Sự thành lập vương quốc Israel và vương quốc Judea
Sự thành lập vương quốc Israel và Judea xảy ra sau khi vua Salomon chết, vương quốc của người Hebrew tách thành hai nước nhỏ độc lập ở hai miền Nam – Bắc.
1. Người Hebrew chinh phục Cannaan
Giữa Syria và Ai Cập là một miền cao nguyên có nhiều núi, hẹp và dài, đông giáp Tứ Hải và sông Jordan, tây giáp Địa Trung Hải, chiều dài từ nam lên bắc ước chừng 225km, chiều rộng từ đông sang tây ước chừng trên dưới 100km. Miền đó xưa kia gọi là Canaan, về sau vì có người Philistines ở đảo Crete đến xâm lược và định cư ở đấy nên mới đổi tên là Palestine.
Khoảng giữa thiên niên kỷ IV trước Công nguyên, tộc Semit ở Tây Bộ châu Á thiên di đến ở ven bờ biển Đông Địa Trung Hải, trong đó có một chi nhánh gọi là người Canaan đầu tiên định cư tại miền đất đai phía tây Tứ Hải và sông Jordan. Đến giữa thiên niên kỷ III trước Công nguyên, người Canaan đã từ chế độ công xã thị tộc tiến lên xây dựng nhà nước đầu tiên của họ có tổ chức chính trị của họ là thành bang. Cư dân ở đấy sống về nghề nông trên cơ sở tổ chức công xã nông thôn, nhưng đồng thời cũng còn duy trì lại khá lâu nghề chăn nuôi của họ. Do vị trí địa lý của nước họ nằm ở giữa Ai Cập và lưu vực Lưỡng Hà, nên người Canaan đã học được từ rất sớm văn tự, lịch pháp và công nghệ của hai miền trung tâm văn hóa cổ đại đó.
Giống như tình hình ở lưu vực Lưỡng Hà, miền bờ biển Đông Địa Trung Hải cũng là nơi nhiều bộ tộc hỗn hợp lâu ngày rồi đồng hóa với nhau. Vào khoảng cuối thiên niên kỷ II trước Công nguyên có một bộc tộc du mục khác của người Semit gọi là người Hebrew (hay còn gọi là người Do Thái) có tiếng nói gần giống với người Canaan, từ bên kia sông Jordan tràn vào lãnh thổ của người Canaan. Ban đầu người Hebrew cùng sống chung với người Canaan, nhưng về sau đã dần dần thay thế người Canaan làm chủ trên mảnh đất ấy. Họ chuyển sang đời sống định cư, làm nghề nông và chăn nuôi.
Khoảng giữa thế kỷ XVII trước Công nguyên, lúc này người Hyksos đang thống trị miền hạ lưu sông Nile, một bộ phận của người Hebrew thừa cơ xâm nhập Ai Cập. Người Hebrew đã giúp cho người Hyksos, thay thế tầng lớp quý tộc quân sự Hyksos thu thuế và áp bức người Ai Cập. Về sau, khi người Ai Cập lật đổ nền thống trị của người Hyksos, khôi phục lại đất nước, họ báo thù người Hebrew một cách tàn khốc và bắt người Hebrew làm nô lệ, cưỡng bức họ làm những công việc khổ sai. Sống trên bốn trăm năm ở đất Ai Cập, người Hebrew cuối cùng không chịu đựng nổi chính sách bạo ngược của người Ai Cập, họ nổi dậy khởi nghĩa. Năm 1225 trước Công nguyên, dưới sự lãnh đạo của thủ lĩnh của họ là Moses, họ trốn thoát ra khỏi đất Ai Cập.
Người Hebrew trốn ra khỏi Ai Cập, sống lưu lạc, phiêu bạt nhiều năm ở trên nhiều miền sa mạc của bán đảo Sinai. Vì sống một cuộc đời gian truân, người Hebrew càng tăng lòng tín ngưỡng tôn giáo. Họ cảm thấy cần thiết phải có tín ngưỡng tôn giáo để thắt chặt tình đoàn kết tương thân tương ái và duy trì cuộc sống của bộ lạc. Do đó, họ đề cao thần Jehovah là thần phù hộ bộ lạc cũ của họ thành thần tối cao. Moses đã dẫn những người trong bộ lạc của mình lên núi Sinai cùng nhau ước định Mười điều răn. Mười điều răn đó về sau trở thành những tín điều của đạo Do Thái và đạo Cơ Đốc và cũng có ảnh hưởng lớn đến đạo Hồi.
Vài trăm năm trước khi Moses dẫn dắt người của bộ lạc mình trở lên phương Bắc, thì đã có nhiều bộ lạc khác giống người Hebrew định cư ở miền Tây Tứ Hải và sông Jordan, bắt đầu chuyển từ đời sống du mục sang đời sống nông nghiệp định cư, cùng sống trà trộn với người Canaan. Lúc ấy, những người Hebrew trốn từ Ai Cập về lại xâm lược xứ Canaan: do đó xảy ra chiến tranh tàn khốc. Trong kinh Cựu ước của họ, người Hebrew không ghi chép lại một cách rõ ràng cuộc đấu tranh tàn khốc đó, nhưng có thể biết một cách chắc chắn rằng họ đã chinh phục được người Canaan. Về sau, qua một thời kỳ chung sống và đồng hòa với nhau lâu dài, người Hebrew và người Canaan đã hợp thành một bộ tộc.
2. Vương quốc Israel và Judea
Trong hai thế kỷ XII và XI trước Công nguyên, vì người Hi Lạp di cư xuống phương Nam đã chinh phục khu vực biển Aegea, nên một bộ tộc cư trú ở trên đảo Crete gọi là người Philistines mới vượt biển thiên di sang xứ Canaan. Để chống lại bộ tộc mới đến xâm lược xứ họ, người Hebrew đã phải chiến đấu và hy sinh rất nhiều. Cuối cùng họ đã dồn thế lực của người Philistins vào một khu đất hẹp ở miền ven biển.
