Thời đại Ashoka và sự truyền bá Phật giáo
Sự truyền bá Phật giáo dưới thời vua Ashoka trong lịch sử Ấn Độ cổ đại được thể hiện rõ qua những chiếu chỉ, sắc lệnh khắc trên vách đá.
1. Đế quốc Maurya dưới thời vua Ashoka
Thời kỳ thịnh vượng nhất của đế quốc Maurya là tương đương với thời thống trị của vua Ashoka (273 – 237), cháu của Chandragupta. Lịch sử gắn liền với sự hùng mạnh của đế quốc Maurya với tên tuổi của Ashoka, một trong những ông vua nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ cổ đại. Có hơn 30 bản khắc đá nói rõ tình hình đế quốc Maurya dưới thời Ashoka; đó là những chiếu chỉ, sắc lệnh của ông khắc trên vách đá, trên trụ cột bằng đá trong các hang động, các chùa chiền.
Vua Ashoka lên ngôi được 5 năm thì đem quân đi chinh phạt vương quốc Kalinga (ngày nay là Odisha) ở miền Đông Nam Ấn Độ. Vương quốc này trước đây đã từng hợp nhất với Magadha thành một quốc gia thống nhất, nhưng trong thời kỳ vương triều Nanda suy yếu đã tách ra đứng độc lập. Chiến tranh giữa đế quốc Maurya với vương quốc Kalinga đã diễn ra vô cùng tàn khốc. Một trong những bản chiếu chỉ của mình, vua Ashoka có thuật lại cuộc chiến tranh đó như sau: “có 15 vạn người bị bắt làm tù binh, 10 vạn người bị chết, người bị thương thì càng nhiều hơn”.
Sau khi Ashoka chinh phục được Kalinga, ngoài miền Nam của Ấn Độ, thì Ashoka đã thực hiện được việc thống nhất gần toàn bộ đất đai bán đảo.
Trong cuộc chinh phục Kalinga, tất cả những gánh nặng của cuộc chiến tranh đều đè nặng lên vai người dân. Rất có thể do đó mà người dân bất mãn, thậm chí nổi dậy khởi nghĩa. Cũng có thể là vì lý do đó mà trong bản chiếu chỉ nói trên, vua Ashoka đã tỏ ra hối hận và tuyên bố sau này sẽ không để xảy ra những vụ tàn sát như vậy nữa: “Trẫm rất hối hận đã chinh phạt Kalinga, vì đánh chiếm một nước tự do nên khiến nhân dân lại chết chóc và đau khổ rất nhiều. Trẫm rất đau đớn… Sau này sẽ không cho phép xảy ra một trăm phần trăm, một nghìn sự việc giống như chiến tranh với Kalinga nữa, vì trẫm mong rằng chúng sinh đều được an toàn, tự mình cai quản lấy mình, sống yên ổn và sung sướng về tinh thần”.
2. Sự truyền bá Phật giáo
Căn cứ vào sử liệu hiện có mà phán đoán thì nửa sau thời kỳ cai trị của vua Ashoka là thời kỳ tương đối hòa bình. Thời kỳ này chính là thời kỳ xây dựng nhiều công trình kiến trúc quy mô lớn và thời kỳ truyền bá Phật giáo rộng rãi. Tại kinh đô Pataliputra và tại nhiều thành thị khác, nhiều chùa chiền, cung điện, dinh thự được xây dựng với một nghệ thuật kiến trúc rất cao.
Dưới đời Ashoka, Phật giáo đã trở thành quốc giáo. Được sự giúp đỡ của phái Phật giáo, Ashoka đã lật đổ được thế lực phái Bà La Môn. Nhưng chế độ chủng tính vẫn chưa bị tiêu diệt, chỉ có sự cách biệt giữa các chủng tính, nhất là sự cách biệt giữa ba chủng tính trên thì có giảm bớt đi một phần nào. Còn trong lĩnh vực tôn giáo thì tất cả các chủng tính đều bình đẳng.
Theo một bản chiếu chỉ của Ashoka thì nguyên tắc trị nước của ông ta là: Nhà nước phải thông qua tôn giáo, pháp luật phải thông qua tôn giáo. Trong một bản khắc đám vua Ashoka nói: “Ta muốn ban bố hình luật, muốn ra các chỉ thị về tín ngưỡng tôn giáo”. Như vậy, nhà vua đã trở thành giáo chủ. Không những thế, nhà vua còn gia nhập tổ chức các tín đồ Phật giáo, và mặc áo thầy tu.
