Tìm hiểu lịch sử văn hóa Ấn Độ cổ đại

Lịch sử văn hóa Ấn Độ cổ đại

Văn hóa Ấn Độ cổ đại có sức ảnh hưởng lớn đối với sự phát triển văn hóa của nhiều dân tộc phương Đông, nhất là các nước Đông Nam Á.

Tôn giáo và triết học Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ cổ đại là mảnh đất của tôn giáo và triết học. Lúc đầu, tôn giáo ở Ấn Độ bắt nguồn từ những tín ngưỡng trong thời nguyên thủy mà ra, nên còn giữ nhiều tàn dư của chế độ Totem sùng bái vật tổ và sùng bái tự nhiên. Theo kinh Veda thì người Ấn Độ lúc đó thờ thần mặt trời, thần lửa, thần sấm sét, thần mùa màng,…

Tín ngưỡng đó phản ánh hình thái ý thức xã hội nguyên thủy. Tại Ấn Độ cố đại, sự sùng bái thần lửa có quan hệ với chế độ gia trưởng và là một thứ tín ngưỡng rất phổ biến. Người ta nhận rằng thần lửa cũng như người cha trong gia đình, là cái chủ não. Việc sùng bái tổ tiên lúc này có quan hệ rất mật thiết với chế độ gia trưởng, sùng bái tổ tiên tức là sùng bái người gia trưởng đã chết.

Đạo Bà La Môn
Đạo Bà La Môn

1. Đạo Bà La Môn

Những tín ngưỡng tôn giáo nguyên thủy nói trên hình thành trong thời kỳ chế độ thị tộc, dần dần hỗn hợp lại thành một thứ tôn giáo mới: đạo Bà La Môn. Tầng lớp tăng lữ lợi dụng tín ngưỡng tôn giáo mới để biện hộ cho chế độ xã hội có giai cấp đã hình thành. Lúc ấy vì nghi thức tôn giáo đã khá phức tạp nên xuất hiện một đẳng cấp tăng lữ đông đảo, gọi là Bà La Môn. Sau khi đẳng cấp Bà La Môn xuất hiện thì tôn giáo và triết học kết hợp với nhau tạo thành giáo lý của đạo Bà La Môn. Giáo lý Bà La Môn ra sức biện hộ cho chế độ chủng tính, cho rằng đó là chế độ hợp lý với ý muốn của thần Brahma – là đấng tối cao sáng tạo ra vũ trụ và muôn loài. Do nguồn gốc sinh ra bất đồng nên địa vị của các chủng tính là bất bình đẳng. Tầng lớp tăng lữ Bà La Môn đã đặt ra bộ luật Manu (Munudharma) để xác định về mặt pháp lý địa vị bất bình đẳng đó giữa các chủng tính.

Đạo Bà La Môn tuyên truyền cho học thuyết vạn vật trong vũ trụ là vĩnh viễn, bất di bất dịch, cũng có nghĩa là xã hội có giai cấp và chế độ chủng tính là không thể thay đổi. Đạo đó lại còn tuyên truyền thuyết luân hồi, cho rằng sau khi chết, người sẽ biến ra kiếp khác. Kẻ có nhiều tội lỗi về sau sẽ đầu thai vào súc vật. Như vậy giáo lý đó uy hiếp tinh thần của nô lệ và quần chúng bị áp bức, bóc lột, khiến cho họ không dám chống lại nền thống trị đó là làm điều ác, mà làm điều ác tức là kiếp sau sẽ hóa thân làm loài cầm thú. Tuân theo lời dạy của tầng lớp Bà La Môn tức là làm điều thiện, mà làm điều thiện thì có hy vọng kiếp sau sẽ hóa thân thành chủng tính cao cấp. Sở dĩ ngày nay người Shudra và người nô lệ chịu khổ sở là vì họ phạm tội lỗi ở kiếp trước, không nên oán trách ai, giáo lý Bà La Môn rõ ràng là phục vụ cho chế độ chủng tính đầy tội ác của xã hội Ấn Độ cổ đại.

Về sau, trải qua nhiều lần sửa đổi, đạo Bà La Môn dần dần biến thành đạo Hindu tức Ấn Độ giáo, một tôn giáo thịnh hành trong thời đại phong kiến Ấn Độ và tồn tại mãi đến ngày nay.

