Tìm hiểu về văn hóa Hạ Long
Văn hóa Hạ Long xuất hiện vào khoảng cuối thời đại đá mới với những bước tiến đáng kể trong kỹ thuật chế tác đá và gốm của người nguyên thủy.
1. Kỹ thuật chế tác đá của người nguyên thủy Hạ Long
Trên vùng bờ biển Quảng Ninh, Hải Phòng và trên một số đảo trong vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, các nhà khảo cổ học đã gặp các di chỉ của văn hóa Hạ Long, một văn hóa cuối thời đại đá mới. Văn hóa Hạ Long có thể có nguồn gốc từ các văn hóa sau Bắc Sơn tồn tại sớm hơn ở vùng Đông Bắc nước ta.
Ở di chỉ Cái Bèo, trên đảo Cát Bà (Hải Phòng), lớp chứa di tích văn hóa Hạ Long nằm trên lớp chứa loại rìu được mài rộng toàn thân nhưng chưa làm nhẵn hết các vết đẽo, có mặt cắt ngang hình bầu dục hay hình thấu kính, và loại gốm có hoa văn nan tạo nên bằng bàn dập buộc dây. Lớp này có một niên đại carbon phóng xạ (C14) trước đây niên đại các nhà khảo cổ tìm được là 5.646 ± 60 năm, có thể tương đương với giai đoạn Đa Bút ở Thanh Hóa. Loại rìu đá thấy ở lớp dưới di chỉ Cái Bèo vẫn tiếp tục tồn tại trong một số di chỉ văn hóa Hạ Long.
Chủ nhân của văn hóa Hạ Long sống chủ yếu trong các địa điểm ngoài trời, nhưng dấu vết của họ cũng có trong một số hang động trên các đảo. Trong nơi cư trú của họ, đã tìm thấy nhiều công cụ bằng đá như rìu, bôn (còn gọi là vời, gần giống rìu nhưng lưỡi được mài vát một bên và có cán lắp như kiểu cán cuốc) và đục. Những công cụ này đều được mài nhẵn.
Người nguyên thủy ở đây đã có một trình độ cao trong kỹ thuật chế tác đá. Ngoài kỹ thuật mài, họ đã sử dụng rộng rãi kỹ thuật cưa đá. Đã tìm được những mảnh lưỡi cưa bằng đá. Họ cũng đã thành thạo trong kỹ thuật khoan với việc khoan xuyên lỗ, cũng như khoan tách lõi. Khoan tách lõi là một kỹ thuật khoan phổ biến trong nhiều bộ lạc hậu kỳ đá mới ở Việt Nam. Bằng một giá khoan thế nào đó, người ta cho mũi khoan chuyển động trên mặt đá và khoét thành một rãnh tròn. Khi rãnh sâu đến độ cần thiết, người ta đập mạnh, một lõi tròn hình trụ hay hình nón cụt vỡ tách ra và để lại một lỗ tròn trên tấm đá mà người ta muốn khoan.
Kết hợp khéo léo các kỹ thuật cưa, mài, khoan, chủ nhân văn hóa Hạ Long đã chế tác được những công cụ và đồ trang sức rất đẹp. Loại công cụ đá tiêu biểu cho văn hóa Hạ Long là bôn có vai có nấc. Loại bôn này có chuôi để tra vào cán, chuôi thu nhỏ nên nhìn mặt trước, ta thấy có vai, còn nhìn mặt bên ta thấy có một cái bậc giữa phần thân và phần chuôi, nên gọi là có nấc. Loại bôn này chiếm số lượng nhiều nhất, được mài nhẵn bóng, có kích thước nhỏ nhắn, chiều dài từ lưỡi đến chuôi phần lớn nằm trong khoảng 3-4 cm, chiều rộng lưỡi cũng tập trung trong khoảng 3-4 cm. Nhờ có vai và nấc, người nguyên thủy có thể cắm hay buộc bôn vào cán một cách chắc chắn.
Ngoài ra, ở các di chỉ văn hóa Hạ Long cũng tìm thấy bôn có nấc mà không có vai và một số rìu có vai. Có cả loại rìu có vai kép, mỗi bên có đến hai vai. Cũng có những chiếc rìu tứ giác, không vai và những chiếc đục. Trong các di chỉ, tìm thấy rất nhiều bàn mài, đặc biệt là loại bàn mài có nhiều rãnh sâu cắt nhau. Người ta đã tìm thấy hơn bốn nghìn bàn mài có rãnh trong các di chỉ văn hóa Hạ Long.
