Vương quốc Babylon và triều đại Hammurabi [Lưỡng Hà cổ đại]

Vương quốc Babylon và triều đại Hammurabi

Vương quốc Babylon và triều đại Hammurabi được thành lập sau khi người Amorite xâm nhập và lật đổ đế chế Ur, thống trị toàn bộ lưu vực Lưỡng Hà thời cổ đại.

1. Sự thành lập vương quốc Babylon cổ đại

Lúc đế quốc Ur của người Sumer đang trên đà suy yếu, thì một bộ tộc Semit sống ở miền Assyria, gọi là người Amorite thừa cơ xâm nhập lưu vực Lưỡng Hà, lật đổ đế quốc Ur.

Khoảng năm 1894 trước Công nguyên, người Amorite chọn thành Babylon ở trên sông Euphrates làm kinh đô, thành lập lên ở đây một vương quốc chiếm hữu nô lệ. Vương quốc Babylon mới thành lập luôn luôn tìm cách mở rộng cương giới của mình, dần dần khống chế cả toàn bộ lưu vực Lưỡng Hà. Từ đó, người ta gọi chung miền Lưỡng Hà là Babylon, mà cư dân ở miền đó bất luận là người Sumer, người Akkad, người Elam hay người Amorite, đều được gọi chung là người Babylon.

Dưới thời kỳ vương quốc Babylon, chế độ nô lệ đã tiến lên được một bước mới. Số lượng nô lệ tăng lên nhiều, trong đó số nô lệ vì nợ cũng nhiều hơn trước. Nhưng người sản xuất chủ yếu trong xã hội vẫn là nông dân công xã. Khoảng 80 đến 90% đất đai trồng trọt ở Babylon là của các công xã nông thôn, phần còn lại thì thuộc quyền sở hữu của quý tộc và của đền đài, còn ruộng tư hữu thì chưa nhiều lắm.

2. Vương quốc Babylon và triều đại Hammurabi

Vương quốc Babylon hưng thịnh nhất và mở mang lãnh thổ lớn nhất là ở dưới triều vua thứ sáu, triều đại vua Hammurabi (1792-1750 trước Công nguyên). Thời vua Hammurabi trị vì, người Amorite đã quét sạch các thế lực của người Elam ở miền Tây cao nguyên Iran, đem miền này sáp nhập với lưu vực Lưỡng Hà thành một đơn vị chính trị thống nhất. Hammurabi mở mang công trình thủy lợi, phát triển nông nghiệp, đề xướng việc chăn nuôi, khuyến khích công thương nghiệp. Ông thường tự khoe khoang: “Ta tu bổ sông ngòi, đem nước nguồn về tưới đồng ruộng vùng Sumer và vùng Akkad. Ta biến đất đai hai bên bờ sông thành đồng cỏ xanh tươi. Ta đảm bảo cho mùa màng được phong phú…”.

Thời kỳ vương quốc Babylon là thời kỳ củng cố sự thống nhất về chính trị và lãnh thổ của lưu vực Lưỡng Hà. Sự thống nhất về chính trị đó đã thúc đẩy sự phồn vinh về kinh tế. Các kho tàng của nhà nước chứa đầy những vật cống của các nơi nộp về, sự trao đổi hàng hóa cũng đã khá phát triển. Ở thành Babylon, lái buôn các nước đi lại tấp nập, chợ búa mọc lên như nấm. Vương quốc Babylon trở thành trung tâm công thương nghiệp lớn ở phương Đông cổ đại.

Để củng cố nền thống trị của giai cấp quý tộc chủ nô, vua Hammurabi đem những tục lệ, tập quán ở khu vực Lưỡng Hà lúc bấy giờ châm chước, thêm bớt để chế định một bộ luật mới khá hoàn chỉnh, gọi là bộ luật Hammurabi gồm có 282 điều khoản viết thành văn. Những điều luật ấy được khắc trên bia đá. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy trên di chỉ của thành cổ Suse, thủ đô ngày xưa của người Elam, một cái cột bia lớn bằng đá trên có khắc bộ luật ấy.

