Tôn giáo và triết học của người Ai Cập cổ đại

Tôn giáo và triết học của người Ai Cập cổ đại

Tôn giáo và triết học của người Ai Cập cổ đại có sức chi phối và ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của quốc gia cổ này trong hơn 3000 năm tồn tại.

Tín ngưỡng thờ thần linh của người Ai Cập
Tín ngưỡng thờ thần linh của người Ai Cập

1. Tín ngưỡng thờ thần linh trong tôn giáo của người Ai Cập

Thời cổ đại ở Ai Cập, tôn giáo xâm nhập vào mọi lĩnh vực sinh hoạt của xã hội. Trong xã hội có giai cấp ở Ai Cập, tôn giáo do giai cấp thống trị nắm trong tay, không những là một công cụ thống trị của chính quyền chuyên chế Pharaon, mà còn là một thủ đoạn của các tập đoàn thống trị, chủ nô dùng để tiến hành đấu tranh giành chính quyền. Xã hội Ai Cập phát triển rất chậm chạp, khiến cho Ai Cập trong một thời kỳ dài còn giữ rất nhiều tín ngưỡng tôn giáo thời nguyên thủy.

Trong suốt chiều dài lịch sử Ai Cập cổ đại, việc sùng bái động vật rất thịnh hành. Có thể nói rằng nhiều động vật: chim muông, cầm thú, đều được coi là thần, bởi vì theo người Ai Cập cổ đại, thì mỗi một động vật thờ cúng trong đền đều là hóa thân của linh hồn một vị thần nào đó. Có chim ưng thần, hạc thần, ắn thần, sói thần, dê thần, cừu thần, mèo thần, … Một số súc vật như bò thần Apis được tôn giáo thờ trong toàn quốc.

Ngoài việc sùng bái những động vật có thật, người Ai Cập còn thờ cúng những động vật tưởng tượng như chim phượng hoàng, và nhân sư (con vật đầu người, mình sư tử). Nhân sư thường sống ở những sa mạc lân cận, có uy vũ lớn, có thể chống lại mọi lực lượng hung tàn. Tượng của con vật này thường được đặt trước cửa đền đài hay lăng mộ của nhà vua.

Trong tôn giáo Ai Cập cổ đại, việc sùng bái tự nhiên chiếm một địa vị quan trọng. Thiên thần Nut, địa thần Geb, và thủy thần Osiris tức là sóng thần. Nhưng trong việc sùng bái tự nhiên thì việc sùng bái thần mặt trời Ra là tôn nghiêm và phổ biến hơn cả. Trung tâm thờ thần Ra là thành Heliopolis. Trong quá trình hình thành nhà nước trung ương tập quyền, thần Ra của thành Heliopolis đã dần dần trở thành vị thần tối cao của cả nước. Giai cấp thống trị chủ nô đã lợi dụng tín ngưỡng thần Ra để củng cố chính quyền chuyên chế Pharaon. Thần Ra là chúa tể các thần cũng như Pharaon là kẻ thống trị tối cao trong cả nước.

Trong thời kỳ Trung vương quốc, thần tối cao là thần Mặt Trời Amun của thành Thebes, thủ đô mới của Ai Cập, Amun cũng thường gọi là Amun Ra.

Tục ướp xác của người Ai Cập cổ đại
Tục ướp xác của người Ai Cập cổ đại

2. Tục ướp xác của người Ai Cập cổ đại

Theo tín ngưỡng của người Cổ Ai Cập, người tuy chết rồi, nhưng linh hồn là bất tử. Họ cho rằng trong thân thể của mỗi người đều có linh hồn “ka” đi theo thân thể người như hình với bóng. Khi người chết thì ka mới ra khỏi xác người, bắt đầu cuộc sống độc lập. Chỉ khi nào xác người hoàn toàn bị hủy diệt thì ka mới chết theo, nhưng nếu giữ được xác chết thì ka sẽ có ngày quay trở về với thể xác, con người sẽ sống trở lại.

Vì tin như vậy nên người Ai Cập đã có tục ướp xác chết (mummy) để giữ xác ấy đến hàng mấy nghìn năm không thối rữa. Có những người chuyên môn làm nghề ướp xác chết. Họ lấy hết ruột gan trong bụng người chết ra, rồi đem xác chết ngâm vào trong nước muối độ 70 ngày. Sau đó, họ lấy xác chết ra, bỏ mạt cưa và các thứ hương liệu có chất sát trùng vào trong bụng, lấy vải quấn lại thật kỹ, rồi đặt xác chết, vào trong một quan tài bằng gỗ hay bằng đá.