Với kỹ thuật khoan và mài, người nguyên thủy vùng Hạ Long đã tạo ra những đồ trang sức đẹp bằng đá. Vòng trang sức của người Hạ Long có nhiều kích thước khác nhau. Có loại vòng to, mặt cắt hình tam giác, đỉnh nhọn ở mép ngoài. Có loại vòng nhỏ, có gờ chỉ chạy ở mặt ngoài hay có một vành mỏng ở xung quanh làm cho vòng có mặt cắt chữ T. Khuyên tai đá cũng có nhiều loại. Loại có mặt cắt tròn, loại có thiết diện gần tam giác vân, có loại hình ống. Tất cả đều có khe hở để đeo. Ở Tuần Châu, một di chỉ văn hóa Hạ Long, còn tìm được một chiếc vòng bằng đất nung. Sự tồn tại của nhiều loại đồ trang sức nói lên rằng chủ nhân văn hóa Hạ Long đã có một mỹ cảm phát triển.
2. Kỹ thuật đồ gốm trong văn hóa Hạ Long
Trong các di chỉ văn hóa Hạ Long, có rất nhiều đồ gốm. Cư dân nguyên thủy ở đây đã biết làm đồ gốm bằng bàn xoay. Đó là những thứ đồ dùng hàng ngày như nồi, niêu, vò, hũ, bát, ấm… Có loại có miệng hơi loe, có loại miệng loe ngang gãy góc, có loại miệng loe ra rồi lại có giờ gấp vào bên trong. Có loại đồ đựng đặc biệt, miệng là hình nhiều cạnh. Một số đồ đựng có vành chân đế. Bát thì có vành chân đế thấp và bé. Môt số chân đế cao có trổ lỗ, đó là kiểu trang trí của người nguyên thủy.
Trên nhiều đồ gốm có hoa văn dấu thừng. Người nguyên thủy đã buộc dây thừng vào chiếc bàn dập rồi dập lên gốm khi đất còn ướt. Người ta cũng dùng que nhọn vạch lên đồ gốm những hình trang trí, đó là những đường song song hoặc những đường song song cắt nhau thành ô vuông hay ô trám, những hình tam giác chạy nối nhau, bên trong các hình tam giác là các đoạn thẳng song song. Các đồ án trang trí thường gặp ở phần vai hay phần cổ của đồ đựng. Trên một loại nồi nhỏ có miệng loe,ở mặt ngoài của gờ miệng cao, người nguyên thủy còn lấy đất đắp thành những hình chữ S nối đuôi nhau chạy quanh gờ miệng. Đồ gốm thường có màu xám hay đỏ gạch.
Người xưa đã pha nhiều cát thô vào đất sét làm gốm. Gốm có loại xốp, có loại chắc. Thành gốm có độ dày trung bình là 0,4 – 0,5cm. Có những đồ gốm dày trên 1cm, nhưng cũng có đồ gốm mỏng 0,2cm. Rõ ràng chủ nhân văn hóa Hạ Long đã có một kỹ thuật làm đồ gốm phát triển.
3. Những khám phá khảo cổ khác
Các bộ lạc Hạ Long đã có một cuộc định cư lâu dài. Trong một số di chỉ, đã tìm được một số xương hươu, nai, lợn rừng, nói lên rằng săn bắn còn là một hoạt động kinh tế của người nguyên thủy. Họ cũng còn là cư dân đánh cá. Lưới đánh cá của họ có buộc những hòn chì lưới bằng đá hay bằng đất nung. Loại chì lưới bằng đá thường chỉ là viên đá có rãnh eo ở giữa. Loại chì lưới bằng đất nung được nặn khá đẹp, hình bầu dục, có hai lỗ và rãnh nối các lỗ để buộc dây.
Nhưng cũng có nhiều di chỉ văn hóa Hạ Long có tầng văn hóa dày, chứa nhiều đồ gốm, nhưng không có hoặc có rất ít xương thú và không có chì lưới. Điều đó nói lên rằng săn bắt và đánh cá, dầu còn tồn tại, đã không đóng vai trò chủ yếu trong đời sống các bộ lạc văn hóa Hạ Long nữa.
Trong hang Bái Tử Long (Quảng Ninh), tìm được một ngôi mộ thuộc văn hóa Hạ Long. Người chết được chôn nằm ngửa. Ở ngực có nắm hạt chuỗi dài bằng xương, mài rất nhẵn. Trên xương, thấy có nhiều bột thổ hoàng đỏ.
Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy
Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc và đời sống của người nguyên thủy Việt Nam, ngoài văn hóa Hạ Long, các bạn có thể tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác được hình thành trên đất nước ta.