Sự suy vong của đế quốc Maurya [Lịch sử Ấn Độ cổ đại]

Sự suy vong của đế quốc Maurya

Sự suy vong của đế quốc Maurya trong lịch sử Ấn Độ cổ đại bắt đầu diễn ra kể từ khi vua Ashoka chết, đất nước suy yếu, bị ngoại bang xâm lược.

Mặc dầu vua Ashoka có những cố gắng lớn để củng cố sự thống nhất quốc gia, đế quốc Maurya trước sau vẫn không phải là một quốc gia thống nhất vững mạnh, mà là một quốc gia liên hiệp nhiều công quốc và nhiều bộ lạc trình độ phát triển kinh tế, văn hóa rất chênh lệch nhau, không có liên hệ kinh tế xã hội bền chặt.

Bởi vậy, ngay sau khi vua Ashoka chết, năm 236 trước Công nguyên, đế quốc Maurya bắt đầu suy yếu. Đến năm 187, vương triều Maurya bị lật đổ. Một vương triều mới, vương triều Shunga ra đời (187 – 73 trước Công nguyên).

Về sự suy vong của đế quốc Maurya, các học giả đã có những kiến giải khác nhau. Có người cho rằng nguyên nhân tan rã là do tăng lữ Bà La Môn đã đả kích chính sách tôn giáo của vua Ashoka và các vua kế thừa Ashoka. Có người cho rằng đế quốc đó tan rã là do những vị vua này đã thực hành học thuyết asima, chủ trương không ngược đãi chúng sinh, làm bạc nhược tinh thần chiến đấu của quân đội Magadha. Nhưng kiến giải tương đối chính xác hơn hết về vấn đề này là sự chú trọng đến những yếu tố tan rã khác: lãnh thổ đế quốc quá rộng, bao gồm nhiều vùng và nhiều bộ lạc trình độ phát triển kinh tế xã hội, văn hóa rất chênh lệch nhau; các địa phương có xu hướng cát cứ, giao thông liên lạc khó khăn; tầng lớp thống trị các miền xa xôi trở nên thối nát; mâu thuẫn giai cấp trong xã hội ngày càng thêm sâu sắc…

Vua Ashoka chết được ít lâu thì hai nước Kalinga và Andhra tự tách ra khỏi Magadha. Các vùng ở phía nam Magadha cũng tự lập. Cục diện thống nhất bị tan vỡ, đất nước suy yếu, nhanh chóng trở thành miếng mồi ngon cho kẻ xâm lược ngoại tộc. Khoảng năm 190 trước Công nguyên, vương quốc Bactria (hay còn gọi là Bactriana) của người Hy Lạp ở miền Trung Á (thuộc Afghanistan, Tajikistan, Uzbekistan và một phần nhỏ của Turkmenistan ngày nay), đã xâm lấn lưu vực sông Kabul, và một phần miền Punjab và miền Sindh.

Khoảng những năm 140 – 130 trước Công nguyên, các vương quốc của người Hy Lạp ở xứ Bactria bị những bộ lạc người Saka thuộc nước Kushan (còn có tên gọi là Quý Sương) ở miền Trung Á xuống đánh chiếm. Khoảng năm 100, người Saka xâm nhập miền Bắc Ấn Độ, chiếm lĩnh đất đai cho tới vùng sông Narmada và thành lập ở đấy nhiều vương quốc của họ.

Tình hình vương quốc Kushan ở thời kỳ này của lịch sử Ấn Độ rất ít được ghi chép lại. Người Kushan đi chinh phục vốn có trình độ phát triển văn hóa tương đối thấp kém hơn, đã làm cho các vương quốc chiếm hữu nô lệ ở Ấn Độ bị họ chinh phục lâm vào tình trạng bế tắc lâu dài. Mãi đến thế kỷ IV, dưới thời thống trị của vương triều Gupta, Ấn Độ mới khôi phục lại được địa vị độc lập và quốc thể hùng mạnh của mình. Nhưng đến thời kỳ này Ấn Độ đã bước vào thời đại chế độ phong kiến rồi.

Trong lúc ở miền Bắc Ấn Độ, chế độ chiếm hữu nô lệ đã hình thành từ lâu và đã phát triển khá mạnh dưới thời vương triều Maurya, thì ở miền Nam Ấn Độ nhiều bộ lạc, bộ tộc địa phương mới bắt đầu từ bỏ chế độ công xã thị tộc để tiến lên xây dựng những quốc gia chiếm hữu nô lệ của mình. Như vậy là miền Nam Ấn Độ phát triển chậm hơn miền Bắc và sự xuất hiện những quan hệ chiếm hữu nô lệ ở Nam Ấn Độ có lẽ cũng do chịu ảnh hưởng của miền Bắc có văn hóa cao hơn. Dù sao, sự thông thương đi lại giữa miền Bắc và miền Nam ở thời cổ đại là một việc rất khó khăn nên sự phát triển lịch sử của các quốc gia miền Nam mang tính chất độc lập, nói chung ít có ảnh hưởng qua lại và ít có liên hệ mật thiết với nhau.

Những tài liệu đáng tin cậy nói về các quốc gia cổ đại ở miền Nam Ấn Độ là các văn bia thời Ashoka (thế kỷ III trước Công nguyên) nói về cuộc chinh phục nước Kalinga. Ở thời đó người ta đã biết Nam Ấn có những quốc gia như: Kalinga, Andhra, Chola, Pandya, Kerala,… Trong đó quốc gia Kalinga (ở miền Orissa ngày nay) là tương đối mạnh hơn cả, Ashoka phải chật vật lắm mới chinh phục nổi.

Quốc gia Andhra ngày nay là vùng bang Andhra Pradesh, đã có lần bị Ashoka thôn tính, sáp nhập vào lãnh thổ của đế quốc Maurya. Quốc gia Andhra đã giành lại độc lập sau khi Ashoka chết và đã phát triển rất nhanh thế lực của mình, trở thành quốc gia mạnh nhất ở Nam Ấn (thế kỷ I trước Công nguyên). Quốc gia Kalinga cũng đã giành lại độc lập sau khi đế quốc Maurya bị sụp đổ và cũng đã trở thành đối thủ đáng sợ của người Andhra.

Ở miền cực Nam là những quốc gia nhỏ yếu hơn của những bộ lạc Tamil khác nhau như: Chola và Pandya ở vùng Chennai ngày nay, Kerala ở phía Tây Nam bán đảo Ấn Độ. Ba quốc gia này chưa hề bị đế quốc Maurya thôn tính lần nào nên đã phát triển chế độ nô lệ của họ một cách độc lập đối với miền Bắc.

Sự suy vong của đế quốc Maurya – Lịch sử Ấn Độ cổ đại
– LichSu.Org –

Lịch sử Ấn Độ cổ đại
Lịch sử Ấn Độ cổ đại

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.