Người khôn ngoan và nền văn hóa Sơn Vi ở Việt Nam

Dấu tích của người khôn ngoan.
Từ Ngườm đến văn hóa Sơn Vi

Văn hóa Sơn Vi được tìm thấy dấu tích từ Lào Cai cho đến Nghệ Tĩnh. Công cụ tiêu biểu của văn hóa Sơn Vi là những hòn cuội được ghè đẽo ở rìa cạnh.


Ở hang Thẩm Ồm trên miền tây tỉnh Nghệ Tĩnh (Nay là 2 tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh), đã tìm thấy răng người vượn cổ cùng với xương răng của động vật thể Cánh tân như voi răng kiếm, gấu tre, đười ươi lùn… Ở đây cũng đã tìm thấy răng vượn khổng lồ. Răng người ở Thẩm Ồm vừa có những đặc điểm của người vượn lại vừa có những đặc điểm của những người hiện đại (Homo sapient).

Có thể cho rằng người Thẩm Ồm là dạng người vượn cổ đi thẳng  muộn ở Việt Nam, đang chuyển hóa thành dạng tiến bộ hơn.

Ở hang Hùm thuộc tỉnh Hoàng Liên Sơn, lại tìm được răng người có nhiều đặc điểm hiện đại (sapiens) trong lớp trầm tích đầu hậu kỳ Cánh tân. Phải chăng người Thẩm Ồm là người vượn cuối cùng và người Hang Hùm là người khôn ngoan (hay người hiện đại) đầu tiên ở Việt Nam? Nếu đúng như vậy thì người hiện đại đã xuất hiện rất sớm ở Việt Nam. Lớp trầm tích ở hang Hùm có thể có niên đại từ 14 đến 18 vạn năm.

Trong lớp trầm tích Cánh tân có tuổi muộn hơn ở hang Kéo Lèng tỉnh Lạng Sơn đã phát hiện được răng và mảnh xương trán của người hiện đại (Sanpiens) chân chính. Răng người cổ ở hang Thung Lang (Ninh Bình) cũng thuộc dạng này. Những người cổ này hiển nhiên là chủ nhân của văn hóa hậu kỳ đá cũ. Nhưng trong các hang động trên, vẫn chưa tìm được thấy công cụ của họ.

Các nhà khảo cổ học còn phát hiện được một địa điểm đá cũ quan trọng có niên đại địa chất cuối Cánh tân, đó là mái đá Ngườm ở xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, Thái Nguyên. Các cuộc khai quật trong những năm 1981 và 1982 cho biết rằng trong mái đá này có các lớp đất màu sắc không giống nhau chứa đựng những nhóm công cụ đá có tuổi sớm muộn khác nhau. Lớp sớm nhất nằm dưới cùng, ở độ sâu từ 1,15m đến 1,35m, có màu vàng nhạt, chứa một tổ hợp đồ đá khác hẳn các lớp trên.

Tuyệt đại bộ phận công cụ đá ở lớp này làm bằng những mảnh tước nhỏ. Mảnh tước ở đây đều được tách ra từ những hòn cuội quác-dít. Người nguyên thủy đã chế tác công cụ ngay trong hang. Giữa vô số những mảnh tước nhỏ, đã có nhiều phiến tước (tức những mảnh tước dài) khá đẹp. Từ những mảnh tước và phiến tước đó, người nguyên thủy làm thành những công cụ có lưỡi sắc. Phần lớn công cụ là nạo và mũi nhọn.

Những công cụ được gọi là nạo là những mảnh tước nhỏ không định hình, người ta tu chỉnh theo rìa cạnh tự nhiên của chúng bằng những vết ghè nhỏ hay bằng cách ép. Lưỡi công cụ do đó thường có hình răng cưa. Phần lớn nạo có lưỡi lồi nhưng cũng có những chiếc có lưỡi lõm.

Mũi nhọn có hình dạng ổn định hơn, thường là những mảnh tước có hình gần tam giác, ở giữa có sống nồi, rìa cạnh được tu chỉnh. Bên cạnh rất nhiều công cụ làm bằng mảnh tước nhỏ, ở lớp này còn có một ít công cụ làm bằng những hòn đá cuội lớn giống với công cụ văn hóa Sơn Vi thời kỳ sau.