Đạo Thiền và Phật giáo Ấn Độ cổ đại
Đạo Thiền và Phật giáo Ấn Độ cổ đại

2. Đạo Thiền và Phật giáo Ấn Độ cổ đại

Trong thời kỳ này, đạo Bà La Môn thực chất là một công cụ áp bức giai cấp, một giáo lý duy trì trạng thái bất công trong xã hội. Bởi vậy, một số người thuộc chủng tính vương công quý tộc cũng cảm thấy đó là một tội ác không thể dung thứ được. Trước thời đạo Phật ra đời, nhiều người quý tộc bất mãn với trạng thái xã hội đó, đã từng tự ý rời bỏ đời sống giàu sang vinh hiển, đi tìm nơi ẩn dật ở chốn rừng sâu núi thẳm để tu hành khổ hạnh, mong được giác ngộ về “đạo lý”, giải thoát họ khỏi mọi đau khổ trên trần tục. Mahavira là người đầu tiên đã tìm ra “đạo lý” đó. Ông vốn dòng dõi quý tộc, lúc còn trẻ đã từ bỏ cuộc đời phú quý, ra đi tu hành khổ hạnh trong 12 năm trời, sau trở thành người “thiền” nghĩa là người “đắc đạo”. Giáo lý của ông gọi là “đạo Thiền” (Jainism).

Đạo Thiền phủ nhận quyền uy của kinh Veda, chống lại chế độ chủng tính và đạo Bà La Môn, chủ trương không tế lễ hy sinh, chỉ tu hành để cứu thoát linh hồn. Giáo lý của nó có nhiều điểm giống với đạo Phật sau này.

Sau Mahavira là Siddhartha Gautama, hiệu là Shakyamuni người sáng lập ra đạo Phật, như phần trên đã nói.

Giáo lý của Shakyamuni có phần tiêu cực, nhẫn nhục, vô vi. Ông không thấy rằng bao nhiêu tội ác trong xã hội là do chế độ người bóc lột người sinh ra, mà lại cho rằng là do lòng người sân si, tham nhũng, do tình dục trong con người sinh ra, mà tình dục của con người thì vô hạn nên mọi điều khổ não của thế sự không bao giờ tẩy rửa cho xong. Ông cho đời là bể khổ, con người bị kiếp luân hồi và luật nhân quả đầy đọa, phải tu hành để tìm cách giải thoát. Và muốn như vậy thì phải tiêu diệt hết mọi tình dục trong bản thân con người, có như thế thì kiếp sau mới có thể lên chốn Niết Bàn (Nirvana) cực lạc.

Xem đó thì thấy đạo Phật là một thứ giáo lý thoát ly thực tế cuộc sống, phủ định đấu tranh giai cấp. Tuy vậy, xét trong điều kiện lịch sử lúc bấy giờ thì về khách quan, đạo Phật cũng có mặt tích cực của nó, vì nó chủ trương sự “bình đẳng giữa chúng sinh”, mở đường giải thoát cho tất cả mọi người bị đè nén, tức là phản đối chế độ chủng tính đương thời. So với đạo Bà La Môn chủ trương bạo lực và tăng cường sự cách biệt chủng tính, thì có thể nói là đó là một sự tiến bộ đáng kể. Tuy nhiên ta cũng phải thấy rằng mặt tiến bộ này rất hạn chế vì căn bản đạo Phật không thể chủ trương tiêu diệt giai cấp trong xã hội, thái độ đối với áp lực giai cấp vẫn là nhẫn nhục, hòa hoãn, phục tùng. Bởi vậy về sau, khi giai cấp quý tộc chủ nô đã phát triển mạnh mẽ đi đến xây dựng nhà nước chuyên chế trung ương tập quyền của họ thì đạo Phật trở thành chỗ dựa của vương quyền và biến thành công cụ áp bức tinh thần của giai cấp chủ nô thống trị.

3. Tư tưởng về thần và duy vật

Ở Ấn Độ, triết học duy vật cũng đã sớm xuất hiện (thế kỷ IV trước Công nguyên). Tư tưởng vô thần và duy vật qua bao nhiêu thế kỷ đã bị giai cấp thống trị tìm mọi cách thủ tiêu, nên ngày nay không còn lưu lại một tác phẩm nào của các nhà tư tưởng duy vật Ấn Độ cổ đại, nhưng người ta cũng thấy những tư tưởng đó được phản ánh một phần nào đó trong kinh Veda, kinh Upanishad, trong hai tập thơ lịch sử Mahabharata và Ramayana, trong bộ luật Manu,… Đó là vì những tư tưởng duy vật vô thần đã để lại một dấu vết sâu sắc đến nỗi hầu như không có một tác phẩm quan trọng nào của truyết học duy tân ở Ấn Độ cổ đại mà không dành chỗ để phê phán chủ nghĩa duy vật. Qua đó mà chúng ta biết nó một cách gián tiếp.

