Văn học và nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại

Văn học và nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại

Văn học và nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại phát triển rất sớm với nhiều câu chuyện lý thú cũng như những kiến trúc đền thờ và trình kim tự tháp vĩ đại.

Văn học cổ Ai Cập
Văn học cổ Ai Cập

1. Văn học cổ Ai Cập và một số tác phẩm tiêu biểu

Văn học Ai Cập phát triển rất sớm, ngay từ đầu thời Cổ vương quốc, vào khoảng giữa thiên niên kỷ IV trước Công nguyên. Từ đó trở đi, trong suốt trên 3000 năm lịch sử, người Ai Cập cổ đại đã sáng tác rất nhiều tác phẩm văn học thuộc mọi thể tài. Điều đó chứng tỏ trình độ phát triển cao của nền văn hóa Cổ Ai Cập, đồng thời cũng chứng tỏ sức sáng tạo vô cùng phong phú của người Ai Cập thời kỳ này. Hầu hết các tác phẩm văn học đó đều lấy đề tài trong thần thoại, tôn giáo và đều không còn mang tên tác giả. Văn chương truyền miệng như tục ngữ, ngạn ngữ, ca dao và đối thoại được lưu truyền sớm nhất và rộng rãi nhất trong xã hội Ai Cập cổ đại.

Đến thời Trung vương quốc, văn hóa phát triển mạnh. Nhiều câu chuyện lý thú của thời kỳ đó còn giữ lại được tới ngày nay, như truyện Thuyền gặp nạn, truyện về Sinuhe, truyện Người thất vọng với linh hồn của mình, …

Truyện Thuyền gặp nạn kể về cuộc hành trình đầy phiêu lưu mạo hiểm trên mặt biển của những thủy thủ vượt trùng dương. Câu chuyện chính là tiền thân sử thi Odyssey của thi sĩ Homer (Hy Lạp cổ đại).

Truyện người thất vọng với linh hồn của mình là một tác phẩm văn học phản ánh những vấn đề xã hội do cuộc đấu tranh giai cấp gay gắt trong thời Trung vương quốc đặt ra. Nội dung câu chuyện thuật lại một cuộc đối thoại giữa một người không thể sống được nữa, nên muốn tự vẫn. Anh ta khuyên linh hồn của mình cũng chết theo để chấm dứt những chuỗi ngày đen tối, bi thảm. Linh hồn của anh ta không nghe, lại còn khuyên ngăn anh ta không nên chết, mà nên phục tùng số mệnh, chịu đựng tất cả mọi nổi đau khổ trên trần thế để rồi có thể rửa sạch tội ở kiếp này mà cùng với linh hồn hưởng mọi sự hạnh phúc ở kiếp sau. Về sau, khi chết, linh hồn của anh biến đi đâu mất, mà  xác anh ta không tìm thấy thế giới cực lạc ở đâu cả. Anh vô cùng thất vọng vì thấy linh hồn của mình đã lừa dối anh và thấy thể xác mình vẫn còn nằm trên cõi trần, ngày càng thối rữa.

Thời Tân vương quốc, cũng có nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng còn giữ lại được như: Truyện Hai anh em, chịu ảnh hưởng của truyện thần thoại Osiris và Isis, Truyện Người hoàng tử bị mê hoặc và lý thú nhất là truyện Người nói thật và người nói dối, …

Một loạt tác phẩm văn học nữa được lưu truyền rộng rãi trong xã hội Ai Cập cổ đại là những tác phẩm có tính chất giáo huấn của tầng lớp quý tộc, dùng hình thức lời khuyên răn và lời tiên đoán để đề ra một thứ luân lý hoàn chỉnh của giai cấp thống trị chủ nô, nhằm mục đích củng cố trật tự xã hội nô lệ.

Trong loại tác phẩm văn học có tính chất giáo huấn, thì điển hình nhất và có nhiều giá trị sử liệu nhất là Lời khuyên răn của Ipuxe và Lời tiên đoán của Nephecti mà chúng ta nói ở chương trên. Ngoài ra, còn có những tác phẩm của những thi sĩ cung đình ca tụng công đức của các Pharaon, biểu dương những chiến công oanh liệt và những công trình xây dựng lớn lao của các Pharaon.