Con người ở đây cũng đã biết bổ cuội thành những khoanh đá, sau đó đẽo ghè tu chỉnh thành công cụ. Kỹ thuật này tiếp tục phát triển ở các lớp trên.

Phủ lên lớp đất dưới cùng là một lớp dăm đá vôi. Trong lớp này cũng có những công cụ mảnh tước như ở lớp dưới. Một mẫu vỏ ốc nằm sát trên lớp dăm đá vôi cho 2 niên đại C14 là 23.000 ± 200 năm và 23.100 ± 300 năm cách ngày nay.

Như vậy, có thể nói rằng lớp văn hóa dưới cùng ở Ngườm đã phát triển từ 23 nghìn năm về trước. Niên điểm bắt đầu của dạng văn hóa này thì hiện chưa biết rõ, nhưng rõ ràng đó là một văn hóa hậu kỳ đá cũ sớm ở Việt Nam. Trước đây, trong các hang Miệng Hổ (còn gọi là Phiêng Tung) và Nà Ngùn, cũng ở huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), đã tìm được các công cụ mảnh tước nhỏ với công cụ lớp dưới ở mái đá Ngườm.

Thời kỳ văn hóa mảnh tước này tồn tại trong thung lũng Thần Sa tương ứng với một số thời kỳ khô lạnh ở Đông Nam Á. Trong lớp dưới ở mái đá Ngườm không thấy vỏ ốc như ở các lớp trên. Hầu hết xương răng động vật trong lớp này đều thuộc các giống hiện đại như lợn rừng, bò rừng, nhím, khỉ, lửng lợn… Chỉ tìm được bốn chiếc răng hàm đười ươi (Pongo) là giống ngày nay không còn sống ở Việt Nam. Hẳn người nguyên thủy thời kỳ này đã có nghề săn phát triển.

Lớp nằm trên lớp đá dăm ở mái đá Ngườm đã có những dấu vết văn hóa Sơn Vi, một văn hóa hậu kỳ đá cũ khác ở Việt Nam mà hiện nay các nhà khảo cổ học biết rõ hơn.

Theo những điều hiểu biết hiện nay thì các bộ lạc chủ nhân văn hóa Sơn Vi đã cư trú trên một địa bàn rất rộng ở miền Bắc nước ta. Dấu vết của văn hóa Sơn Vi đã tìm thấy từ Lào Cai (Hoàng Liên Sơn) ở phía bắc đến Nghệ Tĩnh ở phía nam, từ Sơn La ở phía tây đến vùng sông Lục Nam ở phía đông.

Có những bộ lạc Sơn Vi chủ yếu sống ngoài trời như các bộ lạc vùng đồi Phú Thọ và Bắc Giang. Cũng có những bộ lạc sống trong các hang động núi đá vôi như các tỉnh Sơn La, Lai Châu… Đó là các bộ lạc săn bắt và hái lượm. Mật độ dân cư thời kỳ này rõ ràng lớn hơn trước.

Ở vùng Vĩnh Phú và Bắc Giang, nhiều đồi gò có di tích văn hóa Sơn Vi nằm gần nhau, có thể đây là nơi cư trú của các thị tộc trong một bộ lạc.

Công cụ lao động của nền văn hóa Sơn Vi

Chủ nhân văn hóa Sơn Vi dùng đá cuội để chế tác công cụ. Công cụ tiêu biểu của văn hóa Sơn Vi là những hòn cuội được ghè đẽo ở rìa cạnh. Trên hai mặt của hòn đá thường giữ lại vỏ tự nhiên của cuội. Loại ghè ở một mặt chiếm đa số, loại ghè trên hai mặt rất ít.

Phần lớn công cụ đều là công cụ chặt, nạo hay cắt. Có loại có lưỡi ngang ở một đầu, có loại có lưỡi dọc ở rìa cạnh, có loại chỉ bằng một phần tư viên cuội, có một lưỡi dọc hay hai lưỡi thẳng góc với nhau. Đó là những loại hình cơ bản chiếm đa số công cụ văn hóa Sơn Vi. Ngoài ra còn có một số công cụ có lưỡi chạy xung quanh theo rìa tròn của viên cuội hoặc có lưỡi ở hai đầu.

Nhìn chung, công cụ của người Sơn Vi còn rất thô sơ nhưng rõ ràng đã có bước tiến triển lớn trong kỹ thuật chế tác đá. Công cụ đã có nhiều hình loại ổn định. Rìa lưỡi đã được ghè đẽo cẩn thận, đôi khi đã được tu chỉnh.

