Sự suy vong của Nhà nước Ai Cập cổ đại
Sự suy vong của nhà nước Ai Cập cổ đại ở thời Hậu kỳ vương quốc là một giai đoạn đầy khủng hoảng với sự xâm lược và cai trị của các thế lực ngoại bang.
1. Sự cai trị của người Libya
Thời kỳ Tân vương quốc chấm dứt thì mở đầu thời kỳ Hậu kỳ vương quốc, thời kỳ khủng hoảng suy vong của nhà nước Ai Cập cổ đại. Đó là một thời kỳ phân liệt và loạn lạc mới ở Ai Cập mà nguyên nhân trực tiếp là sự lớn mạnh của quân đội đánh thuê người Libya lúc ấy đang đóng khắp cả một vùng tam giác châu sông Nile. Trong họ dần hình thành lớp quý tộc quân sự Libya. Về sau, một thủ lĩnh của họ tên là Chochang đã làm cuộc đảo chính (năm 941 trước Công nguyên), sáng lập ra vương triều mới. Đất nước Ai Cập được thống nhất lại một lần nữa nhưng lần này là thống nhất dưới quyền thống trị của người ngoại tộc, người Libya.
Không bao lâu, lớp quý tộc quân sự Libya biến thành giai cấp thống trị ở Ai Cập và hình thành ra một đẳng cấp có nhiều của cải và đặc quyền, đặc lợi. Trong những tầng lớp nhân dân bị áp bức ở Ai Cập cũng dần dần hình thành nhiều đẳng cấp đóng kín, trên cơ sở sự phân công lao động có tính chất cố định trong xã hội thời bấy giờ.
Đầu thế kỷ VIII trước Công nguyên, lợi dụng tình hình suy yếu và loạn lạc ở Ai Cập, dựa vào sự ủng hộ của tầng lớp tăng lữ Ai Cập vốn thù địch với giai cấp quý tộc quân sự Libya, người Nubia ở phía nam đã tiến hành chinh phục nước Ai Cập, lật đổ được nền thống trị của người Libya, xác lập nền thống trị của mình, sáng lập ra vương triều của họ (726 trước Công nguyên).
2. Ai Cập thời vương triều Saite
Đồng thời dưới sự thống trị của vương triều Nubia, Ai Cập bị người Assyria tấn công và chinh phục (năm 671 trước Công nguyên). Không bao lâu, thừa cơ nước Assyria suy yếu, một quý tộc thành Saite ở miền Bắc là Psamtik lãnh đạo nhân dân nổi dậy, đánh đuổi người Assyria, khôi phục lại đất nước, sáng lập ra vương triều XXVI, mở đầu thời kỳ gọi là thời kỳ vương quốc Saite (654 – 525 trước Công nguyên). Đó tức là thời kỳ độc lập ngắn ngủi xuất hiện trong lịch sử Hậu kỳ vương quốc Ai Cập. Đó cũng là thời kỳ phục hưng lần cuối cùng của quốc gia chiếm hữu nô lệ Ai Cập.
Dưới đời Psamtik, Ai Cập bắt đầu đặt quan hệ mậu dịch rộng rãi với các nước miền Đông Địa Trung Hải, chủ yếu là với Hy Lạp, là nơi mà Ai Cập bán được nhiều lúa mì. Cũng bắt đầu từ đây, thương nhân và lính đánh thuê người Hy Lạp và người Tiểu Á sang ở Ai Cập ngày càng đông và xây dựng ở đây nhiều cứ điểm thương mại của họ.
Người thừa kế Psamtik là vua Necho II (611 – 595 trước Công nguyên) càng mở rộng quan hệ mậu dịch với các nước láng giềng một cách tích cực hơn. Ông ra lệnh mở con sông đào nối liền sông Nile với Biển Đỏ, và theo Herodotos, ông đã từng sai thủy thủ người Phoenicia tổ chức cuộc hành trình bằng đường biển đi vòng quanh Châu Phi.
Nhìn chung, dưới thời vương triều Saite , nền sản xuất hàng hóa được phát triển mạnh mẽ, tiền tệ được lưu thông rộng rãi, ngành hàng hải rất phát đạt, nhất là khu vực Đông Địa Trung Hải; quan hệ trao đổi kinh tế và văn hóa giữa Ai Cập với Hy Lạp và các nước Tiểu Á trở nên rất mật thiết. Chính sách đối ngoại của các Pharaon thuộc vương triều Saite là nhằm nâng cao địa vị quốc tế của Ai Cập, chủ yếu bằng cách ký kết những hiệp ước liên minh quân sự với các nước lớn ở vùng Trung, Cận Đông, chứ không phải bằng cách tiến hành vũ trang xâm lược như trước đây.
Về mặt đối nội, thì các Pharaon thuộc vương triều Saite chủ trương dựa vào thế lực của tầng lớp thương nhân giàu có và của đội quân lính đánh thuê mà đa số là người Hy Lạp và người Tiểu Á để chống lại thế lực còn khá mạnh của các tập đoàn tăng lữ và quý tộc cũ trong nước. Chính sách truyền thống của vương triều Saite là tăng cường quan hệ giao lưu kinh tế và văn hóa với Hy Lạp, khuyến khích công cuộc di cư của người Hy Lạp và người Tiểu Á sang buôn bán làm ăn ở Ai Cập, cho phép họ lập nên nhiều vùng thực dân địa ở miền ven biển Địa Trung Hải của Ai Cập, ví như Naucratis chẳng hạn.
3. Sự suy vong của Nhà nước Ai Cập cổ đại
Nửa sau thế kỷ VI, lợi dụng tình hình suy yếu của Ai Cập, quân đội Ba Tư tiến quân xâm lược và chinh phục được toàn bộ đất đai Ai Cập (năm 525 trước công nguyên). Người Ai Cập bị mất nước từ đó. Ít lâu sau, năm 332 trước công nguyên, Ai Cập lại bị Alexandros, nước Macedonia sang chinh phục và bị đặt dưới nền thống trị của người Hy Lạp.
Sau khi Alexandros chết, đế quốc do Alexandros xây dựng lên tan rã, Ai Cập lại đặt dưới quyền thống trị của một bộ tướng của Alexandros tên là Ptolemaios, người sáng lập ra vương triều Ptolemaios ở Ai Cập. Từ đó bắt đầu thời kỳ Hy Lạp hóa (thế kỷ IV – I trước Công nguyên), thời kỳ Ai Cập trở thành một quốc gia Hy Lạp hóa, chịu ảnh hưởng sâu sắc của nền văn minh Hy Lạp tiên tiến thời bây giờ. Dưới thời thống trị của vương triều Ptolemaios, quốc gia Hy Lạp hóa Ai Cập phát triển khá phồn vinh.
Nhưng đến năm 30 trước công nguyên, đất nước Ai Cập lại bị người La Mã sang chinh phục và biến thành một tỉnh nằm trong bản đồ của đế quốc La Mã rộng lớn. Từ đó, lịch sử của Ai Cập trở thành một bộ phận của lịch sử đế quốc chiếm hữu nô lệ La Mã.
Sự suy vong của nhà nước Ai Cập cổ đại
– LichSu.Org –