Trong lúc các thi sĩ cung đình sáng tác thơ ca nhằm mục đích phục vụ cho giai cấp thống trị chủ nô, thì trong dân gian, thơ cả trữ tình rất được dân chúng ưa chuộng. Đa số những thơ ca đó đều lấy tình yêu làm chủ đề sáng tác. Tất nhiên thơ ca trữ tình do thi sĩ dân gian của Ai Cập cổ đại sáng tác rất nhiều, nội dung rất phong phú, nhưng vì bị thất lạc, mất mát đi nhiều, nên số được giữ lại đến ngày nay còn rất ít.

Nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại
Nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại

2. Nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại

Nghệ thuật của Ai Cập cổ đại là một nền nghệ thuật nổi tiếng trong lịch sử thế giới cổ kim, trong đó nghệ thuật kiến trúc là vô tiền khoáng hậu. Những đền đài, cung điện, Kim tự tháp hùng vĩ còn bảo tồn đến ngày nay đều chứng minh điều đó. Dụng ý của những người xây dựng những công trình kiến trúc đồ sộ này là muốn làm người đời phải kinh ngạc và cúi đầu trước cái uy nghi hùng vĩ của những công trình biểu hiện quyền lực vô biên của thần thoại cũng như của nhà vua.

Tham gia xây dựng các công trình kiến trúc vĩ đại đó có hàng vạn nô lệ và dân nghèo. Trong suốt các thời đại Cổ vương quốc, Trung vương quốc và Tân vương quốc, đại bộ phận nhân lực và vật lực trong nước đều đem dốc vào những công trình xây dựng vô cùng tốn kém đó. Ngoài khu vực xây dựng những Kim tự tháp gần Memphis ở miền Bắc, miền Nam có khu đền đài to lớn ở Karnak và Luxor, gần Thebes, còn bảo tồn nhiều di tích cũ, tỏ rõ quy mô kiến trúc đồ sộ và óc sáng tạo của những nhà kiến trúc thiên tài của Ai Cập cổ đại. Hầu như mỗi một Pharaon đều cho rằng cần phải xây dựng một tòa đền đài mới, tu bổ hoặc xây dựng lại những tòa đền đài cũ để làm lưu niệm về thời thống trị của mình. Do đó, số lượng đền đài trong nước rất lớn.

Ngoài nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật tạo hình Ai Cập cổ đại cũng còn được lưu giữ lại đến ngày nay với rất nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nghệ thuật tạo hình của Ai Cập cổ đại có thể phân làm ba ngành: tượng, chạm nổi và hội họa. Những sáng tác của nhiều nhà điêu khắc thiên tài mà chúng ta không được biết tên tuổi, chủ yếu là nhằm phục vụ các công trình xây dựng đền đài, cung điện và lăng mộ. Bức tượng lớn tạc “người thư lại” ngồi xếp bàn là tác phẩm điêu khắc ưu tú nhất, tạc bằng đá, của thời Cổ vương quốc. Vật liệu điêu khắc phần lớn là đá, gỗ và có khi cũng là kim loại nữa.

Về nghệ thuật khắc nổi và hội họa cũng có rất nhiều tác phẩm thời Cổ vương quốc còn truyền lại  tới ngày nay, phần lớn là chạm nổi hoặc vẽ trên tường vách các lăng mộ, đền đài, cung điện. Những bức khắc nổi và bích họa đều rất sinh động, có tính chất hiện thực sâu sắc.

Đến thời Tân vương quốc điêu khắc và hội họa càng phát triển cao hơn. Đặc trưng của điêu khắc và hội họa ở thời kỳ này là ra sức thể hiện hình dáng chân thật của con người, mà đặc biệt chú ý đến việc mô tả tỉ mỉ quần áo, cảnh vật, … Nhưng điều đáng chú ý nhất là các nhà nghệ thuật thời kỳ này đã cố gắng biểu hiện được hoạt động nội tâm của các nhân vật một cách vô cùng sâu sắc, hơn hẳn các thời đại trước đó.

Có thể nói, văn học và nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn lao, góp phần cống hiến vào kho tàng văn học và nghệ thuật chung của nhân loại.

Văn học và nghệ thuật của người Ai Cập cổ đại
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.