Trong quá trình đấu tranh với người Philistins, ở xã hội người Hebrew đã xuất hiện một số quý tộc quân sự có thế lực. Họ cần phải đặt ra một cơ quan bạo lực để duy trì những đặc quyền của họ. Vào năm 1028, một thủ lĩnh quân sự là Saul được tầng lớp quý tộc chủ nô tôn lên làm vua: người Hebrew bắt đầu xây dựng nhà nước từ đó.
Vua kế ngôi Saul là David. Trong thời gian bốn mươi năm trị vì của David (1013 – 973), nền thống nhất của vương quốc người Hebrew được củng cố thêm một bước. David chọn thành của người Canaan lập trên đồi Zion (hay còn gọi Sion) làm thủ đô, đặt tên là Jerusalem và xây lên ở đây đền thờ thần Jehovah.
Dưới triều vua Salomon (hay còn gọi Solomon), con của vua David (973 – 933) vương quốc Hebrew đã đạt đến mức phồn thịnh nhất của nó, trên cơ sở chế độ nô lệ. Salomon ký kết đồng minh thương mại với thành bang Tyre của người Phoenicia, mở rộng hoạt động mậu dịch trên đường bộ và đường thủy. Ông đã tổ chức một đội thương thuyền, đi lại trên mặt biển Địa Trung Hải đến tận Tây Ban Nha. Ông ra sức vơ vét của cải, tiền bạc ở các nơi về, tăng cường bóc lột nhân dân trong nước, xây dựng nhiều cung điện xa xỉ và miếu vũ nguy nga.
Chính sách bóc lột của Salomon đã làm cho mâu thuẫn giai cấp trở nên sâu sắc và sự phân biệt giữa hai miền Nam – Bắc xảy ra. Sau khi Salomon chết, miền Bắc của vương quốc Hebrew tách ra, thành lập một vương quốc độc lập mới (năm 925). Như vậy là vương quốc Hebrew phân ra làm hai nước nhỏ: nước Israel ở miền Bắc, đóng đô ở Samari, và nước Judea hay Do Thái ở miền Nam, đóng đô ở Jerusalem. Về mặt kinh tế và văn hóa, kinh đô của nước Israel phồn thịnh hơn kinh đô của nước Judea.
Vận mệnh của hai nước Israel và Judea trong lịch sử không giống nhau. Năm 722 trước Công nguyên, nước Israel bị đế quốc Assyria thôn tính, vương quốc độc lập của người Hebrew chỉ còn sót lại đất Judea. Vương quốc Judea tồn tại được trên một trăm ba mươi năm nữa, đến năm 586 trước Công nguyên thì bị vương quốc Chaldea tức là vương quốc Babylon mới tiêu diệt. Từ đó về sau, người Judea gặp nhiều tai họa lớn, trước sau bị người Chaldea, người Ba Tư, người Macedonia, người La Mã lần lượt đến thống trị và áp bức nặng nề.
Người bình dân Judea phản đối sự bóc lột của vua và bọn quý tộc, yêu cầu cải cách xã hội. Yêu cầu đó được biểu hiện trong tôn giáo. Họ hy vọng xuất hiện thiên sứ (Messia) của thần tối cao (sau này là chúa cứu thế của đạo Cơ Đốc) là cầu nối giữa thần và người có khả năng xóa bỏ mọi sự bất bình đẳng trong xã hội để lập lên một xã hội mới công bằng hơn. Từ thế kỷ VIII trước Công nguyên trở đi, trong xã hội người Judea đã xuất hiện nhiều nhà tiên tri. Họ đề xướng việc tin theo thiên sứ của Jehovah sẽ xuất hiện trên trần thế để cứu vớt loài người. Giáo lý của những nhà tiên tri kết hợp với một số nghi thức tôn giáo cũ đã hình thành ra đạo Judea tức là đạo Do Thái.
Trong khoảng một nghìn năm từ thế kỷ XII đến thế kỷ II trước Công nguyên, người Do Thái trước sau đã ghi chép lại những câu chuyện thần thoại, những sự việc lịch sử, những phong tục tập quán và luật pháp cổ, mười điều răn của Moses, cũng như những lời nói của các nhà tiên tri, tập hợp lại thành kinh Cựu ước. Trải qua nhiều lần sửa đổi và thêm bớt, kinh Cựu ước đã trở thành quyển kinh thánh của đạo Do thái và cũng là một bộ phận của kinh thánh đạo Cơ Đốc.
Sau khi người Do Thái mất hết độc lập chính trị của họ rồi thì cuối cùng họ mới xác định giáo lý của họ. Nhưng về sau, đạo Do Thái chỉ còn là một chiêu bài để vận động người Do Thái phục quốc, chứ kỳ thật thì nó đã biến thành một công cụ để bảo vệ chế độ xã hội có giai cấp và đặc quyền của tầng lớp quý tộc.
Ảnh hưởng về mặt tôn giáo của người Do Thái đối với các dân tộc châu Âu rất rộng lớn và sâu sắc. Jerusalem là đất thánh của đạo Do Thái, mà cũng là đất thánh của đạo Cơ Đốc về sau này.
Sự thành lập vương quốc Israel và Judea – Lịch sử Trung Đông
– LichSu.Org –
Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông
Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại, phát triển và suy vong, Lưỡng Hà cổ đại và khu vực Trung Đông đã trải qua nhiều biến động thăng trầm, nhưng những giá trị về lịch sử của họ còn để lại đã góp phần cống hiến to lớn cho nền văn minh nhân loại ngày nay.