Để cho “ka” để nhận được mummy của mình, người ta thường tạc hình người chết trên nắp quan tài, và tạc cả tượng đá hay tượng gỗ của người chết đặt ở phần mộ. Việc ướp xác thường rất tốn kém, chỉ có các nhà quý tộc và nhà giàu mới có khả năng ướp xác chết; dân thường không lấy đâu ra tiền để trả công, thường là rất cao, cho những người làm nghề ướp xác chết.

Triết học với những quan niệm vô thần và duy vật
Triết học với những quan niệm vô thần và duy vật

3. Triết học với những quan niệm vô thần và duy vật

Sự phát sinh của tư tưởng triết học gắn liền với sự cần thiết phải giải quyết những vấn đề cấp bách của cuộc sống. Từ thiên niên kỷ II trước Công nguyên, trong xã hội Ai Cập đã nổ ra nhiều cuộc đấu tranh giai cấp kịch liệt thường đưa đến những cuộc khởi nghĩa của nô lệ và dân nghèo chống lại chính quyền của các Pharaon và giới quý tộc chủ nô. Chính trên cơ sở đó mà những tư tưởng vô thần và duy vật bắt đầu nảy sinh và phát triển. Mặt khác, sự phát triển của những tri thức khoa học đầu tiên đã tao điều kiện cho những tư tưởng duy vật vô thần nảy sinh và phát triển.

Những đòn đầu của tư tưởng tiến bộ đánh vào thế giới quan cựu truyền của lớp quý tộc chủ nô, đều nhằm chống lại chính những giáo lý tôn giáo nói về đời sống ở “thế giới bên kia”: Ví như trong một tác phẩm văn Cổ Ai Cập nhan đề “Bài ca của người đánh thư cầm” tác giả đã khẳng định rằng xưa nay trong số những người chết, không một ai trở về trần tục để kể lại cho bà con nghe về cái “thế giới bên kia”. Rồi tác giả hô hào “nhất thiết phải giải quyết mọi việc trên trần thế này thôi”.

Tư tưởng ấy lại còn thể hiện rõ rệt hơn trong tác phẩm nhan đề “Cuộc hội thoại của một người thất vọng với linh hồn của mình”. Qua tác phẩm đó, tác giả đã nói lên lòng nghi ngờ của một người dân thường đối với các công lý của xã hội đương thời, nghi ngờ đối với cái “thế giới bên kia”. Tài liệu viết: “Đâu đâu cũng toàn là kẻ trộm cướp”, “lòng người tàn nhẫn, anh em cũng ăn cướp của nhau”, “bạo lực ăn sâu trong lòng mọi người”, … ” Một đoạn tài liệu khác nói: “Người mất đi và thân thể biến thành tro bụi”, “người nào muốn tên tuổi của mình sống mãi mãi, thì không nên tin vào những ước mơ hão huyền ở thế giới bên kia, mà chỉ nên dựa vào những hành vi của mình trên trần thế”.

Đối với những tư tưởng vô thần đó, giới quý tộc chủ nô đã phản ứng mạnh mẽ: “Phải bắt đám dân khuất phục. Phải tiêu diệt lòng hăng hái của chúng”. Đó là những lời gào thét của giai cấp thống trị chủ nô được ghi trong những tập “Giáo huấn” của giai cấp quý tộc đương thời. Những tập “Giáo huấn” đó tuyên bố rằng trật tự xã hội và chế độ chính trị là sự kế tục trật tự của thần thánh trong tự nhiên. Thần thánh đã tạo ra những kẻ cai trị, Người cũng đã tạo ra thực vật và động vật nuôi sống con người.

Như vậy là cuộc đấu tranh tư tưởng trong triết học đã phản ánh khá trung thành cuộc đấu tranh giai cấp ngày càng gay gắt trong xã hội chiếm hữu nô lệ Ai Cập.

Mầm mống của những quan niệm vô thần và duy vật tự phát của người Cổ Ai Cập đã có ảnh hưởng tốt đến sự phát triển của khoa học và tư tưởng duy vật trong thế giới cổ đại.

Tóm lại, trong hơn 3000 năm của lịch sử Ai Cập cổ đại, người Ai Cập đã dần dần tích lũy được nhiều kinh nghiệm phong phú về nhận thức thế giới xung quanh và quy luật tự nhiên. Tuy rằng thời đó thế giới quan duy tâm, thần bí nói chung, còn chi phối hoạt động tư duy của con người, nhưng người Ai Cập cổ đại vẫn biết dựa vào những quy luật tự nhiên mà họ đã nhận thức được để xây dựng nên cơ sở của một nền khoa học chân chính.

Tôn giáo và triết học của người Ai Cập cổ đại
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.