Văn hóa Phùng Nguyên – cội nguồn của nền văn minh sông Hồng

Tìm hiểu về văn hóa Phùng Nguyên

Văn hóa Phùng Nguyên đã tồn tại trong khoảng nửa đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên, được xem là cội nguồn của nền văn minh sông Hồng.

Đồ đồng tham gia vào thế giới đồ đá

Cư dân cuối thời đại đá mới trên đất nước ta, khi đã đưa kỹ thuật chế tác đá lên đến đỉnh cao, đã tìm được một loại vật liệu mới, đó là đồng. Thứ kim loại màu này xuất hiện giữa thế giới đồ đá dần dần làm thay đổi sức sản xuất của xã hội và gây ra những chuyển biến mạnh mẽ trong cơ cấu xã hội nguyên thủy.

Tuy nhiên, trong buổi đầu có mặt của đồng, hay đồng thau, chưa phải đã dễ dàng nhận ra một sự biến đổi trong văn hóa vật chất hay tinh thần của người nguyên thủy cũng như trong tổ chức xã hội của họ. Chính vì vậy mà khó tìm được một ranh giới rõ rệt về trình độ kinh tế, kỹ thuật và văn hóa giữa các bộ lạc hậu kỳ thời đại đá mới với các bộ lạc sơ kỳ thời đại đồ đồng. Một trong các nhóm bộ lạc mà hoạt động chế tác kim loại đã biểu hiện rõ ràng qua các di tích khảo cổ học đó là chủ nhân của nền văn hóa Phùng Nguyên phân bố trong lưu vực sông Hồng.

Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều di tích văn hóa Phùng Nguyên trong các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Ninh, Hà Nội và Hải Phòng.

Kỹ thuật làm đồ đá trong văn hóa Phùng Nguyên

Chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên là những người đạt đến một trình độ cao trong kỹ thuật làm đồ đá. Công cụ và đồ trang sức đều được mài nhẵn. Kỹ thuật chưa phổ biến làm cho con người có thể tạo ra các vật phẩm bằng đá có hình dạng chính xác và tiết kiệm nguyên liệu. Họ cũng đã biết khoan lỗ và khoan tách lõi. Đặc biệt là người Phùng Nguyên đã biết tiện đá. Những đường gờ nhỏ song song, trông như những đường ren trên các vòng trang sức đã chứng tỏ cho chúng ta thấy điều đó.

Có thể nói, các bộ lạc Phùng Nguyên đã đạt đến đỉnh cao của kỹ thuật làm đồ đá mà con người ở các giai đoạn trước hay sau văn hóa này đều không thể vượt qua. Công cụ đá tìm thấy nhiều nhất trong các di chỉ là rìu và bôn có thiết diện tứ giác. Bôn nhiều hơn rìu. Loại bôn hay rìu có kích thước nhỏ phổ biến. Chúng hẳn không phải là những công cụ chặt, mà có chức năng như những con dao nhỏ dùng để làm đồ xương, đồ gỗ, và có thể là dùng để nạo mặt gốm, khắc rãnh đồ gốm. Trong các di chỉ Phùng Nguyên, những chiếc rìu có vai trò rất hiếm.

Các hoạt động kinh tế

Các bộ lạc Phùng Nguyên là cư dân nông nghiệp lúa. Trong lớp dưới của di chỉ Đồng Đậu (ở Yên Lạc, Vĩnh Phúc) thuộc văn hóa Phùng Nguyên đã tìm thấy gạo cháy. Ở di chỉ Tràng Kênh (thuộc Thủy Nguyên, Hải Phòng), đã tìm thấy phấn hoa của loài lúa nước Oryza. Những nơi cư trú rộng hàng chục vạn mét vuông với tầng văn hóa chứa đầy mảnh gốm cho chúng ta biết về những xóm làng cổ định cư lâu dài. Những bình vại lớn, có thành dày, đường kính miệng đến 70-80cm, rõ ràng là dùng để đựng lương thực thu hoạch được do nông nghiệp.

