Văn hóa Quỳnh Văn (Đời sống người nguyên thủy Việt Nam)

Nền văn hóa Quỳnh Văn

Văn hóa Quỳnh Văn được phân bố chủ yếu ở vùng ven biển Nghệ An và Hà Tĩnh, có một vài đặc điểm khác biệt so với các nền văn hóa ở vùng núi.

1. Đời sống của người nguyên thủy ở Quỳnh Văn

Một văn hóa đá mới có gốm khác phân bố ở vùng ven biển là văn hóa Quỳnh Văn. Tiêu biểu nhất là di chỉ Quỳnh Văn ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An), một đồi vỏ sò điệp lớn nằm ven biển quốc lộ I, cách thành phố Vinh 57km về phía Bắc. Trước đây Bùi Dương Lịch (1) đã mô tả đồi vỏ điệp này trong sách “Nghệ An ký” và coi đây là dấu tích của biển xưa.

Từ năm 1963, nhờ những cuộc khai quật khảo cổ, chúng ta mới biết rằng đồi vỏ điệp Quỳnh Văn được tạo nên do bàn tay của người nguyên thủy. Ngày nay, di chỉ Quỳnh Văn cách biển hơn 6km nhưng ngày xưa biển ở gần hơn. Trong vùng huyện Quỳnh Lưu, các đồi vỏ sò điệp có dấu tích văn hóa nguyên thủy phân bố bao quanh vùng ruộng nước hoặc đồng lầy mặn. Xưa kia, khi các bộ lạc văn hóa Quỳnh Văn còn sinh sống ở đây, vùng ruộng nước và đồng lầy này còn là một cái vịnh biển nông, nửa kín mà bờ phía đông là dải cát sát bờ biển hiện nay. Cái vịnh biển lặng gió, ít sóng này là môi trường sống thích hợp của điệp (Placuna placenta), một loài nhuyễn thể nước mặn.

Chủ nhân văn hóa Quỳnh Văn lấy điệp về ăn và vứt vỏ ngay nơi cư trú của họ. Lâu dần, vỏ tích lại thành đồi lớn. Ngoài điệp, sò cũng là thức ăn quan trọng của họ. Đó là các loại sò (Arca) có gai hay nhẵn. Ngoài ra còn một số động vật thân mềm như ốc đinh, ốc sắt, ốc gai, ngao, hàu.

Trong các đồi vỏ sò điệp như vậy, người ta đã tìm thấy nhiều công cụ đá của người nguyên thủy. Ngoài một số ít hòn ghè và chày nghiền làm bằng cuội, hầu hết công cụ của chủ nhân văn hóa Quỳnh Văn đều làm bằng đá gốc. Đó là một đặc điểm khác hẳn văn hóa Bắc Sơn. Loại đá được dùng chế tác công cụ phổ biến nhất ở đây là đá kê-ra-tô-phia – thạch anh. Người nguyên thủy ở đây đã đẽo trên cả hai mặt. Rìu có đốc dày, lưỡi và hai bên rìa cạnh được ghè mỏng. Lưỡi thẳng hoặc có hình cung. Khắc hẳn rìu Bắc Sơn, rìu Quỳnh Văn không làm bằng đá cuội và không có dấu vết mài. Chưa có kỹ thuật mài là đặc điểm của kỹ thuật chế tác đá ở các bộ lạc Quỳnh Văn. Kỹ thuật duy nhất ở đây là ghè đẽo. Không tìm thấy công cụ mài và cũng không tìm thấy bàn mài.

Ngoài rìu, đã tìm được nhiều công cụ chặt hay nạo bằng đá. Có loại thô, rìa cạnh dày, có loại được chế tác khá tinh tế, rìa cạnh sắc. Người nguyên thủy ở đây cũng dùng xương để chế tác công cụ. Đã tìm được những mũi dùi bằng xương. Trong các mộ táng, còn tìm được những chiếc đục bằng xương. Đó là những chiếc đục vũm làm bằng một phần xương ống động vật, dài từ 10 đến 14cm, có lưỡi và được mài sắc và đẹp.

