Xã hội chiếm hữu nô lệ và chế độ tư hữu xuất hiện

Sự xuất hiện của xã hội chiếm hữu nô lệ và chế độ tư hữu

Xã hội chiếm hữu nô lệ và chế độ tư hữu xuất hiện đã đẩy mạnh quá trình tích lũy của cải cần có cho sự phát triển cao hơn của nền sản xuất xã hội.

Sự phát sinh xã hội chiếm hữu nô lệ

Dưới chế độ công xã nguyên thủy, không có sự bóc lột, sự thống trị, sự nô dịch giữa người này hay tập đoàn này đối với người khác hay tập đoàn khác trong xã hội. Sở dĩ như thế là vì của cải là thuộc sở hữu tập thể của thị tộc, bộ lạc không ai nảy ra tư tưởng bóc lột người khác. Trình độ sức sản xuất còn thấp kém, người ta phải lao động chật vật lắm mới đủ ăn, không ai sản xuất được của cải thừa để người khác có thể bóc lột được.

Bước sang thời kỳ xuất hiện đồ kim loại, do điều kiện sản xuất đã tiến bộ hơn, năng suất lao động trong các ngành cao hơn, lao động của mỗi người không những có thể đảm bảo được những nhu cầu tối thiểu cho đời sống của bản thân và con cái, mà còn có thể sản xuất dôi hơn một ít nữa, có thể làm ra được một số sản phẩm thặng dư. Do đó mà có thể nảy sinh hiện tượng người bóc lột người, tức khả năng chiếm đoạt sản phẩm thặng dư do người khác làm ra. Từ đó người ta bắt đầu nghĩ đến cách bóc lột sức lao động của những tù binh bị bắt trong chiến tranh, thuộc các thị tộc, bộ lạc khác. Trước kia thì tù binh có thể được nhận làm con nuôi của thị tộc, hoặc bị ăn thịt, hoặc bị giết chết, nhưng bây giờ thì họ được giữ lại trong thị tộc để lao động; họ đã biến thành nô lệ của thị tộc. Như vậy là chế độ nô lệ đã xuất hiện. Đó là hình thức áp bức bóc lột đầu tiên giữa người với người, đồng thời đó cũng là một bước tiến lớn của lịch sử, vì sự bóc lột lao động của nô lệ có tác dụng đẩy mạnh sự tích lũy của cải cần cho sự phát triển cao hơn của nền sản xuất xã hội.

Hình  thức xưa nhất của chế độ nô lệ là chế độ nô lệ gia trưởng. Trong chế độ nô lệ gia trưởng, người nô lệ phục vụ chủ yếu trong gia đình chủ nô. Khi chủ chết, nô lệ có thể trở thành một thứ tài sản để lại cho con cháu, cũng có thể bị chôn sống theo chủ. Nô lệ cũng được dùng trong công việc sản xuất. Tuy họ bắt buộc phải lao động nặng nề, song họ được chủ coi như đầy tớ trong gia đình, hay có khi tốt hơn, như một thành viên trong gia đình phụ hệ. Họ có thể lập gia đình riêng, có thể có chút ít của cải. Người nô lệ coi gia đình chủ là gia đình mình, coi mình là một thành viên trong gia đình chủ. Hôn nhân giữa người tự do và người nô lệ không phải là hiếm. Về thân phận, người nô lệ không thua kém người dân tự do nhiều lắm. Tuy vậy, về nguyên tắc, nô lệ thuộc quyền sở hữu của chủ nô, và chủ nô có quyền sinh, sát đối với nô lệ.

Chế độ nô lệ gia trưởng xuất hiện ở giai đoạn quá độ từ chế độ công xã nguyên thủy bước sang chế độ chiếm hữu nô lệ. Tuy nhiên trong các xã hội chiếm hữu nô lệ ở phương Đông (Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập, Babylon cổ đại,…) rất nhiều tàn dư của chế độ nô lệ gia trưởng còn được bảo lưu một cách dai dẳng.

Do năng suất lao động trong các ngành sản xuất kinh tế ngày càng được nâng cao, lúc này con người không cần phải tiến hành lao động với một tập thể đông đảo như trước nữa, trừ trường hợp đặc biệt như việc xây dựng và tu bổ các công trình thủy lợi hay các công trình lợi ích công cộng khác. Người ta đã có khả năng tiến hành lao động cá thể hay lao động theo từng đơn vị gia đình nhỏ mà vẫn đảm bảo duy trì và nâng cao đời sống. Sự xuất hiện và phát triển của nền sản xuất cá thể đó cùng với sự ra đời của chế độ nô lệ gia trưởng làm cho của cải tích lũy ngày càng nhiều trong tay một số tư nhân hay gia đình phụ hệ, thường thường là gia đình các tộc trưởng, tù trưởng hay bô lão, sử dụng được nhiều lao động của nô lệ.