Trong thời kỳ này, giáo lý Phật giáo, kinh Phật và các tổ chức Phật giáo đều đã hình thành. Năm 253 trước Công nguyên, một đại hội Phật giáo lần đầu tiên được triệu tập tại Pataliputra. Lúc đầu Phật giáo chưa có những nghi lễ chặt chẽ, phiền toái và kình kệ phức tạp, chỉ đến lúc này mới bắt đầu xuất hiện những thứ đó cùng với những chùa chiền, những ngôi mộ hình tháp, còn bản thân Phật cũng được tạc thành tượng người ngồi chắp tay trang nghiêm, từ bi từ tại.
Vua Ashoka tỏ ra rất khoan dung về mặt tín ngưỡng tôn giáo, ông không hề bức hại các tôn giáo hay giáo phái khác. Ông đã từng nói: “…Không nên tán dương giáo phái mình mà chỉ trích giáo phái khác. Trong bất cứ trường hợp nào cũng phải tỏ ra cung kính đối với mọi giáo phái khác”. Thực chất chính sách tôn giáo đó có thể biểu lộ rõ qua lời nói sau đây của nhà vua Ashoka: “Nghi lễ tôn giáo có thể đem đến cho người ta nhiều sự bổ ích. Đó là thái độ thích đáng với nô lệ và những kẻ hầu hạ, lòng tôn kính đối với cha mẹ và thầy giáo, lòng độ lượng đối với mọi sinh vật, lòng nhân từ đối với Bà La Môn”. Điều đó nói rõ mục đích Ashoka truyền bá Phật giáo và tôn giáo Phật làm quốc giáo là nhằm tìm một chỗ dựa vững chắc cho nền thống trị chuyên chế của mình.
Vua Ashoka cũng theo đuổi một chính sách đối ngoại tích cực, nhằm gây ảnh hưởng chính trị đối với nước ngoài. Ông đã tốn rất nhiều công sức để truyền bá Phật giáo sang các nước khác. Ở thế kỷ III trước Công nguyên, Phật giáo đã được truyền bá rộng rãi ở Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan và Indonesia.
Về sau, khoảng những thế kỷ đầu của Công nguyên, đất nước Ấn Độ bị chia cắt thành nhiều công quốc phong kiến. Phật giáo ở Ấn Độ lúc này bị đạo Bà La Môn bài xích. Để thích ứng với điều kiện lịch sử mới, đạo Bà La Môn từ đó dần dần cải biên thành đạo Hindu ( Hinduism) tức Ấn Độ giáo. Phật giáo ở Ấn Độ dần dần suy yếu phải nhường địa vị ưu thế cho đạo Hindu. Nhưng ở ngoài biên giới Ấn Độ, tại các nước Đông Á và Đông Nam Á (Sri Lanka Sri Lanka, Myanmar, Thái Lan,…) thì Phật giáo lại đang trong thời kỳ hưng thịnh.
Sử liệu cho biết rằng, dưới thời kỳ Tần Thủy Hoàng đế (Trung Quốc) đã có những cao tăng người Ấn Độ sang truyền bá Phật giáo ở vùng biên thùy Trung Quốc. Cuối thế kỷ II trước Công nguyên, Hán Vũ Đế chinh phục Hung Nô, thông sang Tây Vực, thì lúc ấy đã có nhiều người Trung Quốc theo Phật giáo. Nhưng mãi đến năm 65 của Công nguyên, vua Minh Đế nhà Đông Hán mới phái cao tăng sang Thiên Trúc (Ấn Độ) để cầu kinh và rước Phật về. Lúc đó, Phật giáo mới chính thức truyền sang Trung Quốc, rồi từ Trung Quốc truyền sang Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan,… trở thành thứ tôn giáo rất thịnh hành ở miền Đông Á. Từ đầu thế kỷ VII, thời kỳ Việt Nam còn đang bị phong kiến Trung Quốc đời nhà Tùy và nhà Đường sang đô hộ, Phật giáo cùng với đạo Nho và đạo Lão cũng được truyền bá sâu rộng sang nước ta.
Sự truyền bá Phật giáo dưới thời vua Ashoka – Lịch sử Ấn Độ cổ đại
– LichSu.Org –
Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại
Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.
Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.