Sự tranh giành bá quyền giữa các nước thời Xuân thu
Sự tranh giành bá quyền giữa các nước thời Xuân thu đã buộc các nước nhỏ phải cống nạp nước lớn, đời sống của người dân lâm vào cảnh khó khăn, nghèo khổ.
1. Tình hình các nước thời Xuân thu
Thời kỳ Xuân thu, các nước lớn không ngừng gây chiến tranh cướp đoạt các nước nhỏ. Nếu những lúc nào đó, chiến tranh cướp đoạt có được tạm thời hòa hoãn thì đó là vì các nước lớn đã phát triển thế lực đến mức ngang nhau, không bên nào có thể đánh bại được bên nào.
Nhiều nước nhỏ nằm ở vị trí hoãn xung giữa các nước lớn, do đó vẫn tồn tại được trong một thời gian nữa. Những lúc đó, các nước lớn thường dùng một phương pháp khác để hòa bình giải quyết tham vọng của họ. Đó tức là phương pháp “triều sinh” và “minh hội”.
Triều sinh nghĩa là nước lớn cưỡng bức nước nhỏ phải cống nạp sản vật cho mình. Minh hội là các nước lớn hội nghị với nhau đề bàn cách giải quyết vấn đề cống nạp của các nước nhỏ. Vì thế, trong minh hội, cuộc đấu tranh đề giành quyền làm minh chủ rất là kịch liệt, vì được làm minh chủ thì có thể giành được quyền bắt các nước nhỏ phải cống nạp. Nước Tần, đời vua Tần Văn công, có quy định: chư hầu ba năm một lần triều sinh, năm năm một lần triều kiến, có việc cần giao ước, cam kết, phải hội họp, uống máu ăn thề.
Cống nạp là một gánh rất nặng cho các nước nhỏ. Tử Sản nước Trịnh nói: Mỗi lần Trịnh nộp cống cho Tấn “phải dùng đến một trăm xe (chở vải lụa và da thú), trăm xe thì phải nghìn người”. Nếu cống nạp của nước nhỏ không theo đúng yêu cầu của nước lớn thì đất nước sẽ bị giày xéo khủng khiếp. Nước nhỏ bị đánh thì giếng bị lấp, cây cối bị chặt, mùa màng bị gặt di, xe ngựa bị cướp bóc, trai gái bị bắt làm nô lệ, “nam làm thần, nữ làm thiếp”. Người dân các nước nhỏ đã bị tầng lớp thống trị trong nước bóc lột tàn nhẫn, lại còn phải cống nạp cho nước lớn.
Trong cuộc chiển tranh tàn khốc giành bá quyền giữa tầng lớp thống trị các nước, người dân nước lớn cũng như nhỏ đều phải chịu trăm bề khổ sở. Nước lớn đánh trận, nước nhỏ cũng phải cử binh tham gia. Trong hơn tám mươi năm Tấn, Sở tranh bá, nước Trịnh tham gia chiến tranh bảy mươi hai lần.
2. Đời sống của người dân thời Xuân thu
Thời Xuân thu, người dân nghèo khổ, đói kém, buộc phải vay nợ của tầng lớp quý tộc, nhà giàu cho vay nặng lãi, nên đời sống bị hãm vào cảnh cùng cực. Tình hình nước Tề, như Án Anh đã nói, thì “tam lão (thường dân) chết đói, chết rét”; tình hình nước Tấn, như Thúc Hưởng đã nói, thì “thây chết đói đầy đường”. Tấn, Tề là những nước lớn mà người dân còn như thế thì tình cảnh ở các nước nhỏ lại càng bi thảm biết dường nào!
Giai cấp thống trị các nước thời Xuân thu vẫn không ngừng tăng thuế, sưu dịch và binh dịch, lại chế định pháp luật hà khắc dùng làm công cụ trấn áp người dàn. Pháp luật thành văn chính thức của Trung Quốc đã được công bố vào thời kỳ này. Năm 536 trước Công nguyên, nước Trịnh đã ban bố “hình thư”; năm 513 trước Công nguyên, nước Tấn lại đúc “hình đỉnh”. Các nước khác cũng lần lượt công bố pháp luật của mình.
Người dân đã từng nhiều lần đấu tranh kịch liệt chống giai cấp thống trị. Có khi đang đắp thành, họ nổi dậy bắt giết các quý tộc quan lại giám thị, có khi họ tham gia cuộc đấu tranh trong nội bộ quý tộc, giết chết những công, khanh, sĩ đại phu và cả vua chúa tàn bạo. Người dân nước Trịnh lánh đến miền đầm lầy Giai Bộ đề tổ chức cuộc phản kháng chống giai cấp thống trị. Binh sĩ nước Sở khởi nghĩa ở biên giới, đuổi vua Sở vào trong rừng. Nhưng trước sau vẫn chưa có một cuộc khởi nghĩa nhân dân nào to lớn ở thời kỳ này.
Sự tranh giành bá quyền giữa các nước thời Xuân thu
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.Org –