Tuy kỹ thuật mài đá chưa xuất hiện, các bộ lạc Quỳnh Văn vẫn chưa được coi là đã bước vào thời đại mới. Người Quỳnh Văn đã biết làm đồ gốm. Gốm Quỳnh Văn còn là gốm thô. Trong đất làm gốm có nhiều hạt cát to. Bên ngoài đồ gốm có phủ một lớp đất mịn nên mặt gốm tương đối nhẵn. Người Quỳnh Văn nặn gốm bằng tay, chưa biết dùng bàn xoay, nhưng gốm đã có độ dày khá đều. Ở đồi vỏ điệp Quỳnh Văn, có loại nồi gốm có đáy nhọn, trong và ngoài đều có vết chải. Nồi gốm đáy nhọn được làm bằng tay. Người nguyên thủy lấy đất sét nặn thành giải rồi cuộn chồng lên nhau từ dưới lên trên, bắt đầu từ cái núm nhọn ở đáy. Loại đồ gốm đáy nhọn này có rất nhiều ở đồi vỏ sò điệp Phái Nam, một di chỉ văn hóa Quỳnh Văn ở huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh).

Trong các nơi cư trú thuộc văn hóa Quỳnh Văn, đã tìm thấy các bếp của người nguyên thủy. Đó là những đám tro than, có những hòn đá ám khói. Một số hòn đá nứt nẻ vì bị lửa nung. Thường có ba hòn đá được kê làm đầu rau (2). Trong tro than, thường lẫn lộn xương thú, xương cá và càng cua. Đó là dấu vết những thức ăn mà người nguyên thủy đã nấu nướng. Qua những dấu vết đó, chúng ta có thể biết được phần nào hoạt động kinh tế của các bộ lạc Quỳnh Lưu. Cư dân trong các bộ lạc này sống chủ yếu dựa vào việc bắt điệp, sò, ốc ở bờ biển và vùng nước lợ. Người nguyên thủy ở Quỳnh Văn còn sống bằng nghề đánh cá. Trong đồi vỏ sò điệp đã tìm thấy các đốt xương sống và vây của các loài các biển khá lớn. Muốn đánh được các loài cá biển như vậy, người nguyên thủy phải có thuyền ra biển. Săn bắn cũng là một hoạt động kinh tế của người Quỳnh Văn. Trong nơi cư trú của họ, đã tìm thấy xương và răng của hươu nai, trâu bò, nhím và chó. Đó là các thú rừng mà người nguyên thủy đã săn bắn được. Ở đây cũng đã tìm thấy ngà voi. Như vậy là người Quỳnh Văn đã săn được cả những thú lớn. Nhưng số lượng xương thú ở Quỳnh Văn rất ít, có lẽ nghề săn bắn ở đây không đóng một vai trò lớn lắm.

Nhờ nguồn thức ăn động vật thân mềm như sò điệp khá phong phú và ổn định, các bộ lạc Quỳnh Văn đã có thể định cư khá lâu dài ở một nơi nhất định. Đồi vỏ điệp Quỳnh Văn cao, rộng là một chứng cứ cho sự định cư đó. Có lẽ một nền nông nghiệp sơ khai đã phát triển trong điều kiện định cư như vậy. Ở Quỳnh Văn đã tìm thấy nhiều chày đá và bàn nghiền. Có những bàn nghiền rất lớn. Do được dùng lâu, các bàn nghiền thường bị lõm một mặt hay hai mặt. Khó mà xác định được rằng những bàn nghiền như vậy là dùng để nghiền hạt hoang dại hay hạt cây trồng. Chúng ta chỉ đoán rằng chúng có thể được dùng trong nông nghiệp. Đồ gốm trong văn hóa Quỳnh Văn phát triển cao hơn trong văn hóa Bắc Sơn càng làm chúng ta nghiêng về khả năng đó.

