Thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt trong xã hội nguyên thủy
Thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt xuất hiện góp phần tạo ra sự đột phát về năng suất lao động, đưa loài người đến gần hơn ngưỡng cửa của thời đại văn minh.
1. Thời kỳ đồ đồng
Trong suốt một thời gian rất dài, công cụ lao động của loài người chủ yếu là đồ đá. Công cụ đồ đá dù mỗi ngày một cải tiến, song cũng không thể đem lại năng suất lao động cao được. Về sau người ta phát hiện ra được kim loại. Công cụ làm bằng kim loại lúc đầu là đồng nguyên chất, về sau là đồng thau – một hợp kim giữa đồng và thiếc, đem lại một năng suất cao hơn hẳn so với đồ đá.
Đồ đồng xuất hiện vào khoảng đầu thiên niên kỷ IV trước công nguyên, nhưng nó không loại trừ công cụ đồ đá, mà ngược lại, công cụ đồ đá mới vẫn tiếp tục phát triển. Vì thế, người ta cũng gọi thời kỳ này là thời kỳ đá – đồng. Hầu hết các bộ lạc Châu Á, châu Âu, và Bắc Phi đều có trải qua thời kỳ đá – đồng.
Thời kỳ đá – đồng đánh dấu một bước phát triển cao hơn của trình độ sức sản xuất. Tuy nhiên, đồ đồng nguyên chất vẫn còn bị hạn chế nhiều vì nó mềm, đòi hỏi nhiệt độ nóng chảy cao. Thời kỳ sau, với công cụ bằng đồng thau, cứng hơn và sắc bén hơn, loài người đã có thể đạt tới một năng suất cao hơn trong lao động. Ở thời kỳ đồ đồng, nghề chăn nuôi đã khá phát triển, thường thường người ta chăn nuôi từng đàn súc vật lớn trên các đồng cỏ, các sườn đồi. Súc vật chăn nuôi thường là lợn, cừu, bò, dê…
Cuối thiên niên kỷ III trước công nguyên, đồng thau trở thành nguyên liệu chế tạo công cụ chủ yếu. Nền văn hóa đồ đồng thau rất phổ biến trên thế giới. Những trung tâm quan trọng của nền văn hóa đó tìm thấy ở biển Ê-giê (Đông Địa Trung Hải), ở trên lưu vực các con sông lớn: sông Nin (Đông bắc Châu Phi), sông Hoàng Hà và Dương Tử Giang (Trung Quốc), sông Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rat (Tây Á), sông Ấn và sông Hằng (Ấn Độ),… Ở nước ta, nền văn hóa Đông Sơn là một nền văn hóa đồ đồng thau rực rỡ của khu vực Đông Nam Á gồm có công cụ, vũ khí, minh khí, trống đồng, thạp đồng,… có hình dạng và hoa văn rất độc đáo. Nhờ có công cụ bằng đồng thau mà nông nghiệp phát triển rất nhanh chóng. Nghề đúc đồng thau được chuyên môn hóa, cùng với hai nghề làm đồ gốm và dệt vải đã có từ trước, trở thành những ngành sản xuất thủ công rất phát đạt.
2. Thời kỳ đồ sắt
Công cụ bằng sắt, xuất hiện và phát triển tương đối muộn, vào cuối thiên niên kỷ II, đầu thiên niên kỷ I trước công nguyên. Sắt có ưu thế rất lớn so với đồng. Sắt rất sẵn, người ta tìm thấy sắt ở nhiều nơi. Sắt lại rất cứng. Nếu thời kỳ đồ đồng thau chưa hoàn toàn loại trừ đồ đá, thì thời kỳ đồ sắt đã hoàn toàn loại trừ đồ đá và tiến tới loại trừ đồ đồng trong lĩnh vực công cụ sản xuất. Ăng-ghen viết: “Sắt cho phép người ta có thể trồng trọt trên những diện tích rộng lớn hơn, có thể khai hoang những miền rừng rú rộng lớn hơn; sắt khiến cho người thợ thủ công có được một công cụ cứng và sắc mà không có một loại đá nào hay một loại kim khí quen thuộc nào có thể đương đầu với nó được”.
