Vương quốc Babylon mới của người Chaldea [Lưỡng Hà cổ đại]

Vương quốc Babylon mới của người Chaldea

Vương quốc Babylon mới của người Chaldea được phục hưng sau khi đế chế Asyria bị lật đổ và phát triển cường thịnh nhất dưới thời của vua Nabuchodonosor.

Sự hình thành của vương quốc Babylon mới

Người Chaldea là một chi nhánh của tộc Semit, thiên di đến miền Nam Mesopotamia sau người Akkad, người Assyria và người Amorite, vào khoảng thế kỷ XI trước Công nguyên, rồi dần dần tự cường lên.

Trong thời kỳ người Assyria thống trị lưu vực Lưỡng Hà, người Chaldea chưa bị chinh phục hoàn toàn. Về sau, thế lực đế quốc Assyria yếu đi, họ mới có cơ hội vùng dậy. Năm 612 trước Công nguyên, người Chaldea liên minh với người Medes cướp phá, thiêu hủy thành Nineveh, và cuối cùng lật đổ đế quốc Assyria.

Sau gần 300 năm thống trị, đế quốc của người Assyria bị diệt vong, lãnh thổ rộng lớn của nó bị người Chaldea và người Medes chia cắt. Người Chaldea đã xây dựng vương quốc của họ trên sự bại vong của đế quốc Assyria, lãnh thổ bao gồm: lưu vực Lưỡng Hà, Syria, Palestine. Vương quốc Chaldea lại chọn Babylon làm thủ đô. Về một phương diện nào đó, có thể nói là vương quốc Babylon có hơn 1000 năm trước đây đã phục hồi. Không những thế, họ còn mở rộng thêm lãnh thổ, phát triển kinh tế và văn hóa cao hơn Babylon ngày xưa. Bởi vậy trong lịch sử, vương quốc Chaldea cũng được gọi là vương quốc Babylon mới.

Vương quốc Babylon mới
Vương quốc Babylon mới

Đặc điểm của vương quốc Babylon mới của người Chaldea

Vua nổi tiếng nhất của vương quốc Chaldea là Nabuchodonosor. Ông cũng giống như các vua Assyria trước kia, chủ trương dùng vũ lực mở rộng đất đai. Nabuchodonosor đi đánh chiếm Syria, Palestine,… Năm 597 và 586 trước Công nguyên, ông hai lần công hãm Jerusalem, diệt vương quốc Do thái, bắt tất cả quý tộc, tăng lữ, thương nhân và thợ thuyền Do thái về quản chế ở Babylon, chỉ để thường dân ở lại Jerusalem: đó là cái “nhà tù Babylon” mà lịch sử Do thái thường nhắc nhở đến.

Năm 567 trước Công nguyên, Nabuchodonosor lại đem quân xâm nhập Ai Cập, cướp phá, vơ vét của cải đem về nước.

Ở thời kỳ đầu của vương quốc Chaldea, sinh hoạt kinh tế ở lưu vực Lưỡng Hà rất phồn thịnh. Lúc đó tình hình xã hội nước Babylon mới cũng giống như trước đây. Kinh tế công xã nông thôn vẫn giữ địa vị chủ yếu; chế độ nô lệ chưa ra khỏi phạm vi chế độ nô lệ gia trưởng, nhưng công thương nghiệp thì phát đạt hơn nhiều. Nabuchodonosor cho người dân đào sông, khai mương, phát triển sản xuất nông nghiệp.

Dưới thời vương quốc Babylon mới, tầng lớp tăng lữ và quý tộc chủ nô, nhất là tầng lớp thương nhân cho vay nặng lãi là chỗ dựa của nhà vua. Cuối thế kỷ VII đầu thế kỷ VI trước Công nguyên, nền thương mại và nghề cho vay nặng lãi ở các đô thị cũ của Babylon lại phát triển mạnh. Thương nhân và chủ nợ được nhà nước ưu đãi. Ngay từ khi còn sống dưới nền thống trị của Assyria, họ cũng không phải làm nghĩa vụ gì đối với nhà nước, nên lại càng giàu có. Tầng lớp này thường vơ vét thóc lúa của nông dân, bao chiếm ruộng công đem phát canh thu tô. Trong một số trường hợp đặc biệt, họ còn bao thầu cả hệ thống kênh đào của nhà nước đem cho nông dân thuê để làm ruộng.

Nhà nước Chaldea cũng còn dựa vào các công xã, vì nông dân công xã là lực lượng vũ trang dự bị, đồng thời cũng là những kẻ phải gánh vác thuế khóa và sưu dịch nặng nề cho nhà nước.

Thời kỳ này, chế độ nô lệ cũng giống như ở thời vương quốc Babylon trước đây. Tuy rằng những cuộc chiến tranh xâm lược đã làm cho số nô lệ tù binh tăng lên nhiều, nhưng chế độ nô lệ gia trưởng vẫn còn thịnh hành. Nô lệ chiến tù được sử dụng chủ yếu trong các cơ sở sản xuất cung điện và đền đài. Việc sử dụng sức lao động của nô lệ làm trong các cơ sở sản xuất của tư nhân, cũng có nhiều hơn trước. Đặc biệt trong sản xuất thủ công nghiệp, một phương thức bóc lột nô lệ mới đã xuất hiện. Chủ nô cho nô lệ học một nghề nào đó, rồi cung  cấp cho họ tư liệu sản xuất để họ tự sản xuất lấy. Hàng năm, nô lệ phải nộp cho chủ một khoản tiền nhất định, thường bằng 1/5 giá cả một nô lệ. Do đó chủ nô vừa thu được nhiều lợi, vừa đỡ mất công nuôi nấng và quản lý nô lệ. Nô lệ cũng được quyền có gia đình, được giao dịch mua bán với người tự do. Một số trở nên khá giả, đem tiền chuộc lại thân phận tự do của mình để được giải phóng.