Chế độ tư hữu xuất hiện
Chế độ tư hữu xuất hiện

Sự xuất hiện chế độ tư hữu

Lúc đầu, những của cải tích lũy được trong các gia đình chưa hẳn là đã thuộc sở hữu riêng tư của những gia đình ấy. Truyền thống của xã hội thị tộc thường buộc người ta phải đem san sẻ những của cải đó cho các thành viên khác của thị tộc hay bộ lạc theo tinh thần tự nguyện, và dưới hình thức của cải tương trợ, hoặc của cải đóng góp vào những việc công ích hay việc tế lễ. Về sau, của cải đó được dùng làm phương tiện để bóc lột lao động của kẻ khác: chế độ tư hữu ra đời từ đó. Lúc đầu là nô lệ, về sau là súc vật, nhà cửa, kho tàng và cuối cùng là một phần ruộng đất của công xã thị tộc lần lượt bị các gia đình phụ hệ nói trên chiếm hữu làm của riêng, trở thành những tài sản có thể đem bán, trao đổi hoặc để lại cho con cháu.

Nền sản xuất cá thể hay sản xuất theo từng đơn vị gia đình nhỏ, cùng với chế độ tư hữu mới nảy sinh trong lòng xã hội thị tộc làm cho các gia đình nhỏ ấy có thể sống riêng rẽ, do đó có xu hướng tách khỏi thị tộc lớn để đưa nhau đến một khu vực mới có điều kiện làm ăn sinh sống thuận lợi hơn. Nhiều gia đình như vậy thuộc những thị tộc và bộ lạc khác nhau, đến làm ăn sinh sống ở cùng một địa phương nhất định, kết hợp lại thành công xã mới, không có quan hệ bà con gì với nhau, nhưng có lợi ích kinh tế chung như sử dụng chung đất đai của công xã.

Nếu có một số gia đình nào đó có quan hệ dòng máu thì quan hệ đó hầu như không còn tác dụng gì nữa đối với cuộc sống của công xã mới. Quan hệ dòng máu trong xã hội thị tộc trở nên lỏng lẻo và phai nhạt dần. Thay vào đó là quan hệ kinh tế và địa vực hay quan hệ láng giềng. Do đó công xã mới gọi là công xã láng giềng hay cũng gọi là công xã nông thôn. Công xã nông thôn là “tổ chức xã hội đầu tiên của những người tự do không bị ràng buộc bởi quan hệ dòng máu” (theo Karl Marx).

Đây là hình thái xã hội quá độ từ chế độ công xã nguyên thủy sang chế độ xã hội có giai cấp, tức là từ xã hội dựa trên chế độ công hữu sang xã hội dựa trên chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất. Nếu dưới chế độ công xã nguyên thủy, mọi của cải đều là của chung, thì trong công xã nông thôn, đất đai, đồng cỏ, rừng rú, sông ngòi, ao hồ vẫn còn là của chung, nhưng nhà cửa, vườn tược, súc vật, hàng hóa và một bộ phận của công xã nông thôn là tính chất hai mặt của nó: một mặt nó còn duy trì chế độ sở hữu tập thể của công xã thị tộc về ruộng đất, mặt khác nó cũng bao hàm chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất mới nảy sinh. Công xã nông thôn chính là giai đoạn cuối cùng của chế độ công xã nguyên thủy. Tàn dư của nó tồn tại một cách dai dẳng dưới chế độ xã hội có giai cấp, đặc biệt ở các xã hội cổ đại phương Đông.

Trong thời kỳ tan rã của chế độ công xã nguyên thủy, chiến tranh cướp bóc hay tự vệ đã thường xuyên xảy ra, đặc biệt ở các vùng dân cư đông đúc mà thiếu đất đai. Ở đây mọi thành viên nam giới của thị tộc, bộ lạc đến tuổi trưởng thành, đều là chiến binh. Người lãnh đạo thị tộc đồng thời là thủ lĩnh quân sự. Mỗi bộ lạc hay liên minh bộ lạc đều có một số chỉ huy quân sự. Các thủ lĩnh hay chỉ huy quân sự có uy tín rất lớn, nhưng họ đều do đại hội các chiến binh bầu lên và có thể bị bãi miễn nếu họ tỏ ra không xứng đáng. Mọi vấn đề lớn của thị tộc, bộ lạc đều phải được bàn bạc và biểu quyết ở hội nghị các chiến binh một cách dân chủ.

Trong sinh hoạt hàng ngày, thị tộc và bộ lạc cũng tổ chức theo lối quân sự và luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chế độ xã hội đó gọi là chế độ dân chủ quân sự, thường xuất hiện ở giai đoạn tan rã của chế độ thị tộc, ở một số bộ lạc hay liên minh bộ lạc nhất định.

Xã hội chiếm hữu nô lệ và chế độ tư hữu xuất hiện
– LichSu.Org –

Leave a Comment

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.