Văn hóa thời Xuân thu – Chiến quốc [Lịch sử Trung Quốc]

Văn hóa thời Xuân thu – Chiến quốc

Văn hóa thời Xuân thu – Chiến quốc đã đạt được nhiều thành tựu rực rỡ, được xem là thời kỳ cực thịnh trong lịch sử tư tưởng và văn hóa cổ đại Trung Quốc.

Từ thời Xuân thu trở đi, nhà Chu bắt đầu suy vi. Các nước chư hầu ra sức thôn tính lẫn nhau. Mâu thuẫn giai cấp trở nên cực kỳ sâu sắc. Đồng thời trong nền kinh tế đã có những biến đổi lớn lao. Xã hội cũ bắt đầu phân hóa và biến đổi kịch liệt. Trên cơ sở đó, tư tưởng triết học, khoa học, văn học, nghệ thuật ngày một phát triển, khiến cho thời kỳ Xuân thu – Chiến quốc là thời kỳ cực thịnh trong lịch sử tư tưởng và văn hóa cổ đại Trung Quốc.

1. Khoa học thời Xuân thu – Chiến quốc

Thời Xuân thu – Chiến quốc, khoa hoc tự nhiên đã đạt được những thành tựu rực rỡ. Trước hết về thiên văn học, phép làm lịch đã có tiến bộ lớn. Trong các tác phẩm thiên văn học của Can Đức người nước Sở, Thạch Thân người nước Nguy, có ghi chép đến chừng 800 vì tinh tú, trong đó vị trí của 120 vì tinh đã được xác định. Cam thạch tinh kinh bảng ghi chép các hành tinh xưa nhất thế giới. Dựa theo vị trí của 28 ngôi sao trên xích đạo thiên cầu lúc bấy giờ, người ta phân chia toàn bộ bầu trời thành 28 “túc”. Theo vị trí của mặt trời đối chiếu với các “túc”, người ta lại đoán biết được thời tiết của một năm: như lập xuân, xuân phân, lập thu, thu phân, lập hạ, hạ chí, lập đông, đông chí.

Thời Chiến quốc, y học cũng có nhiều thành tựu lớn. Các nhà y học đã biết giải phẫu cơ thể con người, biết nội tạng và bộ máy tuần hoàn khá rõ. Các nhà y học còn nghiên cứu nguyên nhân bệnh cùng các phương pháp nhìn nghe, hỏi, bắt mạch để chẩn đoán bệnh, dùng châm cứu và thuốc sắc để trị bệnh. Thời đó đã có những sách có tính chất tổng kết về mặt y học và dược học, như Hoàng đế nội kinh và Thần nông bổn thảo kinh là hai bộ sách có giá trị khoa học lớn về y học.

Những tri thức toán học, lý học, nông học, sinh vật học đều đã đạt tới một trình độ phát triển tương đối cao. Trong Kinh thi có nói tới hơn hai trăm loại thảo mộc. Phương pháp canh tác luân canh chu kỳ ba năm, phương pháp bón phân cho đất,…. cũng được áp dụng. Ngoài ra, nghệ thuật đúc đồng và minh khắc cũng rất phát triển. Những tri thức khoa học đó chính là đã giúp cho thế giới quan duy vật phát sinh và phát triển mạnh thời bấy giờ.

2. Văn học thời Xuân thu – Chiến quốc

Về văn học, thời Xuân thu – Chiến quốc còn để lại nhiều tác phầm vĩ đại, nổi tiếng nhất là bộ Kinh thi và bộ Sở từ. Kinh thi là tập thơ đầu tiên và cũng là một trong những tác phầm vĩ đại đứng hàng đầu trong nền văn học cổ đại Trung Quốc (gồm 305 bài thơ). Đó là một công trình sáng tác tập thể của rất nhiều thi nhân thuộc nhiều thế hệ khác nhau, trong đó phần căn bản là của nhân dân lao động. Đó cũng là một nguồn vô cùng phong phú về đề tài, điển tích và kinh nghiệm sáng tác của nhiều nhà văn, nhà thơ lớn thuộc các thời đại sau.

Kinh thi phản ánh tình hình xã hội về nhiều mặt: lịch sử, chính trị, kinh tế, phong tục, đời sống tình cảm và nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc trong thời gian hơn sáu trăm năm từ thời Tây Chu đến cuối thời Xuân thu. Trước kia, các vua nhà Chu hàng năm cứ mùa xuân và mùa thu cho người về các xã thôn thu nhặt những các phong tục của nhân dân và dự luận của nhân dân đối với triều đình và các quan lại. Về sau, Khổng tử đã đúc kết và chỉnh lý lại nguồn tài liệu đó thành một tác phẩm kinh điển để dạy học trò, gọi là Kinh thi.