Người Phùng Nguyên đã biết chăn nuôi, ít ra họ đã nuôi chó, lợn, trâu, bò và gà. Xương răng chó lợn, trâu bò nhà đã tìm được trong một số di chỉ và mộ táng. Ở di chí Xóm Rền (thuộc Phù Ninh, Phú Thọ) đã tìm thấy tượng đầu gà bằng đất nung.

Bên cạnh nông nghiệp và chăn nuôi, nghề săn bắn vẫn tồn tại. Trong các địa điểm thuộc văn hóa này thường tìm thấy một số mũi tên đá. Cũng tìm thấy xương thú rừng. Nhưng nghề săn không còn chiếm vị trí chủ yếu trong đời sống, trong nhiều địa điểm đã được khai quật với diện tích lớn, xương thú tìm được rất ít. Các nơi cư trú đều phân bố theo dọc các con sông, nhưng nói chung, nghề đánh cá không phát triển trong các bộ lạc Phùng Nguyên. Trong nhiều di chỉ, kể cả di chỉ Phùng Nguyên, hầu như không tìm thấy chì lưới. Chỉ có đôi nơi, chẳng hạn như ở di chỉ Đồng Vông (thuộc Đông Anh, Hà Nội), tìm thấy nhiều chì lưới, có thể ở đây nghề đánh cá phát triển hơn.

Các nghề thủ công như đan lát, xe chỉ, dệt vải đều đã phát triển. Chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên đã biết đan lóng đôi và lóng thúng rất đẹp, giống hệt ngày nay, các dấu đan còn lại trên đồ gốm xác nhận điều đó. Các dấu dây in trên gốm cũng chứng tỏ họ đã xe được các loại thừng to và chỉ nhỏ. Đã phát hiện được nhiều dọi xe chỉ trong các địa điểm thuộc văn hóa này.

Đồ gốm Phùng Nguyên

Cư dân Phùng Nguyên cũng là những người thợ gốm có tài. Họ đã dùng bàn xoay để nặn đồ gốm. Độ nung chưa cao lắm nhưng đồ gốm đã khá tốt. Kiểu dáng đồ gốm rất đẹp, có nhiều loại như nồi, bình, vại, mâm bồng, cốc chân cao, bát, đĩa… Đồ gốm thường được trang trí nhiều đồ án đẹp. Kiểu hoa văn đặc trưng cho văn hóa Phùng Nguyên là giữa hai đường vạch chìm, có những đường chấm nhỏ được tạo nên bằng cách lăn một cái trục tròn có khắc ô vuông nhỏ hay là ấn một cái que có nhiều răng.

Ở giai đoạn sớm của văn hóa Phùng Nguyên, tiêu biểu là các di chỉ Gò Bông (ở Tam Nông, Phú Thọ), Gò Hện (ở Ba Vì, Hà Nội), đồ gốm phần nhiều có mép miệng uốn vào trong. Nồi thường có phần miệng cao. Có loại mâm bồng có chân đế nhỏ, thẳng và cao. Cũng xuất hiện loại bình hình lãng hoa có núm xuyên lỗ gắn ở miệng, mặt ngoài phủ kín những dải hoa văn đường chấm thưa xen giữa những giải hình chữ S. Loại hình này tồn tại suốt giai đoạn giữa.

Ở giai đoạn sớm, đồ án trang trí thường gồm những nét phóng khoáng, tự do. Phổ biến là đồ án chữ S rời nhau, chưa xuất hiện kiểu chữ S dính liền nhau. Trong giai đoạn này, có loại đồ gốm làm bằng đất sét mịn, không pha cát, thành gốm mỏng, da gốm đen bóng, có trang trí những đồ án đẹp, trên các nét vạch trang trí lại được phủ thêm một lớp bột trắng khiến cho các hình trang trí càng nổi lên trên nền đen, vừa duyên dáng vừa trang trọng. Loại đồ gốm này hiếm dần trong các giai đoạn giữa.