Cột biua đá khắc bộ luật Hammurabi
Cột biua đá khắc bộ luật Hammurabi

Bộ luật Hammurabi đã nói tới hầu hết các vấn đề quan hệ kinh tế – xã hội đương thời: vấn đề gia đình, của cải, di sản, nô lệ, công xã,… Nhờ đó, chúng ta có thể hiểu biết thêm được tình hình kinh tế, xã hội của vương quốc Babylon cổ đại. Như một tác giả cổ đại đã viết, nền kinh tế nông nghiệp ở Babylon là “đời sống của đất nước”, cho nên nông nghiệp ở đây được hết sức coi trọng. Việc sử dụng rộng rãi công cụ làm bằng đồng thau, cùng với sự phát triển của công tác thủy lợi giúp cho nền sản xuất nông nghiệp có một năng suất cao.

Bên cạnh nông nghiệp, chăn nuôi cũng trở thành một nguồn lợi lớn. Ngựa đã trở thành gia súc, tuy rằng việc sử dụng ngựa trong vận tải và sản xuất chưa được rộng rãi.

Việc sản xuất thủ công cũng có nhiều tiến bộ về mặt kỹ thuật và đã vượt ra ngoài phạm vi của công xã. Ở các thành phố, đã xuất hiện những khu vực sản xuất thủ công. Các ngành dệt, làm da, đúc kim khí đã có truyền thống từ sớm, bấy giờ là những ngành phát triển nhất. Ngoài ra còn có các ngành làm đồ gốm, làm gạch, xây nhà, đóng tàu,…

Thương nghiệp ở Lưỡng Hà thời Babylon cũng tiến bộ rất nhiều. Sông và kênh đào là những đường giao thông rất thuận lợi để chở hàng đi khắp đất nước. Cùng với nội thương, ngoại thương lại càng có phần quan trọng hơn vì Lưỡng Hà nằm trên đường giao thông với thế giới và vì nhu cầu trao đổi sản phẩm lúc bấy giờ. Thương nhân trước kia chỉ là những kẻ kinh doanh cho nhà nước, nay đã trở thành những nhà kinh doanh riêng lẻ, có những người giúp việc, và tiến hành mua bán riêng với nước ngoài. Các thành phố Babylon, Sippar nằm trên vùng trung lưu Lưỡng Hà là những trung tâm thương mại rất lớn. Sippar còn là một trung tâm sản xuất len nổi tiếng. Ngoài ra, các thành phố Larsa, Nippur cũng là những nơi sản xuất và buôn bán quan trọng.

Các tài liệu ở thời kỳ vương quốc Babylon cũng nói tới nghề cho vay nặng lãi của những người giàu có; họ vừa cho vay, vừa buôn bán. Người vay thường là vay tiền (bạc) hay thóc lúa. Tỷ lệ lãi là 20%, có khi lên tới 33%, có lẽ vì giá thóc thay đổi tùy theo năm được mùa hay mất mùa.

Nông dân công xã là bộ phận đông đảo của xã hội. Họ vừa sản xuất, vừa nộp thuế, vừa làm nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước. Mọi đóng góp cho nhà nước đều bằng thóc lúa. Nhà nước Babylon, đứng đầu là vua Hammurabi, rõ ràng là trong khi bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị  – quý tộc, tăng lữ, thì cũng muốn ngăn ngừa nguy cơ bần cùng hóa những người dân tự do, nhất là nông dân. Vì nông dân là nguồn cung cấp binh lính, thuế má và là lực lượng sản xuất chủ yếu. Điều đó được bộ luật Hammurabi chứng thực.