Tinh thần chống đối đạo Bà La Môn, phê phán giáo lý về thế giới bên kia biểu lộ rõ rệt trong những thơ ca dân gian:

Khi chúng ta còn sống thì hãy sung sướng đi!
Trên đời này chẳng ai là không chết,
Mà khi người ta chết đi
Và đã biến thành tro tan
Thì sao mà sống lại được nữa.

Trong những đoạn riêng lẻ của kinh Veda, cũng có nhắc đến những lời chế giễu tầng lớp tăng lữ đọc kinh thuộc lòng: “Chẳng khác gì những đám ễnh ương thi nhau kêu to giữa mùa mưa”. Có đoạn lại nói kinh kệ là do tầng lớp tăng lữ Bà La Môn tinh khôn, khéo léo bịa ra để đánh lừa kẻ ngu ngốc: “Ba tác giả của kinh Veda là bọn hề, bọn xỏ lá và lũ quỷ sứ”.

Triết học duy vật Ấn Độ cổ đại, có nhiều trường phái, tựu trung có ba trường phái chính sau đây:

  • Phái Yadrichhavada, cho rằng thế giới là vĩnh cửu, không do ai tạo ra cả. Sự cấu tạo nên những vật cụ thể không phục tùng một nguyên tắc điều khiển nào, mà thực hiện bằng sự gặp gỡ thuần túy ngẫu nhiên của hoàn cảnh và không do ý muốn của một đấng thần thánh nào. Mặc dù học thuyết này có mặt sai lầm là phủ định tính quy luật trong tự nhiên, nhưng khuynh hướng duy vật và vô thần của nó rất rõ ràng.
  • Phái Svabhavavada cho rằng thống trị giới tự nhiên không phải là sự hỗn hợp và ngẫu nhiên, mà là tính quy luật chặt chẽ. Tính quy luật này không phải là do sức mạnh siêu nhiên của một thần linh nào cả, mà chính là do bản chất nội tại của sự vật… Theo phái này thì thế giới sinh ra hoặc là từ sự kết hợp của năm yếu tố vật chất, hoặc là từ một vật chất đầu tiên duy nhất mà ra.
  • Phái Proto-samkhya chủ trương rằng vật chất là nguồn gốc của vũ trụ, vật chất tồn tại vĩnh viễn không do ai tạo ra, tự nó là nguyên nhân của chính nó và luôn luôn ở trạng thái sinh thành và hủy diệt. Linh hồn là đồng nhất với ý thức và phát sinh từ vật chất mà ra. Học thuyết Proto-samkhya mang mầm mống của phép biện chứng, có ảnh hưởng tích cực đối với sự phát triển tư tưởng duy vật về sau này ở Ấn Độ.
Văn học, nghệ thuật Ấn Độ cổ đại
Văn học, nghệ thuật Ấn Độ cổ đại

Văn học, nghệ thuật Ấn Độ cổ đại

Tiếng Phạn (Sanskrit) mà người Ấn Độ cổ đại dùng với những âm tiết, từ vựng phong phú cũng là một thứ tiếng rất đẹp thuộc ngữ hệ Ấn-Âu.

Thơ ca lịch sử, ngụ ngôn, truyện cổ tích, thần thoại ở Ấn Độ cổ đại rất thú vị và phong phú không kém gì văn hóa Hy Lạp cổ đại ở Phương Tây. Kinh Veda là một bộ kinh cầu nguyện, đồng thời cũng là một tác phẩm văn học xưa nhất. Nhưng ở Ấn Độ, nổi tiếng nhất là hai tập thơ lịch sử vĩ đại còn lưu truyền lại đến ngày nay là bộ Mahabharata và bộ Ramayana.

Bộ Mahabharata ca tụng sự nghiệp của bộ tộc Harata, miêu tả những cảnh chinh chiến anh dũng của bộ tộc, những cảnh sinh hoạt trong xã hội cũng như cảnh ăn chơi lộng lẫy ở chốn cung đình, những cuộc tình duyên éo le giữa anh hùng và giai nhân, đượm nhiều màu sắc huyền thoại. Tập anh hùng ca ấy không phải là do một người làm ra, trong một thời đại nào nhất định, nó là một công trình tập thể do nhiều thi nhân xây dựng, trải qua nhiều thế hệ khác nhau. Đó là thiên trường ca dài nhất thế giới với tất cả hai mươi vạn câu thơ. So với hai tập anh hùng ca của cổ Hy Lạp là Iliad và Odyssey cộng lại, thì tập anh hùng ca này còn dài gấp trên bảy lần.