Ở Phú Thọ, có những địa điểm có rất nhiều mảnh tước. Người nguyên thủy đã lấy cuội ở các bãi sông thời bấy giờ về chế tác công cụ ở ngay nơi cư trú của họ. Đấy là những di chỉ – xưởng. Giữa bãi cuội có nhiều loại đá mềm rắn khác nhau, người nguyên thủy đã biết chọn những loại đá tốt, thích hợp đối với chế tác công cụ. Thường đó là loại đá cứng như đá quác-dít.

Hang Nậm Tun ở Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) cũng là một nơi vừa cư trú vừa chế tác đá của người Sơn Vi. Cuộc khai quật năm 1973 đã thu được nhiều công cụ đá kiểu Sơn Vi và hơn 700 mảnh tước, dấu vết của hoạt động ghè đẽo đá ngay trong hang. Tầng đất chứa dấu tích nền văn hóa Sơn Vi ở đây khá dày, chứng tỏ con người đã cư trú khá lâu ở hang đá này.

Di tích khảo cổ nền văn hóa Sơn Vi
Di tích khảo cổ nền văn hóa Sơn Vi

Trong hang đá có hai ngôi mộ có thể là thuộc văn hóa Sơn Vi, có khả năng là của một người đàn ông và một người đàn bà. Chôn người chết ngay trong nơi cư trú là một phong tục rất phổ biến trong thời đại nguyên thủy ở nước ta. Vì xương quá vỡ nát nên không xác định được đặc điểm chủng tộc. Xương răng của các loài động vật tìm thấy trong hang như trâu bò rừng, lợn rừng, hoẵng, vòi hương, nhím, dúi, khỉ… là dấu vết hoạt động săn bắt của họ.

Ngoài ra còn tìm thấy xương cá và mai rùa. Kết quả phân tích bào tử phấn hóa ở hang Nậm Tun cho chúng ta biết rằng vào thời kỳ Sơn Vi, Nậm Tun và những vùng chung quanh là một khu khá quang đãng. Thực bì chủ yếu là các cây thân bụi thuộc quyết thực vật, và cây thân mộc chỉ mọc thưa thớt. Có lẽ rừng rậm cách khá xa nơi cư trú.

Trong hang Con Moong ở huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa, thuộc khu vực rừng quốc gia Cúc Phương, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy lớp chứa nền văn hóa Sơn Vi nằm sâu nhất, dưới lớp chứa công cụ văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn là hai văn hóa muộn hơn.

Như vậy rõ ràng văn hóa Sơn Vi cũng đã xuất hiện những công cụ đặc trưng cho văn hóa Hòa Bình tuy loại này rất ít. Do đó, có thể coi lớp văn hóa Sơn Vi ở hang Con Moong là ở vào giai đoạn cuối cùng của văn hóa này. Các niên đại cacbon phóng xạ (C14) của lớp Sơn Vi ở hang Con Moong là 11.755 ± 75 năm và 11.840 ± 75 năm và 11.090 ± 185 năm cách ngày nay.

Ở hang Pông (Mộc Châu, Sơn La), đã tìm thấy những công cụ chặt và nạo điển hình cho văn hóa Sơn Vi, đồng thời lại gặp những công cụ hình hạnh nhân đặc trưng cho văn hóa Hòa Bình. Tập hợp công cụ ở đây mang dấu nối giữa hai văn hóa đó. Tầng văn hóa ở hang Pông đã có hai niên đại C14 là 11.915 ± 120 năm và 11.330 ± 180 năm cách ngày nay. Những niên đại trên có thể coi là niên đại kết thúc của nền văn hóa Sơn Vi và niên đại mở đầu của văn hóa Hòa Bình tiếp theo.

Hiện nay, chúng ta đã biết đến hai địa điểm văn hóa Sơn vi có niên đại sớm: hang Núi Một ở huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) có niên đại C14 là  14.665 ± 150 năm cách ngày nay và hang Ông Quyền ở huyện Mai Châu (Hà Sơn Bình) có niên đại C14 là 18.390 ± 125 năm cách ngày nay.

1 thought on “Người khôn ngoan và nền văn hóa Sơn Vi ở Việt Nam”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.