Ở giai đoạn giữa của nền văn hóa Phùng Nguyên, tiêu biểu là các di chỉ Phùng Nguyên, Xóm Rền và An Đạo (cùng thuộc Phù Ninh, Phú Thọ),… phổ biến loại đồ đựng có mép miệng dày, thường có gờ nổi ở mặt ngoài. Nhiều loại bình vò có kích thước lớn, mâm bồng có chân rộng và loe. Các đồ án trang trí trong giai đoạn này tuân thủ chặt chẽ nguyên tắc đối xứng. Đồ án trang trí thường gồm những đường cong uốn lượn phức tạp. Xuất hiện những giải chữ S nối liền nhau, đệm giữa những khoảng trống hai bên là những hình tam giác.

Ở giai đoạn cuối, tiêu biểu là khu di chỉ và mộ táng Lũng Hòa (ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), đồ gốm không còn được trang trí đẹp như các giai đoạn trước nữa. Không còn các đồ án đối xứng chặt chẽ. Đã bắt đầu xuất hiện lối trang trí bằng que nhiều răng, tạo thành nhiều đường chạy song song. Lối trang trí này tiêu biểu cho đồ gốm văn hóa Phùng Nguyên ở Đồng Đậu phát triển sau đó. Có nhiều đồ đựng miệng loe. Các nồi gốm thấp dần và miệng có đường kính nhỏ hơn phần bụng.

Kỹ thuật luyện kim Phùng Nguyên

Điểm đáng chú ý trong đời sống kinh tế của cư dân văn hóa Phùng Nguyên là sự xuất hiện của đồng và kỹ thuật luyện kim. Đồng đã có mặt ngay ở giai đoạn sớm nhất của văn hóa này. Ở Gò Bông, bên cạnh những cục đồng còn tìm thấy xỉ đồng, chứng tỏ con người đã luyện kim ở ngay đây, chứ không phải dùng đồ đồng ở nơi khác đưa đến. Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy những đồ đồng nguyên vẹn trong các di chỉ Phùng Nguyên. Có lẽ do lúc bấy giờ đồ đồng còn rất hiếm. Phân tích trong cục đồng tìm được ở Gò Bông, các nhà khảo cổ học cho rằng người Phùng Nguyên đã biết đến hợp kim đồng thau, gồm đồng và thiếc. Tuy chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên đã biết đến kim loại, đồ đồng vẫn chưa lấn được thế lực của công cụ đá. Công cụ đá vẫn là công cụ sản xuất chủ yếu.

Đời sống tinh thần của các bộ lạc trong nền văn hóa Phùng Nguyên

Những tài liệu thu được thông qua các cuộc khai quật khảo cổ còn cho chúng ta biết một số nét về đời sống tinh thần của các bộ lạc Phùng Nguyên.

Chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên là những con người có mỹ cảm phát triển. Chúng ta có thể nhận biết về cảm xúc cái đẹp của con người Phùng Nguyên qua đồ trang sức, đồ gốm và ngay cả trên công cụ đá của họ. Công cụ đá của người Phùng Nguyên đều cân xứng, có những cái nhỏ bé mài nhẵn bóng, trông như đồ chơi. Thậm chí trên một số rìu, đục bằng đá còn được trang trí những được khắc chìm. Những vòng trang sức, những hạt chuỗi bằng đá nephrite màu xanh như màu men ngọc hay trắng như ngà, được khoan tiện tinh vi, nhỏ nhắn, xinh xắn, khiến cho nhiều người ngày nay trông thấy phải ngạc nhiên, thán phục.

