của tầng lớp Kshatriya đang nắm chính quyền thời bấy giờ. Thái độ thờ ơ, nhẫn nhục, vô vi mà đạo Phật tuyên truyền, đã bị giai cấp quý tộc chủ nô lợi dụng để củng cố nền thống trị của họ đối với người dân bị áp bức. Hơn nữa, theo giáo lý đạo Phật, thành phần xuất thân từ chủng tính cao quý Bà La Môn không có ý nghĩa quan trọng của nó nữa. Điều quan trọng lúc này là chiếm hữu nhiều của cải và nô lệ. Bởi vậy khuynh hướng của đạo Phật chống tăng lữ Bà La Môn là hoàn toàn phù hợp với lợi ích của giai cấp quý tộc chủ nô thời bấy giờ nói chung. Ngoài ra, đạo Phật với tính cách là một tôn giáo không liên hệ với các thứ tín ngưỡng tôn giáo của các bộ lạc địa phương, có thể là một cơ sở tư tưởng thích hợp cho xu hướng thống nhất của các quốc gia chiếm hữu nô lệ lớn đang hình thành.
Quốc vương Magadha muốn đấu tranh chống thế lực của tầng lớp tăng lữ Bà La Môn để tăng cường quyền lực quốc gia, đã dựa vào thế lực ngày càng mạnh của đạo Phật trong nước. Có lẽ Bimbisara là ông vua đầu tiên theo đạo Phật. Không bao lâu, đạo này trở thành một tôn giáo chiếm vị trí ưu thế. Về sau, đến đời vua Ashoka thuộc vương triều Maurya, đạo Phật đã được tôn làm quốc giáo (Thế kỷ III trước Công nguyên).
Sự ra đời của Phật giáo Ấn Độ cổ đại và vương quốc Magadha – Lịch sử Ấn Độ cổ đại
– LichSu.Org –
Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại
Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.
Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.