Văn hóa Đa Bút
Văn hóa Đa Bút xuất hiện cách đây trên dưới 6.000 năm, có nhiều đặc điểm giống với văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Quỳnh Văn, nhưng tiến bộ hơn.
1. Đời sống của người nguyên thủy trong nền văn hóa Đa Bút
Trong các nền văn hóa của người nguyên thủy ở nước ta, có một địa điểm khảo cổ, vừa cho thấy mối quan hệ với văn hóa Bắc Sơn lại vừa có mối quan hệ với văn hóa Quỳnh Văn, đó là di chỉ Đa Bút ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Nơi đây là một đồi vỏ hến lớn, dài 50m, rộng 32m.
Theo các tài liệu nghiên cứu trước đây, địa điểm Đa Bút có niên đại carbon phóng xạ (C14) là 6.095 ± 60 năm. Trong đồi vỏ hến ở Đa Bút, các nhà khảo cổ đã tìm được nhiều rìu làm bằng đá cuội chỉ mài ở lưỡi. Những chiếc rìu này rất giống với rìu mài lưỡi của văn hóa Bắc Sơn. Cũng chính vì thế mà đã có người coi Đa Bút là một di chỉ văn hóa Bắc Sơn ở ngoài trời. Nhưng nhìn chung, ở Đa Bút đã có nhiều yếu tố văn hóa tiến bộ hơn văn hóa Bắc Sơn.
Bên cạnh những chiếc rìu kiểu Bắc Sơn, còn có một ít rìu được mài rộng lên cả hai mặt, đánh dấu một bước tiến mới của người nguyên thủy trong kỹ thuật mài công cụ ở nền văn hóa Đa Bút. Rất nhiều bàn mài tìm được ở đây, trong số đó có những bàn mài dùng cả hai mặt. Có một số mảnh tước dùng làm nạo, lưỡi được tu chỉnh. Ở đây cũng có một số chày nghiền bằng đá cuội, một đầu phẳng ngang. Ngoài công cụ đá, đã tìm được những cái đục bằng xương và sừng hươu. Người nguyên thủy cũng dùng ngạnh cá nheo và gai răng cưa của cá đuối.
Ở Đa Bút, đã tìm thấy khá nhiều mảnh gốm. Có thể nhận ra những chiếc nồi có đáy tròn, đường kính miệng rộng khoảng 15 – 30cm. Mặt ngoài của đồ gốm có những vết lõm do người nguyên thủy đã dùng một bàn dập buộc dây thực vật đập lên khi đất sét còn ướt. Nói chung, đồ gốm ở đây còn thô, độ nung của gốm thấp. Nhưng rõ ràng nó đã phát triển hơn đồ gốm trong văn hóa Bắc Sơn.
Nếu ở Quỳnh Văn, điệp là loài thân mềm ở biển chủ yếu mà con người nguyên thủy bắt về ăn thì ở Đa Bút, hến lại là thức ăn chủ yếu của họ. Ngoài hến, còn có một số ốc nước ngọt như ốc nhồi, ốc vặn, ốc bươu, v.v… và một số trai, ngao nước ngọt.
Người nguyên thủy ở Đa Bút cũng là những người săn bắn. Trong đồi vỏ hến, đã tìm thấy xương và răng của trâu, hươu, hoẵng, lợn rừng, cầy cáo, chim và chó. Có một số chim như bồ nông, gà rừng, sẻ, v.v… Ở đây cũng đã tìm thấy xương của các loài cá biển như cá trám, cá ó, cá đao, cá đuối. Như vậy, người nguyên thủy ở Đa Bút cũng là cư dân đánh cá. Hẳn là như các bộ lạc Quỳnh Văn, họ đã có thuyền ra biển.
Một nền nông nghiệp nguyên thủy cũng đã có khả năng phát triển trong nền văn hóa Đa Bút. Khi quan sát dưới kính hiển vi các công cụ mài lưỡi ở Đa Bút, một số nhà khảo cổ học nhận ra một số có vết xước dài ở rìa lưỡi chạy dọc theo trục thân. Theo họ, những vết xước đó nói lên rằng những công cụ này là cuốc, chứ không phải là rìu. Người nguyên thủy ở Đa Bút có thể đã biết thuần dưỡng chó và bò.
2. Mối quan hệ giữa văn hóa Đa Bút với Bắc Sơn và Quỳnh Văn
Trong việc chế tạo công cụ, người nguyên thủy Đa Bút mặc dù đã có bước tiến bộ nhưng rõ ràng còn mang truyền thống văn hóa Bắc Sơn. Công cụ ở đây làm bằng cuội, khác xa công cụ văn hóa Quỳnh Văn. Nhưng ở một số mặt, cư dân nguyên thủy Đa Bút lại gần với cư dân nguyên thủy Quỳnh Văn, bởi lẽ Đa Bút và Quỳnh Văn đều là những đồi vỏ loài thân mềm, chỉ khác ở chỗ Quỳnh Văn là đồi vỏ điệp còn Đa Bút là đồi vỏ hến.
Hoạt động kinh tế của người Đa Bút cũng gần giống với người Quỳnh Văn. Về tục chôn cất người chết, giữa người Đa Bút và người Quỳnh Văn cũng có nhiều điểm tương tự. Trong đồi vỏ hến của người Đa Bút trước đây các nhà khảo cổ đã tìm được 12 ngôi mộ. Cũng như ở Quỳnh Văn, người chết ở Đa Bút được chôn theo tư thế ngồi xổm, xương chân và xương tay gập lại. Xương đầu gối có khi giáp với xương tay và xương sọ. Người nguyên thủy Đa Bút cũng chôn theo người chết công cụ lao động và đồ trang sức. Họ cũng dùng vỏ ngao, vỏ trai xuyên lỗ để làm đồ trang sức như người Quỳnh Văn. Ở đây đã tìm được những đồ trang sức làm bằng vỏ ốc Cypraea đẹp, mài thủng lưng như ở trong văn hóa Bắc Sơn và Hòa Bình.
Các nền văn hóa và đời sống của người nguyên thủy Việt Nam
Như vậy, thông qua bài viết này, LichSu.org đã cùng bạn tìm hiểu thêm về văn hóa Đa Bút, một di chỉ khảo cổ học ở Thanh Hóa, cho thấy mối liên hệ giữa văn hóa Bắc Sơn và văn hóa Quỳnh Văn trong chiều dài lịch sử phát triển của
Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc và đời sống của người nguyên thủy Việt Nam, ngoài văn hóa Đa Bút, các bạn có thể tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác được hình thành trên đất nước ta.