Nhưng phải nói là cảm xúc về cái đẹp và tài năng nghệ thuật của chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên biểu hiện rõ ràng nhất trên đồ gốm. Đồ gốm, như đã nói ở trên, có hoa văn đẹp. Người Phùng Nguyên ưa thích họa tiết tạo nên bằng những đường cong. Tất cả đều uyển chuyển, thanh thoát, dứt khoát mà vẫn mềm mại, nhịp nhàng mà không đơn điệu. Sự hài hòa của bố cục hoa văn biểu hiện cả chiều ngang và chiều dọc đồ đựng và có sự phối hợp khéo léo giữa hoa văn và và kiểu dáng.

Trong một số di chỉ văn hóa Phùng Nguyên, đã tìm thấy một số tượng động vật bằng đất nung như tượng gà, tượng bò. Những tượng này, tuy nhỏ bé, đã nói lên rằng tác giả đã quan sát tinh tế thế giới bên ngoài và tái hiện bằng bàn tay khéo léo của mình. Tượng người đàn ông bằng đá ở di chỉ Văn Điển (Hà Nội), lại mang lại một phong cách sơ đồ và ước lệ, không có tay, mặt không được thể hiện chính xác, người ta chỉ cố ý làm rõ bộ phận sinh dục. Điều này có thể liên quan đến tín ngưỡng phồn thực ở các cư dân nông nghiệp, con người cầu mong cho mùa màng sinh sôi nảy nở.

chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên chôn người chết ngay nơi cư trú. Ở khu Đường, Xóm Rền (thuộc Phù Ninh, Phú Thọ), người chết được chôn nằm ngửa trong những huyệt nông. Trong mộ có chôn theo đồ trang sức như khuyên tai, hạt chuỗi, công cụ đá và đồ gốm. Ở Lũng Hòa (thuộc Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc), người chết được trôn trong những huyệt mộ được đào rất sâu. Có mộ sâu đến hơn 5m. Vách huyệt mộ thường được đào thành bậc, đa số có một bậc nhưng cũng có những mộ có hai bậc.

Trong các ngôi mộ ở Lũng Hòa, có chôn theo rất nhiều loại đồ gốm như nồi, bình, bát, dọi xe chỉ, công cụ đá như rìu, đục, bàn mài và đồ trang sức bằng đá như vòng tay, khuyên tai, hạt chuỗi. Ngoài ra, thường gặp xương hàm lợn trong mộ, có mộ có đến ba xương hàm lợn. Như vậy là cư dân ở đây thường chôn đầu lợn vào mộ, hẳn là để làm thức ăn cho người chết ở “thế giới bên kia”.

Người chết trong các ngôi mộ ở Lũng Hoa, trừ một mộ, đều được đặt quay đầu về hướng Đông. Hai ngôi mộ ở Xóm Rền cũng có đầu quay hướng Đông. Phải chăng hiện tượng này gắn liền với sự sùng bái mặt trời? Nghiên cứu hoa văn đồ gốm Phùng Nguyên, có thể thấy những đồ án có liên quan đến mặt trăng, mặt trời, mưa, nước, cây, hạt… Những đường xoáy quay tròn của hoa văn có thể là biểu hiện sự biến chuyển của mặt trời, của mùa màng… Đó là những motif trang trí thường gặp ở các bộ lạc nông nghiệp. Qua những motif đó, ta có thể tìm hiểu phần nào quan niệm của người Phùng Nguyên về thế giới, về vũ trụ. Quan niệm đó hiển nhiên không phải chỉ phủ đầy màu sắc tôn giáo mà còn có những yếu tố tích cực, đó là những nhận thức đúng đắn về thế giới bên ngoài, tạo điều kiện phát triển cho tư duy khoa học. Kỹ thuật một phần nhờ đó mà phát triển.

