Vương Tôn Giả không quên lời mẹ dặn
Vương Tôn Giả không quên lời mẹ dặn là một chuyện xưa tích cũ, cho thấy tấm lòng tận trung với vua, hiếu nghĩa với mẹ của Vương Tôn Giả thời Tề Mân vương.
Người mẹ với tâm hồn cao quý và tấm lòng kiên trinh đã giáo dưỡng nên một Vương Tồn Giả tài trí, trung hiếu, coi thường công danh phú quý, để lại tiếng thơm cho đời.
Vương Tôn Giả người ở Thiểm Tây, cha là quan Thứ sử Vương Tôn Văn, sống vào thời Tề vương. Vương Tôn Giả từ bé đã có tiếng là thông minh khác thường lại có sự giáo dục kỹ càng của người cha – Thứ sử Vương Tôn Văn, nên mới lên năm Giả đã làu thông “kinh thi”. Đây là một bộ sách gồm những câu ca dao, những bài hát về đời nhà Thương, nhà Chu; gồm ba ngàn bài, được Đức Khổng Tử chọn lọc chỉnh đốn còn ba trăm bài. Lên bảy, Vương Tôn Giả lại học xong bộ “kinh thư”, cũng là bộ sách do Đức Khổng Tử sưu tầm và chép lại các phép tắc, những lời răn dạy, những mệnh lệnh của vua, từ Nghiêu Thuấn đến Đông Chu. Thứ sử Vương Tôn Văn rất quý đứa con trai này, và mong mỏi mai sau sẽ làm rạng rỡ cho họ Vương.
Thế nhưng chưa đầy một năm sau, trong một lần đi công cán cho triều đình trở về, người cha lâm trọng bệnh và qua đời. Cả một thời gian dài làm quan to, nhưng do quá thanh liêm nên cuộc sống của gia đình ông chỉ đủ sống. Và sau khi người cha không còn, thì cuộc sống hai mẹ con càng khó khăn hơn. Dù vậy, Vương Tôn Giả vẫn cố gắng dùi mài kinh sử.
Khoa thi năm ấy, chính vua Tề Mân vương làm chủ khảo. Bài thi của Vương Tôn Giả được vua Tề khảo sát. Kết quả Vương Tôn Giả đỗ đầu. Do quý trọng người tài, lại biết đấy là con của mệnh quan triều đình, nên Tề Mân vương liền phong chức tước cao cho ông. Công việc của ông là theo kề cận bên vua mọi nơi, mọi lúc.
Vào thời Tề Mân vương, tuy nhà vua có tài, mà đức lại không cao. Vì thế, trong nước thường xuyên xảy ra chiến loạn. Lần ấy, giặc dữ lại nổi lên khắp nơi. Chưa đầy nửa năm, bọn giặc đã đánh chiếm các vùng trọng yếu của đất nước, rồi tiếp tục đánh thẳng về kinh thành. Quân triều đình bị thua trận chạy toán loạn. Vương Tôn Giả có nhiệm vụ hộ giá vua Tề lánh nạn. Ông đánh đông dẹp tây; tả xung hữu đột, cố mở đường cho vua Tề thoát thân.
Lúc chạy đến nước Vệ, quân giặc quá đông, chúng lại biết trong đám quân nhếch nhác ấy có vua Tề, nên cố tình truy bắt cho bằng được. Chỉ lo đánh giải vây, ông lạc mất vua lúc nào chẳng hay. Chừng chiến trận tan, không thấy vua ở bên mình, ông nháo nhào tìm kiếm. Tìm mãi suốt mấy ngày liền, vẫn không thấy vua đâu, ông đi thẳng về nhà, lòng buồn rầu vô hạn.
Bà mẹ nhìn con trai thất thiểu một mình, một ngựa quay về. Bà hỏi con trai vua đâu. Khi nghe ông đáp, vì chiến trận náo loạn, lạc mất vua mỗi người một ngả, bà nổi giận dùng dùng và mắng rằng:
– Mày sớm đi, chiều về thì ta tựa cửa mà trông. Mày chiều đi mà tối không về thì ta tựa cửa mà trông. Vua trông bề tôi có khác nào mẹ trông con, mày làm tôi vua phải tận tâm “trung quân ái quốc”. Nay vua đi đâu mày chưa rõ lại bỏ về nhà, mày còn đáng mặt tôi trung sao! Chưa kể nếu vua có mệnh hệ gì mày nói thế nào với trăm họ muôn dân? Học hành chữ nghĩa nhiều để làm gì, mà một chữ trung cũng chẳng làm được, có còn đáng mặt nam nhi không? Ta cho mày biết, nếu không tìm được vua Tề thì đừng về đây gặp mẹ mày nữa.