Bộ Ramayana thì miêu tả một câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hoàng tử Rama và người yêu Sita, trong đó có nhiều bài thơ trữ tình rất hay, rất cảm động, được người dân vô cùng ưa thích.

Hai tập anh hùng ca này rất được phổ biến ở Ấn Độ, ngay cả ngày nay cũng vậy. Đã hơn hai nghìn năm nay, Mahabharata và Ramayana là những nguồn cảm hứng vô tận của các nhà thơ văn, và nghệ sĩ Ấn Độ từ thời cổ đại cho đến ngày nay. Đa số đề tài văn học, nghệ thuật Ấn Độ đều lấy trong hai tác phẩm vĩ đại này. Ngoài ra, hai tác phẩm này còn có giá trị lịch sử rất lớn, vì đó là những nguồn tài liệu hết sức quý báu để nghiên cứu tình hình kinh tế, xã hội của Ấn Độ ở nửa đầu thiên niên kỷ I trước Công nguyên.

Nghệ thuật ở Ấn Độ phát triển theo đà phát triển của tôn giáo. Nói một cách cụ thể hơn thì trước khi Ashoka đề cao đạo Phật, nghệ thuật Ấn Độ đang còn ở giai đoạn nguyên thủy. Từ sau khi đạo Phật được truyền bá rộng rãi, nghệ thuật Ấn Độ phát triển mạnh và đượm màu sắc tôn giáo đậm đà, trong hội họa, điêu khắc cũng như trong kiến trúc.

Về mặt kiến trúc, người Ấn Độ cổ đại không để lại những công trình kiến trúc vĩ đại như Vạn lý trường thành ở Trung Quốc hay như các kim tự tháp hùng vĩ ở Ai Cập. Mãi đến giữa thế kỷ III trước Công nguyên, những cung điện và miếu mạo nguy nga xây bằng đá hoa mới bắt đầu xuất hiện ở Ấn Độ. Nhưng lối kiến trúc của Ấn Độ có mong phong cách đặc biệt của nó. Phong cách đặc biệt đó về sau này ảnh hưởng sâu sắc đến lối kiến trúc của hầu hết các nước Đông Nam Á. Lối xây dựng chùa chiền kiểu hình tháp (stupa) của nhà Phật bắt đầu từ Ấn Độ rồi phổ biến rộng rãi ra nước ngoài, đặc biệt là các nước Đông Nam Á.

Thiên văn học, toán học và y dược học Ấn Độ cổ đại
Thiên văn học, toán học và y dược học Ấn Độ cổ đại

Thiên văn học, toán học và y dược học Ấn Độ cổ đại

Ngay từ thời kỳ Veda, thiên văn học ở Ấn Độ đã bắt đầu chớm nở. Lịch pháp của người Ấn Độ cổ đại đã quy định một tháng có 30 ngày, một năm có 12 tháng, cứ 4 năm một lần là thêm 1 tháng nhuận. Cuối thế kỷ V trước Công nguyên, thiên văn học Ấn Độ đã biết giải thích một cách chính xác về những hiện tượng nhật thực và nguyệt thực. Về mặt này, thì lúc ấy đã có sự trao đổi kiến thức văn học giữa Ấn Độ, Babylon, Hy Lạp và Trung Quốc rồi.

Về môn số học, người Ấn Độ cổ đại cũng đã có những cống hiến hết sức quan trọng. Họ đã phát minh ra môn hình học, và đã sớm biết những định luật về đường cạnh đường huyền của tam giác vuông. Họ cũng đã biết tính số pi của đường tròn khá chính xác. Còn về việc ứng dụng môn đại số, người Ấn Độ đã có những thành tích lớn. Về sau, chính người Ấn Độ đã đem đại số học truyền thụ cho người Ả Rập, rồi do người Ả Rập mà đại số được truyền bá sang Châu Âu.

Ngày nay, những “chữ số Ả Rập” mà toàn thế giới thông dụng, đáng lý phải gọi là “chữ số Ấn Độ” mới phải, vì chính người Ấn Độ đã dạy cho người Ả Rập biết được cách dùng chữ số ấy. Ngay từ thời đại Ashoka (khoảng giữa thế kỷ III trước Công nguyên), người Ấn Độ đã căn cứ trên mẫu chữ Phạn để sáng chế ra những chữ số đơn giản rất thông dụng. Nhưng có lẽ mãi đến thế kỷ VI họ mới biết dùng 9 chữ số và con số 0 để biểu hiện bất cứ một lượng nào. Về sau, qua sự truyền đạt của người Ả Rập, những chữ số đó đã thay thế cho chữ số La Mã ở Châu Âu để rồi dần dần thông dụng khắp trên thế giới.