Kinh thi gồm có ba loại: Phong, Nhã, Tụng. Phong là loại ca dao thu thập ở các nước (Quốc phong). Nhã là loại thơ ca phản ánh sinh hoạt của tiểu quý  tộc (Tiểu nhã) hoặc của đại quý tộc (Đại nhã). Tụng là loại thơ ca tán tụng công đức của các triều vua như Thương tụng, Chu tụng, Lỗ tụng,… Trong Kinh Thi có giá trị nhất là Quốc phong, nội dung rất phong phú, đầy tính chất nhân dân và tính chất hiện thực. Hơn hai nghìn năm nay, người dân Trung Quốc vẫn ưa thich tập thơ này, và trong nền văn học thế giới, nó cũng có một vị trí rất cao.

Tiếp theo Kinh thi là bộ Sở từ của nhà thơ yêu nước vĩ đại Khuất Nguyên (339 – 280 trước Công nguyên). Sở từ là tập dân ca của nước Sở, tiếp thu nhiều ảnh hưởng tốt của Kinh thi, đồng thời phản ánh rất nhiều đặc điểm của thời đại (thời Chiến quốc) và của địa phương (nước Sở). Sở từ gồm có:

  1. Cửu ca: nguyên là những bài ca tôn giáo; cơ sở sáng tác của nó là ca dao, thần thoại nước Sở; đề tài phong phú, tính chất trữ tình đậm đà.
  2. Chiêu hồn: dựa vào tín ngưỡng của dân gian mô tả những cảnh rùng rợn của địa ngục, răn người tà ác và kêu gọi hồn Sở Hoài vương trở về sống trên đất Sở.
  3. Thiên vấn: gồm có một trăm bảy mươi hai câu hỏi về thiên văn, địa lý, lịch sử, thánh nhân, đạo đức, v.v…
  4. Cửu chương và Ly tao: tập thơ trường thiên, tác phầm tiêu biểu của Khuất Nguyên về hình thức nghệ thuật cũng như về nội dung tư tưởng. Ly tao thì rõ là của Khuất Nguyên, còn các tác phẩm khác thì chưa rõ phần nào là của Khuất Nguyên, phần nào là do ông chỉnh lý, cải biến lại.

Sở từ là một tác phẩm bất hủ của Khuất Nguyên, trong đó tác giả nói lên lòng yêu Tổ quốc, yêu nhân dân nồng nàn của mình với những lời lẽ tuyệt đẹp và những hình tượng đặc biệt phong phú. Chính cái nhiệt tình yêu nước, thương dân và cuộc sống bình dị, gần gũi quần chúng của ông đã làm cho nghệ thuật thiên tài của Khuất Nguyên trở thành bất hủ. Khuất Nguyên không phải chỉ là một bậc vĩ nhân của dân tộc Trung Hoa, mà còn là một nhà văn hào vĩ đại của thế giới, được Hội đồng hòa bình thế giới gần công nhận và tổ chức kỷ niệm.

3. Sử học thời Xuân thu – Chiến quốc

Về sử học, thời Xuân thu – Chiến quốc cũng có nhiều bộ sử rất có giá trị. Xuân thu là bộ sử biên niên vào hạng xưa nhất thế giới, phản ánh tình hình xã hội loạn lạc từ thời Xuân thu qua đầu đời Chiến quốc. Lời văn vắn tắt, gọn gàng và chính xác. Tả truyện cũng là một bộ sử viết về thời Xuân thu, lời văn giản dị, linh hoạt hơn, phản ánh được một phần đời sống cực khổ của người dân, đời sống xa hoa, dâm đãng của quý tộc. Tác giả của Tả truyện chưa xác định được là ai có lẽ là Tả Khâu Minh. Quốc ngữ cũng chép những sự việc thời Xuân thu, nhưng Quốc ngữ khác Tả truyện ở chỗ chép sử theo địa phương, theo khu vực, theo từng nước. Ngoài ra, còn có Chiến quốc sách chép sử từ khi thời Chiến quốc bắt đầu cho đến khi nhà Tần thôn tính sáu nước, khoảng hai trăm bốn mươi năm. Sách ghi chép lời lẽ, chủ trương, sách lược của tầng lớp mưu sĩ thời ấy đi chu du, thuyết khách khắp nơi, bày mưu, lập kế cho các nước, thi thố tài hiểu biết của mình, đề mong cầu danh vọng.

4. Quan điểm về Triết học trong văn hóa thời Xuân thu – Chiến quốc

Văn hóa thời Xuân thu – Chiến quốc còn có một phần có sức ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của văn hóa và tư tưởng lúc bấy giờ, đó là Triết học. Tuy nhiên, phần này khá dài, nên LichSu.org đã tách thành một bài riêng. Các bạn có thể tìm hiểu thêm các quan điểm về Triết học thời Xuân thu – Chiến quốc TẠI ĐÂY.

Văn hóa thời Xuân thu – Chiến quốc
Lịch sử Trung Quốc cổ đại
– LichSu.org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.