Nhưng trong thế kỷ XVIII trước Công nguyên, nền kinh tế công thương nghiệp phát triển hơn, chế độ tư hữu được đẩy mạnh thêm một bước. Một số gia đình giàu có trong công xã bao chiếm được nhiều ruộng đất của nông dân. Về danh nghĩa thì nhà vua là người sở hữu tối cao mọi ruộng đất, nhưng những đất đai do nhà nước trực tiếp quản lý thì giảm đi so với trước. Nhà nước giao ruộng đất cho những người lĩnh canh có thể là quý tộc, tăng lữ, hay nhà giàu. Trên những đất đai đó, người ta sử dụng sức lao động của những tập thể nhỏ nô lệ. Người lĩnh canh phải nộp cho nhà nước phần lớn thu hoạch, thường là tới 2/3. Như thế, dưới thời kỳ Hammurabi, chế độ tư hữu phát triển, nhưng chủ yếu là phát triển quyền sở hữu của chủ nô hạng vừa và nhỏ; điều đó đảm bảo hơn cho sự tập trung quyền lực vững chắc của nhà nước.

Trong bộ luật Hammurabi có nói đến hai tầng lớp người trong xã hội là: Avilums và Mushkenums. Cả hai tầng lớp này đều là những người tự do, có tài sản tư hữu, nhưng quyền lợi xã hội thì không giống nhau. Avilums có nghĩa là trai tráng, là tầng lớp có đầy đủ quyền công dân. Còn Mushkenums có nghĩa là thần dân, là tầng lớp có ít quyền lợi hơn. Theo luật, nếu ai trộm cắp thì phải đền tiền; nếu lấy trộm của Avilums thì phải đền gấp 30 lần, còn nếu lấy trộm của Mushkenums thì phải đền gấp 10 lần thôi. Avilums không thể trở thành nô lệ, trong trường hợp lao động để trả nợ, họ cũng chỉ là những con tin. Luật phát cũng bảo vệ những người dân tự do bằng cách quy định thời hạn làm nô lệ vì nợ không được quá 3 năm.

Trong xã hội Babylon cổ đại, ngoài giai cấp nô lệ, là đông đảo những người tự do, những người nông dân công xã, thợ thủ công, binh sĩ, thương nhân, cả quan lại và quý tộc – nhưng địa vị xã hội của họ có khác nhau. Bộ luật cũng phản ánh sự phân hóa trong xã hội, làm cho nhiều nông dân nghèo phải biến thành nô lệ vì nợ.

Chế độ nô lệ trong vương quốc Babylon phát triển hơn nhiều so với thời Sumer – Akkad. Nô lệ vẫn là chiến tù hay là mua ở bên ngoài về. Giá mua nô lệ không cao lắm, chỉ bằng giá thuê một con bò, nghĩa là 168,3 g bạc. Nô lệ là tài sản của chủ nô, có thể đem bán, nhượng, để di sản, có khi cho thuê, thường bị đóng dấu lên mình. Trong thời gian chúng ta đang nói, nô lệ được sử dụng nhiều hơn trong sản xuất, nhưng thường thì mỗi chủ nô chỉ sử dụng 5 đến 7 nô lệ, nơi nào nhiều thì mới đến vài chục. Người sản xuất chủ yếu vẫn là nông dân công xã. Mặc dù đã phát triển nhưng chế độ nô lệ ở Babylon vẫn chưa thoát khỏi khuôn khổ chế độ nô lệ gia trưởng. Ở đây, người đàn ông có thể lấy nữ nô lệ làm vợ, con của họ sẽ trở thành dân tự do.

Bên cạnh những người nô lệ thực thụ, còn có rất nhiều người dân tự do phải lao động cho kẻ khác vì không trả được nợ. Điều đó làm cho quan hệ chiếm hữu nô lệ mở rộng, nhưng cũng làm cho tính chất của nó thêm phức tạp.