Sự chính xác của lỗ khoan, của kích thước rìu, của lần lặp lại những họa tiết trên đồ gốm (lần lặp lại của họa tiết phức tạp thường là 6 hoặc 3) cho chúng ta biết sự suy nghĩ tính toán của chủ nhân văn hóa Phùng Nguyên. Các đồ án hoa văn tuân thủ chặt chẽ các quy tắc đối xứng khác nhau như đối xứng gương, đối xứng trục quay… cũng nói lên sự phát triển của tư duy khoa học, bên cạnh tư duy mỹ học, ở người Phùng Nguyên.

Văn hóa Phùng Nguyên – cội nguồn của nền văn minh sông Hồng

Lớp dưới của di chỉ văn hóa Phùng Nguyên ở Đồng Đậu (thuộc Yên Lạc, Vĩnh Phúc) có niên đại carbon phóng xạ (C14) là 1.380 ± 100 năm trước Công nguyên. Di chỉ Tràng Kênh (thuộc Thủy Nguyên, Hải Phòng) có niên đại carbon phóng xạ (C14) là 1.455 ± 100 năm trước Công nguyên. Những nơi này chứa di tích văn hóa Phùng Nguyên thuộc giai đoạn muộn. Do đó, có thể đoán định rằng văn hóa Phùng Nguyên đã tồn tại trong nửa đầu thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên.

Các bộ lạc Phùng Nguyên đã có một vị trí quan trọng trong quá trình hình thành nền văn minh Sông Hồng. Cách đây 4.000 năm, tụ cư ở vùng lưu vực sông Hồng và các chi lưu, các bộ lạc Phùng Nguyên, với kỹ thuật luyện kim, trở thành các bộ lạc tiên tiến đương thời, đã tạo nên những cơ sở vật chất và tinh thần đầu tiên cho thời kỳ Hùng Vương. Tất cả những chứng cứ khảo cổ học đều nói lên rằng sự phát triền từ văn hóa Phùng Nguyên đến văn hóa Đông Sơn, qua các giai đoạn Đồng Đậu, Gò Mun, trong lưu vực Sông Hồng, là liên tục. Điều đó không những chứng minh rằng văn hóa Phùng Nguyên là cội nguồn của văn minh sông Hồng mà còn chứng minh các bộ lạc Phùng Nguyên là cái lõi đầu tiên của dân tộc Việt.

Do ở thời kỳ này công cụ đá còn phổ biến và chiếm ưu thế, các bộ lạc Phùng Nguyên vẫn chưa vượt ra khỏi phạm trù hình thái công xã nguyên thủy. Hình thái xã hội này còn tiếp tục tan rã cùng với các bước phát triển của văn hóa đồng thau trong các giai đoạn sau như Đồng Đậu, Gò Mun. Sự xuất hiện của nghề luyện kim ở các bộ lạc Phùng Nguyên cho phép chúng ta suy đoán rằng người đàn ông đã bắt đầu chiếm vị trí quan trọng trong sản xuất. Có thể bấy giờ, công xã thị tộc mẫu quyền đã bắt đầu chuyển sang công xã thị tộc phụ quyền, hay ít ra, đã có những mầm mống của chế độ phụ quyền. Phải chăng tượng người đàn ông bằng đá tìm thấy ở Văn Điển cũng góp phần xác minh điều này?

Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy
Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy

Các nền văn hóa Việt Nam thời nguyên thủy

Để hiểu hơn về lịch sử dân tộc và đời sống của người nguyên thủy ở Việt Nam, ngoài văn hóa Phùng Nguyên nói trên các bạn có thể tìm hiểu thêm về các nền văn hóa khác được hình thành trên đất nước ta qua từng giai đoạn với những đặc trưng khác nhau mà LichSu.org chia sẻ dưới đây:

  1. Văn hóa Sơn Vi
  2. Văn hóa Hòa Bình
  3. Văn hóa Bắc Sơn
  4. Văn hóa Quỳnh Văn
  5. Văn hóa Đa Bút
  6. Văn hóa Hạ Long
  7. Văn hóa Bàu Tró
  8. Các nền văn hóa nguyên thủy khác

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.