Sắt dùng để chế vũ khí, cày, cuốc, búa, rìu. Sắt đã đẩy mạnh nền sản xuất thủ công, và chỉ với sự xuất hiện nghề luyện sắt và công cụ sắt, với cái cày bằng sắt do súc vật kéo, thì việc khai hoang và trồng trọt đất đai trên quy mô lớn – nông nghiệp dùng cày – mới có thể thực hiện được.
Như thế, sự phát triển của chăn nuôi và trồng trọt dẫn đến sự hình thành các bộ lạc chuyên nghiệp hóa: hoặc chuyên về chăn nuôi hoặc chuyên về trồng trọt. Thế là trong thời kỳ đá – đồng đã diễn ra sự phân công xã hội lớn lần thứ nhất. Giữa các bộ lạc chăn nuôi và trồng trọt có tiến hành sự trao đổi có tính chất nguyên thủy (lấy vật đổi vật) về sản phẩm mình làm ra, chủ yếu là ngũ cốc, thịt, da và lông thú. Sự phân công xã hội lớn lần đầu tiên này có tác dụng đẩy mạnh nền sản xuất lên rất nhiều.
3. Sự phát triển của nghề chăn nuôi và nông nghiệp, của thủ công nghiệp và thương nghiệp
Tiếp theo đó, từ cuối thời kỳ đồ đồng bước sang thời kỳ đồ sắt, đã diễn ra sự phân công xã hội lớn lần thứ hai giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp. Nghề dệt, nghề gốm, các nghề chế tạo đồ kim loại và nhiều nghề thủ công khác ngày càng chuyên môn hóa, làm cho của cải tăng lên nhanh chóng.
Việc trao đổi sản phẩm giữa các bộ lạc chăn nuôi, nông nghiệp và thủ công nghiệp đã trở nên thường xuyên và đều đặn. Nền sản xuất để trao đổi đã ra đời, đó là nền sản xuất hàng hóa. Nền sản xuất hàng hóa ra đời thì đồng thời thương nghiệp cũng xuất hiện, không những trong nội tộc thị tộc và bộ lạc mà cả với bên ngoài nữa. Như vậy là đã diễn ra sự phân công xã hội lần thứ ba: tầng lớp thương nhân tách khỏi những người sản xuất, chuyên về việc trao đổi sản phẩm đã ra đời. Lần đầu tiên xuất hiện một tầng lớp người tuy không tham gia sản xuất tí nào, nhưng lại chiếm toàn quyền lãnh đạo sản xuất và bắt những người sản xuất phụ thuộc mình về mặt kinh tế.
Cùng với tầng lớp thương nhân đó, tiền tệ bằng kim loại cũng ra đời, trở thành một phương tiện lưu thông hàng hóa hết sức thuận lợi.
Do sự phát triển của thủ công nghiệp và thương nghiệp, những thành thị cổ đại – trung tâm của bộ lạc hoặc của liên minh bộ lạc, nơi tập trung sản xuất thủ công nghiệp và thương nghiệp bắt đầu xuất hiện và đối lập với nông thôn. Bấy giờ loài người đã đứng trước ngưỡng cửa của thời đại văn minh, thời đại xã hội phân hóa thành giai cấp và nhà nước ra đời.
Ở những bộ lạc nông nghiệp phát triển, ngay từ thời kỳ đá – đồng, xã hội đã bắt đầu phân hóa. Cuối thời kỳ đá – đồng bước sang thời kỳ đồ đồng thau, một số quốc gia chiếm hữu nô lệ tối cổ đã bắt đầu ra đời ở phương Đông.
Thời kỳ đồ đồng và thời kỳ đồ sắt cùng với các ngành nghề nguyên thủy
– LichSu.Org –