2. Tín ngưỡng trong nền văn hóa Quỳnh Văn

Đồi vỏ điệp Quỳnh Văn vừa là nơi cư trú vừa là khu mộ của người nguyên thủy. Cho đến nay đã tìm được 31 ngôi mộ cổ ở đây. Cách chôn người chết của người nguyên thủy ở Quỳnh Văn khá đặc biệt. Người ta đào những huyệt mộ tròn thẳng từ trên xuống dưới xuyên qua lớp vỏ điệp. Đường kính của huyệt mộ trung bình từ 60 đến 70cm, mộ bé nhất có đường kính 43cm và mộ lớn nhất 125cm. Căn cứ vào vị trí của xương đầu và xương chân tay trong các mộ, chúng ta biết rằng người chết đã được chôn vào mộ với tư thế ngồi xổm, chân co lại, hai tay duỗi hai bên, đầu tựa vào thành huyệt. Có lẽ người nguyên thủy đã trói người chết lại trong tư thế đó trước khi đưa xuống huyệt.

Tài liệu dân tộc học cho biết rằng tục trói người chết rồi chôn ngồi có ở nhiều dân tộc trên thế giới. Lối chôn như vậy biểu hiện tín ngưỡng sợ người chết trở về làm hại người sống. Trói tay chân người chết là để họ không thể nào trở về được. Nhưng các tài liệu dân tộc học cũng cho biêt rằng cư dân các bộ lạc thường biểu hiện mối quan hệ với người chết trong hai mặt dường như trái ngược nhau: một mặt là sợ hãi người chết, làm thế nào để người chết khỏi làm hại, một mặt khác lại chú ý săn sóc người chết, muốn giữ người chết ở cạnh mình.

Tài liệu mộ táng trong văn hóa Quỳnh Văn hoàn toàn phù hợp với những nhận xét dân tộc học đó. Người nguyên thủy ở đây trói người chết lại nhưng lại chôn ngay ở nơi cư trú. Trong các nền văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn chúng ta cũng đã gặp hiện tượng chôn người chết ngay tại nơi ở. Hiện tượng đó biểu hiện mối gắn bó không thể dứt giữa người sống và người chết. Cũng như trong các văn hóa trước, trong các mộ Quỳnh Văn cũng tìm thấy đồ trang sức và công cụ lao động. Đồ trang sức ở đây là những vỏ trai, vỏ trùng trục có xuyên lỗ.

Các huyệt mộ ở Quỳnh Văn đều chôn một người. Chỉ ở một ngôi mộ, tìm được hai xương hàm dưới, như vậy, ở mộ này, có thể là chôn đôi. Hình dạng kích thước cũng như các vật chôn theo không khác nhau giữa các mộ, chứng tỏ chưa có sự phân hóa tài sản. Mộ địa vẫn là nơi chôn các thành viên bình đẳng của thị tộc.

Kết luận

Như vậy là vào đầu thời đại đá mới có gốm, trên đất nước ta đã có nhiều bộ lạc cư trú. Không phải chỉ có bộ lạc sống ở rừng núi, trong các hang động núi đá vôi, mà đã có các bộ lạc sống ở vùng bờ biển, ngay giữa trời, trên các “đống rác bếp”. Do điều kiện sinh thái khác nhau, hoạt động kinh tế của các bộ lạc đó cũng có phần không giống nhau. Các bộ lạc vùng núi phát triển nghề săn hơn, còn các bộ lạc vùng biển lại phát triển nghề đánh cá hơn. Nhưng trong cả hai vùng, nghề nông nghiệp nguyên thủy đều đã phát triển hơn trong thời kỳ văn hóa Hòa Bình trước đó.

Sự khác nhau giữa văn hóa vùng núi và vùng biển không những biểu hiện sự khác biệt về hoạt động kinh tế mà có thể còn biểu hiện sự khác biệt về mặt tộc người. Bản đồ tộc người thời này rõ ràng là phức tạp hơn trước.

Chú thích

  1. Bùi Dương Lịch (1757 – 1828), là một nhà giáo và là văn thần trải ba triều đại khác nhau: Lê trung hưng, Tây Sơn và nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
  2. Đầu rau: khối đất nặn hình hơi khum, gồm ba hòn đặt chụm đầu vào nhau để bắc nồi lên đun.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.