Về phát minh này, nhà toán học vĩ đại người Pháp Laplace đã nói: “Người Ấn Độ đã dạy cho chúng ta các phép tính toán tài tình ấy, chỉ dùng có 10 dấu hiệu mà biểu hiện được mọi số lượng. Mỗi một chữ số đều nói lên một trị số nhất định ở một vị trí nhất định. Đó là một phát minh thần diệu cực kỳ quan trọng. Chẳng qua ngày nay vì chúng ta dùng mãi nó quen đi, trông nó đơn giản quá rồi nên không thấy cái chân giá trị của nó nữa. Nhưng chính vì cái tính chất rất đơn giản đó của các chữ số mà môn toán học ngày nay có thể xếp vào hàng đầu trong các phát minh có lợi nhất cho loài người… Thành tựu vẻ vang đó của người Ấn Độ thời cổ đáng được mọi người khâm phục và biết ơn”.

Nền y dược học ở Ấn Độ cũng đã có từ rất sớm. Ngay trong kinh Veda, người ta đã tìm thấy nhiều tên thực vật để làm thuốc và nhiều phương pháp trị bệnh đơn giản. Ở thế kỷ V trước Công nguyên, ông tổ sư của ngành y học Ấn Độ là Sushruta đã viết một bộ sách thuốc, trong đó ông trình bày một cách tỉ mỉ thuật chữa bệnh ngoại khoa, môn bảo trợ thai sản, phương pháp dinh dưỡng, phương pháp tiêu độc, cách trị bệnh bằng các loại thực vật và những vấn đề giáo dục vệ sinh, đặc biệt là vệ sinh của hài nhi. Ông liệt kê ra có trên một nghìn chứng bệnh và có đề ra phương pháp chẩn bệnh, đồng thời cũng có nói đến dụng cụ dùng trong thuật chữa bệnh ngoại khoa. Xem như vậy thì có thể nói rằng hồi ấy ngành y dược học ở Ấn Độ đã được xây dựng trên một cơ sở khoa học.

Đến thế kỷ II, các nhà y dược học Ấn Độ đã có công tổng kết lại những thành tựu về y dược học trên thế giới hồi bấy giờ, trong một bộ sách bách khoa về y dược học (Samhita). Bộ sách này mãi đến ngày nay vẫn được giới y học Ấn Độ nghiên cứu, học tập.

Ở thời cổ đại, những thành tựu về khoa y dược học của người Ấn Độ quả thật đã vượt hẳn người Hy lạp và người La Mã. Khoa y dược đó về sau có ảnh hưởng lớn đến nền y học của người Ba Tư và người Ả Rập, và do môi giới người Ả Rập mà ảnh hưởng đến ngành y dược học châu Âu về sau này.

Lời kết về văn hóa Ấn Độ cổ đại

Có thể nói, xã hội Ấn Độ là một nền văn hóa lâu đời, vô cùng phong phú và đầy tính chất sáng tạo. Văn hóa Ấn Độ được truyền bá và có ảnh hưởng mạnh mẽ sâu rộng nhất ở nhiều dân tộc phương Đông, đặc biệt mối quan hệ hết sức mật thiết với văn hóa các nước Đông Nam Á về sau.

Lịch sử văn hóa Ấn Độ cổ đại 
– LichSu.Org –

Lịch sử Ấn Độ cổ đại
Lịch sử Ấn Độ cổ đại

Khám phá lịch sử Ấn Độ cổ đại

Ấn Độ là một nước đất rộng, người đông với những thành phần chủng tộc và ngôn ngữ phức tạp. Đây cũng là nơi khởi nguồn của 4 tôn giáo lớn trên thế giới, bao gồm: Ấn Độ giáo, Phật giáo, Jaina giáo và Sikh giáo.

Việc nghiên cứu lịch sử Ấn Độ cổ đại sẽ cho chúng ta cái nhìn toàn cảnh về nơi khởi nguồn của nền văn minh lưu vực sông Ấn cổ đại cùng với sự xuất hiện của những Đế quốc cường thịnh và các tuyến đường mậu dịch thông thương quốc tế.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.