Nghe mẹ phân tích giãi bầy, mắng mỏ; với lại ông xưa nay vốn là đứa con hiếu chưa khi nào dám cãi lời mẹ hoặc làm mẹ buồn lòng. Lần đầu tiên thấy mẹ tức giận mắng mỏ, lại thêm những lời giãi bày, phân tích chí tình chí nghĩa của mẹ, ông vừa đau lòng vừa hổ thẹn. Không đợi mẹ nói gì thêm ông nhanh chóng khoác bộ giáp vào người phóng ngay lên yên ngựa lên đường đi tìm vua.
Hai ngày sau, lúc ngang qua một hốc đá ông phát hiện vua Tề Mân vương đang ngồi tựa người vào đấy. Ông mừng rỡ lao tới. Nào ngờ vua Tề đã chết tự bao giờ. Những mũi tên tẩm độc của bọn giặc hung ác đã cướp lấy mạng sống của vua Tề. Ôm lấy xác vua Tề ông khóc ngất. Khóc vì đã không tận trung. Khóc vì từ nay đã thành đứa con bất hiếu.
Khóc đến chán chê, ông mang xác Tề Mân vương giấu kín vào hốc đá. Sau đó ông còn cẩn thận khắc dấu lên những thân cây quanh ngôi mộ tạm, chờ khi đất nước bình ổn, tự ông sẽ đến phát tang lớn theo đúng nghi thức của vua một nước. Xếp đặt đâu đó xong xuôi, ông trở về nhà quỳ trước mặt người mẹ chịu tội, cùng một lời hứa nhất định sẽ trả thù cho vua Tề. Người mẹ lạnh nhạt nói:
– Mày đã nói thì phải tự mà nhớ mà làm theo. Bằng như không làm được thì xem như ta đã chẳng sinh ra đứa con này. Là tôi bất nghĩa thì chắc chắn trong gia đình là đứa con bất hiếu.
Những lời dạy của người mẹ đã theo suốt Vương Tôn Giả trong nhiều năm dài. Vì lời dạy nghiêm khắc ấy, ông sẵn sàng nếm mật nằm gai, chịu đựng vất vả gian khổ, rong ruổi đi khắp nơi để vận động, hô hào anh hùng hào kiệt tập hợp lại tiêu diệt kẻ thù, trả thù cho vua Tề.
Ba năm sau ngày Tề Mẫn Vương bị sát hại, Vương Tôn Giả và toàn dân đã dẹp tan được giặc dữ. Họ cũng tìm được kẻ đã giết vua năm xưa, chém bay đầu chúng. Sau đó ông đưa người đến hốc đá có xác vua Tề, làm lễ táng trọng thể theo nghi thức của một vị vua băng hà.
Xong đâu đấy, Vương Tôn Giả tìm người trao ngôi vua, rồi trở lại quê nhà, bên cạnh mẹ hiền, sớm thăm tối viếng, phụng dưỡng tận tình cho đến ngày người mẹ qua đời.
Câu chuyện Vương Tôn Giả không quên lời mẹ dặn
– LichSu.Org –

Những câu chuyện xưa tích cũ hay nhất
Chuyện xưa tích cũ là những câu chuyện được người xưa ghi chép hay trích dẫn lại và truyền lại từ đời này sang đời khác dưới dạng điển tích, điển cố.
Ngoài câu chuyện Vương Tôn Giả không quên lời mẹ dặn kể trên, LichSu.Org còn giới thiệu đến các bạn những câu chuyện xưa tích cũ hay nhất, được chúng tôi sưu tầm, chọn lọc và biên soạn một cách kỹ lưỡng, giúp cho bạn đọc không chỉ hiểu hơn về các điển tích, điển cố của người xưa, mà còn có thêm những bài học ý nghĩa về cuộc sống.