Thành tựu của người Chaldea
Thành tựu của người Chaldea

Thành tựu của người Chaldea

Nabuchodonosor ra sức xây dựng lại khu trung tâm Babylon thành một đô thành nguy nga đồ sộ, nơi trung tâm văn hóa và trung tâm công thương nghiệp của Tây bộ Châu Á hồi đó. Thành có mười vạn dân, xung quanh có thành quách và công sự kiên cố; phía trong có xây dựng những cung điện, miếu vũ, phố xá huy hoàng, tráng lệ không nơi nào sánh kịp. Tương truyền rằng Nabuchodonosor vì muốn làm vừa lòng vợ của mình là công chúa Amytis người Media nên đã hạ lệnh xây một cái “vườn hoa không trung” trên một quả núi nhỏ rất đẹp. Đứng trên “vườn hoa không trung” đó, có thể nhìn bao quát toàn cảnh thành Babylon. Vườn hoa ấy được xem là một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại. Về sau, giữa thế kỷ V trước Công nguyên (lúc đó vương quốc Chaldea đã diệt vong từ lâu rồi), sử gia Hy Lạp Herodotos đến thăm Babylon còn khen đó là thành phố phồn hoa nhất thế giới.

Trong lịch sử cổ đại phương Đông, các đế vương chuyên chế đã bắt người dân xây dựng nhiều công trình kiến trúc to lớn. Ai Cập cũng có các Kim tự tháp, tượng người sư tử (Sphinx) và vô số đền đài uy nghiêm, to lớn. Đế quốc Assyria đã xây nên các thành Assur, Nineveh tráng lệ. Vương quốc Chaldea lại cũng xây thủ đô Babylon của mình thành một kỳ quan của thế giới.

Người Babylon thời vương quốc Chaldea đã tóm thâu được các nền văn hóa cổ đại ở khu vực Lưỡng Hà. Họ đã tiếp thu và phát huy thêm di sản văn hóa của người Sumer, người Akkad, người Amorite, người Assyria; nhưng phần cống hiến của họ về phương diện thiên văn học là quan trọng hơn cả.

Thời cổ đại, người ta tin rằng các vị tinh tú trên trời ban điều lành, gieo điều dữ trong trần thế. Các thầy bói, thầy tướng thường hay nói đến đến thuật “chiêm tinh”. Song lâu ngày, các nhà chiêm tinh học đó quan sát thực tế cũng dần dần nắm được quy luật vận chuyển của các thiên thể trong vũ trụ và thiên văn học ra đời. Thời đại Chaldea, thiên văn học đã thât sự phát triển tới giai đoạn khoa học. Các nhà thiên văn học Babylon chia đường xích đạo ra làm 360 độ, chia các tinh thể trên bầu trời ra thành mười hai cung, gọi là “mười hai cung hoàng đạo” (Zodiac). Lần đầu tiên, các chòm thiên thể trong vũ trụ được vẽ ra và ghi chép lại. Trong chín hành tinh lớn của Thái Dương Hệ, người Babylon đã phát hiện được năm. Cùng với mặt trời và mặt trăng, tên của năm hành tinh đó, mà mắt thường có thể trông thấy, được dùng để đặt tên cho bảy ngày trong một tuần lễ.

Về sau, qua môi giới của người La Mã, tuần lễ bảy ngày được áp dụng trong việc tính ngày tháng ở tất cả các dân tộc châu Âu và dần dần trên khắp thế giới. Hơn nữa, vào đầu thế kỷ VI trước Công nguyên, các nhà thiên văn học Babylon đã biết được hiện tượng nhật thực, nguyệt thực xuất hiện có quy luật và có thể đoán trước được. Sau này, những tri thức về thiên văn hóa đó truyền đến người Hy Lạp thời cổ và được họ phát triển lên trình độ cao hơn.

Vương quốc Chaldea phục hưng không lâu thì lại suy vong. Nabuchodonosor trị vì được 44 năm (605 – 561 trước Công nguyên) thì chết; vương quốc Chaldea dần dần suy yếu. Mâu thuẫn giai cấp sâu sắc trong xã hội làm cho nền sản xuất trong nước bị ngừng trệ, việc binh bị do đó cũng bị chểnh mảng. Tầng lớp tăng lữ và quý tộc thương nhân tranh cướp quyền binh của nhà vua, người dân càng bị bóc lột nặng nề. Lúc đó chính là lúc vương quốc của người Ba Tư ở phía đông, thuộc cao nguyên Iran, cường thịnh lên một cách nhanh chóng.

Năm 538 trước Công nguyên, vua Ba Tư là Cyrus đem quân đánh chiếm Media và Assyria, rồi vây hãm Babylon. Tuy Babylon có những thành trì và công sự kiên cố, nhưng tầng lớp tăng lữ, quý tộc thương nhân trong thành không dám đương đầu chống đỡ, họ mở cửa thành ra đầu hàng giúp cho người Ba Tư không đánh mà thắng. Kết quả vương quốc Chaldea tồn tại hơn bảy mươi năm, đã bị người Ba Tư tiêu diệt.

Khám phá lịch sử Lưỡng Hà cổ đại

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.

1 thought on “Vương quốc Babylon mới của người Chaldea [Lưỡng Hà cổ đại]”

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.