Vương quốc Babylon cổ đại
Vương quốc Babylon cổ đại

3. Đặc điểm của xã hội chiếm hữu nô lệ Babylon cổ đại

Nhìn chung, xã hội chiếm hữu nô lệ Babylon có những đặc điểm nổi bật dưới đây:

  • Sự phát triển của công tác thủy nông và của nền sản xuất hàng hóa đã đẩy mạnh sự phát triển của chế độ tư hữu về ruộng đất và của quan hệ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên sự phát triển của chế độ nô lệ cũng còn mang nặng tính chất gia trưởng.
  • Nền kinh tế về cơ bản vẫn là nền kinh tế tự nhiên. Đại đa số nông dân vẫn sống trong các tổ chức công xã nông thôn biệt lập, tự cấp tự túc như cũ. Mặc dù lúc này công xã gia đình đã trở thành đơn vị kinh tế quan trọng, nhưng công xã nông thôn vẫn giữ quyền quản lý các công trình thủy lợi. Trong quan hệ giao dịch, việc thanh toán bằng hiện vật còn giữ vai trò quan trọng bên cạnh việc thanh toán bằng tiền. Tình hình ấy chính là cơ sở để tiếp tục bảo tồn những đặc trưng của nền kinh tế tự nhiên.
  • Sự bảo tồn chế độ sở hữu ruộng đất của công xã, sự cần thiết phải củng cố và mở rộng hệ thống thủy lợi trên quy mô cả nước, yêu cầu bảo vệ đất nước chống những cuộc xâm lược của các bộ lạc, bộ tộc du mục hung hãn và hiếu chiến từ bốn phía xung quanh Lưỡng Hà tấn công vào, v.v… đó đã đặt cơ sở cho một chế độ chính trị chuyên chế trung ương tập quyền – chế độ chuyên chế kiểu phương Đông. Nhà vua Babylon tập trung trong tay vương quyền lẫn thần quyền. Vua là kẻ chỉ huy tối cao về các mặt quân sự, kinh tế, chính trị, đồng thời cũng là tăng lữ tối cao, thay mặt thần (thần Marduk) để trị dân. Nhà vua cai trị dân thông qua một bộ máy nhà nước quan liêu tổ chức chặt chẽ từ trung ương đến địa phương và một đội quân thường trực chuyên nghiệp mà nhiệm vụ chủ yếu là giúp vua trưng thuế má, sản vật trong nước và cống vật của nước ngoài.

Ở Babylon, thương nghiệp và nghề cho vay nặng lãi phát đạt hơn ở Ai Cập. Do đó mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ xã hội cổ đại Lưỡng Hà gay gắt hơn ở Ai Cập, mà lực lượng phòng thủ chống ngoại xâm lại rất yếu ớt. Người Amorite chẳng bao lâu mất dần địa vị ưu thế của mình ở trên lưu vực Lưỡng Hà. Sau khi Hammurabi chết thì vương quốc Babylon cổ đại dần dần suy yếu. Một số thành bang ở vùng Sumer và vùng Akkad thừa cơ nổi dậy giành lại độc lập; các bộ tộc du mục ở bốn phương ào ạt xâm nhập lưu vực Lưỡng Hà. Năm 1740 trước Công nguyên, người Kassites trước đây vốn ở vùng rừng núi phía đông, nay lại tiến vào xâm lược, chinh phục lưu vực Lưỡng Hà. Từ đó về sau, trong thời gian năm, sáu trăm năm, người Kassites dựng lên một vương triều để thống trị Babylon.

Với sự xâm nhập của người Kassites, ngựa và chiến xa cũng được đưa vào sử dụng ở lưu vực Lưỡng Hà. Trước đây, các nước phương Đông cổ đại chỉ dùng bộ binh tác chiến, rất ít dùng quân đội có tính chất cơ động. Việc sử dụng ngựa và chiến xa đã cải biến hẳn kỹ thuật chiến tranh thời cổ đại và tăng cường rất nhiều tính chất tàn khốc của nó (vào khoảng năm 1710 trước Công nguyên, người Hyksos cũng đã từng dùng ngựa và chiến xa để chinh phục Ai Cập. Xem thêm Ai Cập cổ đại cuối thời Trung vương quốc). Về sau sở dĩ một số nước đế quốc cổ đại ở Tây Á có thể đi chinh phục những miền xa xôi rộng lớn cũng là nhờ có chiến thuật dùng ngựa và chiến xa.

Vương quốc Babylon và triều đại Hammurabi – Lịch sử Lưỡng Hà cổ đại
– LichSu.Org –

Khám phá lịch sử Lưỡng Hà cổ đại

Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.